Đành phải sống chung với bi kịch

Nhiều gia đình cứ mâu thuẫn mãi, nhất là khi con dâu muốn tiếm quyền. Chắc phải chung sống với bi kịch chứ làm gì thoát được. 

Chị Dạ Hương kính!
Mới về hưu, tôi có nhận một chân tổ trưởng dân phố, cũng rỗi nên lang thang trên mạng và dừng sự thích ở chỗ chị phụ trách. Cảm ơn chị đã cho những độc giả như chúng tôi những sự đời, sự ứng xử với hoàn cảnh của mình và cả sự thông cảm người khác nữa.
Chồng tôi nghỉ hưu trước tôi, hiện chúng tôi sống cùng với con trai út. Tôi có hai con chị ạ, con gái lớn ở riêng, khá gần nên cũng tiện đi lại. Vợ chồng cậu con trai này cũng đủ hai con cả rồi, chúng lớn lên trong vòng tay của vợ chồng tôi chứ đâu. Nhưng mà chị ơi, tôi nghiệm ra, con cái càng lớn, cha mẹ cũng càng già nhưng chính vì vậy mà mình thất thế với con đúng không chị?
Mẹ tôi khi còn sống vẫn thường nhắc tôi: Đừng chiến tranh với dâu kẻo tội con trai mình. Bà nghiệm ra từ chính bà ngoại tôi, khi xưa, thời chưa có nam nữ bình quyền, bà ngoại tôi bị mẹ chồng hành dữ. Bà ngoại tôi có học nên chống đối ra mặt và người tổn thương chính là ông ngoại tôi. Đến mức ngày mẹ chồng mất, bà ngoại tôi chỉ về qua chứ không ở chịu tang gì cả, chị thấy có đau lòng không chứ.
Nghe lời mẹ, tôi không bắt bẻ con dâu chuyện gì, cái gì bao được thì bao, còn công xá thì không tiếc. Nhưng hình như làm thế là không phải chị ạ. Dâu tôi nó làm việc ở phường nhà, thu nhập không cao nhưng con trai tôi thì lương rất tốt. Chúng tôi ít con nên cũng dư sức bù chì cho con mà. Thế nhưng, tiền bạc, công sức của tôi không khiến dâu mình cảm động hay sao ấy.
Có nhiều chi tiết để dẫn chứng nhưng tôi không muốn kể ra. Có điều, khi con cái của chúng còn nhỏ thì “bà nội tuyệt vời”, nay chúng đã rõ hình rõ vóc thì chúng một tầng vợ chồng tôi một tầng, không ấm cúng như trước nữa. Có phải con dâu tôi xem chúng tôi như giúp việc, giờ thì chúng nó giỏi lên rồi, con cái cũng cấp I cấp II cả rồi, ông bà đừng có tham gia vào việc dạy dỗ hai đứa nhỏ, nhá.
Tôi làm công tác phụ vận lâu năm, hay giải thích, nhỏ to, quen rồi. Con dâu tôi thì gì cũng sa sả, nói năng ào ào như mưa vuốt mặt. Tôi hướng các cháu quen đối thoại, dâu mình xử lý tình huống theo kiểu bạo lực, đánh nhanh rút nhanh. Ban đầu con trai tôi cũng khó chịu vì cái kiểu ấy nhưng nó hay đi công tác, lâu ngày cũng không kêu ca vợ nữa, giờ thì chịu phép rồi.
Đất của nhà chúng tôi mua, vợ chồng chúng bỏ tiền ra xây dựng. Nhà 3 tầng, sinh hoạt ở dưới, tầng giữa thuộc chúng tôi, trên cùng là chúng nó. Giờ chồng tôi tiếc, giá như chúng nó ở riêng. Tôi chỉ khuyên, nhịn ai chứ nhịn con thì đâu có thiệt, mình sẽ già, phải cậy vào con.
Nhưng sống thế này cũng quá khổ chị ạ. Từ khi tôi về hưu thì chuyện nhà đến tay hết, tôi rỗi mà. Vậy mà khi nhận chân tổ trưởng, con dâu lại bóng gió bà già ôm rơm, ăn cơm nhà vác tù và…Tôi muốn có một chỗ thoát để ít khi phải ở nhà, làm chí chết mà dâu con nó có cảm động đâu.
