![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
“May mà mày vẫn chưa có con, vẫn có thể làm lại từ đầu”, cô bạn thân của chị an ủi. Chị mím môi, quay mặt vào tường tránh cái nhìn thương hại của bạn. Giá mà chị đã có con… Có con thì bám vào con mà sống, lo cho con mà sống, còn hơn bây giờ sống mà không biết bước tiếp theo mình phải làm gì. “Tao bơ vơ quá mày ơi!”, chị bất giác thốt lên, vai rung rung theo tiếng nấc nghẹn ngào.
Sau bao nỗ lực níu kéo, chị không thể giữ được anh ở lại bên mình. Cuộc hôn nhân kéo dài hai năm thì chấm dứt. Có hình bóng của một người trong quá khứ xen vào cuộc tình của họ, anh ra đi không nhẹ nhõm gì, chị ở lại cũng chông chênh. Yêu nhau thì có muôn vàn lý do, ly hôn cũng thế. Lúc đang yêu nồng say, muốn “chia” kiểu gì đều không được. Khi trái tim bắt đầu mệt mỏi, chán nản thì muốn níu thế nào cũng chẳng xong.
Chị tránh những cuộc điện thoại của ba má và không dám về quê. Chị sợ phải đối mặt với mọi người, sợ những lời xì xầm. Lên cơ quan, chị lẳng lặng làm việc, xong thì về. Chị biết, sau lưng mình luôn có những ánh mắt bám theo khó hiểu. Là người thất bại trong hôn nhân, chị chỉ biết âm thầm chịu đựng và tập cho mình một lối sống bình thản. Chị mua thêm mấy bộ váy mới, uốn lại mái tóc bồng… Nhưng chị không thể trốn chạy nỗi cô đơn.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Có người động viên: “Chị chỉ đang một mình thôi chứ không hề cô độc”. Chị bật cười: “AQ đến thế là cùng”. Sau hai lần đổ vỡ, chị xa lánh đàn ông. Chị như con chim sợ cành cong, sợ phải đau thêm lần nữa. Chị thôi khao khát cái cảm giác bình yên khi được nép mình bên một người đàn ông vững chãi. Đối với chị, những điều đó bây giờ thật xa xỉ. Chị muốn về quê, hít hà cái không khí thảnh thơi của đồng nội, nhưng lại không dám. Về quê lại thấy ba nằm gác tay lên trán thở dài, má quay mặt vào tường rơi nước mắt, vừa giận vừa thương con mình dại dột, bất hạnh.
Đang đi trên đường, chợt bắt gặp một đôi vợ chồng nhặt rác cười nói và nhìn nhau trìu mến. Chị bật khóc. Điểm tựa của cuộc đời đâu cần gì cao sang, đâu có gì xa xôi. Vậy mà, chị - trong bộ váy công sở đẹp đẽ - lại ước ao được như đôi vợ chồng đang lem luốc và tất tả ngược xuôi kia.
Buổi tối, không còn anh làm bạn, chị mạnh dạn đi dạo một mình. Đường rộng thênh thang nhưng cảm giác như thể nó quá nhỏ bé, bé đến nỗi không tìm được lối đi. Chị đứng im giữa ngã ba đường, đang loay hoay tìm hướng quay về. Một thằng bé ăn xin yếu ớt xuất hiện. Nó ngửa tay trước mặt chị, giọng thỏ thẻ xin chị vài ngàn.
"Nhà con ở đâu?", chị nhìn thẳng vào đôi mắt thằng bé.
“Ngoài đường”, thằng bé đưa bàn tay gầy guộc lên dụi mắt.
“Tối nay con về đâu?”, chị thắc mắc.
“Con ra đường”, thằng bé cười ngây ngô.
Chị dúi vào tay thằng bé một ít tiền, nó lí nhí cảm ơn rồi tiếp tục bước bằng đôi chân trần. Từ sau ly hôn, chị nhạy cảm hơn, hay xúc động và suy ngẫm về cuộc sống. Thằng bé ấy cũng rất cần một điểm tựa. Chị thầm thì: “Mình còn may mắn hơn nhiều người”.
Chị nhắn cho anh: “Em đã từng hận anh vì anh bỏ rơi em. Nhưng bây giờ, em không còn hờn trách gì anh nữa. Em sẽ cẩn trọng để bước tiếp một mình. Cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến với anh!”. Chị tắt điện thoại. Đã lâu lắm rồi chị mới có một giấc ngủ nhẹ nhàng và yên bình như thế.
