CTCP Thép Thủ Đức (UPCoM: TDS) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với doanh thu thuần đạt hơn 401 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn tăng ít hơn mức tăng doanh thu giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 39%, mang lại gần 17 tỷ đồng.
Song song, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng mạnh khi đạt gần 1,2 tỷ đồng, chi phí tài chính ghi nhận hơn 100 triệu đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 9% và 16% so với quý 1/2024.
Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, TDS báo lãi sau thuế đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ Thép Thủ Đức, sản lượng tiêu thụ thép cán quý 1/2025 tăng 54% so với cùng kỳ, tương đương tăng 86 tỷ đồng làm cho lợi nhuận gộp so với quý 1/2024 tăng 39%. Chi phí quản lý, bán hàng quý 1/2025 tăng 14%, tương đương tăng 1,8 tỷ; trong đó chi phí vận chuyển (bán hàng) tăng do sản lượng tiêu thụ tăng. Trước đó, quý 1/2024 lợi nhuận trước thuế đạt 3,5 tỷ do được giảm tiền thuê đất 3,6 tỷ. Các kết quả trên dẫn đến lợi nhuận sau thuế sụt giảm so với cùng kỳ.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Thép Thủ Đức ở mức gần 359 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 207 tỷ đồng, chiếm phần lớn tổng tài sản.
Tổng nợ phải trả của Thép Thủ Đức giảm 4,5% so với đầu năm, về mức 143,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty không vay nợ tài chính. Chủ yếu là các khoản phải trả người bán ngắn hạn ở mức 55,3 tỷ đồng và phải trả dài hạn khác ghi nhận 51 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 3/2025 ở mức 214,8 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới cuối quý 1 đạt hơn 48 tỷ đồng.
 |
Ảnh minh họa |
Năm 2025, HĐQT Thép Thủ Đức dự báo nhu cầu thép toàn cầu vẫn khó khăn, cạnh tranh trong nước và hàng nhập khẩu gặp khó, tình hình sản xuất kinh doanh ngành thép nói chung và của công ty còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, công ty vẫn đặt ra mục tiêu tham vọng sau năm kinh doanh bết bát.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, Thép Thủ Đức dự trình cổ đông mục tiêu sản xuất phôi thép đạt 140.000 tấn (tăng 30% so với thực hiện 2024) và sản xuất cán thép đạt 95.000 tấn (tăng 14% so với 2024). Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với kết quả thực hiện năm 2024.
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ trình cổ đông về kế hoạch đầu tư nâng cấp tài sản cố định. Cụ thể, TDS sẽ chi khoảng 5 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống kiểm soát khí thải online và 800 triệu đồng để lắp Scada 110KV Vikimco từ vốn tự có.
Về phương án trích lập lợi nhuận, TDS dự kiến không chia cổ tức 2024 và 2025. Công ty cho biết, do năm 2023 đã chi trả cổ tức 70% bằng tiền mặt, nên vốn cho hoạt động SXKD gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của chủ trương di dời, vì vậy sẽ không chia cổ tức.
Ban lãnh đạo cũng cho biết trong trường hợp TDS đạt mục tiêu lãi 5 tỷ đồng trong năm 2025, khoản lợi nhuận sau thuế được chia là 4 tỷ đồng, doanh nghiệp dự định dành 400 triệu cho quỹ phúc lợi cho người lao động và 3,6 tỷ lợi nhuận còn lại để đầu tư di dời.