Không biết nói thế nào, chỉ chia sẻ với chị cho vơi. Vẫn mong chị có mấy lời hồi âm giúp tôi sống yên ổn với con cháu của mình.
Chị đừng in e-mail của tôi nhé.
------------------
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bạn thân mến!
Đúng là mỗi thời mỗi khác, chúng ta có nhích đi về chuyện giải phóng phụ nữ nhưng đi chưa dài. Cảnh bà ngoại chị mâu thuẫn với mẹ chồng, tôi cũng hình dung được vì má tôi đây thôi, làm dâu thời trước và sau Cách mạng tháng Tám mà cũng đâu đã thôi bị nếp phong kiến khắc nghiệt của nhà chồng hành.
Ba tôi đi Việt Minh mà khi vợ sinh còn không được vào nằm chung, nói gì đến giặt giũ, bồng bế con giúp vợ. Đến thời chúng ta, bạn chắc ít hơn tôi một thập kỷ, cách mạng thành công rồi đấy nhưng chồng vẫn gia trưởng. Nói như thế để biết với chồng mà mình vẫn có mâu thuẫn, nói gì đến con dâu.
Chuyện mẹ chồng nàng dâu thật là muôn đời, một phần vì thời thế tự do hơn, chính mình cũng ít khắt khe hơn. Nhưng sao như vậy mà tình hình ít cải thiện? Là vì có một nghịch lý, mẹ chồng khó thì dâu hoặc nó bung hẳn, hoặc nó sợ, nó biết kiềm chế.
Với những người mẹ chồng như bạn thì dâu trẻ nó sẽ lấn tới, kỳ vậy đó, nói theo ông bà là được đằng chân lân đằng đầu. Nghiêm quá cũng hỏng mà bao dung quá cũng hỏng. Ở đây bạn là bao dung hay bao biện đấy?
Đúng, khi con của chúng nó còn đỏ hỏn thì “một mẹ già bằng ba con ở”. Khi ấy mẹ dù đi làm nhưng mẹ còn trẻ, còn nhanh, còn sức. Đến khi các cháu lớn lên cấp I cấp II thì bà đúng là làm cho rối, nó nghĩ vậy.
Con cái là của chúng nó, mình chỉ là kẻ gián tiếp, mình mà chỉ đạo như xưa thì chúng thấy bị mất quyền, rát mặt. Ấy là chưa nói đến văn hóa của cô dâu, tính khí của cô dâu và tổng hòa của các mối quan hệ của nhà bạn nữa.
Đúng, đáng lẽ phải cho con trai ra riêng, đó là công thức chung của ngày nay, bạn biết, đúng không? Đất mình, con xây thì nhà của nó chứ còn gì của mình, vì nó đứng ra xin phép xây kia mà. Thế là mất nhà, dù mình vẫn ở đó, vì đất mới nhiều tiền chứ nhà thì có tiền mới xây nhiều tầng, không thì nhà ống cũng có chết ai. Tôi quan sát thấy nhiều gia đình sa lầy như vậy đó. Mâu thuẫn mãi, nhất là khi con dâu muốn tiếm quyền.
Chắc phải chung sống với bi kịch chứ làm gì thoát được. Rất nhiều nhà sử dụng hai bếp một chỗ đó bạn ơi. Thôi, con cái là của chúng nó, mình đừng phủ bóng lên cách giáo dục của nó mà rối. Đừng khiến con trai mình đau khổ, mọi thứ nên vừa phải, đừng quá cầu toàn mà cực thân, cực cho chồng cái không khí chiến tranh.
Dân phố là công sở của bạn, lo cho địa phương cũng là công ích, nên tận tâm với việc đó cho khuây khỏa, có quan hệ vui và kéo xa khoảng cách với dâu ra, dễ an toàn.

