Hà Nội cấm xe máy xăng, cần lộ trình, tránh gây sốc cho người dân

Chuyên gia đề xuất xây dựng khu phát thải thấp đi kèm chính sách tín chỉ kép để tránh gây sốc cho người dân, tạo động lực cho các hãng xe phát triển xe điện.

Trong bối cảnh Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy xăng trong nội đô, câu hỏi đặt ra là: Việt Nam cần làm gì để vừa đảm bảo chất lượng không khí, vừa tránh gây sốc về mặt kinh tế – xã hội? TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, cho rằng, Việt Nam nên học tập mô hình Bắc Kinh và các quốc gia phát triển, xây dựng lộ trình phát thải thấp gắn với chính sách tín chỉ xe sạch, phù hợp thực tế và khả năng của doanh nghiệp lẫn người dân.

2.jpg
Với nhiều người dân Hà Nội, xe máy xăng không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là mưu sinh. Ảnh: Mai Loan.

Kinh nghiệm Bắc Kinh: Giảm phát thải không chỉ bằng cấm đoán

TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, Bắc Kinh triển khai khu vực phát thải thấp (LEZ) từ năm 2017, ban đầu nhằm hạn chế xe tải nặng không đạt tiêu chuẩn khí thải đi vào nội đô. Cùng với đó là loạt chính sách đồng bộ như cấm xe cũ nát, nâng cấp nhiên liệu, bốc thăm biển số và khuyến khích tiêu hủy xe không đạt chuẩn.

Một yếu tố then chốt là hệ thống giám sát không khí hiện đại. Bắc Kinh lắp đặt hơn 1.000 cảm biến PM2.5 và sử dụng công nghệ Lidar, viễn thám vệ tinh để giám sát chất lượng không khí theo thời gian thực, từ đó điều chỉnh chính sách linh hoạt.

Đồng thời, thành phố đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, mở rộng mạng lưới metro, ưu tiên xe buýt điện và hạn chế xây mới bãi đỗ xe. Quy hoạch đô thị gắn với giao thông công cộng – mô hình 15 phút di chuyển – giúp người dân ít lệ thuộc vào phương tiện cá nhân.

ong-tho.png
TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Khánh Nguyên.

Theo TS Nguyễn Đình Thọ, một chính sách mang tính quyết định của Trung Quốc là tín chỉ kép (dual credit policy), gồm tín chỉ hiệu suất nhiên liệu (CAFC) và tín chỉ xe năng lượng mới (NEV).

Chính sách này không áp đặt trực tiếp lên người dân mà tạo áp lực gián tiếp lên các hãng sản xuất. Doanh nghiệp buộc phải cải tiến công nghệ để tăng tỷ lệ xe điện và nâng cao hiệu suất, nếu không sẽ bị phạt hoặc phải mua tín chỉ từ đối thủ. Cơ chế này tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn bộ ngành công nghiệp phụ trợ như pin, trạm sạc, vật liệu nhẹ…

Việt Nam cần tránh gây sốc cho người dân

Tại Việt Nam, giao thông điện khí hóa được xác định là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính chủ chốt. Tuy nhiên, nếu cấm xe máy xăng đột ngột mà không có chính sách phù hợp, nhiều người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, sẽ chịu thiệt vì mất phương tiện sinh kế.

Ông Thọ phân tích, chính sách tín chỉ kép giúp nhà nước không cần trực tiếp can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính mà vẫn buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Nhờ đó, người dân không bị ép phải thay thế phương tiện một cách đột ngột.

Cơ chế tín chỉ kép này được thiết kế theo hai trục: thứ nhất là hiệu suất tiêu hao nhiên liệu trung bình của toàn bộ đội xe; thứ hai là tỷ lệ xe không phát thải (xe điện, xe pin nhiên liệu…). Nếu một hãng không đạt tiêu chuẩn, họ sẽ phải mua tín chỉ từ các hãng khác. Khi cung ít – cầu nhiều, giá tín chỉ sẽ tăng, buộc doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để tự chủ.

Cơ chế thị trường này đã được chứng minh hiệu quả tại California (Mỹ) hay Liên minh châu Âu (EU), nơi tín chỉ trở thành công cụ chiến lược để thúc đẩy công nghệ sạch.

Cần lộ trình cụ thể và chính sách đồng bộ

TS Thọ đề xuất một lộ trình tín chỉ CO₂ cụ thể cho từng nhóm phương tiện từ năm 2025 đến 2030. Ví dụ, ô tô con trên 2000cc cần giảm phát thải từ 141,06g CO₂/km (năm 2025) xuống còn 103,94g CO₂/km (năm 2030). Tương tự, lộ trình chuyển đổi xe máy điện cũng cần được xác định rõ ràng.

