“Cứ để đó cho anh…”

Câu nói quen thuộc đến nỗi em thấy điều đó là bình thường, là đương nhiên, là chuyện đàn ông, giờ em mới nhận ra mình hạnh phúc thế nào.

Anh đi công tác xa, ngày đầu tiên em thấy bình thường; sang ngày thứ hai đã thấy nhơ nhớ; đến ngày thứ ba thì nhìn trước ngó sau đều thấy trống vắng vô cùng.
Bóng đèn hư, em phải ra tiệm điện mua cái mới rồi mày mò gắn vào. Cái lược nước của máy giặt bị bẩn, nước chảy yếu, em phải lên hỏi “anh Gu-gồ” xem khắc phục thế nào... Rồi cái quạt máy bị bẩn, em chẳng biết tháo, lắp làm sao để lau chùi; cái máng xối đọng rác, em không cách gì trèo lên trên nóc nhà để dọn dẹp được…
Chợt nhớ anh quá đỗi. Có anh ở nhà, mỗi khi em than phiền cái này hư, cái kia hỏng, bao giờ cũng nghe câu trả lời của anh: “Cứ để đó cho anh”. Sau câu nói ấy, yêu cầu của em được đáp ứng, mọi hư hỏng được khắc phục. Quen thuộc đến nỗi em thấy điều đó là bình thường, là đương nhiên, là chuyện của đàn ông. Em chẳng bao giờ nghĩ rằng sẽ có một lúc nào đó những chuyện ấy sẽ dành cho mình.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vậy mà bây giờ điều đó đang xảy ra. Khi anh vắng nhà, không chỉ những công việc “của đàn ông” em phải tự làm mà ngồi vào mâm cơm, không có đàn ông cũng thấy nhà cửa vắng vẻ. Mấy ngày qua, không nghe câu anh nói “cứ để đó cho anh”, em thấy nhớ anh vô cùng.

Giờ em mới biết không phải người đàn ông nào cũng đáng yêu như anh. Mấy chị bạn kể các chị phải làm hết chuyện trong ngoài, mấy anh chồng chỉ biết đi làm mang tiền về rồi thôi chứ chẳng bao giờ quan tâm giúp đỡ, chia sẻ việc nhà với vợ. Em may mắn có được một người chồng không chỉ yêu thương mà còn rất cưng chiều vợ. Vậy mà trước giờ em thấy mọi chuyện thật bình thường. Chỉ khi anh đi vắng, em mới biết anh quan trọng như thế nào.
Em tính từng ngày, mong cho qua cái thời hạn 2 tuần để anh về với em. Chắc chắn khi anh trở về, câu đầu tiên em sẽ nói với anh là: Chồng ơi, em nhớ anh quá chừng…

Anh yêu đôi bàn tay chai sạn của vợ!

Anh yêu đôi bàn tay chai sạn vì lao động của vợ mình. Thế thì sao em lại không cho anh nói lên tình yêu đó, niềm tự hào đó?

“Anh đừng bao giờ nhắc lại trước mặt bạn bè em về những ngày tháng nghèo khổ nữa.Bây giờ mình đã giàu có, em không muốn người ta bới móc, thêu dệt”.

Đây là lần thứ 3, em nói với anh điều này. Trước đây, anh nghĩ em nói những lời đó khi tâm trạng không tốt, khi có ai đó chạm vào những vất vả, khó nhọc mà em và các anh chị phải gánh chịu. Song, đến lần thứ 3 thì anh tin rằng đó chính là suy nghĩ hiện tại của em.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Sự mặc cảm về quá khứ nghèo hèn khiến em không dám tự tin vào những gì mình đang có. Điều đó khiến anh chạnh lòng. Cha mẹ đã vất vả nuôi gần chục đứa con khôn lớn nên người. Giờ đây, đứa nào cũng thành đạt nhưng cha mẹ không có phúc được hưởng. Cha mẹ ra đi khi đã vắt cạn kiệt sức lực cho con. Thế thì tại sao em không tự hào về điều đó? Nghèo khó phải đâu là tội lỗi, càng không phải là điều gì đáng để xấu hổ, mặc cảm!

Chồng “yếu” hơn vợ có khác thường?

Bây giờ, khi vai trò phụ nữ được nâng cao, người vợ “mạnh” hơn chồng âu cũng điều dễ hiểu. 

Trong gia đình, theo quan niệm truyền thống, người vợ “yếu” hơn chồng là điều bình thường; ngược lại, chồng “yếu” hơn vợ thì khác thường. Bây giờ, khi vai trò phụ nữ được nâng cao, người vợ “mạnh” hơn chồng âu cũng điều dễ hiểu. Khi chấp nhận rằng người đàn ông có điểm yếu và yếu thế hơn vợ, thay vì cố tìm cách “mạnh” lên thì hoàn toàn có thể xem đó là một “lợi thế” và nên “tận dụng” lợi thế đó.

Anh bạn tôi làm thợ may, khách quen cũng khá. Vợ anh làm việc cho một công ty nước ngoài, có thu nhập cao. Về tài chính, anh tự nhận mình “lép” hơn vợ. Làm việc tại nhà, anh có thì giờ đưa đón con, nấu nướng, giặt giũ và nhiều việc nhà khác đều do anh đảm trách. Mọi người bảo, anh cứ để tình trạng như vậy thì vợ sẽ “cưỡi cổ” mất, nhưng anh cười: “Mình yếu mặt này thì mạnh việc kia. Bà xã mà chê bai chồng thì mình bảo “đổi vai”, bả chạy liền!”. Bởi vậy, vợ anh tuy có lúc hơi mặc cảm là chồng mình thua kém, nhưng nghĩ kỹ lại thì chính nhờ anh mà bản thân có sự nghiệp hơn nhiều bạn bè khác. Sự ngầm phân công đó diễn ra êm ấm suốt nhiều năm qua, vì cả hai đang thấy được mặt mạnh và cả mặt yếu của mình và bằng lòng với điều đó.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hồi trước, chị dâu tôi hay bị mang tiếng là “ăn hiếp” chồng. Bởi chị là người tháo vát, nhanh nhạy nên phần lớn các công việc mưu sinh đều do chị quyết định và tổ chức thực hiện. Hết buông cái này, chị bắt cái kia, nhiều khi anh tôi không muốn nhưng cũng phải chiều ý chị. