Hãy cứ là tình nhân

Chị được rảnh rỗi làm thứ mình thích, chơi tới bến với người mình muốn yêu, vô tư khóc cười ngủ nghỉ mà chẳng ràng buộc vướng bận gì. Nhưng...

Chị trông trẻ hơn cái tuổi 37, nhỏ nhắn, tóc dài được cột hơi lệch sang một bên, dịu dàng. Sau khi ly hôn, con trai 14 tuổi sống với cha. Chị vẫn đi làm, công việc nhàn hạ, không bó buộc thời gian, lương cũng đủ sống. Hỏi sao không đi bước nữa để có người bầu bạn, chị cười hi ha: “Ngu gì, mình cứ ở vậy, cặp bồ cho nó sướng!”
Không phải nói chơi cho vui, chị quen một lúc vài ba chỗ, có mối ruột, có mối “sơ cua”, lên lịch cà phê, tiệc tùng tới tấp. Thấy ai vừa mắt là chị lúng liếng bật đèn. Thêm mối quan hệ cũng tốt, mất gì đâu! Không phải chị xấu tính hay muốn chụp giựt. Mà đời bây giờ, cọc đi tìm trâu cũng là bình thường. Đàn ông ít khi ngay lập tức chú ý đến một người phụ nữ như chị, nên phải phát tín hiệu cho họ biết. Cái câu "hữu xạ tự nhiên hương", xưa rồi. Cuộc sống đầy cạnh tranh, ngay cả trong tình trường…
Trải qua nhiều cuộc yêu đương dấm dớ, kiểu có cũng được, không có cũng chẳng sao, chị rút ra kinh nghiệm là bọn họ luôn sợ… trách nhiệm. Đừng tự biến mình thành vợ nhỏ, vợ hai, vợ bé của họ. Riêng chữ “vợ” thôi là cũng đủ để họ chết ghê, chẳng dám tiến xa!
 

