“Cục đất” của em

Có anh, em chợt nhớ mình là phụ nữ, được người đàn ông của mình bảo bọc nâng niu. Hạnh phúc thật ngọt ngào.

Ba mất, em là chị Hai, phải gánh vác phần nặng nhọc để phụ má nuôi em. Ngày gả xong con Út, má nhìn em lại thở dài: “Tội cái số con Hai bạc phước, sắp 40 rồi mà chưa có nổi tấm chồng”.
Anh ở làng bên qua xóm em làm thuê. Em thuê anh cuốc đất, đào mương, hái dừa. Anh làm việc chăm chỉ, cuối ngày còn giúp em thu dọn, quét tước rất chu đáo. Vườn dọn xong thì tới mùa gặt lúa, dọn đất chuẩn bị mùa sau. Anh còn giúp em bửa củi, làm giàn bầu. Má nói: “Thằng Bảy siêng năng, lại hiền như cục đất, hay là bây ưng nó”. Em đỏ mặt len lén nhìn anh, thấy tim mình đập rộn. Bữa em mang cơm ra đồng, đón chén cơm từ tay em, anh ngập ngừng nói nhỏ: “Tui muốn ăn cơm cô nấu suốt đời luôn đó cô Hai”.
Đám cưới của vợ chồng mình diễn ra đơn sơ nhưng ấm cúng. Đám cháu nhao nhao trêu chọc “đợi ăn đám cưới của dì Hai dài cả cổ”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Dù có anh, nhưng buổi sáng em vẫn vác cuốc ra đồng vì thói quen. Anh bảo em ở nhà dọn cỏ mấy liếp mồng tơi, việc nặng nhọc phải để đàn ông làm. Chở lúa ra trạm thu mua, em vừa xuống ghe là anh dặn: “ngồi đằng mũi đi em, để anh lái máy”… Có anh, em chợt nhớ mình là phụ nữ, chỉ được làm những việc nhẹ nhàng và để người đàn ông của mình bảo bọc nâng niu. Hạnh phúc thật ngọt ngào.
Anh bàn nên mua ít vật tư về xây lại cái buồng tắm sát bên nhà. Má lớn tuổi rồi, ra vô cho tiện. Đám ruộng gò trồng lúa không tốt, nên đổi sang tỉa bắp… Mỗi chiều muộn, anh ngoài đồng về, cả người lấm lem bùn đất, tóc bết chặt mồ hôi. Nhìn anh, em thương đứt ruột nhưng vẫn cố nói móc: “anh tò tí với cô nào ngoài đồng mà giờ này mới chịu vô?”. Má rầy em: “Nó mần mệt, bây nói câu gì nghe lọt tai chút coi. Thằng Bảy nó hiền như cục đất, gặp đứa khác chắc bây ăn bạt tai”…
Nghe em báo tin anh sắp được làm cha, anh nhìn sững rồi ôm ghì em thật chặt. Anh đi ra đi vào, mới vác cuốc đi được nửa đường anh lại trở về xách nơm đi bắt cá...
Ngày con chào đời, không thể tả hết nỗi vui sướng của vợ chồng mình. Anh ôm con vào lòng, nghẹn ngào: “Cục đất cha giờ có cục đất con rồi”. Từ ngày có con, anh làm việc quần quật không nghỉ, anh nói muốn dành những gì tốt nhất cho con. Anh hay nói anh mồ côi cha mẹ, nên rất cám ơn má và em đã cho anh một gia đình, còn cu Cún là phần thưởng mà ông Trời ban tặng nên anh hết sức trân quý. Em không biết dịu dàng, cũng không biết nói năng ngọt ngào, khi nào cu Cún biết nói, em sẽ dạy con nói với anh: “mẹ và con thương ba nhất trên đời”.

Cứ “lạc hậu”, chồng nhé!

Em vẫn luôn cảm thấy tự hào về anh. Mỗi buổi chiều anh vẫn vội về nhà vì sợ mẹ con em đợi. 

Anh thông báo: “Ông Thắng phòng anh mới mua ô tô”. Rồi giọng hơi chùng xuống: “Thế là thêm một người không đi xe máy nữa”. Vừa lúc đó, đứa cháu sang chơi dõng dạc tuyên bố: “Sếp cháu chính thức công khai có bồ. Cô này không đẹp lắm nhưng có vẻ sành điệu”. Rồi nó tỏ ra rất hiểu biết: “Mốt bây giờ là có vợ rồi nhưng vẫn công khai có bồ. Cháu cũng có bồ nhưng cháu chưa có vợ nên không bị gọi là theo mốt”. Chồng có vẻ ngẩn ngơ vì mình đang "không theo kịp thời cuộc".

