Góc khuất

Kể từ đó, Ngọc không tâm sự gì với chồng nữa! Cô buồn lắm, đau lắm nhưng mà nghĩ lại cô thấy tội cho chồng mình quá. 

10 năm trôi qua, thời gian hạnh phúc nhất với Ngọc là 2 năm đầu vợ chồng cô mới cưới. Đến khi cô sinh con, Tuấn vẫn chiều chuộng vợ hết mực, nhưng có lẽ vết rạn nứt trong hôn nhân của Ngọc bắt nguồn từ gia đình của Tuấn và tính gia trưởng của anh. Những chuyện tưởng chừng như vặt vãnh nhưng lâu ngày nó chồng chất lên thành nỗi buồn day dứt. Ngọc có rất nhiều bạn bè nhưng không có bạn để tâm sự, vì cô không muốn chuyện riêng của gia đình mình lại đi bày tỏ với người khác. Còn kể cho mẹ ruột và các em nghe, họ chỉ buồn thêm. Ngọc cố nén nỗi buồn của riêng mình vào góc khuất tâm hồn.
Ngọc xuất thân con nhà nghèo, Tuấn lại là con nhà giàu có tiếng ở chợ tỉnh. Khi yêu Tuấn, Ngọc biết hai người sẽ khó đến với nhau. Trải qua 8 năm chờ đợi, khi cưới được nhau rồi, cô những tưởng mình đã “chiến thắng”, nhưng Ngọc đã lầm!
Vợ chồng Ngọc dành dụm tiền cất nhà riêng ở thành phố, cách quê nhà 60 cây số đường. Tuấn là con út nhưng anh ở lại thành phố để làm việc, nên người anh kế trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ ở quê. Mỗi cuối tuần vợ chồng anh về quê thăm cha mẹ. Hầu như lần nào về quê, Ngọc cũng gặp rắc rối. Những chuyện chẳng ra làm sao nhưng cô lại vướng vào, thật mệt mỏi. Khi nào về nhà có đám tiệc lại càng áp lực hơn với cô. Có lần về đám giỗ, vốn biết Ngọc không biết cắt cổ gà, vịt, mà cô em chồng đưa cho cả chục con gà, vịt cùng một cây dao bảo cô mần thịt chúng. 
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa. 
May sao lúc đó, người cô chồng bắt gặp, bà quay sang bảo với em chồng cô: “Mai mốt đừng bắt chị dâu con làm mấy việc này nhe, nó có biết cắt cổ gà vịt bao giờ”. Rồi cô chồng quay sang Ngọc cười thông cảm: “Con đừng lo, có cô đây, mấy việc này để cô làm cho”. Nhưng đâu phải lần nào Ngọc cũng may mắn gặp được người cô này. Trong khi tính của Tuấn rất gia trưởng. Anh yêu vợ nhưng lại sợ mang tiếng là mình sợ vợ nên khi có việc gì mà người thân trong gia đình anh không hài lòng anh đều bắt Ngọc “xin lỗi trước”. Anh bảo rằng trước mặt người thân bạn bè phải cho anh giữ thể diện!
