![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Sinh nhật lần thứ mười của con gái cũng là chừng ấy năm vợ chồng chị ly thân. Mỗi lần con gái nhắc đến cha, chị lại giận phừng phừng, chửi toáng. Mối hận ấy lại được dịp trào lên cách đây một tuần, khi chồng chị về quê đơn phương ly hôn.
Trước đây, hai người cùng làm công nhân, ở trọ, phát sinh tình cảm với nhau. Sau khi cưới, chị mang thai nên về quê mẹ chờ ngày sinh nở. Anh phải lòng một cô gái khác và thật sự yêu thương cô gái ấy. Anh về nhà thú thật mọi chuyện cho chị biết, cả việc cô ấy đang mang thai. Lúc đó, chị mới sinh con được ba tháng. Gần như hóa điên, chị bỏ ăn, suốt ngày khóc lóc, chửi bới, than vãn. Chị gửi con gái lại cho bà ngoại, lên thành phố, tìm tình địch để đánh ghen. Cay đắng là trước mặt rất đông người, anh hùng hổ tuyên bố, xưa nay chưa bao giờ yêu chị. Anh ta còn ngoa ngoắt: "Là cô dụ dỗ tôi, gài bẫy dính bầu để ép tôi cưới". Chị đau đớn, tổn thương trước những lời nói như xát muối vào lòng của chồng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Những khi nhà chồng có giỗ chạp, chị ăn diện đẹp đẽ, trêu ngươi vợ nhỏ của chồng. Chị tự hào: “Dù sao tôi cũng là vợ chính thức, có hôn thú đàng hoàng, nó chỉ là con đĩ cướp chồng người khác. Dù có con, nó cũng chẳng có danh phận”. Đó cũng là nguyên nhân chị khư khư giữ tờ giấy đăng ký kết hôn như một bảo vật. Chị cho rằng, giá trị cuộc hôn nhân của chị nằm ở tờ giấy ấy. Lần nào đám giỗ chưa xong, cô vợ trẻ của chồng chị cũng nước mắt ngắn dài bắt xe lên thành phố ngay. Mẹ chồng thương con gái chị nên cũng về hùa với chị, nặng lời với cô con dâu hờ. Nhưng, có một sự thật chị không biết, là bà vẫn âm thầm quan tâm con trai. Chị không biết máu mủ, ruột rà chẳng thể bỏ nhau. Mẹ chồng sợ chị bắt mất cháu nên trước mặt chị luôn làm ra vẻ quý trọng chị như một cô con dâu tuyệt vời.
Những năm qua, vì dùng dằng chuyện ly hôn mà chồng chị và cô vợ trẻ kia nhiều lần cơm không lành canh không ngọt. Chị đay nghiến: “Đừng mơ con này sẽ ly hôn để con của nó có khai sinh cha mẹ đầy đủ. Con của tao mà không có cha thì con của nó cũng phải vậy”. Chị cương quyết không chịu ly hôn. Thuyết phục chị mãi không được, anh đã về quê, đến tòa án huyện đơn phương xin ly hôn.
Anh gọi điện thông báo mình đã làm xong thủ tục ly hôn, nếu chị không về, tòa sẽ phán quyết theo quy định pháp luật. Chị lại một lần nữa hóa điên, gào khóc, chửi bới. Chị bảo anh là thằng đốn mạt, thằng đê tiện đã làm khổ cả đời chị. Cuối cùng thì tờ giấy kết hôn bao năm chị gìn giữ cũng chẳng còn tác dụng gì. Trước giờ, chị vẫn luôn ôm ấp hy vọng một ngày nào đó anh sẽ chán cô vợ trẻ mà quay về với mẹ con chị. Chị luôn tin câu nói: “Cáo chết ba năm cũng quay đầu về núi”. Nghe những tâm sự của chị, tôi không khỏi xót xa, vừa thương, vừa giận một người đàn bà yêu đến mê muội, mù quáng.
Gần ngày giỗ ông nội, con gái gọi điện tỉ tê dặn dò: “Mẹ ơi! Mẹ nhớ về quê với con”. Chị hét lên trong điện thoại: “Mày ngu vừa vừa thôi. Người ta ly hôn mẹ rồi, mày còn biểu tao vác mặt về đó cho mang nhục à? Tao đâu phải dâu con gì mà về. Từ nay tao cắt đứt mọi quan hệ với dòng họ bên nội nhà mày, biết chưa?”. Chửi chồng chán, chị quay sang chửi con. Chị bảo, chính vì sinh ra nó nên cuộc đời chị mới thảm hại. Nếu không có con, giờ chị đã có thể dễ dàng tìm cho mình một mái ấm mới. Tội nghiệp con bé, chỉ mới mười tuổi nhưng đã không biết bao lần rơi nước mắt vì những lời nhục mạ, chửi bới của mẹ. Chị hận chồng nên trút giận lên đầu con. Chị không biết, chính chị đang làm tổn thương con gái mình.
