Đàn ông nam tính đâu phải lạnh lùng

Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương.

Con đón sinh nhật lần thứ 18, ba muốn nói với con nhiều điều với tư cách là một người đàn ông đi trước chia sẻ với người đàn ông đi sau, chàng trai của ba!
Con đã phụng phịu khi nhận từ mẹ món quà không ưng ý. Ba biết là con thích món quà đắt tiền hơn, nhưng mẹ không đủ khả năng để đáp ứng. Mẹ đã cố gắng giải thích để con vui lòng, vậy mà con tỏ thái độ lạnh tanh. Một người đàn ông nhận quà từ phụ nữ, mà có thể lạnh tanh như vậy sao? Ba thật sự buồn, nhất là khi người đàn ông đó lại là con ba.
Trong nhà mình, chẳng phải ba đã thỏa thuận với con rằng, hai người đàn ông chúng ta phải học cách yêu thương và chiều chuộng người phụ nữ là mẹ con, con không nhớ sao? Có lần, con khen một nhân vật trong phim Hàn là “đầy nam tính” bởi anh ấy lúc nào cũng lạnh lùng, không bao giờ mở miệng nói xin lỗi bạn gái, để cuối cùng cô bạn gái phải hạ mình xin lỗi ngược hòng giữ tình yêu. Nhưng con ơi, cái lạnh lùng và bất cần chẳng làm nên nam tính đúng nghĩa đâu.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương. Thay vì cố tạo ra ánh mắt lạnh lùng, bất cần đời như nhân vật trong phim, con hãy tập quan tâm đến người khác, để ánh mắt con luôn trìu mến. Vài năm nữa thôi, con sẽ có bạn gái, và sau đó sẽ có vợ. Rồi con sẽ hiểu, người phụ nữ yêu người đàn ông của họ vì rung động trước những cử chỉ quan tâm, đỡ đần, bảo vệ…
Ba cũng không hài lòng khi con đã lớn mà chưa biết làm những việc cơ bản cho bản thân. Con luôn muốn có một đôi giày thời thượng, nhưng con lại lúng túng trong cách xỏ dây giày, phải nhờ đến ba. Con sung sướng khi có một chiếc áo hiệu đắt tiền, nhưng con không biết cách ủi nó, cũng không biết cách xếp nó. Ba cũng đồ rằng, con chưa biết cách thắt cà vạt. Đó là lỗi của ba. Ba sẽ dạy con cách xếp một chiếc áo sơ mi vào vali như thế nào để không bị nhăn, dạy con cách xỏ dây giày cơ bản, dạy con cách thắt cà vạt. Có thể, đó là những việc lặt vặt, nhưng một người đàn ông phải bắt đầu trở thành người “lớn” bằng cách làm thật tốt những việc nhỏ. 
Con cần phải phân biệt được các chất liệu vải để biết loại nào có thể giặt máy, loại nào phải giặt bằng tay, loại nào chỉ phơi trong mát chứ không phơi ngoài nắng. Con cũng cần tập quan sát những đôi giày của phụ nữ, để biết từng loại đế, từng loại da. Khi con có gia đình, người phụ nữ của con có thể hờ hững với số tiền lớn con mang về, nhưng sẽ rất xúc động và yêu con thật nhiều khi chồng biết giúp vợ giặt đồ, âm thầm sửa lại đôi giày cho vợ…
Ba cần nhấn mạnh với con rằng, người đàn ông nam tính không phải là người khệnh khạng bước vào nhà hàng, nói năng trịch thượng với người phục vụ, ngồi ăn ung dung, lạnh lùng. Đó phải là người nhã nhặn với mọi người, thuần thục trong động tác kéo ghế cho người phụ nữ đi cùng và quan tâm, chăm chút đối với người cùng bàn.
Có thể, khi đọc những dòng này, con sẽ nghĩ, nhà mình có người giúp việc rồi, sao con vẫn phải quan tâm đến những chuyện vặt vãnh như vậy? Con ạ, người giúp việc có thể giúp chúng ta đỡ đần việc nhà, nhưng bản lĩnh của một người đàn ông là có thể làm được cả việc lớn lẫn việc nhỏ, từ đó làm chủ mình. Nếu con đang rảnh, con tự tay ủi chiếc áo cho mình, trông con sẽ nam tính hơn là lạnh lùng “lệnh” cho người giúp việc ủi áo.
Và, ba cần nhắc lại rằng, trước một người phụ nữ, kể cả người đó là mẹ con, việc yêu chiều, quan tâm, nâng đỡ sẽ tô đậm nét nam tính hơn là lạnh tanh, lười động tay vào những việc nhỏ.
Ba mong, sau này, khi không còn ba bên cạnh nhắc nhở, con vẫn là người đàn ông ấm áp yêu thương trong ánh mắt, nhẹ nhàng và dịu dàng trong hành động, nhất là đối với phụ nữ; và luôn ở tâm thế quan tâm, chia sẻ với người khác trong từng việc nhỏ nhất, con nhé!

Nửa đêm bị bố chồng tát, lôi ra khỏi nhà

Những ngày đầu về làm dâu, bố mẹ chồng ra lườm vào nguýt và còn bóng gió cho rằng chồng lấy phải đứa “tịt ngòi”...

Năm nay tôi 34 tuổi, là nhân viên kế toán một cơ quan hành chính sự nghiệp, chồng 39 tuổi, là phó phòng kinh doanh của một ngân hàng có tiếng. Tôi và chồng quen biết và yêu nhau từ ngày học đại học. Tình yêu của chúng tôi gặp rất nhiều sóng gió từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu là do phía bố mẹ chồng tôi không đồng ý.

Sở dĩ bố mẹ chồng tôi nhất quyết không cho chúng tôi đến với nhau bởi vì gia đình hai bên không “môn đăng hộ đối”. Trong khi nhà chồng có nhà cửa đàng hoàng ở Thủ đô thì nhà tôi lại ở vùng quê nghèo, bố mẹ quanh năm vất vả cũng chỉ làm đủ ăn và dành giụm cho chị em tôi ăn học.

Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa nhất là bố mẹ tôi sinh con một bề (tôi là cả, dưới còn hai em gái). Chồng là con độc đinh, nhà chồng lại ở vai vế cao trong họ nên bố chồng tôi có tư tưởng rất nặng nề về việc có con trai nối dõi. Bố chồng tôi cho rằng, nếu con trai lấy tôi, ông sẽ không có thằng cháu đích tôn nối dõi tông đường. Theo ông, về chuyện sinh đẻ, con gái thường giống mẹ. Vì mẹ tôi có tới 3 đứa con gái nên tôi sau này có lấy chồng cũng khó mà có con trai.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tuy nhiên, vì chồng tôi vẫn kiên quyết yêu cầu bố mẹ phải chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi nếu không sẽ ra nước ngoài học tập và làm việc. Anh còn “đe” bố mẹ sẽ lấy vợ Tây, nên ông bà đành phải đồng ý.

Những ngày đầu về làm dâu, bố mẹ chồng ra lườm vào nguýt và còn bóng gió cho rằng chồng lấy phải đứa “tịt ngòi” vì mãi không thấy con dâu có tin mừng. Một năm sau, tôi có thai. Những ngày đầu sau khi được vợ chồng tôi thông báo, ông bà mừng ra mặt, và cũng nhờ con tôi được bố mẹ chồng cho hưởng hạnh phúc làm dâu mà cả năm trời tôi vẫn ao ước. Bố chồng không còn lườm, nguýt, nói xoáy tôi nữa, còn mẹ chồng sáng nào cũng hỏi tôi muốn ăn gì, thèm gì để đi chợ mua.

Cái phúc ấy của tôi cũng chỉ được vỏn vẹn 3 tháng đầu, từ sau khi siêu âm biết kết quả là con gái, chuyện đâu lại về đó, thậm chí còn nặng nề hơn. Suốt thời gian mang thai đến khi sinh, tôi đều tự làm mọi việc nhà, từ chuyện chợ búa cơm nước, đến giặt giũ, lau nhà cửa. Dù mẹ chồng tôi đã nghỉ hưu, nhưng bà không hề giúp tôi chuyện nhà, thời gian rảnh rỗi, bà đi chơi họ hàng, tập Yoga, sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí hoặc xem tivi.

