Ở tuần thai thứ 12, Lucy Isaac đến bệnh viện với hy vọng nghe thấy nhịp tim của em bé. Nhưng thay vì cảm giác yên tâm, cả phòng siêu âm chợt lặng đi. Trong khi thai nhi vẫn phát triển bình thường, kỹ thuật viên siêu âm phát hiện bất thường ở buồng trứng của Lucy và lập tức chuyển cô đến chuyên khoa.
Chẩn đoán khiến Lucy chết lặng: Ung thư buồng trứng. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Oxford cảnh báo rằng nếu trì hoãn điều trị đến sau sinh, nguy cơ ung thư di căn là rất cao – đe dọa tính mạng của cô. Tuy nhiên, việc phẫu thuật trong lúc mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến đứa bé đang lớn lên trong bụng.
Ca phẫu thuật hiếm gặp: Tạm thời đưa tử cung ra khỏi cơ thể
Để loại bỏ khối u nằm phía sau tử cung mà không làm tổn hại đến thai nhi, nhóm bác sĩ đã chọn một hướng đi rất hiếm gặp trên thế giới: Tiến hành phẫu thuật mở bụng, tạm thời đưa tử cung – chứa em bé ra khỏi cơ thể người mẹ, để có thể tiếp cận và loại bỏ khối ung thư ở cả hai buồng trứng.

Lucy phát hiện bị ung thư khi đang mang thai. Nhưng sau ca phẫu thuật hiếm gặp, cả mẹ và bé đều đã an toàn.
Vào tuần thai thứ 20, ca mổ kéo dài 5 tiếng với sự tham gia của 15 chuyên gia. Trong đó, 2 bác sĩ giữ tử cung bên ngoài cơ thể Lucy suốt 2 giờ đồng hồ, liên tục theo dõi nhiệt độ và nhịp tim của cả mẹ lẫn con.
Sinh thiết ngay tại chỗ xác nhận ung thư buồng trứng giai đoạn 2, nghĩa là tế bào ung thư đã bắt đầu lan ra ngoài buồng trứng, khiến việc phẫu thuật càng trở nên cấp thiết. Sau khi hoàn tất, tử cung của Lucy được đưa trở lại vị trí ban đầu.
Cái kết hạnh phúc cho cả hai mẹ con
3 tháng sau, Lucy hạ sinh một bé trai khỏe mạnh nặng 2,85 kg, đặt tên là Rafferty. Bác sĩ Hooman Soleymani Majd – người đứng đầu ê-kíp chia sẻ: “Khi Rafferty đến thăm chúng tôi lúc được hai tuần tuổi, đó là khoảnh khắc vô cùng xúc động với cả tôi và toàn bộ đội ngũ. Thành quả này không chỉ là chứng minh cho sự tiến bộ của y học, mà còn cho thấy quyết tâm và tinh thần hợp tác của cả tập thể”.
Còn Lucy hiện đang chuẩn bị bước vào đợt hóa trị cuối cùng. Với cô và chồng là anh Adam, sự ra đời của Rafferty là một điều kỳ diệu.
“Được ôm con sau tất cả những gì đã trải qua là khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Tôi biết ơn tất cả mọi người tại bệnh viện đã cứu sống cả vợ và con tôi”, Adam xúc động nói.

Bà bầu đừng bỏ qua những dấu hiệu bất thường khi mang thai.
Phẫu thuật trong thai kỳ – Có nguy hiểm không?
Phẫu thuật khi đang mang thai, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ hai (tuần 13–26), vẫn có thể được thực hiện an toàn trong một số trường hợp khẩn cấp, như:
- Ung thư (buồng trứng, cổ tử cung…),
- U xơ tử cung gây biến chứng,
- Viêm ruột thừa cấp, xoắn buồng trứng,
- Chấn thương cần can thiệp nội tạng.
Các yếu tố được cân nhắc trước khi mổ:
- Tuần thai (tam cá nguyệt đầu dễ sảy, tam cá nguyệt cuối dễ sinh non),
- Vị trí thai nhi và nhau thai,
- Mức độ cấp thiết của bệnh lý,
- Khả năng theo dõi an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong suốt cuộc mổ.
Tử cung tạm thời được lấy ra ngoài để phẫu thuật vùng chậu là phương án cực kỳ hiếm, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và theo dõi sát sao.
Lời khuyên cho mẹ bầu
- Đừng bỏ qua các dấu hiệu bất thường dù nhỏ: đau bụng dai dẳng, ra khí hư, mệt mỏi bất thường...
- Khám thai định kỳ không chỉ để theo dõi sự phát triển của thai mà còn để tầm soát các bệnh lý đi kèm.
- Nếu được chẩn đoán bệnh lý nặng, hãy bình tĩnh và tham khảo ý kiến từ các bệnh viện lớn, đa chuyên khoa, nơi có đủ đội ngũ để xử lý các ca phức tạp như của Lucy.
Xem thêm video:
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ sớm ít có nguy cơ sinh non. (Nguồn video: Sức khỏe & Đời sống)