Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 70,65 tỷ USD trong tháng 8

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục tăng, lần lượt đạt 37,6 tỷ USD (+14,5% YoY) và đạt 33,1 tỷ USD (+12,4% YoY).
Hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi. Trong tháng 8, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,5% YoY (tháng 8/2023: +3,5% YoY), trong đó IIP ngành sản xuất tiếp tục tăng 10,6% YoY (tháng 8/2023: +4,3% YoY).
Trong 8 tháng đầu năm 2024 (8T 2024), IIP toàn ngành công nghiệp và IIP ngành sản xuất lần lượt tăng 8,6% YoY (8T 2023: -0,5% YoY) và 9,7% YoY (8T 2023: -0,7% YoY).
Chứng khoán Vietcap kỳ vọng ngành sản xuất có thể duy trì chu kỳ phục hồi trong bối cảnh lượng đơn hàng mới tăng trưởng mạnh trong báo cáo PMI gần đây. Tuy nhiên, bão Yagi đã gây gián đoạn sản xuất ở một số tỉnh miền Bắc vào đầu tháng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến IIP trong tháng 9.
Doanh thu bán lẻ ghi nhận tăng trưởng ổn định. Trong tháng 8, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,9% YoY. Trong 8T 2024, tổng doanh thu bán lẻ tăng 8,5% YoY (doanh thu bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống: +14,3% YoY; doanh thu bán lẻ dịch vụ du lịch: +26,2% YoY). Chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế tiếp tục phục hồi, đặc biệt khách du lịch từ Trung Quốc, sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh thu bán lẻ trong tháng 9.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đầu tháng có thể phần nào hỗ trợ doanh thu bán lẻ. Trong khi đó, bão Yagi có thể sẽ khiến tăng nhu cầu mua sắm tích trữ hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu và các đồ dùng, vật liệu phục vụ cho việc tái thiết sau bão.
Tong kim ngach xuat, nhap khau hang hoa dat 70,65 ty USD trong thang 8
 Trong tháng Tám, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 70,65 tỷ USD
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 vượt trên 10%. Theo Bộ Tài chính, tổng thu & chi NSNN lần lượt đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng (+17,8% YoY) và 1.104,2 nghìn tỷ đồng (+1,9% YoY), hoàn thành 78,5% và 52,1% kế hoạch năm, dẫn đến thặng dư ngân sách 231,4 nghìn tỷ đồng trong 8T 2024 (gấp 5,3 lần so với thặng dư 43,3 nghìn tỷ đồng trong 8T 2023).
Trong tổng chi NSNN, chi NSNN cho đầu tư phát triển giảm 8,9% YoY (so với mức cơ sở cao của 8T 2023) xuống 273,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 40,4% kế hoạch năm. Ngoài ra, theo Công điện số 85/CD-TTg ngày 02/09, Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt trên 10% và Vietcap kỳ vọng điều này có thể đạt được nhờ thu ngân sách trong 8T 2024 tăng mạnh. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vốn FDI giải ngân trong 8T 2024 đạt mức cao nhất kể từ năm 2012. Trong tháng 8, vốn FDI đăng ký tăng mạnh 32,0% YoY lên 2,5 tỷ USD, trong khi vốn FDI giải ngân tăng 5,3% YoY lên 1,6 tỷ USD. Trong 8T 2024, vốn FDI giải ngân và đăng ký lần lượt tăng 8,0% YoY và 13,1% YoY lên là 14,2 tỷ USD và 20,5 tỷ USD.
Vietcap kỳ vọng vốn FDI giải ngân sẽ tăng 10%/năm trong giai đoạn 2024–2026 chủ yếu nhờ lượng vốn đăng ký lớn được ghi nhận trong năm 2023 và những lợi thế cơ bản của Việt Nam (bao gồm vị trí chiến lược, các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chi phí lao động cạnh tranh, cùng nhiều yếu tố khác), sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc và việc nâng cấp quan hệ ngoại giao gần đây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam và Nhật Bản, và gần nhất là Việt Nam và Úc.
Lạm phát đi ngang trong tháng 8. CPI tháng 8 không đổi so với tháng 7 và tăng 3,45% YoY, đưa CPI bình quân trong 8T 2024 lên 4,04% YoY. CPI nhóm giao thông (-1,98% MoM) là yếu tố chính giúp kiềm chế lạm phát, chủ yếu do giá xăng trong nước giảm 5,8% so với tháng trước.
Vietcap dự kiến một số yếu tố có thể khiến lạm phát tăng trong tháng 9 bao gồm: (1) Nhu cầu tăng cao trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào đầu tháng; (2) một số trường có thể tăng học phí vào đầu năm học mới và (3) bão Yagi và lũ lụt kéo dài sau cơn bão xảy ra ở một số tỉnh (như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và Cao Bằng) có thể gia tăng áp lực lạm phát.
Tỷ giá USD/VND ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 20 tháng qua. Tỷ giá USD/VND giảm 1,5% trong tháng 8. Mức giảm này là do một số lý do bao gồm: (1) Dữ liệu CPI gần đây của Mỹ đã giúp tăng khả năng giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sắp tới của Fed và (2) Việt Nam ghi nhận thặng dư 4,5 tỷ USD vào tháng 8 - mức cao nhất trong 4 năm. Tính đến cuối tháng 8, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức 24.875 trên thị trường liên ngân hàng (tỷ giá USD/VND tăng 2,5% kể từ đầu năm).
Vietcap cho rằng một số yếu tố có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá vào cuối năm nay, bao gồm Fed có khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng đang dần được thu hẹp, nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam tiếp tục dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và kiều hối, đồng thời thâm hụt thương mại dịch vụ ngày càng thu hẹp.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Trong tháng Tám, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2024 sơ bộ đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tám tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%.
Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2024 sơ bộ đạt 33,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tám tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 230,95 tỷ USD, chiếm 93,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tám tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng Tám sơ bộ xuất siêu 4,53 tỷ USD. Tính chung tám tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.
P.Đa

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN