Đàn bà bé nhỏ

Ôi những người đàn bà quê tôi cả đời lầm lũi, quờ quạng trong bóng tối để hy vọng về một tia sáng mơ hồ…

Mẹ tôi mê bói, nói đúng hơn là tất thảy những người đàn bà ở làng tôi đều ham bói toán. Những lúc nông nhàn họ thường chụm đầu thì thầm kể về một vụ gọi hồn, vài địa chỉ xem bói nghe đồn linh lắm.
Cũng có khi truyền tai nhau mấy câu chuyện nghe ngóng được trong lúc cùng ngồi khấn vái trong một cửa điện nồng mùi hương khói. Những câu chuyện không kết thúc khi họ rời nhau trở về nhà lo cơm nước cho chồng con, mà nỗi ám ảnh còn đeo bám họ vào cả bữa ăn, giấc ngủ, vào những phút giây thẫn thờ hay lo toan bật thành tiếng khóc giữa đêm khuya. Để rồi họ giấu chồng con dành dụm tiền bạc dấm dúi đi cúng bái khắp nơi. Người đi giải hạn, người cắt duyên âm, người cầu con cái, người mong tìm chồng, lại có cả những người phụ nữ ham mê đề đóm xì xụp khấn vái xin lộc khắp nơi. Chỉ cần ngồi quan sát trong cửa điện một vài giờ cũng đủ thấy bi kịch lẫn trong bi kịch. Bởi ở đó họ trở nên nhỏ bé, thấp hèn, van xin và lầm lũi đáng thương hơn bao giờ hết…
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mẹ tôi thường tìm đến những quẻ bói những lúc lòng bà cảm thấy bất an. Ấy là mỗi khi mấy chị em tôi gặp chuyện chẳng lành. Chị lấy chồng xa, thi thoảng lại mang về cho mẹ một vài tin dữ. Chị yếu, năm lần mang thai thì sảy đến ba lần, cơ thể xanh rớt chẳng còn sức sống. Mẹ nhiều lần xót xa bảo chị thôi đừng sinh thêm con nữa, trời cho hai đứa thì nuôi hai cũng đã là vất vả. Nhưng gia đình nhà chồng còn giữ quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ nên chị cứ cố hết lần này đến lần khác. Anh rể vốn nghiện rượu lại thêm cái tính bồ bịch, thỉnh thoảng đổ lên đầu chị vài trận đòn vì cái tội “không biết sinh con trai”. Chị một mình gánh vác gia đình trong khi hai đứa con nhỏ đau ốm liên miên.
Mẹ nhìn phận mình mà cay đắng phận con. Bất lực không biết làm gì ngoài việc theo mọi người đi cúng lễ nhiều nơi mong cho cửa nhà êm xuôi, con cháu mạnh khỏe thuận hòa. Những ngày bố bị bệnh, anh trai thất bại trong làm ăn nợ nần chồng chất phải rời quê trốn nợ, mẹ đau đớn xoay xở đủ đường vẫn không nắm níu được gia đình. Đêm nào mẹ cũng quay mặt vào tường khóc trộm, tiếng thở dài buồn hiu hắt. Bỗng có ngày mẹ vui cười, nói toàn chuyện tốt đẹp trên đời. Hỏi ra mới biết thày bói bảo “vận hạn sắp qua rồi…”.
Một vài lần tôi cũng theo chân mẹ đến chốn đèn nhang. Nghe thầy bói khấn lùng bùng trong tai mà thương thay những người đàn bà đang quỳ gối khấn vái, mặt mày rầu rĩ. Chỉ cần thấy “thầy” với vẻ mặt nghiêm trọng lắc đầu phán một lời tiên đoán về những vận hạn sắp xảy ra là họ không giấu được nỗi hoang mang sợ hãi. Nào thì nhà có tang, mồ mả không yên, đất đai không thuận… Tôi tự hỏi đằng sau những người đàn bà là lũ trẻ, chúng sẽ sống ra sao với nỗi ám ảnh mà mẹ mình mang về gieo rắc trong nhà?. 
