![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
“Quái lạ, chồng gửi thư cho mình. Chuyện gì nhỉ?. Ở với nhau cả tối qua sao không nói, giờ còn bày đặt viết thư”. Ý nghĩ dồn dập đến với Hường khi cô mở ngăn kéo bàn phấn lấy túi đi làm thì bắt gặp lá thư chồng gửi.
“Gần chục năm lấy nhau anh chẳng chê bai hay trách cứ gì em cả. Chỉ phiền một nỗi dạo này anh cảm thấy em giống sư tử quá. Bố con anh tối đi học đi làm về ngồi vào mâm cơm cứ bị em quát tháo um cả lên, không quát thì cũng nói rõ to. Nhà mình ở chung cư, một câu nói to cả tầng nghe thấy. Thiên hạ chắc tưởng vợ chồng mình ly dị đến nơi nên tối nào cũng cãi nhau. Bữa sáng trước khi ra khỏi nhà, bố con anh lại được nghe “bài ca năm tấn” một lần nữa, hết cả dũng khí đi học, đi làm. Đề nghị em hãy ngừng đóng vai sư tử, kéo dài thế này chắc bố con anh sẽ ra thuê nhà bên ngoài sống cho yên…”, lá thư viết.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Đúng là dạo này Hường hay nói to với bố con nhà nó thật. Nhưng không thế không được. Chiều nào cũng vậy, 6 giờ dắt xe khỏi cổng cơ quan là Hường cắm đầu lao về nhà cơm nước cho kịp bữa tối 8 giờ ba bố con đi học, đi làm về. Có hôm tắc đường, cả nhà gần 9h tối mới được ngồi vào mâm, cái giờ mà thiên hạ đã ung dung ngồi rung chân xem tivi. Đã thế hai đứa trẻ con cứ chí chóe tranh nhau quyển truyện tranh, chẳng để ý gì đến ăn. Ông bố chúng cũng thế, vừa ăn vừa xem bóng đá. Cứ chiều theo cách kéo dài bữa cơm tối của mấy bố con, có hôm gần 11 giờ đêm Hường vẫn đang lục đục rửa bát.
Chiều tối hôm đó, dù biết rằng ông chồng mấy lần liếc xéo dò xét thái độ của vợ nhưng Hường vẫn bình thường như không. Cô chuẩn bị cơm nước đầy đủ rồi thông báo bắt đầu từ hôm nay cô nhận trực ca đêm thay cô bạn cùng cơ quan một tuần, nên cô đã ăn trước để đi cho khỏi muộn. Sáng hôm sau 6 giờ hết ca, cô về nhà chuẩn bị bữa sáng rồi kêu mệt đi nằm, kệ ba bố con ăn với nhau.
Được ba hôm như vậy, một buổi cô đi làm về, bà hàng xóm chặn lại hỏi thăm: “Cô Hường này dạo này cô đi đâu mà ít nghe tiếng thế. Tối nào cũng thấy bố nó quát tháo mấy đứa trẻ cứ như sắp vỡ nhà đến nơi. Bọn trẻ nhà cô còn hét tướng lên là bố bảo mẹ giống sư tử chứ bố cũng khác gì. Bên nhà tôi cứ là nghe rõ mồn một”.
Không phải đợi đến khi nghe bà hàng xóm nói, Hường mới biết mấy ngày nay chồng mình đang phải “đóng vai” sư tử bất đắc dĩ. Mấy sáng nay nằm trong buồng cô nghe đủ lời bố quát con, con mè nheo bố, cuối cùng chẳng ai ăn được ra hồn, muộn học, muộn làm ra khỏi nhà với cái bụng đói…
Một tuần trôi qua, lá thư “đính chính” trong hộc ngăn kéo Hường biết là sẽ không bao giờ có. Nhưng được chồng hiểu và thông cảm hơn thì cô chắc chắn.
Ngày tôi quyết định rước em về, ba mẹ phản đối. Mẹ còn "làm nư" bỏ cơm mấy ngày, bảo rằng không chóng thì chày sẽ xảy ra chuyện "ngựa quen đường cũ". Ba ậm ừ với lý lẽ của tôi, rằng cuộc đời ai cũng có lúc sai lầm. Làm gái bán cà phê không phải là điều xấu, huống chi bây giờ em đã "ưng" tôi, bến đậu cuộc đời đã thả neo rồi.
Bôn ba và tốn kém lắm tôi mới lo xong việc nhập khẩu cho em để hai đứa đăng ký kết hôn. Vì từ tám tuổi tới giờ, khi cha mẹ ly hôn, em hết sống cùng người chú này đến người cô nọ, rồi dì, cậu, họ hàng...
