Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện ra một hành tinh ngoài hệ mặt trời (ngoại hành tinh) đầu tiên được phát hiện bằng công nghệ tiên tiến của kính viễn vọng không gian James Webb. Nó nằm trong khu vực mảnh vỡ xung quanh ngôi sao TWA 7 vốn nằm cách Trái Đất khoảng 111 năm ánh sáng trong chòm sao Antlia.

Những tín hiệu bắt được của TWA 7b.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị hồng ngoại tầm trung của James Webb để loại bỏ ánh sáng chói từ ngôi sao chủ, từ đó phát hiện những vật thể mờ nhạt mà các phương pháp khác không thể nhận diện. Kỹ thuật này đã tiết lộ một ngoại hành tinh chưa từng được phát hiện trước đây, được đặt tên là TWA 7b, nằm trong khu vực mà các nhà thiên văn học dự đoán có thể tìm thấy hành tinh có khối lượng tương tự.
Độ sáng và màu sắc của TWA 7b phù hợp với các dự đoán lý thuyết về một hành tinh trẻ, lạnh và có khối lượng tương đương với Sao Thổ. Hình ảnh được công bố là ảnh ghép từ dữ liệu của Kính viễn vọng cỡ lớn (VLT) của ESO và MIRI của James Webb.
Hành tinh TWA 7 được đánh dấu bằng một vòng tròn và biểu tượng ngôi sao, trong khi màu xanh lam xung quanh nó thể hiện dữ liệu từ thiết bị VLT Sphere thể hiện trường mảnh vỡ xung quanh ngôi sao. Dữ liệu MIRI của James Webb được hiển thị bằng màu cam, trong đó điểm màu cam ở góc trên bên phải là ứng viên hành tinh mới TWA 7b, còn điểm màu cam khác ở phía dưới bên trái có khả năng là một ngôi sao nền không liên quan.

Hình ảnh ghép lại giữa các dữ liệu thu thập được từ VLT của ESO và MIRI của James Webb.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định, nhưng phân tích ban đầu cho thấy TWA 7b có khối lượng khoảng 0,3 lần khối lượng của Sao Mộc và nhiệt độ khoảng 47 độ C, nằm trong phạm vi có thể sinh sống được của Goldilocks. Khoảng cách giữa TWA 7b và ngôi sao chủ của nó gấp khoảng 50 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Nếu được xác nhận, đây sẽ là hành tinh nhẹ nhất từng được quan sát bằng kỹ thuật này bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta.
Nhóm nghiên cứu đã công bố những phát hiện này trong một bài báo trên tạp chí Nature, với tựa đề “Bằng chứng về một hành tinh cận Sao Mộc trong hệ TWA 7 trẻ”.