Khi con gái đầu được một tuổi, vì có mẹ đẻ từ quê lên chăm sóc con giúp nên tôi cũng đỡ bận viêc hơn. Nghe các chị cùng cơ quan, tôi tiếp tục mang thai bé thứ 2 vì nghĩ sinh và chăm một thể. Nhưng bố chồng không hài lòng, ông nói vì con cái còn nhỏ quá không nên đẻ ngay, để hai năm nữa là năm đẹp. Nhưng tôi biết đấy chỉ là cái cớ mà thôi bởi ông đâu có quý cháu gái, cái chính là ông đã tính toán kỹ lưỡng, xem thầy bói và được thầy phán hai năm nữa tôi sẽ sinh được con trai. Ông muốn tôi bỏ cái thai đó đi, nhưng tôi không làm theo.

Con gái nhỏ chưa đầy năm tôi phải cai sữa vì không thể có nhiều thời gian bên con. Đáng lẽ phải cho con ngủ với ông bà nội để cháu quên hẳn ti mẹ, thì chồng tôi lại không đồng ý vì sợ cháu quấy làm mất giấc ngủ của ông bà, nên vẫn để con ngủ trong nôi phòng hai vợ chồng. Tối đến, con khát sữa đòi mẹ nên khóc ré lên. Chỉ đến khi con bé khóc đến lạc cả giọng, mẹ chồng tôi mới đón cháu về phòng. Lúc đó, chồng tôi bực mình nên đã chửi tôi trước mặt bố mẹ và cả vợ chồng cậu em. Tôi bực quá đã cãi nhau lại với chồng và định bế con đi khỏi nhà.

Bố chồng tôi thấy vậy không những không can ngăn lại, ông chạy đến chỗ tôi, tát tôi một cái như trời giáng cho rằng tôi hỗn láo. Đã vậy, ông còn lôi xềnh xệch hai mẹ con ra khỏi nhà và đuổi đi giữa đêm khuya và không quên ném vào mặt tôi câu nói đầy chua chát: “Mày cút khỏi nhà tao đồ không biết đẻ con trai. Mày cút đi để thằng Hùng đi lấy đứa khác, chứ cái ngữ mày có đẻ nữa cũng chỉ thị mẹt mà thôi”.

Tôi đau đớn, ê chề khi phải bước ra khỏi nhà chồng giữa đêm khuya lạnh lẽo. Đến gõ cửa nhà đứa bạn vào nửa đêm và kể mọi chuyện, nó khuyên tôi nên về nhà xin lỗi bố mẹ chồng bởi nếu bây giờ ra đi, tôi sẽ mất tất cả. Mất quyền nuôi một đứa con nếu ly dị, và quan trọng hơn, với đồng lương ít ỏi, tôi sẽ không thể cho con gái cuộc sống no ấm, còn một đứa nữa sẽ phải ở với dì ghẻ, rồi tương lai của nó sẽ ra sao.

Hôm sau tôi quay về xin lỗi bố mẹ chồng và bố chồng ra điều kiện, ông chỉ chấp nhận nếu tôi sinh cho ông một đứa cháu trai. Nhưng làm sao tôi có thể chắc chắn nếu sinh nữa tôi sẽ đẻ con trai, hơn nữa sau khi đẻ hai đứa đầu bằng phương pháp sinh mổ, tôi sợ đẻ đứa thứ ba sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bây giờ không tiếp tục đẻ tôi buộc phải ký vào đơn ly dị, sẽ mất hết tất cả. Tôi nên làm thế nào bây giờ?

Có còn thời “chồng chúa, vợ tôi”?

Đàn ông làm việc nhà, bếp núc, chăm sóc con cái… Tuy nhiên, những suy nghĩ tiến bộ này mới chỉ dừng lại ở lời nói hoặc trong ước muốn...

Tại hội thảo về bình đẳng giới do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM tổ chức mới đây, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB-XH TP, nhận định: “Đàn ông cũng có thể làm việc nhà, việc bếp núc, chăm sóc con cái và phụ nữ cũng có thể đi kiếm tiền, làm trụ cột gia đình… Tuy nhiên, những suy nghĩ tiến bộ này mới chỉ dừng lại ở lời nói hoặc trong ước muốn mà thôi”.

Quan niệm cũ khó dứt

Theo bà Thanh, những định kiến về giới luôn được xem là “hòn đá tảng” gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay, đặc biệt là bình đẳng giới trong gia đình.