Năm ngoái, chị dâu của Tuấn lên thành phố mua đồ ghé nhà vợ chồng Ngọc nghỉ trưa. Lúc này, em gái Ngọc mới sinh con về ở nhờ đó để mẹ đẻ Ngọc tiện chăm sóc các cháu. Trong lúc Ngọc không có ở nhà, bà chị dâu này hỏi em gái Ngọc một loạt những việc hết sức riêng tư của gia đình như: “Sao không ở nhà chồng mà về ở chung với chị gái, không ngại anh rể sao?”, “Bác sui gái bỏ bác sui trai ở quê một mình không buồn sao?”, “Chừng nào bác sui gái về quê luôn?”, “Nhà bên quê có mấy công ruộng? Làm khá không?”… Mẹ Ngọc nghe hết mọi việc, bà rất buồn nhưng khuyên con gái nên im lặng. 
Quá bực bội trước nhiều sự việc đã xảy ra mà mình đã phải nhẫn nhịn chịu đựng lâu nay, nay thêm việc này, Ngọc đã điện thoại cho chị dâu của chồng: “Chị hỏi những việc ấy có chi không? Sao chị lại hỏi những điều hết sức riêng tư của gia đình em vậy?”. Chị này cũng không vừa, hỏi gặn lại Ngọc: “Thím hỏi tui như vậy có chuyện gì không? Tui chỉ quan tâm đến gia đình thím thôi!”. Ngọc cảm ơn chị dâu về sự quan tâm đó nhưng cô khẳng định: “Đó là chuyện riêng tư của gia đình em nên sau này chị đừng hỏi như vậy nữa!”.
Sóng gió ập đến gia đình nhỏ của Ngọc! Đích thân cha chồng lên nhà Ngọc để xử lý vụ việc này! Ông giận dữ nói với Ngọc: “Chị dâu bây nói đúng đó! Nhà bên bây ở đây như vầy, nó hỏi vậy có gì sai đâu! Bây giỏi chữ nghĩa mà cư xử như vậy hả?”…
Trước việc này, Tuấn lại còn trách Ngọc ích kỷ, bênh vực chị dâu: “Chị hỏi thăm, chị quan tâm đến gia đình mà! Người ở quê nghĩ sao nói vậy mà”. Ngọc không thể giải thích thêm gì được nữa. Tuấn lại đi nhậu nhẹt nhiều hơn. Ngay cả đứa cháu gọi anh bằng cậu, nó biết tính của cậu mình nên hay lên giọng với Ngọc. Mấy ngày sau đó, đứa cháu này rủ Tuấn đi nhậu qua hơn 12 giờ đêm mới về. Khi đưa Tuấn về tới nhà, nó đã chỉ thẳng vào Ngọc, nói: “Mợ cư xử đàng hoàng với nhà chồng nhe. Tui quen biết với xã hội đen không đó!”. Ngọc như bị tát nước lạnh vào mặt, trong khi chồng cô đứng kế bên đứa cháu, mặt lừ đừ say rượu, không biết anh có nghe thấy cháu mình nói gì không mà dường như anh đã không nghe thấy gì. Anh say rượu mà! Ừ, Ngọc cũng hiểu, người say thì còn biết gì nữa chứ! Sáng hôm sau, đợi chồng tỉnh hẳn, Ngọc kể lại sự việc hồi tối. Tuấn nói: “Trời ơi, nó đang say, nói vậy thì có ý gì đâu! Nó khoe nó quen biết với xã hội đen nên đừng lo cho nó mà!”. Dường như cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, Tuấn cũng đều nói: “Em là người lớn, phải biết thông cảm cho mấy đứa nhỏ!”
Kể từ đó, Ngọc không tâm sự gì với chồng nữa! Cô buồn lắm, đau lắm nhưng mà nghĩ lại cô thấy tội cho chồng mình quá. Anh đã chịu áp lực rất lớn từ gia đình rồi! Cho dù ai nói gì, làm gì cô vẫn giữ im lặng và giữ khoảng cách với những người thân của anh để được yên ổn.