Tôi cũng đã từng sống trong tâm trạng lo âu ấy một thời gian dài. Khi ấy tôi còn nhỏ, mẹ đi xem bói chỉ tay về kể với dì rằng mình không còn sống được bao lâu. Tôi tình cờ nghe được câu chuyện đó, từng sợ hãi đến mức ngay cả trong giấc ngủ chỉ sợ tỉnh dậy quờ bên cạnh không còn thấy mẹ đâu nữa. Đêm nào tôi cũng gặp ác mộng nên chẳng có giấc ngủ nào đủ sâu, người ngày càng gầy rộc đi trông thấy. Tôi cũng không còn nhớ đã thoát ra khỏi quãng thời gian trầm cảm ấy như thế nào, nhưng thực sự những lời bói toán vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Ơn trời mẹ tôi vẫn mạnh khỏe nhưng không hiểu sao bà vẫn còn tin vào bói toán.
Dì Xuân cũng vậy, chắt bóp từng đồng tiền lẻ từ tiền bán vài nải chuối, mấy mớ rau, vài bà thúng ngô để sắm lễ hàng tháng đi làm lễ. Dì không nhờ “thầy” xem sức khỏe, cũng chẳng xin tài lộc. Lúc nào dì cũng chờ “thầy” khấn vái xin xấp ngửa đồng tiền để xem chồng mình bao giờ thì mới biết đường tìm về với mẹ con dì. Dì làm không biết bao nhiêu lễ, đốt không biết bao hình nhân, thấm đẫm không biết bao nước mắt trong sự xót xa và cả giễu cợt của người đời. Cậu tôi theo nhân tình, bỏ nhà đi biền biệt đã ba năm. Nhưng nơi cậu đến cũng vẫn cùng một làng quê, cách nhau con sông người bên lở kẻ bên bồi. Tôi chua xót bảo dì: “Cậu đâu có đi xa mà dì cứ sợ cậu không biết đường về. Dì đừng mất công đi cúng bái chi cho khổ. Nếu người muốn về thì người đã về rồi…”. Dì không nói gì chỉ khóc, mỗi ngày mỗi héo hon đi. Mẹ tôi than giá cứ để dì trông đợi vẫn hơn… Ôi những người đàn bà quê tôi cả đời lầm lũi, quờ quạng trong bóng tối để hy vọng về một tia sáng mơ hồ…
Muôn vàn tấm bi kịch cúi đầu trong những cửa điện đèn hương nhấp nháy. Họ tìm đến “thầy” như một sự cứu cánh. Đến mức tôi từng nghĩ họ nghiện bói toán như một căn bệnh cố hữu và khó chữa. Cũng bởi họ nhỏ bé từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Dưới những biến cố ập đến họ không biết làm gì hơn ngoài chịu đựng, có muốn thay đổi cũng vô cùng khó khăn trong những lề thói cũ. Không gian làng quê không có nhiều thú vui lành mạnh giúp họ quên đi phiền muộn, cũng không có nhiều cơ hội để giúp họ đổi thay. Chính vì không biết cách vượt qua được chính nỗi sợ hãi trong mình nên họ đã trở thành những con hương đệ tử cứ xuân thu nhị kỳ lại đến tìm thầy bói. Họ loan truyền nhau về tài đặc biệt của “thầy”, cứ người này mách người kia khiến không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Ấy là chưa kể có không ít cửa nhà tan vỡ cũng chỉ vì đàn ông trong gia đình không thể nào chịu đựng nổi những nỗi ám ảnh, bi lụy mà người phụ nữ ham bói mang về rải khắp trong nhà.