Người ta đua nhau mua ô tô dù đường sá chật chội, giá xăng, giá gửi xe cứ tăng đều đều. Nhiều người vay mượn ngân hàng mua xe rồi thắt lưng buộc bụng trả. Người ta vẫn cứ kêu cuộc sống thật áp lực, phân bua không có thời gian cho gia đình, con cái nhưng vẫn la cà quán xá mỗi buổi chiều. Người ta có bồ mặc dù đã có vợ, thậm chí bồ họ cũng có chồng con ở nhà chờ đợi. Thời buổi này, không có xe hơi bị người ta coi là nghèo khó; không có bồ coi như mình không còn có giá “như ông này bà kia”. Tuy vậy, em vẫn luôn cảm thấy tự hào về anh. Mỗi buổi chiều anh vẫn vội về nhà vì sợ mẹ con em đợi. Anh bảo có bạn gọi đi nhậu nhưng anh thấy không đâu an tâm và đầm ấm bằng ăn ở nhà.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thu nhập của anh có thể trả góp để mua ô tô, nhưng anh bảo phải ưu tiên cho việc học của con. Bao nhiêu năm anh hài lòng với việc sáng sáng đeo ba lô lên xe buýt, ngồi nghe nhạc tới chỗ làm. Em cảm thấy yên tâm hơn về sự “ngây thơ” của anh. Đau đầu cũng chờ vợ xoa, đau bụng cũng chờ thuốc của vợ. Đã có lúc em khó chịu với cái tính “nhõng nhẽo”, nhưng em đã hiểu ra rằng, anh đang cần em. Có chuyện gì ở cơ quan anh cũng kể với em, dù có những người ở cơ quan anh, em chỉ biết tên mà không biết mặt. Anh thắc mắc: “Sao có những cặp vợ chồng không chịu nói chuyện với nhau? Không nói chuyện được với nhau đâu còn gọi là vợ chồng nữa em nhỉ?”. Những lúc như thế, em cảm thấy mình sao mà hạnh phúc thế. Em được chồng tin, chồng yêu và chồng cần.

Có thể quanh mình đang nhiều người đua theo mốt vì sợ không giống người khác. Có thể có nhiều gia đình có vợ có chồng đó mà mỗi người một nẻo. Có thể có người sẽ thấy những người không có ô tô là nghèo khổ. Có thể có người có bồ vì sợ mình không còn “ngon lành”. Muốn giống số đông, chắc cũng không khó. Nhưng, tìm sự bình yên như vợ chồng mình giữa thời nay mới khó. Em vẫn luôn tự hào vì mình là số ít. Em vẫn thích những câu chuyện “đủ thứ” của nhà mình. Có chọc ghẹo, có hài hước và có những phút giây nghiêm chỉnh. Em vẫn muốn mình sống như mình muốn, không cần màu mè, không cần bắt chước ai, chỉ cần sống cho mình. Cảm giác bình yên khiến lúc nào ta cũng muốn về nhà. Sự trung thực, chân thành và đơn giản khiến chúng mình thấy cần có nhau nhiều hơn.

Vậy nên nếu có người bảo “lạc hậu” thì anh cũng đừng bận tâm. Anh biết đấy, chúng mình vẫn hợp với sự bình yên hơn là sự ồn ào thấp thỏm của “mùa gió cuốn”. Nếu ai đó chê mình không giống họ, anh cứ yên tâm nhé. Vì họ muốn giống mình cũng không phải dễ. Em cảm ơn chồng và cứ mong chồng mãi vậy thôi!

Hãy cứ là tình nhân

Chị được rảnh rỗi làm thứ mình thích, chơi tới bến với người mình muốn yêu, vô tư khóc cười ngủ nghỉ mà chẳng ràng buộc vướng bận gì. Nhưng...

Chị trông trẻ hơn cái tuổi 37, nhỏ nhắn, tóc dài được cột hơi lệch sang một bên, dịu dàng. Sau khi ly hôn, con trai 14 tuổi sống với cha. Chị vẫn đi làm, công việc nhàn hạ, không bó buộc thời gian, lương cũng đủ sống. Hỏi sao không đi bước nữa để có người bầu bạn, chị cười hi ha: “Ngu gì, mình cứ ở vậy, cặp bồ cho nó sướng!”