Mẹ chồng nàng dâu: Tiểu xảo của “cô gái đanh đá“

Tôi lấy chồng 8 năm, mỗi lần sang nhà bố mẹ đẻ tôi chơi, mẹ chồng không ngớt miệng khen con trai có phúc cưới được cho bà dâu “hiền”.

Ngày còn đi học, tôi nổi tiếng đanh đá “rách trời rơi xuống”. Bố mẹ lo lắng không biết sau này lấy chồng, về nhà “người ta”, đứa “con gái đầu gấu” sẽ sống kiểu gì. Thế mà giờ tôi đã lấy chồng 8 năm, mỗi lần sang nhà bố mẹ đẻ tôi chơi, mẹ chồng không ngớt miệng khen con trai có phúc cưới được cho bà nàng dâu “hiền”.

Về làm dâu, chẳng đợi mẹ chồng kịp dò xét, tôi đã ghé vào tai bà thủ thỉ: “Con thẳng tính nên đôi khi hành động bộp chộp, nóng nảy nhưng thực tâm con không suy nghĩ, tính toán gì. Lúc nào mẹ không hài lòng thì mẹ cứ nhắc để con sửa. Bảo một lần không được thì mẹ bảo nhiều lần chứ mẹ đừng giận con, mẹ nhé!”. Mẹ chồng tôi hơi bất ngờ một chút nhưng sau đó bà tiếp nhận tính cách của con dâu một cách rất nhẹ nhàng. Thi thoảng bà cũng có nhắc nhở, chấn chỉnh một đôi điều nhưng hầu hết những ý kiến của bà rất chân tình và xây dựng.

Tôi cũng hay cùng mẹ chồng trò chuyện. Thường thì tôi chỉ đặt một vài câu hỏi với bà, sau đó mẹ chồng tôi sẽ kể cơ man là chuyện. Tôi nghe mẹ kể, thi thoảng thốt lên một câu cảm thán hoặc kinh ngạc: “Ôi, thế à mẹ?”, “Thật thế ạ?”, “Thế cơ ạ”, “Con không biết đâu đấy!”… Những lần như vậy, tôi vừa thu thập được khối tin tức, kinh nghiệm, vừa tết chặt hơn sợi dây gắn kết với mẹ. Thực tình, mẹ chồng chẳng cần mình kể lể những kiến thức cao siêu trên trời dưới biển, chỉ đơn giản là tôi luôn lắng nghe, đồng cảm với bà.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Về nhà chồng, tôi cũng chẳng cố gắng tỏ ra quá đảm đang. Việc trong gia đình dù một mình dư sức làm hết nhưng tôi luôn khéo léo “chia chác” với mẹ chồng. Tôi chọn những việc nhẹ nhàng, cần đến sự tinh tế và bao giờ cũng nhờ bà với một giọng rất khẩn khoản: “Mẹ ơi, mẹ làm giúp con nhé! Cái này con chịu thôi!”. Kể cả mỗi lần nấu cháo cho con xong, tôi để nguội rồi cũng “nhờ bà nội đút cho cháu”, tắm cho con xong tôi cũng giục con “ra nhờ bà nội lau người đi con”. Bà nội đi vắng một vài hôm, những việc trong “lãnh địa” của bà tôi không bao giờ đụng đến. Khi mẹ trở về sẽ vừa dọn dẹp, vừa ca thán: “Biết ngay, bà nội đi có mấy hôm nhà cửa đã thế này!”. Tôi chỉ đợi có dịp lao vào bóp vai cho mẹ nịnh nọt: “Thế mới biết tầm quan trọng của bà nội chứ!”

Đương nhiên, trong cuộc sống cũng có lúc nảy sinh những mâu thuẫn. Chuyện nhỏ như khi bà khăng khăng bắt tôi nấu ăn theo công thức “cổ đại” rất khó nuốt của bà, chuyện lớn là khi mẹ yêu cầu vợ chồng tôi làm chuyện này, chuyện khác có nguy cơ đảo lộn cuộc sống, khiến tôi ức chế. Nguyên tắc của tôi là không bao giờ cãi mẹ, nhưng chuyện bản thân đã tin là đúng tôi sẽ không bao giờ phục tùng. Trong bếp, khi bà chỉ dạy, tôi vẫn lễ phép dạ vâng nhưng khi bà đi khỏi tôi sẽ vẫn nấu ăn theo cách tôi nghĩ. Bữa cơm, cả bố, cả chồng tôi đều tấm tắc khen, tôi đều khéo léo “Nhờ mẹ hướng dẫn con đấy!”. Thế là, lần sau mẹ chồng không bắt tôi làm món đó theo ý mình. Những chuyện mẹ chồng yêu cầu, tôi thấy không hợp lý cũng không vội cãi lại bà mà sẽ nói: “Chuyện này con phải bàn lại với chồng con đã!”… Dù sao, con trai đề xuất ý kiến, không nhất trí với mẹ sẽ dễ chấp nhận với bà hơn.

8 năm tôi sống tự chủ và hạnh phúc trong nhà chồng. Chỉ nhờ bí kíp sử dụng chút ít tiểu xảo tinh vi xuất phát từ tình cảm chân thành của nàng dâu với mẹ chồng.

Câm lặng sống cùng chồng

Hình như tôi chỉ nói chuyện được tám giờ mỗi ngày khi ở công sở, thời gian còn lại là chăm con, “câm” cho chồng chú tâm “làm việc lớn”.

Bốn năm chồng vợ có dài lắm không mà anh thay đổi quá nhiều như thế? Mà hình như anh chỉ thay đổi khi ở nhà với vợ, còn ra đường hoặc nhận điện thoại là anh huyên thuyên như thể… lâu lắm rồi mới gặp lại bạn cũ.

Tôi và anh cùng đi làm chung công việc nhưng mỗi chiều tôi phải tranh thủ về sớm để đón con, trong khi anh bận lê la đâu đó. Mãi đến khi căn nhà nhỏ dậy mùi thức ăn anh mới trở về. Khi thì anh nói bận giúp người bạn cùng cơ quan việc này việc kia, lúc lại bảo gặp bạn cũ nên quên… về phụ vợ. Về nhà, anh ném quần áo lung tung trên bệ cửa, trên máy giặt, trên đầu giường… rồi đủng đỉnh ngồi vào bàn ăn. Tôi còn bận con chưa kịp dọn, anh vẫn ngồi yên đó chờ, khi nào tôi “nhờ” anh mới miễn cưỡng đi rinh nồi cơm, lết đôi dép lệt xệt ra chiều bất mãn đi lấy từng cái chén, từng đôi đũa mà miệng lẩm bẩm: “Tưởng có vợ được vợ hầu ai dè phải hầu vợ”. Tôi không muốn đôi co, cuộc sống đã quá nhọc nhằn rồi, hiểu được cho nhau thì tốt, không hiểu thì thôi, cần chi phải giải thích.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lâu dần, tôi tự dưng thành “người câm” trong nhà mình vì áp lực công việc và chăm sóc con cái. Anh đi sớm về trễ nhưng luôn “tốt bụng” để sau giờ làm đi giúp đỡ người này người khác, mặc tôi nháo nhào với vòng quay của trăm việc không tên. Tôi càng “câm” hơn vì mỗi lúc muốn tâm sự với chồng, anh đều gạt ngang: “Anh nhiều tuổi hơn em. Em nghĩ gì, muốn nói gì anh đều biết cả. Thôi… khỏi nói, ngủ đi để mai đi làm”. Anh ngủ chứ tôi có ngủ được đâu. Đống quần áo dơ trong máy giặt đang chờ. Thau chén cũng cần phải rửa. Nhà không lẽ không lau?

Ngày xưa anh cũng biết chia sẻ việc nhà với tôi. Nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, sau đó, tự dưng anh bảo: “Mấy cái việc nhà nhỏ xíu này anh quơ tay một phút là xong, nhưng anh... bận quá. Em làm luôn đi nhé!”. Là anh bận chăm chút cho “nhà” anh trên “phây”. Thời gian sau giờ cơm tối là “giờ vàng” để anh “nổ” cùng bạn bè. Anh còn bảo, anh mê “phây” là “tốt phước” cho em lắm rồi, anh mà mê nhậu, mê bồ chắc giờ này em vừa nách con vừa chạy ngoài đường lo đánh ghen ấy chứ!

Lâu lắm rồi, hình như tôi chỉ nói chuyện được tám giờ mỗi ngày khi ở công sở, thời gian còn lại là chăm con và “câm” cho chồng chú tâm “làm việc lớn”. Ngày của tôi kết thúc lúc 10 giờ đêm, cũng có khi là 11 giờ. Lên giường thì chồng đã ngủ được một giấc, sinh lực đã phục hồi, vậy là phải làm tiếp “trách nhiệm” của người vợ! Cái khoản “trách nhiệm” này cũng rất ư… trách nhiệm, vì không nghe được những thủ thỉ yêu thương của chồng, càng không có dạo đầu dạo cuối...

Tôi sợ người “câm” là tôi ngày nào đó sẽ “điếc” với những năn nỉ ỉ ôi, những hứa hẹn… muộn màng của chồng.