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã?

Anh không biết vợ anh đã đi đâu, làm gì, với Ngần hay ai khác. Anh cũng không hiểu, vợ buồn lo cái gì, tâm sự điều gì...

Khi anh thắc mắc vô tư rằng, dạo sau này sao em ít khi qua lại với Oanh vậy, thì vợ tỏ rõ sự khó chịu. Nhìn thái độ vợ như thế, anh không khỏi ngạc nhiên.

Oanh vốn là đồng hương, cũng là bạn học suốt thời phổ thông của vợ. Sau này, tình cờ gia đình anh và Oanh lại ở cùng một quận. Ngày trước, lễ lạt cuối tuần nào anh cũng chở vợ qua nhà Oanh chơi. Ngược lại, có món gì ngon, Oanh đều kêu chồng mang qua cho cả nhà mình cùng thưởng thức. Mối quan hệ thân tình đó, anh cứ ngỡ không gì có thể bền chặt hơn được nữa. Hai người giận nhau vì chuyện gì à?

Không. Chỉ là Oanh không đi làm, suốt ngày quanh quẩn ở nhà chăm con, nói chuyện riết cũng chẳng có gì mới cả. Đề tài chợ búa, con cái chỉ có nhiêu đó. Nhàm chán lắm. Em và Oanh giờ có điểm nào tương đồng để mà thân thiết như trước, đúng không nào? Có phải trẻ con đâu mà giận với hờn, ai chẳng bận bịu, mà lại ít hứng thú với nhau, nên thế thôi…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cuối cùng thì vợ cũng chia sẻ với anh lý do tại sao tình bạn lợt lạt đi. Anh ngẫm ngợi xong, thấy quá đúng. Người ta chỉ có thể tâm đầu ý hợp với ai đồng điệu, cùng sở thích, mối quan tâm. Phụ nữ ở nhà chồng nuôi như Oanh, đương nhiên là sẽ tẻ nhạt dần. Vợ anh thì đi làm, bạn bè đồng nghiệp ngày càng nhiều. Vì thế, vợ anh và Oanh ngày càng ít thân thiết.

Đó là câu chuyện của mấy năm về trước. Bẵng đi một dạo, lúc anh nhìn lại thì thấy, vợ chơi khăng khít với Ngần. Anh cũng lại một lần khó hiểu.

Ngần làm kinh doanh, đi nhiều, năng nổ, giỏi giang, lanh lợi. Trong khi vợ anh vốn là mẫu phụ nữ trầm tính. Nói về ngành nghề, công việc thì quả là không có điểm nào chung. Ngần tính toán nhoay nhoáy, đặc biệt nhanh nhạy trong những việc liên quan tới tiền bạc. Vợ anh vốn chậm, sống thiên về nội tâm, tính khí có phần lãng mạn thất thường. Đó là những gì mà anh nhận xét về vợ từ hồi mới yêu nhau. Vậy thì, họ hợp nhau về điểm gì mới được kia chứ? Thật lạ!

Tuy đã kết hôn, nhưng Ngần tuyên bố không sinh con chi cho vướng bận. Ngần không sống chung với gia đình chồng. Ngần lại càng không phải dạng người có thể ngồi cả buổi trời để nghe vợ anh kể lể được. Vậy mà, đi đâu cũng thấy vợ và Ngần cặp kè. Trưa ăn cơm, chiều tan sở cà phê cà pháo, mua sắm, coi phim gì đấy. Chỉ cần Ngần hú một tiếng, là dù bận rộn mệt mỏi thế nào, vợ anh cũng tất tả vù xe ra ngay. Ngược lại, Ngần chiều vợ anh có lẽ còn hơn cả anh nữa. Những cuộc điện thoại rì rầm tới khuya của vợ làm anh phải chú ý. Nhất là khi anh cảm giác, vợ ngày càng xa cách, cuộc hôn nhân của hai người dường như chỉ còn lại cái vỏ bọc, bên trong trống rỗng từ lúc nào. Anh không biết vợ anh đã đi đâu, làm gì, với Ngần hay ai khác. Anh cũng không hiểu, vợ buồn lo cái gì, tâm sự điều gì mà mãi hoài không dứt với cô bạn gái thân còn hơn ruột thịt ấy? Sao về đến nhà, vợ kín kẽ và lạnh nhạt, cứ ôm khư khư cái điện thoại, nhắc tới Ngần là một tiếng bênh vực, hai tiếng gạt đi thế này?

Anh bắt đầu thấy lo. Không hẳn là cảm giác bất an khi vợ thân thiết với một phụ nữ khác mà dường như anh bỗng nhận ra, Ngần hiện diện trong cuộc sống vợ anh còn nhiều hơn mọi thứ khác. Đã bao lâu rồi, vợ chồng anh không trò chuyện, chia sẻ, tâm sự? Có một sợi dây bí mật nào đó giữa vợ với Ngần mà anh không sao nắm bắt được. Một lần nữa, anh lật bài, hỏi thẳng. Thật ra giữa em và Ngần có điểm gì chung mà cứ “xà nẹo xà nẹo” với nhau suốt vậy, đừng nói là hai người… đồng tính đấy nhé!