Chị bảo, em không cần danh phận. Em cũng chẳng đòi hỏi anh phải lo toan bảo bọc em. Em thỏa thuận thế này. Đi ăn, em trả tiền. Đi uống nước, xem phim này nọ thì anh lo. Đừng ngắt lời em. Em biết là anh sẽ không đồng ý. Nhưng như thế em cảm thấy mình được tôn trọng, em có quyền chia sẻ tình phí với anh.
Giọng chị nhỏ nhẹ, hút hồn người đàn ông đang mơn trớn lên vai, lên cổ chị. Phụ nữ mà biết chuyện như vậy, không yêu mới lạ. Chị còn chủ động giao kèo thêm. Em không thích bị ai kiểm soát cuộc sống của mình. Em không chịu nổi cảm giác bị dò hỏi, tra vấn xem đã đi đâu, làm gì, với ai. Đương nhiên là em cũng sẽ hành xử như vậy với anh. Anh cứ thoải mái kết giao, tha hồ bạn bè. Em không ghen, nên anh cũng đừng ghen với em chi cho mệt, anh nhé.
Ôi, còn mong chờ gì hơn nữa! Họ sẽ có bạn tình mà lại chẳng tốn kém, lại không bị bó buộc. Chị tha hồ tận hưởng sự săn đón, dỗ dành, chăm chút… Những thứ mà cuộc hôn nhân cũ vốn thiếu vắng từ lâu lắm, khi cơm áo gạo tiền và vô số những bất hòa kéo đời sống vợ chồng tuột dốc không phanh. Chính chị cũng hài lòng với sự độc lập của mình. Làm người tình sướng lắm. Hẹn hò. Thèm khát. Giận dỗi. Mê mệt. Những cảm giác mà ngày xưa, khi còn bị vướng víu bởi tờ hôn thú tội nợ, chị đã ngỡ đời mình không bao giờ còn có cơ hội nếm trải nữa. Lập gia đình lần nữa ư? Xin đủ!
Nhưng thói đời, đàn bà nói hay hơn làm chủ được trái tim của mình. Dăm ba lần hò hẹn, chuyện tất nhiên phải đến, đã đến. Có hiện đại tới cỡ nào, dù đã là đàn bà một lửa đi chăng nữa, thì sau khi thuộc về ai đó, chị sẽ ít nhiều có cảm giác thèm được sở hữu. Chị khó chịu khi hình dung, họ “thỏa mãn” xong là quên ngay chị, vội vã trở về với cuộc sống thật sự của mình, tất bật, loay hoay, léo xéo tiếng vợ con… Chị muốn người ấy khi tàn cuộc ra về thì nhắn tin… vấn an, hỏi han xem chị cảm thấy thế nào, muốn họ để mắt đến cuộc sống của chị. 
Nhưng dường như họ cố tình quên mất, chẳng có ai đợi chị ở nhà để nấu một bữa ăn, cãi cọ vớ vẩn. Chị không chịu nổi cảm giác bị bỏ mặc, ghé tiệm nhơi mãi đĩa cơm bụi, khóc một mình khi bị sếp la, thao thức mãi trong cơn mưa đêm bất chợt đổ ngang thành phố… Chị cũng là người, cũng có niềm vui nỗi buồn, đâu phải chỉ biết mỗi việc… làm tình! Ăn xong quẹt mỏ như gà là điều mà không người phụ nữ nào chấp nhận nổi, huống gì chị, đã “cháy” hết mình trong mỗi cuộc chơi, những mong người đàn ông kia nhận ra chị đúng là tình nhân đích thực của mình...
Dần dà, chị nhận ra điều trớ trêu là không phải đàn ông nào thấy chị đang tự do cũng đều háo hức. Họ e dè khi biết chị không có vướng víu gì, có thể đi thâu đêm mà chẳng cần phải báo cáo. Họ kín đáo dành cho chị cái nhìn dò xét. Kiểu như “Cẩn thận kẻo phiền, đằng ấy đâu còn gì để mất, chứ mình thì có thứ để sợ à nha”. Một người đàn bà tinh ý như chị, đương nhiên là phải nhìn ra thông điệp bẽ bàng ấy. Cũng phải thôi, xã hội dù có tiến bộ tới đâu, thì người ta vẫn tự trói đời mình bằng những suy nghĩ kiểu như bỏ chồng hay chồng bỏ thì vẫn là lỡ một lần đò, có hay ho gì đâu mà khoe ra, tự hào!
Cuộc vui có kéo dài thì cũng sẽ nhạt dần, bởi ở tuổi này, còn được mấy người đàn ông vô tư mà tung tăng mãi với chị. Dù trước mặt thiên hạ, chị vẫn tự tin khi lên hát ở quán quen, áo đầm mềm rượi, lấp ló nội y khêu gợi. Chị khẽ nhắm mắt, nhả từng từ nũng nịu. Hãy cứ là tình nhân, để tháng ngày hoa mộng, để hẹn hò yêu đương, và khắc khoải chờ nhau… Cử chỉ trễ nải đến khó cưỡng. Đàn bà liếc xéo, giấu nỗi bực bội vào trong ánh mắt bàng quan. Đàn ông, chăm chú có, ngạc nhiên có, run rẩy có, nao nức có...
Nhạc dạo tới đoạn, Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng… đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán, chị hả hê nhìn xuống. Kia, người tình đương nhiệm của chị đang bận ngó quanh, tăm tia một em khác, cỡ U30, tất nhiên là trẻ trung, hở hang hơn chị. Mà chị thì, lỡ đóng vai chịu chơi, hiện đại, bất cần rồi, nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Cũng như chị từng phải nín nhịn khi thấy gã túc tắc trả lời điện thoại cho một cô khách hàng nào đấy, ngọt lịm, rằng bữa nào anh em mình đi cà phê, tìm hiểu kỹ hơn hợp đồng xem sao. Ừ thì công việc của anh nó vậy, yêu là phải tin. Nhưng chỉ niềm tin thôi, liệu có đủ?
Chị giật mình nhớ ra, mình đang ở trạng thái “mở”, khả năng bị trai lạ dòm ngó cũng không phải là ít. Thế nhưng, sao chị hiếm thấy anh ta lo lắng, bất an, ghen tuông như chị. Chỉ riêng chị đã bị cảm giác muộn phiền bắt đầu đeo đẳng. Sự tự tin, nỗi kiêu hãnh độc thân đang dần trở thành sự cô đơn trống trải, sau mỗi cuộc vui tạm bợ đâu đó…
Chị soi mình trong gương. Mới có vài năm tự do làm “tình nhân” thôi, mà sao chị đã thấy nét vui tươi, lạc quan ngày đó dường như hao hụt nhiều. Đôi ba lần phải đặt thuốc phụ khoa vì viêm nhiễm, may mà đã đặt vòng, không thì chẳng biết còn tới đâu… Chị được rảnh rỗi làm thứ mình thích, chơi tới bến với người mình muốn yêu, vô tư khóc cười ngủ nghỉ mà chẳng ràng buộc vướng bận gì. Nhưng, như thế này hình như đâu phải là đời thực, bởi nó cứ lềnh dềnh, vô nghĩa sao sao ấy…

Vợ là tín đồ phong thủy

Tin là nhờ vào sự thay đổi phong thủy, em ngày càng lấn lướt.