Không phải nói chơi cho vui, chị quen một lúc vài ba chỗ, có mối ruột, có mối “sơ cua”, lên lịch cà phê, tiệc tùng tới tấp. Thấy ai vừa mắt là chị lúng liếng bật đèn. Thêm mối quan hệ cũng tốt, mất gì đâu! Không phải chị xấu tính hay muốn chụp giựt. Mà đời bây giờ, cọc đi tìm trâu cũng là bình thường. Đàn ông ít khi ngay lập tức chú ý đến một người phụ nữ như chị, nên phải phát tín hiệu cho họ biết. Cái câu "hữu xạ tự nhiên hương", xưa rồi. Cuộc sống đầy cạnh tranh, ngay cả trong tình trường…

Trải qua nhiều cuộc yêu đương dấm dớ, kiểu có cũng được, không có cũng chẳng sao, chị rút ra kinh nghiệm là bọn họ luôn sợ… trách nhiệm. Đừng tự biến mình thành vợ nhỏ, vợ hai, vợ bé của họ. Riêng chữ “vợ” thôi là cũng đủ để họ chết ghê, chẳng dám tiến xa!

 

Chị bảo, em không cần danh phận. Em cũng chẳng đòi hỏi anh phải lo toan bảo bọc em. Em thỏa thuận thế này. Đi ăn, em trả tiền. Đi uống nước, xem phim này nọ thì anh lo. Đừng ngắt lời em. Em biết là anh sẽ không đồng ý. Nhưng như thế em cảm thấy mình được tôn trọng, em có quyền chia sẻ tình phí với anh.

Giọng chị nhỏ nhẹ, hút hồn người đàn ông đang mơn trớn lên vai, lên cổ chị. Phụ nữ mà biết chuyện như vậy, không yêu mới lạ. Chị còn chủ động giao kèo thêm. Em không thích bị ai kiểm soát cuộc sống của mình. Em không chịu nổi cảm giác bị dò hỏi, tra vấn xem đã đi đâu, làm gì, với ai. Đương nhiên là em cũng sẽ hành xử như vậy với anh. Anh cứ thoải mái kết giao, tha hồ bạn bè. Em không ghen, nên anh cũng đừng ghen với em chi cho mệt, anh nhé.

Ôi, còn mong chờ gì hơn nữa! Họ sẽ có bạn tình mà lại chẳng tốn kém, lại không bị bó buộc. Chị tha hồ tận hưởng sự săn đón, dỗ dành, chăm chút… Những thứ mà cuộc hôn nhân cũ vốn thiếu vắng từ lâu lắm, khi cơm áo gạo tiền và vô số những bất hòa kéo đời sống vợ chồng tuột dốc không phanh. Chính chị cũng hài lòng với sự độc lập của mình. Làm người tình sướng lắm. Hẹn hò. Thèm khát. Giận dỗi. Mê mệt. Những cảm giác mà ngày xưa, khi còn bị vướng víu bởi tờ hôn thú tội nợ, chị đã ngỡ đời mình không bao giờ còn có cơ hội nếm trải nữa. Lập gia đình lần nữa ư? Xin đủ!

Nhưng thói đời, đàn bà nói hay hơn làm chủ được trái tim của mình. Dăm ba lần hò hẹn, chuyện tất nhiên phải đến, đã đến. Có hiện đại tới cỡ nào, dù đã là đàn bà một lửa đi chăng nữa, thì sau khi thuộc về ai đó, chị sẽ ít nhiều có cảm giác thèm được sở hữu. Chị khó chịu khi hình dung, họ “thỏa mãn” xong là quên ngay chị, vội vã trở về với cuộc sống thật sự của mình, tất bật, loay hoay, léo xéo tiếng vợ con… Chị muốn người ấy khi tàn cuộc ra về thì nhắn tin… vấn an, hỏi han xem chị cảm thấy thế nào, muốn họ để mắt đến cuộc sống của chị. 

Nhưng dường như họ cố tình quên mất, chẳng có ai đợi chị ở nhà để nấu một bữa ăn, cãi cọ vớ vẩn. Chị không chịu nổi cảm giác bị bỏ mặc, ghé tiệm nhơi mãi đĩa cơm bụi, khóc một mình khi bị sếp la, thao thức mãi trong cơn mưa đêm bất chợt đổ ngang thành phố… Chị cũng là người, cũng có niềm vui nỗi buồn, đâu phải chỉ biết mỗi việc… làm tình! Ăn xong quẹt mỏ như gà là điều mà không người phụ nữ nào chấp nhận nổi, huống gì chị, đã “cháy” hết mình trong mỗi cuộc chơi, những mong người đàn ông kia nhận ra chị đúng là tình nhân đích thực của mình...