Đồng cảm với nhận định của bà Thanh, chị Kim Quý - trưởng phòng kinh doanh một công ty thương mại tại quận Phú Nhuận, TP HCM - cho rằng: “Cuộc sống càng hiện đại, người phụ nữ càng tham gia nhiều lĩnh vực trong xã hội, càng nắm giữ những vị trí quan trọng thì gánh nặng của họ càng nặng nề, càng khó bình đẳng vì phải chu toàn cả việc cơ quan và gia đình”. Chị Quý kể: Hơn 2 năm trước, chồng chị làm ăn thất bại và thất nghiệp. Dù anh ở nhà cả ngày nhưng chỉ giúp chị đưa đón các con đi học còn việc nhà vẫn một mình chị đảm đương hết bởi quan niệm của anh “Đàn ông mà rửa bát, quét nhà thì chỉ có vứt”. Đã vậy, dù là người lo về kinh tế cho gia đình nhưng mọi việc chi tiêu lớn nhỏ trong nhà chị phải nhất nhất tuân theo anh bởi quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” của chồng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nói về bình đẳng trong gia đình, anh Khải - giám đốc một công ty bất động sản tại quận 7, TP HCM - phán: “Ông trời đã định sẵn thiên chức cho đàn ông và đàn bà, làm sao thay đổi được”. Chị Thịnh, vợ anh, hiện đang là phó khoa của một trường đại học có tiếng ở TP nhưng theo lời anh kể, sáng sáng chị vẫn phải xỏ giày cho chồng, xách cặp tiễn anh ra tận xe. Tối đến, khi anh về, chị phải luôn có mặt ở nhà đợi sẵn. Bữa nào chị có việc đột xuất về muộn, dù có báo trước hay không thì không “cháy” điện thoại cũng “cháy” nhà!

Tôn trọng nhau để có bình đẳng

Khi còn bé, chị Hồng Phượng (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) thường bất bình khi chứng kiến cảnh bố chị cứ ăn cơm tối xong là lên xem tivi bỏ mặc mẹ chị lúi húi dọn dẹp hàng hóa, nhà cửa, tính toán thu chi, chuẩn bị thức ăn sáng mai… Khi mẹ chị xong việc thì đã gần nửa đêm. Thời ấy, chị không thể hiểu nổi tại sao mẹ chị lại có thể vui vẻ làm việc mà không một lời than trách bố, cũng không hiểu nổi sao bố lại có thể vô tâm đến thế. Nhưng khi lập gia đình, chị đã hiểu. Chị Phượng tâm sự: “Chồng tôi hễ bận bịu thì thôi, rảnh tay là anh tranh thủ giúp việc nhà. Biết chồng lăn lộn bên ngoài mệt mỏi, tôi không bao giờ bắt anh phải bình đẳng việc nhà nữa. Có lẽ ngày xưa mẹ tôi cũng vậy”. Chị Phượng đã nghiệm ra một điều: Bình đẳng giữa vợ chồng không phải là phân chia để hai người ngang bằng nhau mà là quan tâm, hỗ trợ nhau cùng làm tốt việc của mình.

Sau 39 năm chung sống hạnh phúc, bà Nguyễn Thi Minh (nhà ở đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM) đúc kết: Trong gia đình, thay vì đòi bình đẳng ngang bằng nhau thì vợ chồng cần nhận ra vai trò, sự khác biệt và trân trọng giá trị của nhau. “Cứ chăm chăm đi tìm sự bình đẳng, có khi mình chỉ tìm thấy sự ấm ức, bất mãn. Tôn trọng vai trò của mỗi người trong gia đình và thương yêu lẫn nhau thì mọi sự phân chia công việc trong gia đình đều trở nên dễ dàng hơn” - bà Minh chia sẻ.

Chồng ngoại tình còn bắt vợ cấp dưỡng cho bồ nhí

Suốt ngày anh mặt ủ, mày ê khiến tôi buôn bán cũng không được. Chưa hết, anh còn xin tiền cho cô ta ăn uống, trả tiền nhà trọ…

Khi người phụ nữ ấy đi khỏi rất lâu, tôi vẫn chưa thể nào bình tĩnh trở lại. Tôi không hiểu chồng tôi lấy đâu ra những chuyện ghê rợn như thế về vợ mình để kể với nhân tình. Chẳng lẽ tôi xấu xa, đê tiện, bỉ ổi, ích kỷ, nhỏ nhen, vô văn hóa như vậy sao?