Đang dở câu chuyện thì điện thoại báo tin nhắn, bạn mở máy đọc rồi hồ hởi: "Ông ấy hẹn vợ đi ăn trưa. Cậu thấy khác chưa, ngày xưa cơ quan vợ chồng cách nhau mấy trăm mét nhưng có bao giờ ông chịu đi ăn một bữa với vợ đâu. Giờ thì cách mấy km cũng hẹn hò bằng được".
Bữa trưa hôm đó, vợ chồng bạn mời cơm rồi hàn huyên chuyện quay về "bến cũ". Thu Vân còn nhớ, ngày họ chia tay ai cũng thầm tiếc cho cuộc hôn nhân được nhiều người mến mộ. Họ đến với nhau bằng một tình yêu gần 8 năm, trải qua bao thử thách. Mỗi lần đến thăm tổ ấm của họ, mọi người đều ao ước bởi tất cả đều hoàn hảo từ vợ, chồng, con cái, kinh tế...
Ấy vậy mà một ngày họ đùng đùng dắt nhau ra toà ly hôn, bố mẹ, con cái níu kéo thế nào cũng không được. Vị thẩm phán xét xử vụ án ly hôn của họ bảo lý do đổ vỡ là do cái tôi cá nhân của cả vợ lẫn chồng quá lớn. Cô vợ có chút thăng tiến trong công việc nên cho mình cái "quyền" bận rộn, quyền bắt chồng phải thông cảm. Còn anh chồng cũng có chút địa vị xã hội nên "so quyền lãnh đạo" cao thấp trong gia đình với vợ. Mỗi người đều có một cái lý cộng với cái tôi cá nhân cực đoan khiến xung đột của họ ngày càng lớn. Và thay vì tìm giải pháp để tháo gỡ họ lại ký vào đơn ly hôn với ý nghĩ: "Không có anh/cô, tôi vẫn sống tốt".
Ảnh minh họa.
Cuộc sống chung ở "bến mới" không có khởi nguồn từ một tình yêu sâu đậm mà chỉ bắt đầu bằng sự cảm thông. Và vì ai cũng đã một lần đổ vỡ, thẳm sâu trong tâm hồn của mỗi người đều có dấu ấn của người cũ. Lại thêm áp lực từ trách nhiệm đối với con riêng của mỗi người luôn đè nặng, khiến khoảng cách lớn dần lên.
Tương tự, anh cũng tìm được người mới trẻ trung, tràn đầy sức sống. Nhưng khoảng cách tuổi tác, trách nhiệm với đứa con riêng đang sống cùng đã khiến anh nhận ra "bến mới" không có nhiều "ma lực" khiến anh muốn quay về như "bến cũ". Cuộc sống chung hiện tại tựa như một cuộc trao đổi: Anh có tiền, có địa vị, đối phương có tuổi trẻ, nhan sắc còn cái tình hiện hữu rất mỏng.
Gần 4 năm, họ một lần nữa từ bỏ tất cả trở về cuộc sống đơn thân. Lúc bấy giờ những đứa con sống sa sút sau ngày bố mẹ ly hôn đã vô tình kéo họ về lại bên nhau. Cô bạn bảo:
- Trước ngày ra phường đăng ký kết hôn lại, mình và anh ấy cùng thống nhất lập ra một bản "kế hoạch" xây hạnh phúc mới. Sở dĩ nó phải mới là để không lặp lại vết xe đổ của hạnh phúc cũ.
Nghe Thu Vân hỏi việc xây hạnh phúc mới như thế nào, anh chồng nắm chặt tay vợ nói: “Phải học nhiều thứ lắm, từ cách cãi nhau thế nào để giải quyết được vấn đề mà không làm tổn thương nhau, đến cách "giữ vợ, giữ chồng" qua từng bữa ăn cùng nhau như thế này, quyền "lãnh đạo, chỉ huy" trong gia đình cũng phải biết phối hợp tiến lùi cùng nhau chứ không phải cả hai "cùng tiến" như trước nữa. Nói tóm lại là học hàng ngày đấy cô ạ!”.
Nhìn ánh mắt lấp lánh của cô bạn, Thu Vân cũng mừng lây, mong rằng bạn mãi giữ được hạnh phúc mới như bây giờ!