Đó là một sai lầm của anh. Bởi ngay sau đấy, vợ rút vào hoạt động bí mật, không ngang nhiên qua lại với Ngần như trước nữa. Nhưng dù Ngần công khai hiện diện hay không, thì mái ấm của anh dường như cũng đã nguội lạnh mất rồi. Những năm tháng vợ chồng thờ ơ mạnh ai nấy sống, thói quen khép chặt lòng mình, không buồn giao tiếp, những mỏi mệt đời thường đã cướp mất đi bao nhiêu khoảnh khắc đẹp đẽ và ấm áp.

Hôm nay, ở quán cơm Tàu, anh vô tình gặp Ngần đang đi chung với một người đàn ông lạ. Chồng của Ngần, anh đã từng gặp qua, nên biết ngay đây là một đối tượng khác. Ngần thần thái trông khác hẳn, không giống gì với hình ảnh cô bạn vợ mà anh vẫn hình dung. Tóc xõa gợi cảm, nét mặt rạng rỡ, đôi mắt chỉ có thể dùng câu đùa “thấy trai là tươm tướp” để mà diễn tả. Cử chỉ của hai người kia thật ngọt ngào thân mật. Anh đoán ngay đến một pha ngoại tình ngoạn mục của Ngần. Nghĩ xong, anh bỗng thấy lạnh người…

Giờ thì anh đã láng máng nghĩ ra, có thể vợ anh và Ngần có điều gì đó đồng cảm để cứ bám nhau như sam rồi. Biết đâu, hai người phụ nữ ấy cùng cô độc và buồn bã trong cuộc hôn nhân đằng đẵng của mình? Biết đâu, họ có cùng sự quan tâm và cả… kinh nghiệm trong những mối quan hệ ngoài luồng, kiểu như Ngần vừa bị anh bắt gặp? Biết đâu, họ cùng dối chồng dối con, mượn bạn gái thân làm bức bình phong, bao che cho những dịp ra khỏi nhà thất thường? Có gì làm người ta hợp nhau hơn là cùng “chung xuồng” trong những việc ám muội, giấu giếm, lén lút, vụng trộm kia chứ! Ngần đã thế này, hẳn vợ cũng phải có gì đó để túc tắc “giải trí” cho khuây khỏa trong những khuya anh nhậu say về trễ, trong những lúc anh mải mê xem phim và ngủ luôn ở phòng khách, trong vô số lần anh bận bịu làm ăn khách khứa nên chẳng buồn ngó ngàng gì đến vợ con?

Chỉ là suy diễn một chiều và đầy tiêu cực thôi mà! Anh cũng biết mình không nên tự biên tự diễn như thế, nhưng lòng vẫn bủn rủn bàng hoàng, hối hả “đua” từ công ty về nhà ăn cơm, bỏ qua nhiều “độ” tụ tập hứa hẹn xôm tụ.

Ngoại tình cũng có cái hay, cái thú riêng của nó...

Cô ấy già, nhăn nheo, xấu, chù ụ, cô ấy quê mùa, không biết chưng diện... Tôi đâu ngờ, có ngày tôi cũng bị chê giống hệt như vậy.

Sửa xong căn nhà của Ngọc Châu, tôi sung sướng thở phào. Vậy là từ nay chúng tôi đã có một tổ ấm đúng nghĩa. Còn căn nhà kia, dù sao thì nó cũng là của riêng Mai Lan, vợ tôi. Cô ấy đã được ba mẹ vợ tôi cho trước khi lấy chồng. Mà bây giờ điều đó chẳng có nghĩa lý gì bởi tôi đã có tổ ấm mới, với người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất. Chỉ nghĩ đến điều đó, tôi đã thấy lòng lâng lâng.

Thế nhưng mọi chuyện diễn ra không đúng như tôi nghĩ. Được không bao lâu thì Ngọc Châu bảo: “Anh phải về bên kia chứ, nếu không bà ấy lại chẳng chia cho”. Tôi ôm nàng vào lòng: “Cái quý nhất trên đời thì anh đã có trong tay, cần gì của ngoài thân ấy?”.