Dần dà, chị nhận ra điều trớ trêu là không phải đàn ông nào thấy chị đang tự do cũng đều háo hức. Họ e dè khi biết chị không có vướng víu gì, có thể đi thâu đêm mà chẳng cần phải báo cáo. Họ kín đáo dành cho chị cái nhìn dò xét. Kiểu như “Cẩn thận kẻo phiền, đằng ấy đâu còn gì để mất, chứ mình thì có thứ để sợ à nha”. Một người đàn bà tinh ý như chị, đương nhiên là phải nhìn ra thông điệp bẽ bàng ấy. Cũng phải thôi, xã hội dù có tiến bộ tới đâu, thì người ta vẫn tự trói đời mình bằng những suy nghĩ kiểu như bỏ chồng hay chồng bỏ thì vẫn là lỡ một lần đò, có hay ho gì đâu mà khoe ra, tự hào!

Cuộc vui có kéo dài thì cũng sẽ nhạt dần, bởi ở tuổi này, còn được mấy người đàn ông vô tư mà tung tăng mãi với chị. Dù trước mặt thiên hạ, chị vẫn tự tin khi lên hát ở quán quen, áo đầm mềm rượi, lấp ló nội y khêu gợi. Chị khẽ nhắm mắt, nhả từng từ nũng nịu. Hãy cứ là tình nhân, để tháng ngày hoa mộng, để hẹn hò yêu đương, và khắc khoải chờ nhau… Cử chỉ trễ nải đến khó cưỡng. Đàn bà liếc xéo, giấu nỗi bực bội vào trong ánh mắt bàng quan. Đàn ông, chăm chú có, ngạc nhiên có, run rẩy có, nao nức có...

Nhạc dạo tới đoạn, Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng… đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán, chị hả hê nhìn xuống. Kia, người tình đương nhiệm của chị đang bận ngó quanh, tăm tia một em khác, cỡ U30, tất nhiên là trẻ trung, hở hang hơn chị. Mà chị thì, lỡ đóng vai chịu chơi, hiện đại, bất cần rồi, nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Cũng như chị từng phải nín nhịn khi thấy gã túc tắc trả lời điện thoại cho một cô khách hàng nào đấy, ngọt lịm, rằng bữa nào anh em mình đi cà phê, tìm hiểu kỹ hơn hợp đồng xem sao. Ừ thì công việc của anh nó vậy, yêu là phải tin. Nhưng chỉ niềm tin thôi, liệu có đủ?

Chị giật mình nhớ ra, mình đang ở trạng thái “mở”, khả năng bị trai lạ dòm ngó cũng không phải là ít. Thế nhưng, sao chị hiếm thấy anh ta lo lắng, bất an, ghen tuông như chị. Chỉ riêng chị đã bị cảm giác muộn phiền bắt đầu đeo đẳng. Sự tự tin, nỗi kiêu hãnh độc thân đang dần trở thành sự cô đơn trống trải, sau mỗi cuộc vui tạm bợ đâu đó…

Chị soi mình trong gương. Mới có vài năm tự do làm “tình nhân” thôi, mà sao chị đã thấy nét vui tươi, lạc quan ngày đó dường như hao hụt nhiều. Đôi ba lần phải đặt thuốc phụ khoa vì viêm nhiễm, may mà đã đặt vòng, không thì chẳng biết còn tới đâu… Chị được rảnh rỗi làm thứ mình thích, chơi tới bến với người mình muốn yêu, vô tư khóc cười ngủ nghỉ mà chẳng ràng buộc vướng bận gì. Nhưng, như thế này hình như đâu phải là đời thực, bởi nó cứ lềnh dềnh, vô nghĩa sao sao ấy…

Nuôi lại tình cũ?

Cảm giác chênh vênh gặp lại người cũ đeo đẳng anh cho đến lúc về nhà. Nhìn lại cuộc hôn nhân hiện tại của mình, anh âm thầm nuối tiếc...

