Biến chồng thành... “sư tử“

Không phải đợi đến khi nghe bà hàng xóm nói, Hường mới biết mấy ngày nay chồng mình đang phải “đóng vai” sư tử bất đắc dĩ.

“Quái lạ, chồng gửi thư cho mình. Chuyện gì nhỉ?. Ở với nhau cả tối qua sao không nói, giờ còn bày đặt viết thư”. Ý nghĩ dồn dập đến với Hường khi cô mở ngăn kéo bàn phấn lấy túi đi làm thì bắt gặp lá thư chồng gửi.
“Gần chục năm lấy nhau anh chẳng chê bai hay trách cứ gì em cả. Chỉ phiền một nỗi dạo này anh cảm thấy em giống sư tử quá. Bố con anh tối đi học đi làm về ngồi vào mâm cơm cứ bị em quát tháo um cả lên, không quát thì cũng nói rõ to. Nhà mình ở chung cư, một câu nói to cả tầng nghe thấy. Thiên hạ chắc tưởng vợ chồng mình ly dị đến nơi nên tối nào cũng cãi nhau. Bữa sáng trước khi ra khỏi nhà, bố con anh lại được nghe “bài ca năm tấn” một lần nữa, hết cả dũng khí đi học, đi làm. Đề nghị em hãy ngừng đóng vai sư tử, kéo dài thế này chắc bố con anh sẽ ra thuê nhà bên ngoài sống cho yên…”, lá thư viết.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đọc xong lá thư Hường thở dài nhẹ nhõm vì may quá không có chuyện gì xảy ra như cô lo lắng. Nhưng ngay lập tức sau đó, cô thấy máu nóng bốc lên mặt: “A, chồng giỏi thật, đã ví vợ với sư tử, lại còn đòi ra ngoài thuê nhà sống, mang cả trẻ con đi nữa”.
Đúng là dạo này Hường hay nói to với bố con nhà nó thật. Nhưng không thế không được. Chiều nào cũng vậy, 6 giờ dắt xe khỏi cổng cơ quan là Hường cắm đầu lao về nhà cơm nước cho kịp bữa tối 8 giờ ba bố con đi học, đi làm về. Có hôm tắc đường, cả nhà gần 9h tối mới được ngồi vào mâm, cái giờ mà thiên hạ đã ung dung ngồi rung chân xem tivi. Đã thế hai đứa trẻ con cứ chí chóe tranh nhau quyển truyện tranh, chẳng để ý gì đến ăn. Ông bố chúng cũng thế, vừa ăn vừa xem bóng đá. Cứ chiều theo cách kéo dài bữa cơm tối của mấy bố con, có hôm gần 11 giờ đêm Hường vẫn đang lục đục rửa bát.
Chiều tối hôm đó, dù biết rằng ông chồng mấy lần liếc xéo dò xét thái độ của vợ nhưng Hường vẫn bình thường như không. Cô chuẩn bị cơm nước đầy đủ rồi thông báo bắt đầu từ hôm nay cô nhận trực ca đêm thay cô bạn cùng cơ quan một tuần, nên cô đã ăn trước để đi cho khỏi muộn. Sáng hôm sau 6 giờ hết ca, cô về nhà chuẩn bị bữa sáng rồi kêu mệt đi nằm, kệ ba bố con ăn với nhau.
Được ba hôm như vậy, một buổi cô đi làm về, bà hàng xóm chặn lại hỏi thăm: “Cô Hường này dạo này cô đi đâu mà ít nghe tiếng thế. Tối nào cũng thấy bố nó quát tháo mấy đứa trẻ cứ như sắp vỡ nhà đến nơi. Bọn trẻ nhà cô còn hét tướng lên là bố bảo mẹ giống sư tử chứ bố cũng khác gì. Bên nhà tôi cứ là nghe rõ mồn một”.
Không phải đợi đến khi nghe bà hàng xóm nói, Hường mới biết mấy ngày nay chồng mình đang phải “đóng vai” sư tử bất đắc dĩ. Mấy sáng nay nằm trong buồng cô nghe đủ lời bố quát con, con mè nheo bố, cuối cùng chẳng ai ăn được ra hồn, muộn học, muộn làm ra khỏi nhà với cái bụng đói…
Một tuần trôi qua, lá thư “đính chính” trong hộc ngăn kéo Hường biết là sẽ không bao giờ có. Nhưng được chồng hiểu và thông cảm hơn thì cô chắc chắn.

Mắc nợ chồng

Em nghĩ kiếp này em đã mắc nợ anh, để kiếp sau mình lại làm vợ chồng, em sẽ trả nợ, có tính cả lãi...

Mẹ bị đột quỵ, hôn mê suốt cả tuần, nhà mình đang đau đớn chuẩn bị đón tin xấu thì kỳ diệu thay, mẹ tỉnh lại.

Mỗi ngày bác sĩ cho người thân vào phòng hồi sức một lần để chăm sóc mẹ. Anh nói em và chị Hai yếu đuối, để anh làm. Nhìn cách anh lau rửa, thay đồ cho mẹ, các bác sĩ cứ tưởng anh là con ruột. Sau ba tuần, mẹ được về nhà với nửa người bên trái hoàn toàn mất cảm giác.

Tối, anh và em trải chiếu nằm hai bên giường mẹ để trông chừng. Cả đêm mẹ đau nhức, vợ chồng thay nhau xoa bóp chân tay, lật trở đổi bên cho mẹ đỡ mỏi. Cứ hai giờ mẹ lại đòi đi tiểu, uống nước. Mới mấy ngày em đã chóng mặt, lên huyết áp vì cả đêm không ngủ được. Anh chị Hai và thằng út nuôi mẹ vài hôm cũng chịu không thấu. Chỉ có anh cần mẫn thức trông mẹ đêm này qua đêm khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nhà mình phải thuê người mát-xa và tập vật lý trị liệu cho mẹ. Được vài hôm, anh nhìn cách họ làm rồi làm theo. Anh kinh doanh chứng khoán nên bê luôn máy tính vào cạnh giường mẹ để làm việc. Cứ nửa giờ, anh lại ngưng công việc để trở lưng, xoa bóp cho mẹ. Mẹ đi vệ sinh, em và chị Hai hè hụi mãi mới đỡ được mẹ lên xe lăn. Anh thì làm rất nhẹ nhàng. Anh choàng tay mẹ lên vai, xốc nách để mẹ đứng tựa vào người, chân giữ chặt xe lăn, xoay nhẹ một cái là đã đặt mẹ ngồi vững trên xe. Mẹ vệ sinh xong, anh cẩn thận lau chùi sạch sẽ. Bác hàng xóm sang thăm, nắm tay mẹ ước ao: “Tôi có con rể vầy chắc tôi cưng dữ lắm. Cả trăm đứa chưa được một. Chị thiệt có phước”. Mẹ mỉm cười nhìn anh âu yếm: “Bốn đứa con của tui, chẳng đứa nào chăm sóc tôi được như nó. Nói thiệt, mấy lần đầu tui hơi mắc cỡ, nhưng rể nó nói “con là con của mẹ, có sao đâu”, nghe thiệt là thương”...

Đọc báo, thấy nói người già phải tập đọc chữ ngược, học tính toán cộng trừ để đầu óc minh mẫn. Cách đó không phù hợp với mẹ nên anh nghĩ ra cách khác. Anh hỏi mẹ: “Con nhớ hồi đó mẹ làm bánh xèo ngon lắm. Cách làm ra sao hả mẹ”. Mẹ nói từng chữ “nửa ký bột thì 600g dừa…”. Hôm sau anh lại hỏi: “Con thèm xôi vò mà vợ con không biết nấu, nấu sao cho ngon hả mẹ?”… Nhờ vậy mà mẹ rất tỉnh táo, còn nhớ được những chuyện xa lơ xa lắc.

Mẹ thương anh lắm, đến nỗi tài sản dành dụm để dưỡng già, mẹ dặn cả nhà để hết cho anh, không đứa nào được chia chác. Ai cũng nói em tu mấy kiếp mới lấy được anh làm chồng. Em thì nghĩ kiếp này em đã mắc nợ anh, để kiếp sau mình lại làm vợ chồng, em sẽ trả nợ, có tính cả lãi, để vợ chồng mình nợ nhau hoài hoài, nhé anh.