Mười năm không hề ngắn, sao chị vẫn không chịu quên đi cuộc hôn nhân dang dở ấy? Phải chi chị đừng vịn vào tờ giấy kết hôn để nuôi hy vọng suốt mười năm qua thì chị đã không phải đau khổ, thất vọng như vậy. Phải chi chị mạnh mẽ và dứt khoát để một lần chia tay, giờ có lẽ chị và con đã có một cuộc sống bình yên. Phải chi chị hiểu, con gái nhỏ của chị không hề có tội trong chuyện này, chỉ là nạn nhân của một cuộc hôn nhân “chết yểu” để biết yêu thương con hơn...
Gần một tháng nay, anh em họ hàng vẫn không ngớt bàn tán, khen chị Nga có học, hiểu biết pháp luật có khác, phải người khác thì giờ đã mất trắng hoặc phải chia đôi tài sản cho người chồng bội bạc ấy.
Chị Nga là con bác ruột tôi, học xong trung cấp nghề, chị được nhận vào làm ở một khách sạn có tiếng. Tại đây, chị gặp gỡ rồi yêu anh Trung. Ngày chị đưa anh về nhà giới thiệu, tìm hiểu gia cảnh anh, bác tôi rất ái ngại. Nhà anh đông con, kinh tế khó khăn, nếu cưới nhau về anh chị phải thuê nhà sống. Nhưng chị trước sau chỉ yêu và muốn lấy anh nên cuối cùng bác tôi đành chấp nhận.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Rồi anh chị ra ngoài ở nhà thuê, ngôi nhà đó chị Nga cho thuê lại. Chị phân chia luôn trách nhiệm kinh tế trong gia đình, anh sẽ phải lo khoản tiền nhà trọ, điện nước hàng tháng, chị lo khoản ăn uống, quần áo, sữa bỉm cho con. Thời gian đầu, cuộc sống tạm ổn nhưng sau đó rất khó khăn vì anh Trung bị thất nghiệp. Bấy giờ chị Nga vừa động viên vừa thuyết phục chồng về lại căn nhà kia sống và lên kế hoạch làm ăn. Bởi căn nhà đó có mặt tiền rộng thuận tiện cho việc mở cửa hàng nên chị tính vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng, giao cho chồng quản lý. Thật may, buôn bán đắt hàng nên họ nhanh chóng ổn định cuộc sống trở lại. Công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt, anh Trung bỗng chốc trở thành ông chủ tiền tiêu rủng rỉnh. Họ mua được căn nhà lớn hơn, căn nhà cũ vẫn giữ nguyên và cho thuê lại.
Thế nhưng cuộc sống viên mãn ấy không được bao lâu. Anh Trung sau khi có tiền đã dính vào bài bạc, sinh tật xấu đèo bòng. Chị Nga hết lòng khuyên nhủ chồng rồi nhờ đến bố mẹ hai bên, chính quyền can thiệp nhưng chẳng thể kéo anh quay về. Chỉ trong một thời gian ngắn, bao nhiêu tiền của đội nón ra đi. Cộng thêm chuyện anh vẫn không chấm dứt tình cảm ngoài luồng nên vợ chồng mâu thuẫn liên tục. Cuối cùng chị Nga quyết định ly hôn.
Ngày ra toà, anh Trung đòi chia đôi tài sản còn hai đứa con thì "nhường" cho chị toàn quyền nuôi. Chị Nga đồng ý toàn quyền nuôi con nhưng tài sản thì nhất định không chịu chia đôi với lý do mảnh đất, căn nhà kia là của chị. Chị mang toàn bộ giấy tờ ra chứng minh. Toà xử cho họ ly hôn, anh Trung không được quyền chia tài sản. Lúc bấy giờ, mọi người mới nhận ra cái lý của việc trước đây chị Nga kiên quyết bảo vệ “của riêng” đến cùng.
Cách đây 3 năm, khi kỷ niệm 25 năm ngày cưới, tôi nghĩ rằng cuộc hôn nhân của mình đã đủ bền vững để chống chọi và vượt qua mọi bão tố, phong ba trong cuộc đời này.
Tôi và Mai Hương đã từng có những khoảnh khắc không thể nào quên khi hai đứa chia nhau 1 ổ bánh mì, 1 củ khoai lang nướng. Bữa ăn có chút thịt, vợ nhường cho chồng, chồng nhường cho vợ, cuối cùng miếng thịt còn nguyên. Tôi hay nói với Mai Hương: “Có được người vợ như em là phúc đức của đời anh. Kiếp sau, nếu có gặp lại, nhất định anh sẽ cưới em lần nữa”.