Đi làm về, thấy em hì hụi xê xê, nhích nhích chiếc tủ lạnh, anh biết ngay em lại vừa nhận chỉ đạo từ xa. Mặt em tươi rói: “Anh, giúp em chuyển tủ lạnh sang bên kia”. “Chuyện gì nữa đây?” - anh hỏi. Em dừng tay, vẻ nghiêm trọng: “Biết sao tuần trước vợ chồng mình gây nhau không?

Là do bố cục nhà bếp không hợp phong thủy”. Em huyên thuyên giải thích, vừa rồi kể cho mẹ nghe chuyện hai đứa gây nhau, mẹ bỗng dưng hỏi… cái bếp gas để đâu. Biết bếp gas… bị kẹp giữa tủ lạnh và bồn rửa chén, mẹ la toáng lên: “Trời ơi! “thủy hỏa bất tương dung”, lửa bó buộc giữa hai luồng nước, hơi khí nóng không thoát được, sao nhà cửa êm ấm đây?”. Anh chỉ còn biết thở dài.

Những lúc quá khó chịu, anh lựa lời góp ý là em giãy nảy: “Anh muốn tai ương đổ xuống nhà mình phải không? Bất hạnh, xung đột trong gia đình xảy ra đều là do nhà cửa, vật dụng bố trí không thuận hợp. Anh không biết gì thì cứ nghe lời em đi”. Em viện dẫn, năm ngoái, chuyện anh đến thăm cô bạn cũ đang ốm nặng, bị đồn ầm thành anh ngoại tình khiến chức trưởng phòng thuộc về tay người khác, là do giường ngủ của hai vợ chồng đối diện với tấm gương tủ quần áo, hỏi sao không lục đục. Nghe lời em chuyển dịch chiếc giường, rồi không hiểu em đúng hay sự thật anh vô tội mà lời đồn đoán bỗng dưng không còn. Tin là nhờ vào sự thay đổi phong thủy ấy, em ngày càng lấn lướt. Cứ dăm bữa nửa tháng, nếu không nhích vật này sang phải một chút, kéo vật kia sang trái nửa bước chân hay xoay đổi chiều hướng chiếc giường, cái bàn, chiếc tủ… để tránh tai ương thì y như rằng, em ăn ngủ không yên. Rốt cuộc, có lần đứng từ ngoài nhìn vào, anh không khỏi ngao ngán thấy trong nhà vật dụng ngổn ngang, chương chướng, không gian sinh hoạt ngày càng teo tóp lại.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tất cả những thay đổi đó em đều nghe theo chỉ đạo của mẹ. Mẹ sống ở quê, cách hơn 500 cây số nhưng các con xảy ra chuyện gì, thể nào dăm bảy phút sau bà cũng biết. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, có tình, có lý, mẹ lại “đổ vấy” mọi chuyện cho nguyên nhân là từ cách trang trí nội thất. Mẹ yêu cầu chúng mình phải xê nhích vật dụng này, món đồ kia sao cho hợp phong thủy. Nghĩ chuyện tuần rồi mà lòng anh còn giận. Nửa đêm cu Bin sốt cao phải nhập viện, trong khi anh phải nghỉ việc chăm con thì em bận đi kêu thợ về đóng bít cánh cửa vì: “Mẹ bảo cửa sổ phòng con gần trụ điện cao áp, luồng “khí xấu” từ trụ điện ùa vào “bắt” bệnh nên phải đóng lại”. Đôi khi, anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy mẹ dù ở xa, vẫn am tường nơi chứa đựng, đặt để từng vật dụng trong tổ ấm của mình. Đến chiếc mũ bảo hiểm anh hay mắc sau cánh cửa mẹ cũng biết, rồi dặn: “Cửa nhà phải thông thoáng để đón luồng “khí tốt”, đừng treo móc vật gì lên đó gây cản trở nghen con!”.

