Mẹ chồng nàng dâu: Tiểu xảo của “cô gái đanh đá“

Tôi lấy chồng 8 năm, mỗi lần sang nhà bố mẹ đẻ tôi chơi, mẹ chồng không ngớt miệng khen con trai có phúc cưới được cho bà dâu “hiền”.

Ngày còn đi học, tôi nổi tiếng đanh đá “rách trời rơi xuống”. Bố mẹ lo lắng không biết sau này lấy chồng, về nhà “người ta”, đứa “con gái đầu gấu” sẽ sống kiểu gì. Thế mà giờ tôi đã lấy chồng 8 năm, mỗi lần sang nhà bố mẹ đẻ tôi chơi, mẹ chồng không ngớt miệng khen con trai có phúc cưới được cho bà nàng dâu “hiền”.
Về làm dâu, chẳng đợi mẹ chồng kịp dò xét, tôi đã ghé vào tai bà thủ thỉ: “Con thẳng tính nên đôi khi hành động bộp chộp, nóng nảy nhưng thực tâm con không suy nghĩ, tính toán gì. Lúc nào mẹ không hài lòng thì mẹ cứ nhắc để con sửa. Bảo một lần không được thì mẹ bảo nhiều lần chứ mẹ đừng giận con, mẹ nhé!”. Mẹ chồng tôi hơi bất ngờ một chút nhưng sau đó bà tiếp nhận tính cách của con dâu một cách rất nhẹ nhàng. Thi thoảng bà cũng có nhắc nhở, chấn chỉnh một đôi điều nhưng hầu hết những ý kiến của bà rất chân tình và xây dựng.
Tôi cũng hay cùng mẹ chồng trò chuyện. Thường thì tôi chỉ đặt một vài câu hỏi với bà, sau đó mẹ chồng tôi sẽ kể cơ man là chuyện. Tôi nghe mẹ kể, thi thoảng thốt lên một câu cảm thán hoặc kinh ngạc: “Ôi, thế à mẹ?”, “Thật thế ạ?”, “Thế cơ ạ”, “Con không biết đâu đấy!”… Những lần như vậy, tôi vừa thu thập được khối tin tức, kinh nghiệm, vừa tết chặt hơn sợi dây gắn kết với mẹ. Thực tình, mẹ chồng chẳng cần mình kể lể những kiến thức cao siêu trên trời dưới biển, chỉ đơn giản là tôi luôn lắng nghe, đồng cảm với bà.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Về nhà chồng, tôi cũng chẳng cố gắng tỏ ra quá đảm đang. Việc trong gia đình dù một mình dư sức làm hết nhưng tôi luôn khéo léo “chia chác” với mẹ chồng. Tôi chọn những việc nhẹ nhàng, cần đến sự tinh tế và bao giờ cũng nhờ bà với một giọng rất khẩn khoản: “Mẹ ơi, mẹ làm giúp con nhé! Cái này con chịu thôi!”. Kể cả mỗi lần nấu cháo cho con xong, tôi để nguội rồi cũng “nhờ bà nội đút cho cháu”, tắm cho con xong tôi cũng giục con “ra nhờ bà nội lau người đi con”. Bà nội đi vắng một vài hôm, những việc trong “lãnh địa” của bà tôi không bao giờ đụng đến. Khi mẹ trở về sẽ vừa dọn dẹp, vừa ca thán: “Biết ngay, bà nội đi có mấy hôm nhà cửa đã thế này!”. Tôi chỉ đợi có dịp lao vào bóp vai cho mẹ nịnh nọt: “Thế mới biết tầm quan trọng của bà nội chứ!”
Đương nhiên, trong cuộc sống cũng có lúc nảy sinh những mâu thuẫn. Chuyện nhỏ như khi bà khăng khăng bắt tôi nấu ăn theo công thức “cổ đại” rất khó nuốt của bà, chuyện lớn là khi mẹ yêu cầu vợ chồng tôi làm chuyện này, chuyện khác có nguy cơ đảo lộn cuộc sống, khiến tôi ức chế. Nguyên tắc của tôi là không bao giờ cãi mẹ, nhưng chuyện bản thân đã tin là đúng tôi sẽ không bao giờ phục tùng. Trong bếp, khi bà chỉ dạy, tôi vẫn lễ phép dạ vâng nhưng khi bà đi khỏi tôi sẽ vẫn nấu ăn theo cách tôi nghĩ. Bữa cơm, cả bố, cả chồng tôi đều tấm tắc khen, tôi đều khéo léo “Nhờ mẹ hướng dẫn con đấy!”. Thế là, lần sau mẹ chồng không bắt tôi làm món đó theo ý mình. Những chuyện mẹ chồng yêu cầu, tôi thấy không hợp lý cũng không vội cãi lại bà mà sẽ nói: “Chuyện này con phải bàn lại với chồng con đã!”… Dù sao, con trai đề xuất ý kiến, không nhất trí với mẹ sẽ dễ chấp nhận với bà hơn.
8 năm tôi sống tự chủ và hạnh phúc trong nhà chồng. Chỉ nhờ bí kíp sử dụng chút ít tiểu xảo tinh vi xuất phát từ tình cảm chân thành của nàng dâu với mẹ chồng.