Tôi nói vậy là bởi chúng tôi ngoài tình yêu, còn tâm đầu ý hợp. Tôi nói nửa câu, nàng đã hiểu; thậm chí có những chuyện tôi chỉ nghĩ thì vợ tôi đã làm xong. Khi cuộc sống đã khấm khá, Mai Hương vẫn bình dị như xưa. Tôi quý trọng điều đó và luôn tự hào với bạn bè rằng vợ mình là người phụ nữ đẹp cả người lẫn nết...
Thế mà cách đây 3 năm, chính tay tôi đã phá vỡ tất cả. Tôi gặp Hoàng Yến chỉ một lần nhưng đã vấn vương thương nhớ. Khi ấy, tôi nhớ câu vợ mình hay nói nửa thật, nửa đùa: “Bảy mươi chưa hẳn là lành”. Ý Mai Hương nhắc tôi phải luôn giữ mình, “không được đùa giỡn với phụ nữ dù chỉ một lần”. Ngày trước tôi cười vợ lo xa, sau khi gặp Hoàng Yến, tôi thấy vợ mình và các bậc tiền nhân hoàn toàn có lý. Không lăng nhăng thì đâu phải đàn ông?
Hoàng Yến nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi. Nàng chỉ lớn hơn con đầu của tôi 4- 5 tuổi. Có lẽ đó chính là điều đã đánh gục tôi ngay sau lần gặp đầu tiên. Sự hồn nhiên, dễ thương của nàng khiến lão già hơn 50 tuổi đầu là tôi bỗng thấy mình trẻ lại.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tối đó về tôi không ngủ được. Không biết là vì bia rượu hay là vì dư âm của cuộc gặp gỡ. Tôi nhắm mắt mà không tài nào ngủ được bởi hình ảnh Hoàng Yến hiện lên rõ mồn một. Rồi thì mùi hương của mái tóc nàng, sự ấm áp của cơ thể nàng khi chúng tôi đụng chạm cứ như vẫn lẩn khuất đâu đây. Tôi không bao giờ tin được chỉ trong một tích tắc, người đàn ông đứng đắn, đàng hoàng là tôi bỗng trở thành kẻ lăng nhăng.
Tôi bắt đầu nói dối trong những lần đi sớm về muộn; bắt đầu có những biểu hiện không bình thường mà bản thân mình không nhận ra nhưng người chung quanh, nhất là người phụ nữ đã ở cạnh mình 25 năm, nhìn thấy rất rõ. “Có chuyện gì mà anh vui vậy?”- vợ tôi hỏi. Tôi giật mình: “Chuyện gì đâu?”. Mai Hương nhìn tôi chăm chú: “Xưa nay anh đâu có hát hò, nhún nhảy như vậy?”. “À, thì lây anh em trong công ty thôi. Dạo này tụi nó hay karaoke, nhảy nhót…”- tôi chống chế.
Rồi có bữa vợ tôi kêu lên: “Trời đất, cái áo này nổi quá, không hợp với anh…”. À, cái áo “body” màu xanh nước biển có hàng dừa ở Hawaii tôi mới tậu cho bằng anh, bằng em đây mà. “Anh thấy đẹp mà? Thì cũng phải thay đổi chớ cứ một tông xám xịt hoài sao em?”- tôi cãi. Tôi còn mang giày thể thao đi làm nữa mới chết. Tất cả những thay đổi về lượng ấy đã bộc lộ những thay đổi về chất bên trong con người hư đốn của tôi. Ai cũng biết, chỉ mình tôi không biết…
Tôi cứ tưởng với niềm tin đã xây đắp 25 năm, vợ tôi không bao giờ nghi ngờ. Tôi đã lầm. Mai Hương bằng sự nhạy cảm vốn có của mình, đã phát hiện tất cả. Là do tôi sai lầm. Lẽ ra khi lăng nhăng ngoại tình thì người đàn ông phải quan tâm, chăm sóc vợ mình hơn để bù đắp những mất mát mà họ đang gánh chịu thì tôi lại dồn hết những thứ ấy cho người yêu bé nhỏ.
Tôi không hay đùa vui với vợ như trước, không khen những món ăn nàng nấu là vô đối như trước, không thích chở nàng vi vu ngoài phố những tối mùa hè nóng nực như trước… Tôi cũng không về thăm cha mẹ nàng, không rủ rê anh em nàng tụ tập. Điều nguy hiểm nhất là tôi không thích gần gũi nàng dù buổi tối nàng vẫn chuẩn bị rất chu đáo trước khi lên giường.