Ba mẹ hiếm muộn chỉ sinh được mình tôi. Vậy nên khi em sinh con, lại giống cha nó như tạc nên mẹ chồng đã chuyển ghét sang thương, lại còn vì em chăm chỉ siêng năng việc nhà. Em không phải đi làm, ở nhà với con để "đích tôn" của gia đình được bú mẹ thoải mái. Quý em đến nỗi, nhiều khi ba tôi còn phơi quần áo cho con dâu và cháu nội. Hàng ngày tôi và mẹ đi làm, ba đi chợ, giặt đồ…. Em nấu nướng và chăm con. Bức tranh gia đình thật hạnh phúc.
Ảnh minh họa.
Vậy là vợ chồng lớn tiếng với nhau, nóng nảy tôi có "tặng" em một bạt tai. Đêm đó, sau một ngày lao động mệt nhọc, tôi ngủ li bì. Em lục cục nơi phía tủ và sáng hôm sau cả nhà "tá hỏa tam tinh" vì em và con đã biến mất! Kiểm tra thấy tiền bạc không vơi nhiều, chỉ giấy tờ từ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ba mẹ vừa sang tên thửa đất đang ở cho hai vợ chồng và khai sinh con đều biến mất!
May nhờ cô em họ, cuối cùng tôi cũng "dò" ra nơi em đang trú ngụ. Hôm biết em ở Đồng Nai, xách xe đi tới trưa tìm ra nhà trọ thì chủ nhà bảo em vừa trả nhà sáng sớm, nghe nói đi Vũng Tàu. Định vị điện thoại, biết em ở xã X. huyện Y của xứ biển ấy, tôi phóng xe như điên gần tới nơi thì... điện thoại em đã tắt ngúm!
Phải thật lòng mà nói rằng tôi rất yêu em, dù cô em họ đi chung trong cuộc truy tìm này cứ bảo, thôi bỏ "đại" cho rồi, lấy vợ cà phê thì cũng có ngày... Nhưng tôi quyết không dễ dàng buông xuôi như vậy. Tôi muốn tìm em để có câu trả lời chính đáng: vì sao em bỏ tôi, có phải vì "ngựa quen đường cũ"?
Nghỉ đêm, nhưng tôi luôn trong tình trạng "sẳn sàng chiến đấu", chờ điện thoại em mở lên, có tín hiệu liên lạc là "xuất kích". Nhưng thuê bao không liên lạc được. Tám giờ sáng hôm sau, tôi gật gù thức ngủ thì cô em họ reo lên: Nickname của em sáng bừng sắc vàng, em còn úp hình con và em ở một nhà trẻ thuộc huyện Hóc Môn. Hơn ba trăm cây số trở về không phải là gần. Nhưng nếu tìm được nhà trẻ đó, tôi lấy gì chứng minh mình là cha của con tôi khi bao giấy tờ em đã "cuỗm" đi hết?
Mãi quá trưa mới đến nơi. Không dám "xông vào" nhà trẻ sợ đánh động em sẽ "điên" hơn và ẳm con đi tiếp. Tôi liền đến công an xã, nơi có nhà trẻ nọ tọa lạc để trình báo sự việc. Sau khi lấy lời khai, họ đề nghị tôi trở về địa phương xin xác nhận là thời điểm em đã bỏ nhà đi cùng mớ tài sản như vậy... như vậy... Tôi mệt mỏi và thất vọng lắm, nhưng cũng làm đúng yêu cầu của họ nhưng cuối cùng, ngày hôm sau tôi trở lại thì được tin: em không còn gửi con ở nhà trẻ thuộc xã đó nữa.
Tôi không biết làm sao bây giờ, đau tình cũng không ít, đau vì mất niềm tin lại quá nhiều. Không lẽ mọi người nói đúng, em đã "ngựa quen đường cũ"?
Chị yêu anh gần bảy năm mới kết hôn, khoảng thời gian đủ lâu để mòn khuyết tuổi thanh xuân trong những lo toan vụn vặt. Nhà anh nghèo, ừ thì có sao đâu, vì chị nghĩ con người ta chẳng ai được chọn lựa nơi mình sinh ra cả.
