Doanh nghiệp ngành phân bón có thể tăng trưởng âm trong năm 2023

Trong báo cáo triển vọng ngành phân bón, CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng các doanh nghiệp ngành này có thể đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trong năm 2023 do nguồn cung dư thừa, giá urê giảm nhanh hơn nguyên liệu.
 
Cụ thể, BSC thông tin nguồn cung ure năm 2023 được kỳ vọng tăng trở lại khi Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu phân bón. Năm 2022, xuất khẩu ure của Trung Quốc đạt 2,84 triệu tấn, giảm 46% so với năm 2021, trong đó nửa đầu năm ghi nhận giảm 69%, nửa cuối năm đi xuống khoảng 27%, điều này cho thấy Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối năm nay.
Phía Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu ure cho tới hết tháng 5/2023 (thời gian thông quan từ 15 – 90 ngày), tuy nhiên các biện pháp này đã bớt nghiêm ngặt so với đầu năm 2022. Vì vậy, BSC cho rằng Trung Quốc sẽ tăng lượng ure xuất trong 2023.
Mặt khác, hiện nhu cầu nhập khẩu ure từ Ấn Độ đang có xu hướng giảm do quốc gia này tăng cường sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Năm 2022, lượng nhập khẩu ure ghi nhận giảm khoảng 17% so với năm 2021.
Doanh nghiep nganh phan bon co the tang truong am trong nam 2023
 Doanh nghiệp ngành phân bón đối mặt với nhiều thách thức năm 2023.
Chi phí đầu vào cũng là một yếu tố khác tác động thị trường ure. Theo BSC, giá ure thế giới hiện giảm 35 – 50% so với mức hồi đầu năm 2022, trong khi giá các nguyên liệu chính mới hạ nhiệt 18 – 30% (ngoại trừ giá khí ở Châu Âu và than).
Điều này cho thấy giá ure đang giảm nhanh hơn so với nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất ure, tạo áp lực lên tăng trưởng các công ty do mức nền năm 2022 cao.
Nhận thấy những thách thức của ngành, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra kế hoạch thận trọng cho năm 2023. Đạm Cà Mau (DCM) đặt kế hoạch doanh thu 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.383 tỷ đồng; giảm lần lượt 15% và 67% so với 2022.
Hóa chất Đức Giang (DGC) đặt kế hoạch kinh doanh quý 1/2023 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 2.578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 700 tỷ. Kế hoạch này lần lượt giảm 29% và giảm 54% so với cùng kỳ năm trước; giảm 17% về doanh thu và giảm 38% về lợi nhuận so với quý 4/2022.
Tuy đối mặt với áp lực tăng trưởng âm nhưng theo BSC, về định giá, cổ phiếu DPM và DCM hiện đang được giao dịch ở mức P/E thấp so với trung bình 8 năm (DPM, DCM đang giao dịch với P/E chiết khấu lần lượt 66% và 55% so với trung bình lịch sử).
Đối với DGC, lượng tiền mặt lớn và định giá rẻ (cổ phiếu đang được giao dịch ở mức P/E thấp trong vòng 8 năm gần nhất (5,46 so với 8,05) là những yếu tố hấp dẫn đối với cổ phiếu này.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN