
Vừa qua, tại triển lãm hàng không F-AIR 2025 diễn ra từ ngày 9-13/7, được tổ chức tại Sân bay Quốc tế José María Córdova ở Rionegro (Colombia), đã giới thiệu 2 máy bay tiên tiến gồm Saab JAS 39 Gripen E do Thụy Điển sản xuất và máy bay vận tải Embraer KC-390 Millennium do Brazil sản xuất.

Trong một động thái mang tính biểu tượng, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã bước vào buồng lái của một chiếc Gripen E, thể hiện sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ cho thỏa thuận sắp tới nhằm mua những máy bay chiến đấu tiên tiến này.

Bên cạnh đó, không quân Colombia đã đặt mục tiêu thay thế đội bay Kfir cũ kỹ của mình do Israel sản xuất, đội bay này vốn đã phục vụ từ những năm 1980. Sau hơn bốn thập kỷ, đội bay hiện đang gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu hiện đại.

Dự kiến, việc ký kết hợp đồng mua máy bay phản lực Gripen E/F sẽ diễn ra vào tháng 9 tới. Sự kiện này cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Colombia, nhằm tăng cường sức mạnh không quân trong bối cảnh căng thẳng khu vực và những thách thức an ninh nội bộ ngày càng phức tạp.

Bên cạnh sự hiện diện của Tổng thống Petro, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cũng tới dự lễ khai mạc sự kiện này, điều này càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng chiến lược của sự kiện, khi Thụy Điển tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Mỹ Latinh.

Gripen E là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4.5 được tích hợp hệ thống AI, được xem là bước tiến nhảy vọt của Không quân Colombia. Với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và chi phí vận hành thấp, chiến đấu cơ này đã nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất, trong quá trình đấu thầu cạnh tranh bắt đầu vào năm 2024.

Được trang bị một động cơ General Electric F414G cung cấp lực đẩy 10 tấn, cho phép đạt tốc độ tối đa gần 2.500 km/h và bán kính chiến đấu khoảng 1.300 km. Cấu hình cánh tam giác, kết hợp với hệ thống điều khiển fly-by-wire, đảm bảo khả năng cơ động đặc biệt, khiến nó phù hợp với nhiều môi trường hoạt động khác nhau của Colombia.

Vũ khí chính của Gripen E bao gồm tên lửa không đối không tầm xa Meteor với tầm bắn hơn 160 km. Trong các cuộc giao tranh tầm gần, Gripen E sử dụng tên lửa IRIS-T, có khả năng khóa mục tiêu bằng tia hồng ngoại với độ chính xác cao. Máy bay cũng hỗ trợ các nhiệm vụ không đối đất với các loại đạn dẫn đường chính xác như bom đường kính nhỏ GBU-39.

Bên cạnh chiến đấu cơ Gripen E, KC-390 Millennium là máy bay vận tải chiến thuật hai động cơ, bổ sung cho Gripen E bằng cách đáp ứng nhu cầu vận tải đa năng của Colombia. Với khả năng chở 26 tấn hàng hóa, KC-390 vượt trội hơn các nền tảng cũ hơn như C-130 Hercules, loại máy bay mà Colombia hiện đang sử dụng.

Động cơ Rolls-Royce AE 2100 cho phép máy bay đạt tốc độ bay hành trình 870 km/giờ và tầm bay 3.700 km khi đầy tải. KC-390 cũng nổi trội về khả năng tình báo điện tử, với các hệ thống phát hiện và gây nhiễu thông tin liên lạc của đối phương, nâng cao khả năng chống lại mạng lưới phiến quân của Colombia.

Bộ trưởng Quốc phòng Iván Velásquez đã xác nhận kế hoạch ký hợp đồng vào tháng 9, với các cuộc đàm phán tập trung vào việc mua 16 đến 24 máy bay. Điều này phù hợp với chiến lược rộng hơn của Colombia nhằm hiện đại hóa quân đội, xuất phát từ nhu cầu bảo vệ không phận trước các đối thủ trong khu vực như Venezuela, quốc gia đang vận hành máy bay chiến đấu Su-30 của Nga.

Quyết định mua Gripen E và KC-390 của Colombia được đưa ra sau nhiều năm cân nhắc, điều này cũng báo hiệu sự chuyển hướng khỏi sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng, bằng cách lựa chọn các nền tảng của Thụy Điển và Brazil như đã thấy ở Peru, khi nước này từ chối F-16 và Rafale.