Sau đận mất chiếc ghế trưởng phòng ấy, tư thế ngủ của anh cũng bị đem ra mổ xẻ. Thì ra mẹ nhỏ to dặn dò con gái: “Đừng để nó nằm thế còng queo. Tướng ngủ mà cong cong, co ro trông khổ sở vậy biểu sao đường công danh thẳng thớm cho được!”. Không biết bao nhiêu đêm đang ngon giấc, anh bị em lay: “Anh lại nằm cong kìa!”. Bực bội, giận nhưng không thể trách được em bởi anh biết, em cũng đang mất ngủ vì lo canh giữ… thế ngủ ngay cho chồng. Sự nghiệp thăng tiến, công danh rạng rỡ đâu không thấy, chỉ thấy hai đứa đều gầy sọp, mắt thâm quầng, phờ phạc vì triền miên thiếu ngủ; công việc thì trễ nải, năng suất sút giảm...

Chuyện mua đất, xây nhà cách đây ba năm đến nay nhớ lại, anh còn rùng mình. Suốt hai tháng ròng, ngày nào hai đứa cũng ăn vội bữa cơm trưa rồi đội nắng đi xem đất. Mua được miếng đất đúng ý mẹ đã trần ai, chuyện xây nhà còn khủng khiếp gấp bội: “Xây nhà phải nở hậu, đúng hướng; cửa chính tránh chiếu thẳng vào nhà bếp mới êm ấm, thịnh vượng…”. Đồng ý với em, việc bố cục, bài trí, xây dựng nhà cửa là quan trọng; nhưng có cần thiết phải tuân theo như một tín đồ đến mức đôi giày cũng phải để sao cho “đường đời êm ái” không em? Anh nghĩ mãi không biết cuối cùng là mình nên thay đổi vật gì để em có thể nhận ra sự mệt mỏi, chán ngán của anh...

Nhân tình chồng đến van lạy vợ

Đất dưới chân chị như sụp xuống. Chị còn không biết bám víu vào đâu, huống hồ cô gái ấy...

Cơn mưa bất ngờ kéo đến. Chị đi làm về hốt hoảng khi thấy một bóng người nằm thu lu ngay trước cổng nhà mình, một cô gái khá trẻ tầm đôi mươi, mặt mũi tím tái.

Chị dùng hết sức mình đưa cô gái vào nhà. Sau khi được chị thay bộ đồ khô ráo và nấu cho bát cháo, cô gái dần dần tỉnh lại. Chị ân cần hỏi han tên tuổi, gia cảnh. Chị bảo để chị gọi người thân, bạn bè đến đón. Cô gái không trả lời, chỉ có đôi dòng nước mắt. Chị đinh ninh cô bé này gặp chuyện gì đau buồn lắm. Chị thấy thương quá đỗi. Chị cứ để cô gái khóc xong mới toan hỏi. Nhưng khi chị chưa kịp nói điều gì, thì cô gái đã quỳ thụp dưới chân chị mà vái lấy vái để. Chị hoang mang không hiểu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lẫn trong những tiếng nói ngập ngừng, đứt quãng bởi tiếng nấc nghẹn, chị hiểu được câu chuyện. Cô bé tên Loan, năm nay 19 tuổi, đang là sinh viên một trường đại học trong thành phố này. Nhà nghèo, Loan sớm đi làm thêm, phụ việc cho một quán cà phê. Ở đây, Loan gặp gỡ và có tình cảm với một người hơn tuổi. Với những hứa hẹn trên mây, với tâm hồn đầy chất lãng tử của người đàn ông ấy, Loan nhanh chóng rơi vào cạm bẫy tình yêu. Tuy biết người ấy đã có vợ con, nhưng thương người ấy phải sống với người vợ bệnh tật, ốm yếu, Loan muốn bù đắp cho người đàn ông cô yêu. Đến khi Loan biết mình có bầu, thì người đàn ông đó đã cao chạy xa bay. Loan đã cố tìm gặp nhiều lần mà không được. Gọi điện cũng thấy thuê bao ngoài vùng phủ sóng.

Loan nói giờ ốm nghén không thể đi học sợ bạn bè biết. Tiền nong thì cạn kiệt dần. Trong cơn bấn loạn và tuyệt vọng, Loan đến nhà người đàn ông đó mong tìm được một lối thoát, một hướng giải quyết. Chị như đứng tim khi Loan nói người đàn ông đó là chồng của mình. Tai chị như ù đi. Chị choáng váng, tay bấu vào thành ghế.

