Có còn thời “chồng chúa, vợ tôi”?

Đàn ông làm việc nhà, bếp núc, chăm sóc con cái… Tuy nhiên, những suy nghĩ tiến bộ này mới chỉ dừng lại ở lời nói hoặc trong ước muốn...

Tại hội thảo về bình đẳng giới do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM tổ chức mới đây, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB-XH TP, nhận định: “Đàn ông cũng có thể làm việc nhà, việc bếp núc, chăm sóc con cái và phụ nữ cũng có thể đi kiếm tiền, làm trụ cột gia đình… Tuy nhiên, những suy nghĩ tiến bộ này mới chỉ dừng lại ở lời nói hoặc trong ước muốn mà thôi”.
Quan niệm cũ khó dứt
Theo bà Thanh, những định kiến về giới luôn được xem là “hòn đá tảng” gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay, đặc biệt là bình đẳng giới trong gia đình.
Đồng cảm với nhận định của bà Thanh, chị Kim Quý - trưởng phòng kinh doanh một công ty thương mại tại quận Phú Nhuận, TP HCM - cho rằng: “Cuộc sống càng hiện đại, người phụ nữ càng tham gia nhiều lĩnh vực trong xã hội, càng nắm giữ những vị trí quan trọng thì gánh nặng của họ càng nặng nề, càng khó bình đẳng vì phải chu toàn cả việc cơ quan và gia đình”. Chị Quý kể: Hơn 2 năm trước, chồng chị làm ăn thất bại và thất nghiệp. Dù anh ở nhà cả ngày nhưng chỉ giúp chị đưa đón các con đi học còn việc nhà vẫn một mình chị đảm đương hết bởi quan niệm của anh “Đàn ông mà rửa bát, quét nhà thì chỉ có vứt”. Đã vậy, dù là người lo về kinh tế cho gia đình nhưng mọi việc chi tiêu lớn nhỏ trong nhà chị phải nhất nhất tuân theo anh bởi quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” của chồng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nói về bình đẳng trong gia đình, anh Khải - giám đốc một công ty bất động sản tại quận 7, TP HCM - phán: “Ông trời đã định sẵn thiên chức cho đàn ông và đàn bà, làm sao thay đổi được”. Chị Thịnh, vợ anh, hiện đang là phó khoa của một trường đại học có tiếng ở TP nhưng theo lời anh kể, sáng sáng chị vẫn phải xỏ giày cho chồng, xách cặp tiễn anh ra tận xe. Tối đến, khi anh về, chị phải luôn có mặt ở nhà đợi sẵn. Bữa nào chị có việc đột xuất về muộn, dù có báo trước hay không thì không “cháy” điện thoại cũng “cháy” nhà!
Tôn trọng nhau để có bình đẳng
Khi còn bé, chị Hồng Phượng (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) thường bất bình khi chứng kiến cảnh bố chị cứ ăn cơm tối xong là lên xem tivi bỏ mặc mẹ chị lúi húi dọn dẹp hàng hóa, nhà cửa, tính toán thu chi, chuẩn bị thức ăn sáng mai… Khi mẹ chị xong việc thì đã gần nửa đêm. Thời ấy, chị không thể hiểu nổi tại sao mẹ chị lại có thể vui vẻ làm việc mà không một lời than trách bố, cũng không hiểu nổi sao bố lại có thể vô tâm đến thế. Nhưng khi lập gia đình, chị đã hiểu. Chị Phượng tâm sự: “Chồng tôi hễ bận bịu thì thôi, rảnh tay là anh tranh thủ giúp việc nhà. Biết chồng lăn lộn bên ngoài mệt mỏi, tôi không bao giờ bắt anh phải bình đẳng việc nhà nữa. Có lẽ ngày xưa mẹ tôi cũng vậy”. Chị Phượng đã nghiệm ra một điều: Bình đẳng giữa vợ chồng không phải là phân chia để hai người ngang bằng nhau mà là quan tâm, hỗ trợ nhau cùng làm tốt việc của mình.
Sau 39 năm chung sống hạnh phúc, bà Nguyễn Thi Minh (nhà ở đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM) đúc kết: Trong gia đình, thay vì đòi bình đẳng ngang bằng nhau thì vợ chồng cần nhận ra vai trò, sự khác biệt và trân trọng giá trị của nhau. “Cứ chăm chăm đi tìm sự bình đẳng, có khi mình chỉ tìm thấy sự ấm ức, bất mãn. Tôn trọng vai trò của mỗi người trong gia đình và thương yêu lẫn nhau thì mọi sự phân chia công việc trong gia đình đều trở nên dễ dàng hơn” - bà Minh chia sẻ.

Tôi muốn ly hôn vợ để quay lại với tình đầu

Biết rõ hoàn cảnh của Huệ, tình yêu thương của tôi lại mạnh hơn bao giờ, ít nhiều tôi cũng có trách nhiệm đẩy cô vào cảnh hiện tại.

Hôm ấy, tôi lang thang đi bộ trên đường phố vào đúng thời điểm trời chập choạng tối, thành phố vừa lên đèn. Phía trước là một người phụ nữ trẻ mặc chiếc áo đỏ khá bắt mắt đang bán vé số. Tôi tiến lại gần, thấy chị ta xinh đẹp, bèn nảy ý nghĩ mua một tờ để có cớ nói chuyện. Thật bất ngờ, tôi nhận ra Huệ - người con gái của lòng tôi hơn 20 năm về trước.

Cô ngồi ở một vị trí bị che khuất ánh đèn đường bởi những cây to. Nhưng đã sử dụng chiếc đèn điện nhỏ xíu đủ nhìn rõ tấm vé số. Trời tối nên cô đã không nhận ra tôi. Còn tôi thì suốt đời không thể nào quên được cô bởi đã in hằn trong tâm khảm tôi một dấu ấn chẳng bao giờ có thể phai mờ.

Vâng. Ngày ấy... Tôi đang học năm thứ hai đại học ở Hà Nội thì trong một lần về quê người bạn thân cùng lớp, tình cờ quen biết Huệ đang học lớp 12 ở trường làng. Cô có họ xa với người bạn này. Và bạn tôi đã ra sức “vun vào” để chúng tôi yêu nhau. Rồi thành sự thật. Sau lần gặp Huệ ở quê, trở ra Hà Nội, lòng tôi ngẩn ngơ, tơ tưởng đêm ngày. Không ngày nào chúng tôi không ghi nhật ký. Vài ngày lại gửi thư cho nhau. Rồi ra bưu điện tìm cách gọi điện thoại (Ngày ấy chưa phổ biến điện thoại gia đình, càng không có điện thoại di động). Tình yêu của chúng tôi ngày càng thêm mặn nồng. Tôi quyết tâm bằng mọi cách giúp Huệ thi đỗ đại học để có điều kiện gần nhau. Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi thu xếp để Huệ ra Hà Nội luyện thi như nhiều người khác. Nhà Huệ rất nghèo (bố mẹ làm ruộng) trong khi nhà tôi khá hơn nên tôi đã lo toàn bộ tiền thuê nhà trọ, học phí cho Huệ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mối tình của chúng tôi vẫn phát triển mà bố mẹ tôi không hay biết gì (vì tôi biết tính bố rất nghiêm khắc, sẽ không chấp nhận tôi yêu sớm, nhất là lại yêu một cô gái nông thôn ở tỉnh rất xa). Có lẽ vì quá yêu mà Huệ đã không thể tập trung vào học ôn nên kỳ thi đại học năm ấy bị trượt. Cô đành phải trở về quê với ý nghĩ sẽ vừa giúp cha mẹ việc đồng áng, vừa quyết tâm ôn luyện để năm sau thi tiếp. Tôi nhớ Huệ đến mất ăn, mất ngủ. Là một sinh viên giỏi, cộng với mối quan hệ của bố tôi mà tôi được chọn đi học nước ngoài theo chế độ Nhà nước đài thọ. Nhưng tôi chẳng mặn mà vì sẽ phải xa Huệ trong thời gian dài. Nghĩ đến Huệ, tôi đề nghị bố cho học ở nhà. Nhưng bố tôi gạt phắt và nổi cáu. Ở tình thế đó, tôi buộc phải nghe theo bố. Trước khi bay ra nước ngoài, tôi đã kịp bịa lý do ra khỏi nhà 2 ngày để về quê tìm Huệ. Cô khóc sướt mướt. Tôi cũng khóc và khẳng định với cô là sẽ quyết tâm lấy nhau, không bao giờ thay đổi ý định dù gặp mọi trở ngại.