Mẹ chồng quyết mai mối cho nàng dâu thảo

Tôi muốn bắt rể nhưng con dâu tôi lại ngại vì sợ ngày lễ, tết thằng con tôi về thì đụng mặt nhau.

Tôi cũng là mẹ chồng. Tôi cũng có con dâu và cháu nội. Nhưng tôi không khắc nghiệt với con dâu, đúng hơn với đứa con dâu danh chính ngôn thuận mà tôi mang trầu cau cưới về.

8 năm trước, khi cháu nội tôi vừa tròn 1 tuổi thì con trai tôi bỏ theo người đàn bà khác. Nó nói thẳng với Hương, vợ nó: “Tôi không còn thương em nữa. Tôi có cuộc sống khác, với một người phụ nữ khác và ở nơi khác”. Vậy là nó đi, bỏ mặc vợ con cho tôi chăm sóc. Vợ nó sau khi khóc hết nước mắt, đã nói với tôi: “Số con không được làm con dâu của mẹ, thôi thì xin cho con làm con của mẹ chứ giờ mà về bên nhà cha mẹ con thì chẳng còn mặt mũi nào…”.

Từ đó tôi thương Hương như con gái ruột của mình. Những năm đầu, thằng con tôi đi biệt không về. Đến năm thứ ba, nó về nhân ngày giỗ ba nó và chỉ về một mình. Vợ sau của nó không có con, có lẽ vì vậy mà nó quay về. Con dâu tôi chỉ im lặng, không nói lời nào. Trong thâm tâm, tôi thầm mong chúng nó quay lại với nhau nhưng cũng không nói ra, nói vô.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng con dâu tôi rất chặt dạ. Dường như nỗi đau mà chồng nó gây ra quá lớn nên nó câm nín. Nó lầm lũi nuôi con, nuôi mẹ chồng, chẳng giao du với ai. Nhiều khi nhìn nó, tôi không cầm được nước mắt. Tôi nghĩ, giá mà nó thương ai thì tôi sẽ đứng ra gả nó như là con ruột của mình.

Thế nhưng suốt một thời gian dài, nó chẳng để ý ai. Cho đến khi tôi đưa Khôi, con trai của một người bạn cũ về nhà bảo nó: “Các con cứ tìm hiểu nhau thật kỹ, hợp nhau thì tiến tới, không hợp thì là bạn cũng tốt, mẹ không ép”.

Có lẽ đó là duyên phận nên hai đứa nảy sinh tình cảm với nhau. Tôi vui mừng không kể xiết và đã tính đến chuyện làm đám cưới cho chúng. Mọi chuyện đều suôn sẻ, chỉ có một rắc rối là tôi muốn bắt rể nhưng con dâu tôi lại ngại vì sợ ngày lễ, tết thằng con tôi về thì đụng mặt nhau. Nhưng gả đi thì cũng khó bởi tôi chỉ có một mình, con gái út thì đã đi lấy chồng xa. Cuối cùng con dâu tôi bảo: “Thôi mẹ à, con cứ ở vậy với mẹ như từ trước tới giờ, chồng con chi cho mệt”. Tôi gạt đi: “Không được. Mẹ sẽ kêu thằng Trung về, chuyện của con không thể chậm trễ vì đàn bà có thuở, có thì, lớn tuổi quá sẽ khó sinh nở”.

Thế nhưng thằng con tôi không về để ở nuôi mẹ mà về để quậy. Nó viện lý do hai vợ chồng nó vẫn chưa ly hôn nên nhất quyết không cho tôi gả vợ nó. “Con sẽ về với điều kiện vợ chồng con sum hợp. Mẹ là mẹ ruột của con, sao mẹ không bênh con mà lại bênh người dưng?”- nó hỏi gằn tôi.

Tôi nhìn thằng con, không tin vào tai mình: “Mày nói vậy mà nghe được hả? Bao nhiêu năm nay mày ở đâu?”. “Đàn ông năm thê, bảy thiếp là bình thường mà mẹ? Con bỏ con Dung rồi”. Dung là vợ sau của nó. Ăn ở với người ta bao nhiêu năm nay rồi, nói bỏ là bỏ sao? Tôi không ngờ mình lại đẻ ra một thằng con không ra gì như vậy. Tôi bảo nó: “Tao không cần mày về. Tao ở một mình cũng được nhưng tao nhất định gả con Hương cho thằng Khôi”.

Thế nhưng thằng con tôi lại làm mặt lỳ. Nó ở lại nhà và tuyên bố, nếu thằng Khôi lấy vợ nó thì sẽ có đổ máu.

Tôi không dám nói với Hương điều này vì lo con dâu tôi sẽ sợ nhưng thật sự lòng tôi đang bất an. Tôi không biết phải làm sao với thằng con bất hiếu, bất nghĩa của mình? Đây là thời buổi nào rồi mà nó còn dám nói đàn ông năm thê, bảy thiếp là bình thường? Đúng là thằng con trời đánh…


Nàng dâu - đồng minh đặc biệt của bố chồng

Chung sống với mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!

15 năm chung sống cùng bà mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!