Chồng chị, người đàn ông chị hết mực yêu thương, người cha mẫu mực của các con chị. Chị hy vọng tất cả chỉ là hiểu lầm. Nhưng không, khi Loan chỉ đúng vào chồng chị trong ảnh. Bức ảnh anh chụp cùng nhiều người trong công ty. Anh đi công tác từ đầu tuần, đến tuần sau mới về. Chị cuống cuồng bấm số anh, mong một lời phủ nhận. Nhưng chỉ sau câu hỏi, đầu máy bên kia đã vang lên những tiếng tút tút dài vô tận.

Chị hoang mang không biết phải làm sao. Đánh cho kẻ cả gan cướp chồng chị đang van xin, khóc lóc kia một trận cho hả dạ, hay mua vé bay đến thẳng chỗ anh công tác mà làm loạn lên? Đất dưới chân chị như sụp xuống. Chị còn không biết bám víu vào đâu, huống hồ cô gái ấy...

Gái ngoan

Để nhận được lời khen đó, em dần đánh mất chính mình. Và anh cũng chẳng còn là anh nữa. 

Anh vẫn hay khen em như thế. Khỏi phải nói, em sung sướng, hỉ hả làm sao. Anh khen vì em biết vâng lời, dù những yêu cầu của anh chẳng phải lúc nào cũng hợp lý. Anh khen bởi em nhẫn nhịn, dù không ít lần, anh quá đáng, thiếu quan tâm, thậm chí thiếu tôn trọng em. Em bực mình anh, cũng chẳng dám nói. Em hờn giận anh, cũng không tỏ thái độ ra mặt…

Em đã nghĩ đó là tình yêu. Yêu là cho đi, là hy sinh, là quên mình. Yêu có nghĩa là thỏa hiệp với những tâm tính thất thường của người yêu, là chín bỏ làm mười, là củ ấu cũng tròn…

Để nhận được lời khen đó, em dần đánh mất chính mình. Và anh cũng chẳng còn là anh nữa. Khi người khác dễ dàng bỏ qua những sai trái của mình, anh dần tự mãn với sự ngang ngược, trở nên ít biết trân trọng, càng chẳng biết nâng niu, chăm chút những gì đang có. Anh quen với sự trịch thượng, gia trưởng và hay bắt lỗi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Phần em, mải miết với ảo tưởng “gái ngoan” theo chuẩn mực của anh, em đã làm cho sự hấp dẫn của mình giảm đi, sự cuốn hút và độc lập của mình ngày càng ít lại. Em thiếu tự tin vào bản thân, làm điều gì cũng chờ đợi ánh mắt anh, chờ một câu khen. Em sẵn sàng bỏ chiếc áo mới mình thích, đơn giản vì anh nói cái màu đó anh không ưa. Em cắt phăng mái tóc dài mượt mà của mình, vì anh bảo trông nó… hơi quê quê, em hợp với vẻ đẹp hiện đại hơn, dù tóc xoăn xoăn nhuộm màu chưa bao giờ là lựa chọn của em...

Em cũng không dám la cà ăn vặt như xưa, vì anh cho rằng gái ngoan không bao giờ làm thế. Em không dám phản kháng hay thậm chí nêu ý kiến gì, đơn giản vì sợ anh phật ý, cho là em “không ngoan”, ngay cả khi anh nhậu nhẹt say sưa quá đà, điện thoại cho em lè nhè cả buổi. Khi anh quyết định bỏ việc mà không bàn bạc cùng em, em cũng chẳng lên tiếng. Để rồi cuối cùng, cũng vì chữ “ngoan” mơ hồ ấy mà em nhẫn nhịn không dám hắt ly nước vào anh, khi tình cờ bắt gặp anh đang ngồi quán với một cô gái lạ, tay quàng vai, thân mật... Sự im lặng chịu đựng như một thói quen anh “đào tạo” đã thấm vào em, khiến em trở nên u mê, nhạt nhẽo.

Em đau nhiều khi biết mình chẳng thể nào ngoan mãi theo chuẩn mực của anh. Càng buồn hơn khi em hiểu ra, cũng do em ngay từ đầu đã “nối giáo cho giặc”. Em cứ ngỡ phục tùng là khôn ngoan, mà không hiểu việc đó cũng đồng nghĩa với tự đánh mất mình.

Thì thôi anh nhé, anh cứ tiếp tục tìm kiếm cô gái ngoan của riêng anh, em không thể ngoan thêm được nữa…