So với dự định ban đầu, tôi phải bay sớm hơn một tuần. Điều này Huệ đã không biết. Thế là lá thư cô gửi đến nhà khi tôi đã sang nước ngoài. Bố tôi đọc được, vô cùng phẫn nộ, lập tức điện thoại sang cảnh báo: Phải chấm dứt quan hệ, tập trung vào học tập. Đồng thời ông cũng gửi thư về quê cho Huệ và bố mẹ cô yêu cầu tương tự. (Sau này tôi được biết lá thư đó đã xúc phạm nặng nề đến Huệ và gia đình cô, khiến cô quyết định chấm dứt quan hệ với tôi). Huệ là một cô gái khi yêu rất tha thiết, thủy chung, nhưng khi quyết định chia tay thì dứt khoát, đau khổ mấy cũng ráng chịu để thực hiện bằng được ý định. Tôi gửi nhiều thư về cho Huệ, cứ vài ngày một lá, nhưng đều không nhận được hồi âm. Thế là từ đó, chúng tôi chính thức “cắt đứt”. Bố tôi đã phá thành công mối tình của chúng tôi.

Về nước, mọi thứ đến với tôi đều thuận lợi. Mấy năm sau, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, được cơ quan đề bạt trưởng phòng, rồi phó giám đốc. Cách đây mấy năm, vị giám đốc đến tuổi về hưu, tôi được thay thế. Công việc, sự nghiệp với tôi như vậy là quá thuận lợi, may mắn. Và việc lấy vợ lại càng dễ dàng, nhanh chóng. Về nước, đang rất buồn với mối tình đẹp như mơ bị đổ vỡ, tôi chấp nhận lấy một cô gái xinh đẹp, là con ông bạn thân của bố tôi. Bố vợ tôi cũng là thứ trưởng một bộ lớn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ có tình yêu với cô, mặc dù đã có với nhau một con. Nhiều năm trôi qua trong sự đơn điệu, tẻ nhạt của cuộc sống gia đình. Bù lại, tôi có nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học và quản lý cơ quan...

Sau khi gặp lại Huệ đang bán vé số ở vỉa hè, lòng tôi trỗi dậy bao nhiêu kỷ niệm và khát khao. Ngọn lửa tình năm xưa vốn không dễ nguội nay lại bùng lên, cháy bỏng hơn bao giờ. Tôi nửa muốn để Huệ nhận ra mình, nửa muốn không. Cuối cùng tôi quyết định chưa làm việc đó mà tìm gặp người bạn thận cũ là anh họ của Huệ để hỏi, hy vọng sẽ biết rõ cuộc sống hiện tại của cô. Và bạn tôi đã cho biết rõ : Sau lần “chia tay” với tôi gần 20 năm về trước, Huệ không thi đại học lại mà ở nhà giúp việc bố mẹ. 5 năm sau, cô lấy chồng làm nghề cai thầu xây dựng. Kiếm được tiền nhưng anh ta rượu chè, cờ bạc và luôn đánh đập cô. Không chịu đựng nổi, Huệ buộc phải ly hôn. Từ đó đến nay, cô chẳng lấy ai nữa, bỏ ra Hà Nội kiếm sống nuôi đứa con gái. Hiện tại, hai mẹ con thuê nhà, sống chỉ bằng việc bán xổ số. Đứa con gái ngoan, học giỏi. Người cha tồi tệ đã bỏ bễ, chẳng ngó ngàng đến con suốt bấy nay.

Biết rõ hoàn cảnh của Huệ, tình yêu thương của tôi lại mạnh hơn bao giờ. Tôi thấy mình ít nhiều có trách nhiệm trong việc đẩy cô vào hoàn cảnh cô đơn hiện tại. Nếu ngày ấy, tôi đủ bản lĩnh để vượt lên người cha hà khắc, quyết tâm gắn bó với Huệ thì chắc chắn cô không như hiện nay. Tôi trỗi dậy ý nghĩ ly hôn vợ để sống với Huệ tuy biết làm vậy là tìm đến cuộc sống khó khăn, phức tạp hơn. Nhưng lương tâm thanh thản và tôi được sống đúng là mình.

Thưa các anh chị! Cả cái đầu và con tim tôi đều mách bảo là cần trở lại với Huệ. Nhưng sợ rằng là người trong cuộc sẽ không thể sáng suốt, tỉnh táo. Tôi rất cần những lời tư vấn của các anh chị. Xin chân thành cảm ơn.