Vợ dùng sim rác cưa cẩm chồng

Sau thời gian chơi trò “ú tìm” nhắn tin qua lại với chồng, Huyền càng chưng hửng nhận ra, hóa ra chồng cũng lãng mạn và nhiều chuyện gớm thật...

Công ty phát cho mỗi người bộ sim “rác”, sản phẩm còn thừa lại sau đợt khuyến mại, Huyền hăm hở gắn vào điện thoại, xài thử. Đến xế chiều, Huyền nhắn tin hỏi chồng muốn ăn món gì bữa tối nay để đi chợ. Một lúc sau, cô nhận tin nhắn trả lời lạ lùng: “Xin lỗi, em là ai, chắc em nhầm số rồi?”

Lúc bấy giờ Huyền mới sực nhớ là mình chưa đổi trở lại sim cũ. Một ý nghĩ bỗng xẹt ngang trong đầu Huyền lúc ấy. Chồng mình cũng lịch sự quá đi đấy chứ. Sao không nhân tiện kiểm tra xem “hắn ta” có thích nhắn tin à ơi này nọ hay không.

Sau một thời gian chơi trò “ú tìm” nhắn tin qua lại với chồng, Huyền càng chưng hửng nhận ra, hóa ra chồng cũng lãng mạn và nhiều chuyện gớm thật. Ban đầu chỉ là những câu hỏi xã giao, kiểu như em là ai, sao lại nhắn nhầm máy anh… rồi là “coi như mình có duyên nên mới như thế”, “chồng em chắc có phước lắm mới được vợ quan tâm hỏi han từng bữa cơm như thế”. Huyền chạnh lòng tự hỏi, bấy lâu nay, mình chăm chút cho hai bố con như thế, có khi nào anh biết mình “có phước” hay chưa? Sao anh có thể dễ dàng cảm động vì vài câu chữ của người xa lạ đến thế nhỉ!

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chồng Huyền bình thường thuộc dạng ít nói, khô khan. Lâu nay cô vẫn nghĩ anh không thích những trò ong bướm kiểu này. Ai ngờ, cũng có lúc anh dành thời gian để nhắn tin à ơi cho một “cô gái lạ” nào đấy. May mà mình vô tình xài cái sim rác nên mới phát hiện ra. Sáng sớm, Huyền vừa tới cơ quan đã thấy chiếc máy xài sim rác báo có tin nhắn mới. Hóa ra anh nhắc “cô gái kia” nhớ mặc áo khoác, kẻo lạnh, đừng ngồi dưới cánh quạt hút gió, dễ bệnh lắm đấy. Thi thoảng nhớ đứng dậy lấy nước uống, vận động cho khỏe người. Trời sắp mưa rồi, em về cẩn thận đấy nhé… Bên cạnh đó, điện thoại “chính thức” của Huyền vẫn im lìm, anh chẳng buồn hỏi han được một câu lấy lệ.