Thấy vai áo anh bạc màu vì mưa nắng mưu sinh chị thương không hết, nào để ý gì đến mấy lời khuyên can của gia đình. Anh vừa học vừa làm, sống nhờ trong một căn nhà ở ngoại thành, lại đèo thêm một đứa em học bổ túc cấp III. Chị theo anh về nhà chơi mấy lần, thấy mẹ anh ngồi hiền khô cuối giường nhìn các con cười, bố anh thì điềm đạm, chất phác, nói câu nào cũng thấy vừa tai. “Gắng chịu vất vả cùng anh vài năm đầu, rồi cuộc đời chúng mình sẽ khác”, nghe anh nói vậy, sao không thương cảm cho được. Chị tự an ủi, nghèo thì có sao đâu, ấm cúng vậy cũng đủ dùng cho suốt cuộc đời…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tối đó nhìn mẹ chồng thản nhiên ngồi ăn cơm, vẻ nhẹ nhõm vì vừa trút xong gánh nợ mà chị thấy ngôi nhà ấy, những con người ấy xa lạ vô cùng. Bố chồng thì chi li tính tiền, từ mấy chục mâm cỗ cho đến vài tờ giấy dán tường trong phòng cô dâu chú rể cũng không bỏ sót. Anh lúc đó mới ra trường, công việc chưa ổn định nên tiền nong không có. Khi vét những đồng tiền tích cóp cuối cùng đưa tận tay bố chồng, chị xót xa nghĩ… lẽ nào mình đã lầm?
Lấy nhau về mới biết bố mẹ chồng sống cùng một nhà mà như đã ly thân. Chuyện bồ bịch của bố chồng khắp làng trên, xóm dưới đều biết nên lúc còn yêu nhau, mỗi lần về thăm nhà, anh đều không cho chị tiếp xúc với hàng xóm. Giờ gạo đã thành cơm, chuyện nhà chồng cãi vã, đánh đập nhau như cơm bữa, chị nghe mãi cũng quen. Rồi anh quyết định thuê nhà rộng rãi hơn đón mẹ lên ở, chị không dám can ngăn. Mẹ chồng lên phố, không còn cái nụ cười hiền khô như lần đầu chị gặp, cũng chẳng còn vẻ mặt bình thản như sau hôm cưới nữa. Giờ thì đúng chất "mẹ chồng", cứ vắng anh là hạch sách đủ thứ, chê bai này nọ, chị cố nhẫn nhịn cho yên cửa yên nhà.
Một thời gian dài chị nghỉ việc chờ tìm chỗ mới, mẹ chồng nói bâng quơ: “Nhiều người sướng ghê, lấy chồng rồi chẳng phải làm gì, cứ quần là áo lượt suốt ngày”. Trong bữa cơm, mẹ giục anh “ăn nhanh đi kẻo hết”, chị không nuốt nổi miếng cơm, trốn vào nhà vệ sinh khóc vụng. Chưa kịp bảo anh khuyên mẹ thì anh đã thở dài: “Mẹ già rồi, có nói gì không khéo em cũng đừng chấp”. Nhà trọ chật chội, không nhẽ cứ ở nhà nhìn nhau mãi lại sinh chuyện, mấy lần chị hẹn bạn bè đi cafe cho khuây khỏa đầu óc. Vừa về đến cửa, đã nghe thấy tiếng mẹ đang gọi điện mách anh: “Thứ đàn bà gì không chịu làm ăn, suốt ngày chỉ lông bông đàn đúm”.
Chị về nhà ngoại vay vốn làm ăn. Ơn trời, việc buôn bán thuận buồm xuôi gió, chị lại vốn tháo vát, biết xoay xở nên kinh tế gia đình ngày một khá lên. Chị định tích cóp để mua đất làm nhà, ít ra cũng để nhà ngoại thấy cuộc sống của chị cũng không đến nỗi nào. Nhưng một hôm, đang trong bữa cơm, mẹ chồng bảo: “Bây giờ vợ chồng anh chị ấm no rồi thì đừng chỉ nghĩ đến mình, phải thương lấy các em”. Cái tình thương mà bà nói ở đây là xòe vài chục triệu ra xin việc cho đứa em gái học tại chức mới ra trường, là lo liệu đám cưới cho đứa em trai út đang làm con gái nhà người ta ễnh bụng. Chị lần chần. Tiền mình cực nhọc kiếm ra, đến mua cái váy mắc tiền cho bằng bạn bằng bè cũng phải đắn đo, sao cứ cho người khác mãi được.