Chia sẻ

Không ai nghi ngờ tình yêu của anh. Thời nay, không dễ có được những tình yêu sâu nặng, không vụ lợi, có thể nói là thánh thiện như thế. Nhưng việc “chia tay” vợ để trở lại với Huệ sau hơn 20 năm ly biệt, không hề có liên hệ gì là điều không dễ đạt được. Chỉ bằng vài lời kể từ người anh họ của Huệ mà anh trỗi dậy ý định thì có mơ hồ không? Liệu anh hiểu gì về cuộc sống, tâm tư, tình cảm hiện tại của Huệ? Chắc gì cô ấy đã chấp nhận sự “chung thủy” của anh?Vả lại, anh không mảy may đếm xỉa gì đến người vợ sao? Vợ anh có tội tình gì mà phải chịu cảnh cô đơn, không chồng? Nếu là một phụ nữ tự trọng, nhân hậu và cao thượng, Huệ sẽ không chấp nhận ý nguyện của anh mặc dù cô ấy hoàn toàn tin anh vẫn nguyên vẹn tình yêu.  (TS Nguyễn Đình San).

Giúp được vợ là vui rồi!

Anh hàng xóm mỉa: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.

Dù người “xây nhà” là ai thì chị em phụ nữ cũng không thể bỏ quên nhiệm vụ vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo cho tổ ấm

Thấy anh Bình (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) ngày ngày cơm nước, chợ búa, đưa đón con đi học, một số người khích bác, nói vào nói ra nhưng anh Bình phớt lờ tất cả. Anh bạn hàng xóm buổi sáng gặp anh đi chợ về, mỉa mai: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.

Hoán đổi thiên chức

Hai năm trước, trở về sau chuyến xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Bình cũng xin đi làm ở một vài công ty nhưng lương thấp chẳng thấm tháp vào đâu. Trong khi đó, chị Khanh, vợ anh, làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương khá nhưng công việc rất bận rộn. Hai con anh - đứa 3 tuổi, đứa 8 tháng - còn quá nhỏ, gửi nhà trẻ thì bệnh liên miên. Cảm nhận được sự vất vả của vợ khi vừa phải cáng đáng việc công ty, vừa phải chăm sóc 2 con nhỏ, anh bàn bạc với vợ và đưa ra quyết định: Anh sẽ tạm thời nghỉ làm, đi học thêm tiếng Hàn để sau này nâng cao cơ hội nghề nghiệp, đồng thời chăm sóc 2 con đến khi bé út đủ tuổi đi học mầm non.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Từ đó, vì có thời gian chú tâm vào công việc, lương của chị Khanh tăng lên nhiều, chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn. Con cái được anh Bình chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh. “Là phụ nữ nên tôi hiểu công việc nội trợ phải quay cuồng với rất nhiều việc không tên nên tôi luôn biết ơn và tôn trọng khi anh đã chấp nhận gạt bỏ sự tự ái của đàn ông để chu toàn công việc gia đình” - chị Khanh tâm sự.

Chị Uyên (quận Gò Vấp, TP HCM) tự nhận mình là người năng động, có khiếu kinh doanh nhưng không có khiếu làm nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng đổi lại, anh Chương, chồng chị, lại rất giỏi khoản tề gia nội trợ và chăm con rất khéo.

Chị kể sau đám cưới, anh Chương nghỉ việc ở công ty, mở trang trại chăn nuôi heo, gà để cải thiện thu nhập. Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, vì ở nhà chăn nuôi nên anh kiêm luôn nhiệm vụ trông con, nội trợ cho vợ yên tâm đi làm. Sau đó, trong khi công việc kinh doanh của chị suôn sẻ thì sự nghiệp chăn nuôi của anh thất bại. Anh Chương chưa kịp chuyển hướng làm ăn thì chị lại sinh tiếp đứa thứ 3 nên anh phải tiếp tục thực hiện “thiên chức” của mình. Chuyện hoán đổi vai trò của anh chị diễn ra tự nhiên không hề có sự phân công trước và chị cảm thấy đó là điều may mắn vì nhờ có anh chu toàn việc nhà, chị mới có thể dốc toàn lực cho công việc và tạo dựng được nguồn kinh tế ổn định như hiện nay.

Tuy nhiên, sự mặc cảm của anh khi nghe người ngoài nói ra nói vào cũng khiến gia đình chị trải qua nhiều phen sóng gió. “Cũng may trước nay tôi luôn tôn trọng chồng, cho anh toàn quyền chủ động chi tiêu kinh tế, đồng thời luôn hỏi ý kiến anh khi làm mọi việc nên mọi chuyện đều chóng qua” - chị Uyên chia sẻ.