Cuộc sống gia đình Huyền bỗng dưng trở nên lặng lẽ hơn từ hôm ấy. Chồng cô có vẻ như háo hức với mối quan hệ “ảo” đầy đồng cảm, dịu dàng. Huyền cay cú cố tìm cách lôi kéo chồng dấn sâu vào cái trò chơi tự mình bày ra. Những chiêu trò ngày xưa cưa cẩm nhau được cô “ôn lại” qua tin nhắn với chồng. Về nhà, cả hai ngấm ngầm hiểu rằng sẽ “cắt đứt dây chuông”, không giữ liên lạc. Nên gần cả tháng sau anh vẫn không biết mình đang bị vợ cho “vô tròng” đầy ngoạn mục.

Những chia sẻ gần gũi qua sim rác với chồng trong “vai” một người khác làm Huyền nhận ra rằng lâu nay cứ ngỡ, cơm canh nóng sốt, nhà cửa gọn gàng thôi là đã đủ. Lấy nhau “thâm niên” rồi, cần gì phải hỏi han, chúc buổi sáng tốt lành, buổi trưa ngủ ngon, buổi tối ấm áp nữa… Cô cũng hiểu ra, đàn ông muôn đời vẫn thế nếu cô không làm mới mình, cứ đều đặn, tẻ nhạt như bấy lâu, thì đúng là nguy thật.

May “cô gái ảo” kia là mình nếu gặp “em” khác, thật chẳng biết hậu quả đã thế nào. Thôi thì phòng bệnh hơn chữa bệnh, Huyền nhắn cho anh cái tin cuối cùng: “Nếu vợ anh cũng “giải trí” với một người đàn ông khác bằng cách nhắn tin thường xuyên như em với anh thế này, anh sẽ cảm thấy sao?”

Bên kia, chồng cô lặng người. Điều này, có lẽ chưa bao giờ anh nghĩ tới. Bên này, Huyền tháo cái sim rác kia ra, vứt vào ngăn kéo bàn làm việc ở cơ quan. Rồi tần ngần một lát, cô quyết định tạo cho chồng một bất ngờ với một tin nhắn lãng mạn đầy yêu thương.

Dở khóc dở cười vì... yêu cha mẹ chồng

Không yêu thương mà thành mâu thuẫn đã đành một nhẽ. Nhưng ngược đời lại có những chuyện dở khóc dở cười chỉ vì... yêu.

Lần ấy, tôi vừa dắt xe vào cơ quan, chưa kịp mở cửa phòng cất túi thì cô bé Phòng Kế hoạch nước mắt rơm rớm chạy đến: “Bác ơi, con khổ quá”!. “Sao lại khổ, vào đây đã nào, chuyện gì kể bác nghe”.

“Rảnh tay” sau ly hôn

Không ít lần xem xét và lựa chọn mã số thích hợp, anh lại thắc mắc: “Tại sao phụ nữ rảnh tay sau ly hôn hiếm thế”.

1. Sau một tháng ly hôn, anh trở thành vị khách thường xuyên nhất của văn phòng Tâm Giao. Mỗi lần đến tìm mã số mới, câu hỏi duy nhất của anh là: “Có mã số nào mới còn độc thân, hoặc ly hôn nhưng không vướng bận con cái không?”. Không ít lần xem xét và lựa chọn mã số thích hợp, anh lại thắc mắc: “Tại sao phụ nữ rảnh tay sau ly hôn hiếm thế”. Rồi anh tiếp tục phân bua như để thanh minh cho tiêu chí tìm bạn của mình: “Hôn nhân có con chung, con riêng phức tạp lắm…”.