“Anh ấy bảo những tháng ngày sống với chị là tù ngục. Chị hãy buông tha anh ấy đi. Coi như chị làm phúc, tích đức cho mấy đứa nhỏ, mà anh ấy cũng có con trai nối dõi tông đường”- cô ta khóc lóc van xin tôi.

Trời ơi, tại sao đến bây giờ Quang mới nói là cuộc sống với tôi là tù ngục? Anh có bị điên không? Sao 15 năm qua, anh không nói như vậy? Mà có người tù nào lại trắng trẻo, mập mạnh, phởn phơ như vậy không? Tôi cố giữ bình tĩnh: “Cô đừng tin lời anh ấy. Chẳng qua đó chỉ là những lời dối trá để chinh phục tình cảm của cô thôi. Tôi không thể ly dị anh ấy vì con tôi cần một gia đình êm ấm, hạnh phúc, có đầy đủ cha mẹ”.

Thế nhưng cô ta chẳng tin. Cô ta bảo rằng ngay lần đầu gặp gỡ cách nay 8 tháng, cô đã nhận ra Quang là một người đàn ông bất hạnh. Đó là ánh mắt anh luôn nhìn xa xăm, đôi lúc như vô hồn. Thoạt đầu anh cố giấu nhưng sau đó cô nài nỉ mãi anh mới chịu kể thật về hoàn cảnh của mình rằng anh đang thất nghiệp phải sống nhờ vợ nên bị khinh rẻ, coi thường. Thậm chí, trong câu chuyện của Quang, tôi độc ác đến độ không nấu cơm, không giặt giũ quần áo cho anh; nói chuyện “mày tao” với anh, buổi tối còn không cho chồng đụng tới... Trời ạ, có bị điên không?

8 tháng trước, đúng là anh có thất nghiệp thật. Khi đó, thấy anh buồn, tôi đã nhờ bạn bè tìm việc cho anh nhưng chỗ nào anh cũng bảo không phù hợp, anh nói bây giờ tuổi anh đã lớn, làm những chuyện vặt vãnh như vậy anh không làm được. Tôi bảo anh phụ tôi công việc ở cửa hàng tạp hóa nhưng cũng được vài hôm anh lại bảo đây là chuyện đàn bà, tủn mủn quá anh không làm được. Có lần tôi hơi bực bội nên sẵng giọng: “Vậy chớ anh làm được chuyện gì? Chuyện gì anh cũng chê hết thì biết làm sao?”. Hôm đó anh giận không ăn cơm. Hôm sau cũng không ăn cơm rồi tuyên bố “tuyệt thực”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cuối cùng tôi phải xuống nước năn nỉ: “Thôi, anh thích làm gì thì làm, em không nói nữa”. Anh làm thinh nhưng đã chịu ăn cơm. Tôi thật sự thấy mỏi mệt với sự mè nheo, làm mình làm mẩy của anh.

Bây giờ kinh tế gia đình một mình tôi gánh hết, lại còn phải lo cho ba mẹ anh ở quê. Lẽ ra anh phải để cho tôi thanh thản làm ăn, đằng này anh lại đeo lên vai tôi cục đá, thử hỏi làm sao tôi có thể vui vẻ, phấn chấn, hứng khởi trong chuyện chăn gối vợ chồng?

Cho đến một bữa nọ, anh bảo tôi đưa tiền để anh mua đôi giày thể thao: “Anh đi bộ với mấy chú trong hội người cao tuổi của phường...”. Tôi nghe vậy cũng mừng; vội vội, vàng vàng mua giày cho anh. Từ đó, sáng nào, chiều nào anh cũng diện giày thể thao, quần soọc, áo thun để đi bộ.

Tôi thấy anh vui vẻ, phấn chấn hẳn lên. Có hôm anh về tới nhà rất muộn, vẻ mặt đầy phấn khích. Tôi hỏi thì anh bảo vừa thắng một trận cờ với mấy ông bạn già. Tôi biết cờ tướng là đam mê của anh. Có khi mỗi ván cờ kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ. Vì vậy anh về muộn hoàn toàn có lý do chính đáng, anh thắng cờ nên phấn khích thì lại càng chính đáng hơn.