Anh tình cờ gặp lại Nhung trong tiệc cưới của một người bạn. Chỉ có anh nhìn thấy Nhung còn cô thì không. Cô đến hát cho đám cưới chứ không phải khách mời dự tiệc. Nhung vẫn như ngày nào, nhỏ nhắn, trẻ trung và luôn “cháy” hết mình trên sân khấu. Cảm giác chênh vênh gặp lại người cũ vẫn đeo đẳng anh cho đến lúc về nhà. Nhìn lại cuộc hôn nhân hiện tại của mình, anh âm thầm nuối tiếc vì đã để mất Nhung…

Anh và Nhung yêu nhau gần bảy năm, hai người đã tính tới chuyện kết hôn. Lúc yêu nhau, mọi thứ đều hòa hợp, bạn bè nhận xét hai người xứng đôi vừa lứa. Vậy mà, khi bàn đến chuyện lấy nhau, mâu thuẫn lại nảy sinh từ những điều không ngờ tới. Nhung lo lắng vì chưa có việc làm ổn định mà lập gia đình. Anh thì không thể chờ đợi mãi được, bố mẹ chỉ có mình anh, họ mong ngóng anh lấy vợ từng ngày. Nhung vốn là người tự trọng, không muốn phụ thuộc vào người yêu, chưa xin được việc làm nên cô đi hát kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bố mẹ anh biết chuyện con dâu tương lai hết chạy show ở đám cưới thì đến quán cà phê, mặt mũi lúc nào cũng tô son trát phấn đậm nên không bằng lòng. Bố mẹ anh yêu cầu, cưới xong Nhung không được đi hát nữa, phải ở nhà phụ nhà chồng buôn bán, lúc nào xin được việc thì hẵng hay. Khi anh kể với Nhung chuyện đó, cô giãy nảy lên. Công sức học thanh nhạc ở trường cao đẳng nghệ thuật mấy năm trời giờ lại bắt ở nhà bán tạp hóa, cô làm sao chịu nổi. Nghề mà cô chọn là dạy nhạc, giờ chưa xin được việc thì tạm thời đi hát, vừa luyện thanh vừa kiếm tiền, có gì sai đâu mà cấm. Vả lại, cưới nhau rồi, nghĩ tới cảnh bị trói chân ở quầy hàng, chắc cô buồn mà chết mất.

Bố mẹ anh nghe vậy thì đâm ra tự ái, nhà anh đâu đến nỗi không nuôi được con dâu mà nó phải đi hát hò vớ vẩn. “Ghét thì bồ hòn cũng méo”, mẹ anh quay ra chê Nhung: người nhỏ, gò má cao, liệu có sinh được con hay lại sát chồng nữa đây. Anh mệt mỏi khi đứng giữa hai chiến tuyến: một bên là gia đình, một bên là người yêu. Vì sức ép từ gia đình quá lớn, anh đành ngậm ngùi chia tay Nhung. Cô không buồn, không khóc, chỉ nói một câu: “Lúc nào anh lấy vợ, em mới lấy chồng”. Anh hiểu, mình còn yêu Nhung nhiều lắm và Nhung cũng vậy…

Bốn tháng sau, anh vội vàng kết hôn với con gái của một gia đình vốn là bạn hàng thân thiết của bố mẹ anh. Vợ anh rất được lòng bố mẹ chồng vì làm nghề buôn bán, tính toán giỏi giang, sẵn sàng kế nghiệp gia đình. Nhưng giữa anh và vợ luôn tồn tại một khoảng cách không thể lấp đầy. Vợ anh quá bận rộn với việc làm ăn. Những chuyến đi lấy hàng ở xa, việc tính toán sổ sách mỗi ngày đã ngốn sạch thời gian dành cho chồng của cô. Anh làm công chức nhà nước, hết giờ là về nhà, thời gian rảnh buổi tối nhiều. Thỉnh thoảng anh muốn tâm sự trò chuyện với vợ chuyện cơ quan, công việc cũng không thể vì vợ không hiểu, nghe được vài câu thì đã lại bắt qua chuyện buôn bán, lời lỗ. Thỉnh thoảng, nghe chồng than thở, vợ lại ném cho cọc tiền bảo đi chơi cho đầu óc thoáng ra. Nói chung, mọi bế tắc của anh đều được vợ giải quyết bằng tiền chứ không phải chia sẻ tâm sự…

Sau lần gặp Nhung, anh tìm kiếm những quán cà phê cô thường đến hát. Từ đó, anh không bỏ lỡ buổi biểu diễn nào của Nhung. Anh ngồi cách xa và lắng nghe, chỉ vậy thôi mà thấy lòng ấm áp đến lạ…

Anh tự hỏi liệu có thể kềm lòng mình đến bao giờ khi “tình cũ không rủ cũng đến” không phải là chuyện hiếm…Nhất là khi anh cứ chìm trong cảm giác nuối tiếc đến như thế này?