Với tài ăn nói và hình thức khá điển trai, anh nhanh chóng kết nối thành công với một mã số nữ trẻ trung xinh đẹp, chưa kết hôn lần nào. Ai cũng bảo anh có tài tán vợ, có tuổi lại qua một lần đò mà vẫn cưới được gái tân xinh đẹp.

Mỗi lần ngồi với mấy ông bạn cũng một lần đổ vỡ, đang sống trong những cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại”, nghe họ kể chuyện đau đầu khi sống cảnh “con anh con em”, anh lên giọng: “Các ông chẳng biết tính toán cho mình gì cả, cứ như tôi đây “nhường” hết quyền nuôi con cho vợ cũ vừa được tiếng lại được miếng. Hai đứa trẻ không phải chia cách nhau, còn mình có điều kiện dễ dàng tái hôn hơn. Thỉnh thoảng về thăm chúng một lần, chu cấp thêm một ít, đỡ phức tạp cho cả đôi bên. Lựa chọn đối tượng phải tìm “gái tân” không thì cũng phải tìm người “rảnh tay” giống mình, có như vậy mới không đau đầu!…”. Nghe anh nói, mấy ông bạn gật gù trong hơi men khen anh “sáng suốt”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
2. Lấy nhau hơn 10 năm, chị thấm thía nỗi khổ của một cuộc hôn nhân bất hạnh. Lá đơn ly hôn được chị viết sẵn nằm sâu trong góc tủ, mấy lần lấy nó ra để ký tên nhưng nhìn hai đứa con còn quá nhỏ chị lại không đành. Cho đến lúc đứa thứ hai lên 5 tuổi, chị mới quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy. Khi hai người ký vào đơn, đề cập chuyện thỏa thuận chia tài sản và nuôi con. Ngay lập tức, anh “nhường” hết quyền nuôi con cho chị với lý do “không đành chia cắt hai đứa trẻ”. Anh cũng tỏ vẻ hào phóng khi dành “phần hơn” tài sản cho chị để nuôi con. Ra tòa, phần cấp dưỡng, anh xin đóng “một cục”. Nhận toàn quyền nuôi hai đứa con, chị nghĩ âu cũng có cái may, mẹ con không phải chia lìa.

Cuộc sống sau ly hôn ban đầu có vẻ ổn nhưng sau đó thì những điều bất ổn xuất hiện. Việc nuôi dạy hai đứa con lớn lên khi hôn nhân đổ vỡ không hề dễ dàng đối với một người phụ nữ bận rộn như chị. Tìm anh đề cập đến vấn đề nuôi dạy con cái nhưng chỉ nhận được thái độ thờ ơ bất hợp tác. Giờ anh đã có hạnh phúc mới, chuyện đó chị phải chủ động vì đã “toàn quyền” với chúng.

Chị nghĩ đến việc tìm hạnh phúc mới để làm điểm tựa. Nhưng gánh nặng nuôi con sau ly hôn đã vô tình trở thành vật cản lớn. Đàn ông đều muốn một người phụ nữ rảnh rang, ít ai muốn san sẻ cái gánh nặng mà người đàn ông trước “cố tình” bỏ lại. Chị lại tìm đến chồng cũ đề nghị thay đổi quyền nuôi con để anh đảm nhận việc nuôi dạy một đứa. Anh viện đủ lý do để từ chối, thậm chí cảnh báo việc “mẹ ghẻ” ghê gớm có thể làm khổ thằng bé.

Nhân có quyết định nhận công tác một thời gian ở nước ngoài, chị cho con về sống bên bố. Được một thời gian ngắn, anh về điều đình với bố mẹ vợ cũ cho con về đó “sống tạm”. Chưa được bao lâu, anh được công an phường mời lên “xác nhận” là người thân của một đối tượng trong băng nhóm cướp giật trên đường phố. Nhìn đứa con trai chưa đến tuổi thành niên, học hành dang dở, nhìn bố với ánh mắt hận thù qua song sắt phòng tạm giam, anh mới thấm thía cái giá của việc muốn… rảnh tay.