Mỗi giây là cuộc chạy đua với thời gian và giới hạn sinh mạng
Sản phụ V.T.M, 40 tuổi, quê ở Việt Trì – Phú Thọ, mang thai lần thứ 4 tiền sử 3 lần mổ đẻ, được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ và đang điều trị bằng insulin mỗi ngày.
Thai kỳ lần này của chị là một hành trình đầy gian nan. Thai phụ được chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm và rau cài răng lược – một trong những biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong sản khoa, có thể đe dọa tính mạng mẹ bất cứ lúc nào nếu không được xử trí kịp thời.
Nhận định đây là một ca bệnh nguy cơ rất cao, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án can thiệp tối ưu, lên kế hoạch mổ lấy thai ở tuần 36.

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi ê-kíp gồm: ThS.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh – Phó Giám đốc bệnh viện, BSCKII Vương Đức Hinh, BSCKII Lương Thị Ngọc Vân - Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức cùng các bác sĩ.
Khi mở ổ bụng, toàn bộ nguy cơ tiềm ẩn được hiện rõ: ổ bụng dính nhiều, mặt trước tử cung dính chặt vào thành bụng, bàng quang dính cao đến ngang thân tử cung – dấu hiệu nặng của rau cài răng lược. Mỗi đường dao là một quyết định chính xác, mỗi giây trôi qua đều là cuộc chạy đua với thời gian và giới hạn sinh mạng.
Bé trai 3,8 kg cất tiếng khóc chào đời là khoảnh khắc vỡ òa xúc động của cả ê-kíp. Nhưng hành trình chưa kết thúc. Các bác sĩ lập tức thực hiện kỹ thuật cắt tử cung để kiểm soát chảy máu, thắt động mạch hạ vị 2 bên, bảo tồn tối đa chức năng sinh lý, đảm bảo an toàn tính mạng cho người mẹ. Sản phụ được truyền tổng cộng 1.700ml hồng cầu khối, 300ml tủa lạnh, 1.000ml huyết tương trong suốt quá trình can thiệp.
Ca mổ kéo dài nhiều giờ. Khi mọi thứ kết thúc trong an toàn, phòng mổ lặng đi trong niềm nhẹ nhõm, một sự sống vừa được bảo vệ trọn vẹn, người mẹ lại có thể nắm tay con, mở ra một chương mới sau hành trình đầy thử thách.
Rau tiền đạo có cài răng lược là một bệnh lý nguy hiểm
ThS. BSCKII Nguyễn Xuân Hải, Trưởng khoa Phụ nội tiết A1, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, rau cài răng lược là tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sinh mà còn đe dọa tính mạng mẹ bầu.

Bởi bình thường bánh nhau sẽ bong ra khỏi thành tử cung sau khi sản phụ sinh em bé. Bánh nhau sau đó được xổ ra bên ngoài.
Tuy nhiên, khi mẹ bầu mắc phải nhau cài răng lược, bánh nhau không thể tự bong khỏi thành tử cung mà bám chặt vào các cơ tử cung, thậm chí xâm lấn sang các cơ quan lân cận.
Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu… thậm chí gây tử vong cho thai phụ.
Các nghiên cứu từ những năm 1970-1980 cho thấy, tỷ lệ mắc phải tình trạng này là 1/2.510 đến 1/4.017. Vào những năm 1982-2002, tỷ lệ mắc phải là 1/533. Tỷ lệ này ngày càng tăng là do sự thay đổi của các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đáng chú ý nhất là sự tăng lên của việc sinh mổ lấy thai ngày càng được chỉ định rộng rãi.
Rau cài răng lược dễ xảy ra ở các mẹ bầu bị rau thai tiền đạo. Rau thai tiền đạo lại có liên hệ mật thiết với quá trình phẫu thuật tử cung hoặc sinh mổ trước đó. Nếu từng sinh mổ, bị nhau thai tiền đạo, khả năng bị nhau cài răng lược sẽ lên tới 25%. Nếu từng sinh mổ trên 2 lần, bị rau thai tiền đạo, thì tỷ lệ trên tăng lên 40%.
Các yếu tố khác cũng gây tăng khả năng bị rau cài răng lược như từng nạo hút thai, mang bầu ở độ tuổi ngoài 35, thói quen hút thuốc, u xơ tử cung, hội chứng asherman gây sẹo ở tử cung...
Những trường hợp rau cài răng lược sau khi sinh sẽ không bong và chảy máu không cầm nên có thể có những nguy cơ sau: Băng huyết sau sinh phải truyền máu, đe dọa đến tính mạng sản phụ; Nhiễm trùng sau sinh; Sinh non do chảy máu nhiều; Phải cắt bỏ tử cung; Nếu rau cài đến bàng quang hay trực tràng thì đôi khi phải cắt bỏ 1 phần bàng quang hay trực tràng thì mới cầm máu được.
"Rau tiền đạo có cài răng lược là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi.
Để tránh các tai biến sản khoa nguy hiểm do rau cài răng lược khi mang thai các sản phụ nên thăm khám và quản lý thai chặt chẽ tại các bệnh viện sản khoa hàng đầu để phát hiện, xử trí kịp thời", BS Hải khuyến cáo.