Anh dỗ dành, bảo giờ bố mẹ không lo thì mình phải lo, chị chẳng muốn hiểu thứ nguyên tắc đó. Ngày xưa, lúc hai người làm đám cưới, không phải chị đã phải chi tiền đến từng gói tăm nhỏ đấy sao? Nhưng, chị chưa kịp nói hết câu, anh đã lừ mắt: “Cô đừng có hẹp hòi”. Chị hẹp hòi ư? Chị tưởng như mình bấy lâu sống dư dả lắm, không phải chi li từng chút một để dành tiền cho anh học cao học, để dăm bữa nửa tháng mấy đứa em ghé qua xin chút tiền tiêu vặt, hay thỉnh thoảng bố chồng ở quê bảo gửi về để đào ao thả cá, nuôi chim, nhưng kỳ thực là đi cho gái. Chị tưởng chưa bao giờ mình phải khước từ những cuộc họp mặt bạn bè, những vụ đi chơi xa hay đứng trước vài món đồ trang sức nho nhỏ cũng tự khất lần với bản thân chỉ vì muốn dành tiền mua cho anh cái xe tử tế. Lúc vừa chạy xuống cầu thang vừa khóc, bắt gặp ánh mắt mẹ chồng đầy đắc ý, chị đã rất muốn gào lên cho bao nhiêu uất ức nín nhịn trong lòng bấy lâu bung ra hết.
Anh chị lấy nhau được ba năm nhưng vẫn chưa có con. Điều đó trở thành một thứ vũ khí trong tay mẹ chồng, cứ không vừa lòng điều gì là lại vu vơ: “Đàn bà mà không có con…”. Câu đó khứa vào tim gan chị nhiều lần. Anh nghe mẹ bảo “đẻ không được thì đổi mái” cũng chẳng phản ứng gì. Chị đi khám khắp nơi, mọi chuyện vẫn bình thường, đôi lần giục anh đến bệnh viện thì anh không chịu. Chị đặt tờ giấy ly hôn trước mặt anh, nói không thể sống chung với mẹ được nữa, rồi đi…
Anh ở lại, chẳng biết nghĩ thế nào liền đi khám bác sĩ. Hai tuần sau, anh đi tìm chị, chìa tờ kết quả với gương mặt tuyệt vọng. Chị thương anh nhưng cũng tủi hận trong lòng. Bấy lâu những con người trong ngôi nhà ấy chắc không ít lần muốn ruồng rẫy chị. Để rồi bây giờ, vì chút tình thương còn sót lại, chị quay về để chịu đựng ư? Sao chị thấy cuộc đời bất nhẫn với chị quá. Nhưng, chị đã quyết rồi, chị không muốn sống cùng mẹ chồng để tránh làm tổn thương nhau thêm. Chị sợ đến một lúc nào đó mình không còn đủ kiên nhẫn chịu đựng. Anh như hiểu tình cảnh của mình nên để mẹ sang ở nhà chú út. Chị bình tâm trở lại, lao vào kiếm tiền chạy chữa cho anh.
Cứ tưởng mẹ chồng sang ở với nhà chú út thì yên ổn, thỉnh thoảng chị qua thăm nom, hàng tháng đưa thêm chút tiền để mẹ không phải thiếu thốn. Không ở được với nhau là sự chẳng đành chứ chị đâu phải người không biết nghĩ. Nhưng, được đâu hai tháng, mẹ chồng lù lù quay trở lại nhà chị, quả quyết: “Tao ở đây, chết cũng ở đây”. Chị chưa kịp phản ứng gì thì cô em dâu đã gọi điện khóc nức nở, kể lể sự tình. Em bảo vì mẹ không được hạnh phúc nên mẹ không muốn thấy các con dâu hạnh phúc. Mẹ tìm mọi cách chia rẽ gia đình. Mẹ hả hê khi thấy con trai mẹ bồ bịch bên ngoài. Mẹ cũng không ít lần đặt điều khiến em dâu bị chồng đánh đến thâm tím mặt mày. Giờ mẹ kêu bên đó phải bế cháu đau tay mẹ không bế nổi. Nhà em dâu bán hàng cơm, đôi khi phải dùng thức ăn không bán hết thì mẹ bảo: “Nó bắt ăn cơm thừa canh cặn”. Có nhờ mẹ vặt hộ mớ rau mẹ cũng than mệt hơn đi cấy ở quê.
Nhà chị trẻ con không có, mỗi việc cắm nồi cơm mẹ cũng kêu mệt kêu đau, việc gì cũng bảo: “Chị về mà làm, tôi biết đâu mà động tay chân”. Chị bỗng nhớ đến mẹ mình tần tảo sớm hôm, đến từng cọng rau xanh cũng đóng thùng gửi lên thành phố cho con có rau sạch để dùng. Nhiều hôm ốm, mẹ vẫn giấu các con, cố gắng đi làm. Mẹ lo toan trăm thứ trong lòng, nhưng mỗi khi thấy chị về là đều cố gắng để vui. Chị ứa nước mắt, cũng là đàn bà sao mẹ chồng chị không có một chút tần tảo, hy sinh? Cũng là đàn bà sao sống không thương lấy phận nhau? Sao cứ thích khứa vào lòng nhau những vết thương không cách gì lành nổi? Bỗng dưng chị thấy sợ những ngày mai…