Chiều 14/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Theo quy định hiện hành, lực lượng được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an.
Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định đối tượng dân sự được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Chính phủ cho rằng, việc cử đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích tiềm năng; giúp huy động thêm nguồn nhân lực để tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là các vị trí lãnh đạo hoặc vị trí tại các cơ quan hoạch định chính sách của Liên Hợp Quốc.
Qua đó sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…) đã và đang cử các viên chức Chính phủ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các phái bộ thực địa và các cơ quan hoạch định chính sách hoặc trụ sở Liên Hợp Quốc.
Chính phủ viện dẫn, như Trung Quốc có chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ và đã cử số lượng lớn nhân viên dân sự làm việc tại các văn phòng tại trụ sở Liên Hợp Quốc và tại thực địa.
Đây là bước đi mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn nhằm gia tăng mức độ, phạm vi ảnh hưởng, trực tiếp tham gia soạn thảo, hoạch định các chính sách của Liên Hợp Quốc ở các cấp độ.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ vai trò thống lĩnh của Chủ tịch Nước trong việc cử lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.