Kế hoạch dành dụm của vợ chồng trẻ

Chuyện dành dụm, chi tiêu đối với vợ chồng trẻ sao thấy khó khăn quá. Tại hoàn cảnh hay tại vợ không giỏi quán xuyến? 

Vừa trở về sau kỳ “hơ nỳ mun”, vợ chồng son đang bồng bềnh niềm vui hạnh phúc trong căn phòng tân hôn, vợ mặc chiếc váy ngủ mới, nép bên chồng, nhưng không phải để nựng chồng mà tra hỏi cặn kẽ về thu nhập của chồng nhằm lên kế hoạch chi tiêu dành dụm. Tội nghiệp, chắc lúc đó chồng sốc dữ, nhưng cũng đành hợp tác chiều lòng vợ.
Trên tay cầm quyển sổ chi tiêu đã sắm có chủ đích trước ngày cưới theo lời căn dặn của các “tiền bối”, vợ ghi lại chi tiết các khoản lương mềm, lương cứng của hai đứa rồi tính tính, chia chia xem với nguồn thu chừng đó thì chi hàng tháng bao nhiêu để vừa có tiền dành dụm. Như những cặp vợ chồng khác, mục tiêu lâu dài của chồng và vợ là mua được căn nhà nhỏ để xây cái tổ riêng tư.
Theo như tính toán thì nếu cứ duy trì được mức chi tiêu thế này thì khoảng 10 năm nữa vợ chồng mình có nhà. Nghĩ tới đó thôi là đã sướng rơn. Nhưng! đúng như chồng vẫn nói, chẳng phải việc gì cũng theo ý muốn của mình. Chuyện dành dụm, chi tiêu đối với vợ chồng trẻ sao thấy khó khăn quá. Tại hoàn cảnh hay tại vợ không giỏi quán xuyến? Những cặp vợ chồng mới cưới khác có giống mình không?
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Làm đám cưới vào cuối năm khi cái gì cũng đắt gấp đôi, số tiền mình dự trù sẽ có sau tiệc cưới vừa đủ chi trả mọi khoản cho đám cưới, chẳng dôi đồng nào để dành. Ngậm ngùi bảo nhau “Thôi, không phải bù thêm đã là may rồi”.
Sang tháng sau, lương bổng, thưởng Tết của hai vợ chồng cũng chẳng nhập vào tài khoản chung được mấy đồng vì phải sắm sửa, mua quà Tết biếu ba mẹ, cậu dì chú bác đôi bên và lì xì cho mấy đứa cháu, biếu riêng hai má chi tiêu ngày Tết…Vợ có mặt nặng mày nhẹ đôi chút nhưng nghĩ lại cũng phải thôi, Tết là phải chi nhiều. Vợ chồng quyết tâm sang tháng sau phải để dành được như đã thống nhất.
Thế mà vợ quên mất là qua Tết, cả hai đứa đều phải đóng học phí cho học kỳ mới. Cũng vì phấn đấu cho sự nghiệp tương lai mà cả vợ và chồng hàng tối vẫn phải đến lớp sau cả ngày đi làm vất vả. Ai cũng nói sao không để học xong rồi cưới, hai đứa đưa ra đủ lí do: nào là quen nhau quá lâu rồi, “ngâm” hoài coi chừng lại không cưới được, thiệt thòi con gái; nào cưới để ổn định cuộc sống, nào cưới xong đi học tiếp cũng được...
Hai tháng sau đó thật vui vì tài khoản chung cuối cùng cũng được mở và tiền vào đều đều. Nhưng tháng sau, chồng chẳng may bị va nhẹ trên đường đi làm. Chiếc xe vốn cũ kỹ giờ càng trở nên cà tàng không thể chấp nhận được. Vợ đã cười ngả nghiêng khi nghe chồng kể đang chạy được một đoạn thì phát hiện chùm chìa khóa đã rơi ra từ lúc nào, đành quay lại tìm. Khổ! xe cũ đến nỗi ổ khóa mòn, rớt chìa ra ngoài mà chạy vẫn được. Thầm nhủ cứ để chồng chạy xe cũ vừa nguy hiểm, lâu lâu phải sửa cái thắng đĩa, sửa cái bô…cũng bộn tiền, thà mua chiếc xe mới cho an tâm. Thế là số tiền chắt chiu hai tháng trời ra đi. Hơi buồn chút nhưng bù lại, vợ chồng sắm được tài sản quí giá đầu tiên.
Rồi những tháng sau, không chuyện phải học thêm khóa ngắn hạn phát sinh, chuyện điện thoại bị mất thì cũng là chuyện sắm sửa những thứ cần thiết trong nhà như tủ quần áo, nồi cơm điện, máy giặt…Chỉ tiêu tiền để dành hàng tháng rớt xuống còn một nửa, có khi chỉ còn 1/3. Quyển sổ của vợ tháng vẫn đầy danh mục các thứ phải chi tiêu sắm sửa trong khi cột thu nhập thì lúc nào cũng chỉ có hai gạch đầu hàng: lương chồng và lương vợ. May mà vợ chồng mình cái gì cũng rõ ràng, nên hai đứa ít khi nào cãi nhau chuyện tiền nong. Chỉ có vợ, vì không được như dự định nên mỗi khi về thăm mẹ lại thủ thỉ kể khó đủ đường, than thở biết đến chừng nào mới mua được nhà. Mẹ cười khuyên con gái chẳng có gì phải nôn, chịu khó làm lụng từ từ cũng có dư, mới cưới chưa được một năm mà đòi hỏi gì.
Ngẫm lại, vợ chồng mình còn chung sống với nhau cả đời, còn dài gấp mấy lần “kế hoạch 10 năm”. Vả lại cuộc sống của gia đình nhỏ chúng mình vẫn được vun vén để tiện nghi hơn, giàu có hơn, đủ đầy hơn mỗi ngày bằng tình cảm vợ chồng đấy thôi.

Mắc kẹt giữa làn đạn của chồng và người cũ

Họ vừa kêu gọi lòng cao thượng, sự nhân hậu của tôi, vừa ngầm ý đe dọa phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi mãi mãi...

Có một lần chồng tôi trong giây phút dịu dàng, nhẹ nhàng, ngọt ngào nhất hỏi tôi: “Nếu tự dưng có một hôm anh nói rằng anh có một đứa con rơi thì em nghĩ sao?”. Tôi giật thót cả người hỏi ngay: “Anh nói thế là thế nào”.

Chồng tôi cười giả lả: “Chuyện của bạn anh, nó nghe người ta nói là hồi trước khi nó lấy vợ, có người sinh cho nó đứa con rơi, bây giờ đứa con đó cũng đã lớn lắm rồi, lớn hơn con nó nữa. Nó đang rất bối rối, không biết nói sao với vợ”. Tôi vẫn nhìn anh dò xét nghi ngờ: “Chuyện của bạn anh thật không đó?”. Anh cười tự nhiên: “Trời, chứ chuyện của anh, dại gì mà anh nói với em thế này. Làm sao em không nghi ngờ. Anh đang hỏi em cho biết tâm lý phụ nữ thế nào để tư vấn cho bạn”. Tôi phân vân tự hỏi: “Có phải anh đang tung hỏa mù, nói lòng vòng?”, nên tôi cũng đặt cái bẫy: “Nếu anh ấy có con rơi lúc chưa lấy vợ thì chắc cô vợ cũng phải… thông cảm thôi. Biết làm sao”. Cái bẫy của tôi không tác dụng, chồng tôi gật gù, gật gù. Nhưng lòng tôi từ lúc đó quả thật bắt đầu không yên.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế mà cũng phải đến 5 năm sau, câu chuyện “thử lòng” của chồng tôi mới được chính thức lộ diện. Chồng tôi đã có một đứa con rơi với một phụ nữ ở tận Củ Chi, vào thời gian anh còn là sinh viên, về đó thực tập. Mối quan hệ thoáng qua giữa chàng sinh viên trẻ và cô thôn nữ ngây thơ tưởng không để lại dấu vết gì khi chàng sinh viên xong tháng thực tập, rời miền quê, thênh thênh trở về phố, học tiếp, yêu tiếp một tiểu thơ thành phố (là tôi) rồi ra trường, cưới vợ, sinh hai đứa con đẹp như thiên thần.

18 năm sau, trong một cuộc gặp tình cờ nơi quán nhậu, một người đàn ông cùng xóm của cô gái đã thông báo cho anh biết rằng anh có một đứa con ở quê. Nó năm nay đã 17 tuổi, và giống anh không thể nào tưởng tượng được. Ngay đêm đó, trong cơn cao hứng say ngây ngất của rượu, anh theo người đàn ông đó về tận Củ Chi, nhận vợ nhận con. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ nỗi kinh hoàng của mẹ con tôi hôm đó khi bắt đầu từ 10 giờ đêm, sau cuộc gọi với giọng lè nhè say của chồng thì máy anh ngoài vùng phủ sóng. Cho đến tận trưa hôm sau, anh từ cơ quan gọi về, thông báo rằng đêm qua xỉn quá, ngủ tại nhà bạn luôn. Đó chính là ngày anh vượt mấy chục cây số đường đêm về để nhìn mặt đứa con rơi và bắt đầu cảnh sống “Một kiểng hai quê” mà đến tận giờ này, hơn 5 năm sau tôi mới được biết.

Sau lần gặp mặt đó, anh bắt đầu chu cấp, động viên, tận tình hướng dẫn để thằng bé học hết 12 và thi đại học. Thế nhưng vốn không có nền tảng kiến thức cơ bản, lại không được chăm sóc dạy dỗ tốt nên thằng bé rớt đại học và ở nhà lêu lổng hai năm. Cho đến khi thằng bé có nguy cơ hư hỏng thì người phụ nữ đó, người âm thầm sinh con cho chồng tôi, nuôi con cho chồng tôi và âm thầm làm vợ hai của chồng tôi suốt 5 năm quyết không nhịn nữa. Cô ta muốn chồng tôi đưa con lên thành phố, nuôi dậy cho nó được “bằng hai em” là những đứa con của tôi, đang học hành giỏi giang, ngoan ngoãn và là niềm hãnh diện của chồng tôi, của gia đình. Và chính anh, như anh nói, xót thương, tội nghiệp thằng bé, cũng muốn nó được chính thức thừa nhận là con của anh và được hưởng mọi sự chăm sóc của anh bình đẳng với hai con của chúng tôi.

Khi gặp người phụ nữ đó, tôi cảm nhận thấy một nguy cơ hết sức kinh khủng: đó là âm mưu của người đàn bà đang bắt đầu nhen nhúm những tham vọng và của cậu con trai cơ hội. Họ “hợp đồng tác chiến” với nhau để gây sức ép với chồng tôi bằng nước mắt, những lời kêu ca tủi phận, những cơn đau tim xỉu lên xỉu xuống của người mẹ và bằng tâm trạng chán nản, bất mãn, bức xúc, nghi ngờ và trò giả bỏ nhà đi bụi của cậu con trai.

Giờ đây, tôi như người bị kẹt giữa hai làn đạn của chồng tôi và mẹ con người phụ nữ đó. Họ vừa kêu gọi lòng cao thượng, sự nhân hậu của tôi, vừa ngầm ý đe dọa phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi mãi mãi nếu tôi không chấp nhận cảnh chồng chung, con riêng. Tôi phải làm sao bây giờ? Chấp nhận cho chồng tôi công khai nuôi nấng chăm sóc một gia đình thứ hai, đứa con thứ hai hay… chia tay vì một quá khứ tưởng như không liên quan gì đến tôi?

Sao em không gọi sớm hơn?

Sau mười năm chung sống, đây là lần vợ chồng anh cãi vã nhiều nhất. Anh không kìm được nóng giận, mắng chị là “đồ vô văn hóa”. 

Chị không còn ngọt ngào “ông xã yêu” nữa mà thẳng cánh đuổi: “Ông ra khỏi nhà tôi!”.

Anh nổi nóng đùng đùng: “Ngày mai tôi sẽ đi khỏi nhà này”. Chị mỉa mai: “Vậy cám ơn anh nhiều. Khi nào đi nhớ báo giùm một tiếng”. Cưới nhau được 5 năm, anh chị chắt chiu cất được ngôi nhà nhỏ. Sở dĩ anh mang tiếng “ở rể” vì quê mãi ngoài Phú Yên, thương vợ nên theo về miền Đông lập nghiệp. Chuyện vợ chồng cãi nhau có nhiều lý do. Anh hay cằn nhằn, la mắng vợ con vì tật luộm thuộm, quần áo thay ra bạ đâu vứt đó. “Suốt ngày tôi đi theo lượm đồ cho các người, sắp thành thằng khùng rồi”. Nghe anh kêu ca, chị nói: “Chuyện nhỏ như con thỏ mà sao khó tánh quá, chắc muốn sống một mình”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện nhỏ hóa lớn, khi chị truy hỏi anh tại sao mỗi tháng không đưa đủ tiền chợ? Tiền bạc giấu đi làm chuyện gì? Anh giận dữ hỏi, chứ tiền mua máy giặt, thay xe máy mới, sắm ti vi màn hình phẳng... là ở đâu? Anh từ chối đưa vợ đi siêu thị vì bận họp cơ quan, chị gọi điện cho sếp của anh, báo anh không dự cuộc họp được, vì nhà có người dì... vừa mất. Anh chỉ mặt chị, mắng là “đồ bất hiếu, dì tôi còn sống kia, chết hồi nào?". Chiến tranh xảy ra, không còn cách gì dập tắt. Tối, chị la anh ngáy lớn quá, đuổi ra nhà ngoài. Anh nằm trên võng, vừa đập muỗi vừa gặm nhấm nỗi ấm ức dâng lên nghẹn cổ. Sáng, anh lôi chiếc ba lô ra, dọn đồ bỏ vô. Chị thản nhiên nằm ngủ. Hơn sáu giờ, anh tính bỏ đi, nhưng thấy cái sân dơ quá, nên kiếm chổi quét xoèn xoẹt. Anh chờ chị thức dậy để nói một lời cho hả giận, rồi ra đi, nhưng chị vờ ngủ, không cựa mình.

Họp tổng kết xong, anh lang thang ở nhà mấy người bạn. Họ ngạc nhiên thấy anh kéo chiếc va ly to đùng theo. “Bộ vợ đuổi sao ông?”. Anh chỉ cười buồn. Tối đó, không còn ai “chứa chấp”, anh tìm một nhà nghỉ, thuê phòng. Trong lòng, anh chờ đợi biết bao một tiếng chuông điện thoại. Trước đây, giờ này chị đã gọi hỏi “ông xã yêu chừng nào về nhà?”. Giờ chiếc điện thoại nằm im lìm trên chiếc giường xa lạ. Anh đã tự nhủ lòng, không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân này. Anh bị vợ coi thường quá rồi. Anh sẽ về quê, rồi tìm cơ hội chuyển công tác sau. Chỉ thương thằng con mới hai tuổi. Anh không thể mang con theo và cũng không có quyền ấy. Trộm con mang đi là phạm pháp. Nhưng anh yêu nó vô cùng. Nghĩ đến cảnh thằng Còi mỗi chiều chờ ba ngoài ngõ, miệng hỏi tía lia: “Ba âu? Ba âu?”, anh chảy nước mắt.

Suốt đêm trằn trọc không ngủ được, sáng sớm anh còn lần khân chưa muốn ra bến xe trước nhà nghỉ. Anh chờ chị gọi điện. Chí ít thì chị cũng hỏi anh đang ở đâu. Cả ngày và đêm qua làm gì? Có mấy cuộc gọi đi cà phê, đi thăm bạn bệnh, nhưng không thấy tiếng chuông riêng của vợ. Anh buồn rầu, lên xe. Tự nhiên anh muốn xuống xe, chạy về hôn thằng Còi một miếng, nói với nó rằng con ngoan nha, ba về quê nội đây. Xe đã chạy khá xa. Giờ này vợ đã dậy và chuẩn bị cho con ăn sáng. Sao vợ không gọi điện cho anh? Nếu bây giờ vợ gọi điện, chỉ cần nói thằng Còi nhớ ba lắm, là anh xuống xe quay về liền.

Về quê được hai ngày, anh mới nghe tiếng chuông điện thoại quen thuộc. Chị hỏi giờ anh ở đâu? Có về đưa hai mẹ con đi siêu thị được không? Anh thở dài. Muộn rồi em ơi, anh đang ở ngoài quê nội, cách xa mẹ con em mấy trăm cây số. Sao em không gọi sớm hơn?

Ghét và yêu

Vẻ ngoài chỉ là những lớp vỏ xù xì giả tạo vì sợ người khác làm tổn thương mình, chẳng biết tôi đã yêu anh từ khi nào.

Lần đầu gặp anh, tôi đã có một ấn tượng không tốt. Anh trông như một gã giang hồ với mái tóc dài chấm vai, nét mặt sân si và đôi mắt luôn trừng trừng như muốn khiêu chiến.

Tôi ghét anh ra mặt và không muốn làm việc chung với anh. Nhưng sự đời thường trớ trêu, càng tránh anh bao nhiêu thì anh lại gần tôi bấy nhiêu. Vì anh chuyên chạy việc vặt cho công ty còn tôi thì cần người phụ mình khuân vác.

Qua nhiều lần làm việc chung, tôi thấy anh hiền lành đến bất ngờ. Vẻ ngoài chỉ là những lớp vỏ xù xì giả tạo vì sợ người khác làm tổn thương mình. Dần dần tôi cảm thấy thích anh và chẳng biết đã yêu anh từ khi nào.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh không ngỏ lời yêu tôi như các chàng trai thường làm. Anh nhát đến nỗi chỉ biết buồn khi thấy tôi đi chơi với người khác, chỉ biết chờ khi không thấy xe tôi ngoài bãi giữ xe của công ty. Thậm chí gọi điện hỏi thăm tôi anh cũng nhờ cô đồng nghiệp làm giúp. Biết không thể ép anh nói câu yêu thương ngọt ngào nên tôi phải tự “trả lời” bằng cái ôm xiết sau lưng anh trong một buổi chiều tôi nhờ anh chở về.

Anh ngày đó rất nghèo. Tài sản quý giá của anh chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch, rỉ sét. Anh không đủ điều kiện để học cao hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy vậy anh luôn cố gắng làm việc vì muốn một tương lai tươi sáng hơn sau này nhưng vì không có tay nghề nên lương anh chỉ dừng ở mức đủ sống. Tôi cũng thế chẳng hơn gì anh ngoài chiếc xe máy được người bà con xa cho mượn trước rồi từ từ trả tiền lại sau. Vì thế khi yêu nhau, cả hai tự động viên nhau phải cố gắng hơn và lên kế hoạch cụ thể cho tương lai.

Chúng tôi cố gắng chăm chỉ làm việc và để dành tiền cho anh học một khoá nghề ngắn hạn trước. Sau đó, anh cố gắng xin và làm việc phù hợp với nghề được đào tạo dù mức lương rất bèo bọt. Nghề dạy nghề, từ từ có kinh nghiệm anh làm việc chỗ khác với mức lương khá hơn và xứng đáng hơn. Sau đó, đến phiên tôi học khoá nghề mình yêu thích rồi chấp nhận làm việc không lương trong vài tháng đầu để có kinh nghiệm. Cứ thế, chúng tôi từ từ tích luỹ và có một số vốn nho nhỏ sau bốn năm làm việc cật lực.

Hiện giờ, tôi và anh đã thành vợ chồng và có một cậu con trai kháu khỉnh, lanh lợi. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin với tình yêu chân thành và một quyết tâm vững chải, chúng tôi sẽ vượt qua hết mọi trở ngại và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.