Ngày 24/10, Cục Thuế tỉnh Bình Định có quyết định cưỡng chế về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Theo đó, Cục Thuế cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản của Bamboo Airways mở tại BIDV, MB, Techcombank.
Nguyên nhân do Bamboo Airways có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 102,55 tỷ đồng.
Cục Thuế Bình Định yêu cầu các ngân hàng trên trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của Bamboo Airways.
Trường hợp số tiền trên tài khoản của Bamboo Airways nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của Bamboo Airways trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày từ ngày 24/10 đến 22/11.
Về tình hình kinh doanh năm 2022, Bamboo Airways đạt doanh thu thuần hơn 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Tuy nhiên do kinh doanh dưới gía vốn nên Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỷ đồng.
Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 12.750 tỷ đồng trong khi năm ngoái chỉ hơn 158 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là hãng bay trong năm qua đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỷ đồng.
Đây là nguyên nhân chính khiến Bamboo Airways lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng, năm 2021, hãng bay này cũng lỗ 2.281 tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản dự phòng phải thu này thì hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Airways trong năm qua chỉ lỗ hơn 5.000 tỷ đồng.
Do khoản lỗ lớn trong năm 2022 khiến Bamboo Airways lỗ luỹ kế gần 19.336 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, Bamboo Airways tăng vọt vay nợ tài chính ngắn hạn gấp 2,3 lần lên 10.114 tỷ đồng tại thời điểm cuối 2022, còn dài hạn vẫn quanh mức 508 tỷ đồng. Bamboo Airways có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, ngày 14/7, mạng xã hội lan truyền thông tin nhóm nhà đầu tư mới không còn nguồn lực đễ hỗ trợ Bamboo Airways tái cơ cấu, vì vậy hãng dự kiến nộp đơn xin phá sản.
Trước thông tin này, Bamboo Airways cho biết, trong thời gian vừa qua, hãng đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất. Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối.
Gần đây, Bamboo Airways cũng có thay đổi nhân sự thượng tầng khi bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam giữ vị trí Tổng giám đốc kể từ ngày 23/10.
Ông Lương Hoài Nam từng là Trưởng ban Kế hoạch thị trường và Tổng biên tập Tạp chí Heritage của hãng hàng không Vietnam Airlines (HVN), Tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Nam Long (NLG), Tổng giám đốc CTCP Hàng không Hải Âu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt…
Tổng giám đốc Lương Hoài Nam đặt mục tiêu đưa quy mô đội tàu bay về lại 30 tàu bay, hướng tới nâng lên 50 tàu và nhiều hơn.
Bamboo Airways đã xây dựng những giải pháp mới cho giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024. Cụ thể, cấu trúc đội tàu dự kiến bao gồm các chủng loại máy bay thân hẹp và phản lực, khai thác trên các đường bay nội địa trọng điểm, nổi bật tập trung vào các đường bay trục chính đến Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, các đường bay du lịch, công vụ có nhu cầu cao; cũng như các đường bay quốc tế tới Đông Nam Á.
Cùng với đó, Bamboo Airways tiếp tục đa dạng hoá mạng lưới đối tác tiềm năng, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp Boeing và Airbus để triển khai các thoả thuận mua tàu bay đã được ký kết, nhằm chủ động gia tăng nguồn lực đội tàu bay giai đoạn 2024 – 2028 và những năm tiếp theo.