Nhưng nàng xô tôi ra: “Anh nói vậy mà nghe được sao? Của vợ công chồng. Mười mấy năm qua, anh đã đóng góp công sức thì anh phải có phần chứ?”. Tôi xoa má nàng: “Lúc anh làm có nhiều tiền nhất thì đã dồn hết cho em, còn tính toán công sức gì nữa? Nhà đó của mẹ con nó, chúng muốn làm gì thì làm, anh không quan tâm”. Ngọc Châu giãy nãy: “Anh không quan tâm nhưng em quan tâm”. “Thôi, thôi, không nói chuyện đó nữa, để từ từ rồi anh tính…”- tôi lại ghì chặt lấy nàng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ngọc Châu là mối tình vụng trộm của tôi cách nay 2 năm. Cả hai chúng tôi đều bị “sét đánh”. Nàng là nhân viên mới, tôi là sếp. Công việc hàng ngày cứ đưa đẩy chúng tôi lại gần nhau. Cho đến một ngày, tôi phát hiện, tôi không thể sống nổi nếu hôm đó không trông thấy cô nhân viên của mình.

Khi tôi nói với Ngọc Châu điều này, nàng không hề bất ngờ. Từ hôm đó, chúng tôi chính thức là nhân tình của nhau. “Nhân tình” là nói theo sách vở; còn vợ tôi thì bảo đó là “mèo mã, gà đồng”. Riêng mấy tay đồng nghiệp của tôi thì phong phú hơn. Họ gọi mối quan hệ này là “bồ bịch ngoài luồng”, là “tình công sở”…

Đó là nói sau này khi chuyện đã vỡ lỡ, chứ trước đó một thời gian khá lâu, chẳng ai biết gì. Có một điều lạ là sách vở nói đàn ông ngoại tình khi về nhà thường nuông chiều, tỏ vẻ yêu thương vợ hơn; còn tôi thì ngược lại. 10 năm sống với Mai Lan, chưa bao giờ tôi thấy vợ mình xấu xí, nhạt nhẽo, nhàm chán như vậy. Tôi luôn gắt gỏng với nàng bởi những lời ngọt ngào, tôi đã dành hết cho Ngọc Châu. Buổi tối, tôi còn không thèm đụng tới nàng bởi đầu óc cứ tơ tưởng đến người yêu non tơ, bé bỏng của mình. Tôi còn nghĩ, nếu mình ăn nằm với vợ thì rất có lỗi với người yêu. Có thể nói, tôi ngoại tình cả ngoài đời thật lẫn trong tư tưởng.

Nhớ có lần, buổi sáng đang bực mình chuyện gì đó mà Mai Lan chạy theo ra cổng để dúi vào tay tôi cặp lồng cơm trưa, tôi đã hất tung xuống đất: “Dẹp đi. Từ nay không nấu nướng, mang vác mấy thứ hôi hám này nữa. Ai đời trưởng phòng mà cứ bắt xách cơm trưa theo, không ra cái thể thống gì cả”. Tôi nhớ như in cái dáng vợ tôi lom khom nhặt nhạnh mọi thứ. Cô ấy không nói một lời...

Thật tình là khi ấy tôi có chạnh lòng. Thế nhưng tôi lại tự trấn an: “Ai biểu cô già, cô xấu, cô không biết nuông chiều làm chi... Mỗi người chỉ có một cuộc đời, sao cứ phải bắt tôi chết dí trong cuộc đời của cô và 2 đứa nhỏ?”. Nghĩ vậy rồi tôi thấy lòng thanh thản, thậm chí tôi rất hãnh diện khi buổi trưa sánh vai Ngọc Châu đi ăn ở tiệm cơm trưa văn phòng. Quả thật, ngoại tình có cái hay, cái thú riêng của nó...

Và tôi cho ngoại tình là chuyện... nhỏ như con thỏ. Thậm chí ngoại tình còn rất tốt cho cuộc sống vì nó khiến người ta yêu đời, phấn chấn, làm việc hiệu quả hơn. Chưa kể, nó còn làm cho người đàn ông ngoài bốn mươi như tôi trẻ đi hàng chục tuổi. Tôi chẳng mảy may bận tâm đến người phụ nữ cạnh mình mà đầu óc lúc nào cũng ở tận đẩu, tận đâu.

Tình trạng ấy kéo dài được hơn 1 năm thì Mai Lan bảo tôi: “Anh hãy nói với con nhỏ đó trả cha lại cho con em”. Thì ra mấy tháng rồi tôi đã quên mất việc đóng tiền trường cho hai đứa nhỏ. Nhà trường đã gởi giấy nhắc nợ, gọi điện cho vợ tôi. Tôi giật mình vì chợt nhớ ra khoản “tình phí” đáng kể mà tôi đã chi xài cho người yêu bé nhỏ, nó thâm vào cả phần tiền trách nhiệm làm cha của tôi. Giờ nghe vợ nhắc, tôi mới giật mình.