Mới ngoài ba mươi, vợ tôi mất đột ngột sau một tai nạn, để lại hai đứa con trai nhỏ. Tôi bàng hoàng đối diện với cảnh gà trống nuôi con ra sao, suy sụp trước biến cố này. Thế nhưng, trong cảnh tang gia bối rối, tôi vẫn ngờ ngợ nhận ra, có điều gì đó hình như bất thường…
Ngày tang vợ, có khá nhiều người đàn ông lạ mặt đến viếng. Tôi thấy có những ánh mắt tò mò, dò xét, ái ngại, quan sát, ngạc nhiên… này nọ dành cho mình. Cũng chẳng tiện hỏi từng người rằng, anh là ai, quen biết như thế nào với vợ tôi... Chỉ đọng lại vài câu hỏi han mà tôi loáng thoáng nghe được, rằng chẳng phải vợ chồng họ ly thân, sắp ly hôn đó sao? Cứ tưởng họ sống vất vả khổ cực lắm chứ, ai ngờ gia đình cũng tươm tất vậy. Người nhà tôi còn kể lại rằng, có người đàn ông nọ còn xa gần ướm hỏi, có nghe vợ tôi kể chuyện, đang mượn nợ của những ai không?
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tôi mang điện thoại của vợ, vốn đang được cài mật khẩu, ra tiệm để mở. Cả những thứ bảo mật liên quan đến thư điện tử, hay chát riêng trên mạng, tôi cũng nhờ người bẻ khóa giùm. Thực tâm, tôi không muốn xâm nhập vào những bí mật riêng tư của người đã khuất. Suốt thời gian chung sống, tôi đã tin tưởng vợ, thì hà cớ gì, khi cô ấy nằm xuống, tôi lại phải nghĩ ngợi thế này? Thế nhưng, chẳng muốn hình ảnh vợ trong lòng bị ảnh hưởng bởi những hoài nghi không đáng, tôi quyết định cứ tìm hiểu xem sao…
Mọi góc khuất trong cuộc sống của vợ tôi dần được phơi bày. Danh bạ điện thoại lưu vô số tên đàn ông. Tin nhắn, chát chít qua lại mới là điều bất ngờ nhất. Tôi tưởng như đang đối diện với lời lẽ của ai kia, chứ không phải vợ mình. Thậm chí, tôi đã ngỡ rằng, hẳn là nhầm lẫn gì đó, chứ vợ tôi làm gì có những tâm sự, những than thở, những òn ỉ xin xỏ mà tôi đang phải chứng kiến rành rành trước mắt. Cô ấy kể lể rằng hôn nhân là sai lầm, cuộc sống rất buồn và cô đơn, chồng vừa thô bạo vừa vô tình, đời sống gối chăn lạnh nhạt, gia đình chồng khó ưa, con cái thờ ơ này nọ...
Hóa ra, những thứ vật chất kia chính là “chiến lợi phẩm” mà cô ấy thu hoạch được sau những tin nhắn, cuộc điện thoại than van; ỉ ôi... Những dịp lễ tết này nọ, vợ tôi đều vòi vĩnh nhiều quà cáp từ các “mối” khác nhau. Cơ hội gặp gỡ tiếp xúc trong công việc đã cho cô ấy dễ dàng phát triển “khả năng bản thân” kiểu ấy, thật là… Tất nhiên, đời chẳng cho không ai cái gì. Những lần hẹn hò “tâm sự” vẫn còn rành rành, cứa nát trái tim tôi, người đàn ông khốn khổ vừa góa vợ đã phải chịu thêm một cú trời giáng…
Tôi thật sự không biết phải hiểu sao đây. Vợ tôi có vấn đề gì về tâm sinh lý? Hay chỉ là thói giải trí khó tin của một người phụ nữ kiệm lời, sống nội tâm, có vẻ bề ngoài khá dễ gây thiện cảm? Cô ấy đi lừa thiên hạ vì thiếu thốn, hay vì có sở thích bệnh hoạn? Tôi chỉ muốn hỏi thẳng người nằm dưới mộ sâu, vì sao nỡ đối xử với chồng con như thế. Rằng hà cớ gì, cô ấy phải diễn vở tuồng kia trong bao năm dài, để thỏa mãn cái tôi của mình, hay vì cô ấy coi gia đình chỉ là cái vỏ bọc đáng nguyền rủa?