Anh cứ như vậy nhưng tôi không dám nói năng gì vì sợ anh lại giận, lại buồn, lại tủi thân. Cứ thấy anh vui là tôi vui. Có ngờ đâu sự thể lại ra như vậy. Trong lúc tôi cứ đinh ninh anh đi tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ thì anh lại đi với người đàn bà khác bên ngoài.

Cô ta đã ly dị chồng, đang ở một mình. Cô ta cũng đi tập thể dục và gặp chồng tôi ở đó. Họ đi lại với nhau đã mấy tháng nay mà tôi không hề hay biết. Và bây giờ cô ta lại còn cả gan đến tận nhà bảo tôi nhường chồng cho cô ta...

“Anh có còn là con người nữa không? Anh có lương tâm không? Trong lúc em nai lưng làm nuôi con, nuôi anh, nuôi cha mẹ anh; còn anh thì lại đi bồ bịch, trai gái... Trời ơi, sao tôi khổ như vầy!”- tôi khóc tức tưởi. Anh làm thinh, rất lâu sau mới nói: “Bây giờ cô ấy lỡ có bầu rồi, em tính sao?”. Tôi gào lên: “Tính, tính cái gì? Hoặc là anh bỏ cô ta, hoặc là anh bỏ mẹ con em. Anh lựa chọn đi".

Nhưng anh không lựa chọn mà muốn có cả hai. Anh bảo chờ cho cô ta sinh nở xong rồi xem ý cô ta thế nào mới quyết. "Em cho anh thêm thời gian. Thật sự thì anh cũng không yêu thương gì cô ấy, chỉ là giải khuây trong lúc buồn phiền thôi nhưng cô ấy lỡ có bầu rồi nên anh phải có trách nhiệm".

Tôi thấy thật buồn cười. Anh mà có trách nhiệm gì kia chứ? Thân anh còn lo chưa xong nói gì lo cho ai? Tôi bỗng thấy chán nản tột cùng. Tôi bảo anh: "Thôi, không nói nhiều nữa. Em cũng hết chịu nổi anh rồi. Anh cuốn quần áo qua ở với cô ta luôn đi. Đơn ly hôn em sẽ viết rồi đưa anh ký".

Tôi tưởng chỉ dọa anh vậy thôi, nào ngờ anh dọn đi thật. Anh đi đúng 1 tuần rồi quay về như một tên quân thất trận: "Người ta lấy nhà lại rồi, giờ cô ấy cũng không biết ở đâu. Hay là em cho cô ấy về đây ở tạm chớ bụng mang dạ chửa như vậy biết đi đâu?".

Trời đất quỷ thần ơi, anh có bị điên không vậy? Tôi sờ trán anh: "Anh bệnh hả? Anh mất trí rồi hả? Anh có tin rằng tôi sẽ giết chết cả hai người không? Đúng là đồ điên".

Tôi nói nặng như vậy nhưng anh vẫn không chịu đi. Giờ đây suốt ngày anh mặt ủ, mày ê khiến tôi buôn bán cũng không được. Chưa hết, anh còn xin tiền cho cô ta ăn uống, trả tiền nhà trọ… "Anh có bị điên không? Anh đi ngay, đi ra khỏi nhà ngay!"- tôi lôi anh ra khỏi anh. Nhưng anh trì lại: "Anh không đi. Đây là nhà anh. Nếu muốn anh đi thì em bán nhà chia cho anh phân nửa thì anh đi". À, ra là vậy. Giờ anh mới bộc lộ bản chất. Chắc là cô ta đã xúi anh làm vậy.

Tôi bỗng thấy đầu óc quay cuồng. Tôi muốn tung hê tất cả, tới đâu thì tới, ra sao thì ra… Thế nhưng tôi lại nghĩ đến hai đứa con tôi, nghĩ đến cha mẹ anh ở quê, nghĩ đến tương lai của mình… Trời ơi, đầu tôi muốn nổ tung ra rồi. Hay là tôi cứ bán quách căn nhà, chia cho anh một mớ rồi đường ai nấy đi?