ĐBQH: Giáo viên lo lương mới còn thấp hơn lương hiện tại

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho hay, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục lo ngại, lương giáo viên mới thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, cho hay, qua tiếp xúc cử tri bà nhận được nhiều ý kiến ngành giáo dục gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với ngành giáo dục. 
DBQH: Giao vien lo luong moi con thap hon luong hien tai
 Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn.
Theo đó, tới đây khi thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp.
Từ ngày 01/7/2024, thực hiện Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 8 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống.
Trên một số báo mạng có đưa thông tin về bản dự thảo Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới, việc phân cấp theo nhóm, bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo. Ngoài lương cơ bản các phụ cấp theo lương của viên chức ngành giáo dục được tính gộp lại.
"Sau khi tính toán, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo", đại biểu Dương Minh Ánh nêu ý kiến.
Cụ thể, theo đại biểu Dương Minh Ánh, cùng một hạng viên chức giống nhau, nhưng lương người làm việc lâu năm với lương người mới vào làm được tính giống nhau. Như vậy sẽ không tạo ra được động lực cống hiến giữa các nhà giáo.
Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.
 Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng đối tượng tăng lương tại Nghị quyết 27 lần này bao gồm người làm trong lĩnh vực y tế và giáo dục, do đó cử tri băn khoăn các chi phí ở các lĩnh vực này sẽ tăng cao.
Vì vậy, đại biểu lo ngại so với quan điểm trong Nghị quyết 27 là tiền lương là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động liệu có thực sự khả thi?
“Dù biết rằng nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ nhà giáo và y tế sẽ lấy từ nguồn ngân sách, hay nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập", đại biểu đoàn Hà Nội băn khoăn.
Theo đại biểu, nếu lấy từ nguồn thu của các đơn vị ngành Y tế và Giáo dục sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp công lập này.
Hơn hết, sẽ là gánh nặng đối với người học, người bệnh khi tính đúng, tính đủ các chi phí, bao gồm chi phí tăng lương vào chi phí khám chữa bệnh và học phí của người học.
"Điều này dẫn đến việc người bệnh nếu không có bảo hiểm y tế sẽ không dám đến bệnh viện, người học sẽ không đủ tiền để đóng học phí", đại biểu Dương Minh Ánh cho hay.
Do vậy, cử tri có 2 kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đó là:
Một là, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác quan điểm, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh việc hoang mang cho đối tượng thụ hưởng không yên tâm công tác.
Hai là, cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội, chung mối quan tâm về cải cách tiền lương từ 1/7, qua theo dõi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, bản chất của tăng lương là gom tất cả các khoản thu nhập hiện tại vào trở thành lương. Nhưng theo đại biểu, điều quan trọng hơn là tâm lý tăng lương dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng. “Cứ lương tăng là chỉ số tiêu dùng tăng lên, vậy giải pháp việc này ra sao?” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.

Kỳ vọng vào tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Với 100% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV, cho thấy sự đồng thuận rất cao.

Chiều 20/5, với 475/475 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Đại biểu Quốc hội hiến giải pháp kiềm sự “nhảy múa” giá vàng

Các đại biểu cho rằng, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn giá vàng, tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Thị trường vàng tác động tiêu cực tới nền kinh tế

PGS.TS Trần Mạnh Trí: Từ định học hết cấp 3 tới giải Tạ Quang Bửu

PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, anh từng chỉ định học hết cấp 3, không thi đại học. Những gì anh đạt được đến nay thực sự là một hành trình kỳ diệu.

Đưa tay chỉ sang phía giảng đường đối diện khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cơ sở 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ, một trong những niềm hạnh phúc nhất của anh là được học tập ở giảng đường này, rồi lại trở thành giảng viên, nối nghiệp những người thầy của mình giảng dạy tại đây. Từ lúc không hề có ý nghĩ đi học đại học, cho đến lúc trở thành giảng viên, rồi gặt hái được những thành quả đến giờ phút này, với anh, đó là một hành trình kỳ diệu.
PGS.TS Trần Mạnh Trí gây ấn tượng ngay từ phút đầu gặp gỡ với sự cởi mở, gần gũi, giản dị, chân thành và câu chuyện truyền cảm hứng.