Làm dâu khi tuổi còn trẻ, lúc ở nhà mẹ đẻ, tôi là con út nên được anh chị nhường nhịn, gánh đỡ cho mọi việc. Vậy nên những ngày đầu làm vợ, làm dâu của tôi thật khó khăn bên bà mẹ chồng khó tính. Đã vậy, bà còn quán triệt: "Bố mẹ chỉ có mình vợ chồng con nên không có chuyện sống riêng".

Chồng tôi là con một, lại thuộc diện con hiếm muộn nên anh ấy như một vị vua con trong nhà. Mọi việc liên quan đến anh, mẹ chồng tôi quan tâm từng ly từng tí. Mẹ nói nhiều với tôi về sở thích ăn uống của anh, chỉ đạo tôi thay đổi món thế nào, mùa đông mùa hè cần thay đổi ra sao. Ban đầu, tôi xem đó là việc đương nhiên, vì với người vợ, chăm sóc chồng cũng là một hạnh phúc. Nhưng sau đó tôi thấy không ổn và muốn anh cũng có sự quan tâm chia sẻ lại với mọi người.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ví như lúc nào cả nhà cũng phải ăn theo sở thích của anh thì thỉnh thoảng anh phải thay đổi theo thực đơn của mọi người. Ăn xong, thay vì chễm chệ ngồi xem ti vi với bố, anh cùng phụ tôi dọn dẹp. Quần áo giặt xong mang xuống, anh giúp treo vào tủ khi tôi bận... Tuy nhiên việc ấy lại không được mẹ chồng ủng hộ, quan hệ mẹ chồng nàng dâu xấu đi khiến cuộc sống của tôi vô cùng ngột ngạt.

Một ngày Chủ nhật, chỉ có tôi và bố chồng ở nhà. Trong bữa cơm, ông bảo: "Mẹ con là người có tính bảo thủ khó sửa, bố con mình phải tìm cách sống chung với nó. Con đừng nặng nề quá, cuộc sống sẽ càng khó khăn, nếu cần bố giúp gì con cứ nói". Thật lạ, chỉ câu nói ngắn ngủi ấy của ông nhưng tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Lâu nay cứ mải lo sợ, đối phó mẹ chồng, tôi quên mất bên cạnh mình vẫn có bố chồng rất quyền uy đối với vợ con.

Sau lần ấy, tôi bắt đầu để ý đến cách sống, ứng xử của bố mẹ chồng. Bố chồng tôi là người điềm tĩnh dù trong gia đình ông không có nhiều ý kiến nhưng vẫn giữ vai trò trụ cột, tiếng nói của ông rất có trọng lượng. Mẹ chồng tôi thường ngày xét nét con dâu, chỉ đạo con trai theo ý mình nhưng mọi công to việc lớn bà vẫn phải chờ tiếng nói của ông. Tôi cũng để ý, mỗi lần mẹ chồng con dâu mâu thuẫn, chồng tôi bênh vợ nhưng chẳng bao giờ dám to tiếng với mẹ. Nhưng cũng cao trào ấy, bố chồng chỉ lên tiếng "bà thôi đi" thì lập tức bà dịu ngay.

Lần nào bà bảo thủ, cao giọng chỉ trích lại chồng, ông tuyên bố: "Bà cứ khiến cả nhà mất vui, tôi cho chúng nó sống riêng đấy. Lúc đó thì bà mất hẳn con trai". Nghe vậy, mẹ chồng tôi lập tức chuyện lớn hoá nhỏ ngay vì hiểu tính ông "đã nói là làm".

Từ đó, tôi âm thầm kéo bố chồng làm đồng minh để hoá giải mâu thuẫn với mẹ chồng, thậm chí bố chồng còn giúp tôi "cải tạo" chồng rất hiệu quả. Trước đây mỗi lần anh có lỗi với vợ, mẹ chồng tôi bênh anh chằm chặp và chỉ trích tôi.Việc đó đã khiến cho chồng tôi đã sai lại càng sai, quan hệ vợ chồng lắm lúc căng như dây đàn. Giờ, tôi chuyển chiến thuật tìm đến bố chồng nhỏ nhẹ tâm sự và nhờ ông khuyên giải, góp ý. Quả nhiên, chồng tôi có thể bất chấp ý kiến của vợ, cãi lại ý của mẹ nhưng lại không thể phớt lờ lời giáo huấn của bố.

15 năm chung sống cùng bà mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!