Trụ cột không chỉ bằng thu nhập

Theo bà Lý Thùy Uyên, chuyên viên tư vấn tâm lý Tổng đài 1088, vai trò trụ cột không chỉ thể hiện ở thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Khi hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, nam giới vẫn có thể tạo cho người phụ nữ của mình cảm giác bình yên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc dù anh ta không phải là người kiếm được nhiều tiền. Song để làm được điều này, trước hết, người đàn ông phải có bản lĩnh để vượt qua tự ái cá nhân, hiểu và thông cảm với công việc của vợ đồng thời cũng luôn cố gắng phấn đấu để tự khẳng định mình.

Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là cách ứng xử khéo léo, tinh tế của người vợ để người chồng luôn có cảm giác mình vẫn là chỗ dựa, là người quan trọng với gia đình. “Một người vợ nhạy cảm là người luôn hiểu rằng dù chấp nhận với việc “tề gia nội trợ” nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nam giới vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Vì thế hơn bất kỳ ai, người vợ phải luôn tạo điều kiện để chồng mình có cơ hội được khẳng định trong công việc, trước đám đông và đặc biệt là ngay chính trong gia đình nhỏ của mình” - bà Uyên đúc kết.

“Xây nhà” nhưng không quên nhiệm vụ

Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hương Giang (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM) tâm sự: “Phụ nữ, dù có giỏi giang, đảm nhận chức vụ cao đến đâu, kiếm tiền nhiều thế nào thì về nhà cũng chỉ là vợ, là mẹ. Nếu dựa vào những thứ đó để chỉ đạo hay coi thường chồng thì đổ vỡ là điều khó tránh. Đàn ông đôi khi rất sĩ diện nên người vợ phải biết cách dung hòa để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.

Trả thù chồng “vụng trộm” thế nào là vừa phải?

Có trong tay mọi bằng chứng, giờ đây chị muốn trả thù. Chị hỏi tôi, liệu chị có thể kiện họ tội ngoại tình, cho họ mất trắng tay?

Chị là một giáo viên cấp 1 tại TP.HCM. Chị gọi đến đường dây tư vấn của chúng tôi trong một trạng thái căng thẳng, hay nói đúng hơn là gay gắt, để kể về mối oán hận của mình, và mong tìm được cách để hả giận.

Đối tượng bị chị giận giữ đến vậy chính là người chồng đầu ấp tay gối của chị và nhân tình của anh ta. Chị kể, ngày xưa, chị đến với anh ta khi anh ta còn hai bàn tay trắng. Lúc đó chị con nhà khá giả, lại xinh đẹp, nhiều người theo đuổi nhưng không hiểu sao gặp anh ta là yêu sống yêu chết, bất chấp mọi ngăn cản của gia đình đến với anh ta. Rồi cha mẹ chị cũng đồng ý.

Thấy con gái lấy chồng nghèo khổ quá, ông bà cắt cho con mảnh đất để có chỗ cất nhà sinh sống. Miếng đất cha mẹ cho, nghe lời chồng, chị cũng bán đi để anh ta có vốn làm ăn, và sau đợt đó thì mất sạch vì chồng bị bạn lừa. Vậy là hai vợ chồng đi ở trọ. Sau đó, mẹ thương con gái lại lén lút cho tiền, chị lại tiếp tục đưa cho chồng để anh có cơ hội thử mình trong lĩnh vực kinh doanh lần nữa.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lần này thì may mắn đã mỉm cười với vợ chồng chị. Chồng làm ăn ngày một phất, có tiền mua nhà cửa, đời sống ổn định, hai đứa con lần lượt ra đời. Tuy là giáo viên, nhưng chị là người không thể thiếu trong việc làm ăn của chồng, từ việc đứng ra lo toan mọi việc trong nhà, huy động, mượn vốn khi anh cần và đưa ra cho anh những lời khuyên tỉnh táo lúc anh cần.

Nhất nhất, cuộc sống của chị là vì chồng, vì con. Lòng chị dành cho chồng đến như vậy, ai cũng bảo anh có phúc mới được người vợ như chị, thế mà anh nỡ lòng nào phản bội, phụ bạc chị.

Đáng ra chị chẳng nghi nhờ gì anh cả. Người đàn bà đó cũng đã có chồng, con, gia đình rất êm ấm, hạnh phúc, chồng là đối tác làm ăn với chồng chị. Chị đã gặp hai vợ chồng mấy lần, từng ngưỡng mộ họ là một cặp đẹp đôi. Thế mà một người bạn, khi gặp người phụ nữ này đã rỉ tai là lần trước thấy người này đi riêng cùng chồng chị vào một quán café ở ngoại thành. Chị chưa tin.

Một lần, chồng để quên điện thoại ở nhà vì có cuộc họp gấp, chị mở tin nhắn ra đọc, choáng với bởi những tin nhắn hẹn hò, thương yêu của chồng chị và người phụ nữ khác, mà chị đoán là người vợ đối tác qua nhiều câu nói và tên viết tắt.

Ngay trưa hôm ấy, chồng chị họp xong là chạy vội về nhà tìm điện thoại, nhìn mặt vợ và biết chắc vợ đã đọc được. Chồng chị đã khóc, xin lỗi và bảo đó chỉ là phút đẩy đưa của người đàn ông khi phụ nữ tấn công mình, giữa họ chưa có gì, anh vẫn chỉ yêu và có mình chị.

Đau đớn, nhưng chị đành phải tin. Tin, nhưng vẫn quan sát, theo dõi và khổ sở thấy chồng vẫn có những biểu hiện rất bất minh. Gần hai tháng trời chị sống trong nỗi dày vò, ghen tuông đến tan nát như vậy. Bạn bè xúi, chị quyết định thuê thám tử tư để một lần có kết quả đến tận cùng sự việc, chứ không phải sống trong cảnh dằn vặt, nghi ngờ nữa.

Một tháng thuê thám tử đã cho chị những bằng chứng tan nát cõi lòng: Những lần họ hẹn hò, những lần vào khách sạn với nhau, tình tứ tay trong tay ở một resort ngoại thành… Gọi cho người phụ nữ kia để cảnh cáo, ai dè chị bị chửi như tát nước vào mặt, sau đó còn nhận hàng loạt tin nhắn khủng bố tinh thần bằng điện thoại nặc danh.

Có trong tay mọi bằng chứng, giờ đây chị muốn trả thù. Chị hỏi tôi, liệu chị có thể kiện họ tội ngoại tình, cho họ mất trắng tay?

Tôi đã giải thích cho chị, tội ngoại tình được quy định trong Điều 147 - Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau: "Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Tuy nhiên, trên thực tế, để xử lý về tội này không hề dễ dàng gì. Để xử lý về hình sự đối với hành vi này luật quy định phải gây hậu quả nghiêm trọng (có con chung; người phụ nữ có hành vi tranh cướp chồng; người chồng đánh đập, ngược đãi vợ con mình; lấy tài sản chung của gia đình để mua sắm, chu cấp cho tình nhân; nghe theo lời người tình gây chia rẽ hạnh phúc, về thúc ép xin ly hôn vợ...) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm…

Nếu chồng chị chỉ “vụng trộm” như lời chị kể trên thì chưa thể có căn cứ để chị khởi kiện chồng chị. Về khía cạnh một người bạn, tôi cũng khuyên chị, theo hầu hết những vụ tôi từng chứng kiến, cách làm rùng beng như thế thì chắc chắn, chị chưa hả được giận thì đã mất tất cả, đẩy người bạn đời về phía đối kháng, thù hận với mình, không nên một chút nào.

Giờ đây, chị nên để lòng bình tĩnh lại, xem mình còn yêu chồng không, có thể tha thứ cho chồng không, chồng chị có thể hồi tâm chuyển ý không và có thể cùng nhau làm lại hay không? Rồi nói chuyện với nhau một phen cho đến cùng xem giải quyết thế nào.

Chị nghe tôi, nhưng cũng nói là không hứa, vì nếu bỏ qua thì chị hận lắm lắm. Rồi thời gian sau, chị lại gọi bảo, chuyện coi như cũng xong. Chị không kiện, không làm rùm beng, nhưng chị đã gửi hết bằng chứng chị có cho chồng người đàn bà kia. Gia đình họ đã tan vỡ.

Chồng chị mất một đối tác lớn. Gia đình chị cũng đang bấp bênh. Chồng chị có xin chị cơ hội làm lại, nhưng chị yêu cầu thời gian này ly thân để xem lại tình cảm của đôi bên đã.

Vậy là chị đã chọn một cách lưng chừng, vừa trả đũa cho hả lòng, vừa “quậy” ở mức độ vừa phải để chồng chị biết sợ mà quay đầu. Âu đó cũng là một cách làm, và hậu quả người phụ nữ kia và chồng chị gánh chịu cũng là một cái giá phải trả khi chấp nhận đánh đổi hạnh phúc cho những dục vọng tầm thường…