Sau đó khoảng 2 tháng, vợ tôi lại nói: “Anh bảo con nhỏ đó trả chồng lại cho em”. Tôi chợt nhớ, lâu lắm rồi tôi không gần gũi vợ. Đúng là tôi rất dở về khoản che đậy. Tính tôi vốn thật thà, ngay thẳng mà. Có bao nhiêu tinh lực, tôi đã xài bên ngoài thì còn đâu để trả bài cho vợ? Tôi đành thú thật: “Anh thấy không có hứng thú”. Vợ tôi làm thinh. Tối đó cô ấy dọn sang ngủ với con. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Lần thứ ba cách lần thứ hai khoảng 3 tháng, vợ tôi lại bảo: “Anh nói với cô kia trả anh về cho gia đình. Em chỉ nói lần này nữa thôi. Nếu anh không dứt bỏ mấy chuyện lăng nhăng, bậy bạ; mèo mã gà đồng thì đừng trách em sao không nhắc nhở”. Giọng điệu vợ tôi rất nhẹ nhàng nhưng sao lúc đó tôi nghe thấy rất chói tai. Hừ, dọa tôi à? Còn lâu tôi mới sợ. Lương trưởng phòng của tôi mỗi tháng 20 triệu, nếu không san sớt cho mấy mẹ con Mai Lan, tôi còn sướng nữa chớ ở đó mà dọa!

Sau này tôi phải công nhận sao lúc đó mình mê muội như vậy. Bao nhiêu trí khôn của tôi dường như đã mất hết. Tôi không nhận ra bất cứ lỗi lầm nào của mình mà chỉ thấy lỗi của vợ. Cô ấy già, cô ấy nhăn nheo, cô ấy xấu, cô ấy chù ụ, cô ấy quê mùa không biết chưng diện... Vậy thì chồng bỏ là đúng rồi, trách móc nỗi gì?

Tôi đâu ngờ, có ngày tôi cũng bị chê giống hệt như vậy. Và tôi không biết phải trách móc ai? Dọn về nhà mới với Ngọc Châu một thời gian thì một hôm nàng bảo: “Trông anh gớm thiệt, cứ nung núc như heo ấy”. Tôi giật mình. Đúng là sau này mình lười tập thể dục nên đã sồ sề, có bụng. Tôi cười: “Tại em đó, làm cho anh chẳng còn thiết làm gì nữa”. Sau đó mấy hôm, khi tôi đòi hỏi, nàng đẩy tôi ra: “Anh hôi chết được”. Tôi chưng hửng.

Những chuyện như vậy dồn lại, cho đến một ngày, người yêu bé nhỏ của tôi nói thẳng: “Em sắp rước mẹ và anh trai em ngoài quê vô ở chung, anh không ở đây được đâu”. Không ở đây thì tôi ở đâu? Chẳng lẽ về với vợ nhưng chúng tôi đã gởi đơn ra tòa rồi, tôi còn mặt mũi nào mà về? “Thì anh ra thuê nhà trọ ở”- Ngọc Châu mách nước. Nhưng ra đó thì ai sẽ chăm sóc, cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cho tôi? Chưa kể rất nhiều thứ linh tinh khác mà tôi chỉ có thể làm được khi có người yêu bé nhỏ bên cạnh động viên, vỗ về. Tôi chết dí rồi.

Tôi tìm cách hoãn binh: “Em thuê nhà cho mẹ và anh ở được không? Anh sẽ trả tiền thuê nhà cho”. Nhưng Ngọc Châu kiên quyết: “Không được đâu, anh hai em mà thấy anh ở đây thì anh chỉ có nước nhừ đòn. Anh ấy rất cộc tính”.

Nàng kỳ hạn cho tôi trong vòng 2 tuần phải dọn đi. Tôi biết đi đâu bây giờ? Không ngờ đất trời bao la là thế mà cũng có ngày tôi không chốn dung thân! Bây giờ thì cái quan điểm “ngoại tình cũng có cái hay, cái thú của nó” đã lung lay.

Trước mặt tôi bây giờ là địa ngục vì tôi sắp sửa trở thành kẻ đầu đường xó chợ... Tôi thật sự không biết phải làm sao trong tình cảnh này vì kỳ hạn mà người tình bé bỏng ra cho tôi đã sắp hết...