1.jpg
Đề xuất lộ trình chuyển đổi xe điện.

Việc cấm xe xăng tại Hà Nội hay TP HCM cần được đặt trong tổng thể các chính sách chuyển đổi xanh. Theo đó, các thành phố cần chủ động quy hoạch khu vực phát thải thấp (LEZ) theo vành đai, thiết lập hạ tầng sạc, thúc đẩy xe buýt điện.

Song song đó, ông Thọ cho rằng, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ đồng bộ để người dân chuyển đổi, từ trợ cấp mua xe điện, miễn phí trước bạ, đến ưu đãi giá điện sạc. Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp như VinFast tham gia thị trường tín chỉ các-bon, đưa tín chỉ xe điện tích hợp vào thị trường carbon quốc gia và quốc tế.

Một thách thức khác là rủi ro môi trường từ pin xe điện. Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế kiểm soát vòng đời sản phẩm, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và phát triển công nghệ tái chế pin.

Ông Thọ nhấn mạnh, dù có thể tạo áp lực tài chính ban đầu, chính sách LEZ và tín chỉ kép mang lại lợi ích lớn về dài hạn: cải thiện chất lượng không khí, sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy ngành công nghiệp xanh và giúp Việt Nam hội nhập.

"Tín chỉ xe điện có thể trở thành một loại tài sản tài chính, giúp tạo dòng vốn mới đầu tư vào công nghệ sạch, dịch vụ hậu cần xanh và hạ tầng sạc", ông Thọ khẳng định.

>>> Mời độc giả xem thêm video Thị trường xe điện hưởng lợi khi cấm xe máy xăng dầu:

(Nguồn: THHN)

Chuyên gia chỉ kỹ năng sống sót khi tàu chìm

Vụ tàu chìm ở Quảng Ninh một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng sinh tồn trên biển, chuyên gia chia sẻ cách ứng phó và tự bảo vệ khi sự cố xảy ra.

Theo anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cho biết, kỹ năng thoát nạn thoát hiểm hiện nay vẫn là một lĩnh vực nhiều người còn xem nhẹ hoặc chưa quan tâm đúng mức. Chúng ta dễ dàng bỏ ra vài triệu đồng để xem ca nhạc hay phim ảnh nhưng lại không dành thời gian cho những khóa huấn luyện kỹ năng quan trọng. Nhiều người cho rằng sự cố không thường xảy ra, nhưng khi nó ập đến, liệu ta có đủ khả năng tự cứu mình và cứu người thân không?

tau-chim.jpg
Cứu hộ tàu chìm ở Quảng Ninh.

Lê Thiết Cương, họa sĩ của im lặng... thiền tĩnh và cái đẹp

Họa sĩ Lê Thiết Cương, người sống và sáng tác như một thiền giả đã khép lại hành trình 63 năm, để lại một di sản nghệ thuật đậm chất tối giản và cái đẹp.

Vào 18h55 ngày 17/7, họa sĩ Lê Thiết Cương, người vẽ bằng tĩnh lặng, người sống như một thiền giả giữa sắc màu đã khép lại hành trình 63 năm đời mình (1962–2025), sau thời gian chống chọi căn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 63 tuổi.

Sự ra đi của ông để lại khoảng trống khó lấp trong giới nghệ thuật Việt Nam. Suốt hành trình hơn 30 năm, họa sĩ Lê Thiết Cương là người kiên định với một phong cách: tối giản, kiệm màu, kiệm hình, thâm trầm và cô đọng. Ông từng viết: “Tối giản là thiền. Là yên tĩnh. Là vô ngôn kiệm hình… nói bằng im lặng, im lặng sấm sét”.

Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long... lỗ hổng tiếp nhận cảnh báo?

Cơ quan khí tượng khẳng định, đã phát đi cảnh báo dông lốc trước thời điểm xảy ra sự cố lật tàu Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long. Câu hỏi đặt ra là cảnh báo đã được tiếp nhận ra sao?

Trước tai nạn lật tàu Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long, nhiều người đưa ra thắc mắc, vì sao đã báo có bão mà tàu vẫn được phép chở khách du lịch tham quan. Ý kiến “phản bác” lại cho rằng, sáng hôm đó, Hạ Long trời quang mây tạnh. Cơn dông đến hoàn toàn bất ngờ, rất khó để cảnh báo trước, chính xác.

tau-quang-nin-2.jpg
Tàu du lịch Vịnh Xanh 58 gặp nạn trên Vịnh Hạ Long chiều 19/7.