Vợ tôi đã biết tất cả nhưng nàng xử lý nó theo cách của mình. Có thể tóm lại trong một câu là nàng cho tôi thời gian và chờ tôi hồi tâm chuyển ý. Nàng cho rằng, trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có thể mắc sai lầm, điều quan trọng là cách người ta nhìn nhận và ứng xử với sai lầm đó như thế nào.
Nàng vẫn nhắc khéo cho tôi biết rằng nàng đã thấy tất cả nhưng cũng như tôi, nàng tin tưởng vào cái thành trì 25 năm chung sống hạnh phúc mà chúng tôi đã xây nên từ trong gian khó…
Vậy mà tôi không hề đáp lại thiện chí của nàng. Tôi nghĩ rằng, cuộc sống như một vở tuồng, mỗi người sắm một vai trong đó và ai cũng phải có lúc chấm dứt vai diễn.
Hoàng Yến nói với tôi: “Anh ly dị đi để chúng ta tự do đến với nhau. Em không muốn cứ lén lút mãi như vầy”. Lời nói của người yêu bé nhỏ tuy thật êm dịu nhưng lại có sức nặng ngàn cân. Tôi vắt óc nghĩ kế ly hôn sao cho ít tổn thương và tổn hại nhất.
Trong khi tôi vắt óc suy nghĩ thì vợ tôi đã nghĩ cho tôi. Một buổi tối, khi tôi đầy phấn chấn trở về từ nhà trọ của con chim bé nhỏ thì vợ và hai con tôi đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. Nghĩa là họ đã sắp xếp quần áo vào va li cho tôi và đón tôi ở phòng khách. Vợ tôi chìa lá đơn ly hôn: “Anh có thể ký và quay trở lại nơi anh vừa từ đó trở về”.
Tôi choáng váng vì bị đánh úp nhưng bản lĩnh đàn ông bỗng trỗi dậy. Tôi ký ngay vào đơn sau khi thấy trong đó có câu “tài sản hai bên phân chia theo luật định”. Tôi đưa lá đơn cho con gái út rồi bảo anh em nó: “Tụi con chăm sóc mẹ, ba đi đây”.
Sau này nghe kể lại khi tôi đi rồi, vợ tôi đã khóc rất nhiều. Nàng xin lỗi hai đứa nhỏ vì không giữ được cha cho chúng nhưng hai đứa con tôi lại cho rằng khi tôi đã lăng nhăng thì chẳng ai có thể giữ được. Chúng khuyên mẹ không nên dằn vặt, chúng sẽ bù đắp cho mẹ những thiệt thòi của phần đời còn lại…
Đó là chuyện sau này mấy đứa nhỏ kể lại. Còn lúc đó, khi tôi quay lại cái tổ chim bé bỏng của mình thì cửa phòng khóa ngoài. Tôi quyết định cho người yêu bé nhỏ của tôi một bất ngờ nên không gọi điện mà ra đầu đường đón nàng.
Thế nhưng không phải tôi mà chính nàng đã tạo ra bất ngờ lớn cho tôi. Quá nửa đêm, nàng trở về với một gã đàn ông khác. Họ vô nhà, đóng cửa và ở luôn trong đó. Còn tôi, sau khi uống thuốc trợ tim, tôi đi tìm một khách sạn để qua đêm chứ không dám mang đầu về nhà…
Từ hôm đó tới nay, tôi không gọi điện, không nhắn tin, không nghe máy của Hoàng Yến. Nàng đến công ty tìm, tôi cũng không ra gặp. Giờ thì tôi đã thấm thía với cảm giác bị phản bội. Tôi hiểu và thông cảm với vợ tôi. 3 năm qua, chắc nàng cũng khổ sở như vậy.
Giờ đây tôi chỉ ao ước khoảng thời gian 3 năm lăng nhăng chỉ là một giấc mơ. Tôi muốn có Mai Hương và các con của mình, muốn mọi thứ trở về như cũ… Nhưng có lẽ vợ tôi sẽ không bao giờ tha thứ. Nàng rất nhẫn nhịn nhưng một khi đã quyết thì rất quyết liệt, dữ dội.
Giờ đây, đêm đêm nằm một mình trong phòng trọ, tôi thấy lạnh lẽo vô cùng. Bất giác tôi thấy sợ hãi. Lỡ mình chết bất đắc kỳ tử thì chắc cũng không có ai hay. Có khi lại chết thối trong phòng.
Càng nghĩ tôi càng thấy sợ. Tôi muốn trở về nhà, muốn quỳ xuống chân vợ để xin tha thứ. Nhưng liệu nàng có thể tha thứ cho tôi, tha thứ cho một kẻ già đời mà còn lăng nhăng như tôi hay không? Tôi mong vợ tôi đọc được những dòng này để có thể hiểu và tha thứ, cho tôi một cơ hội để quỳ trước nàng, thề không lăng nhăng nữa...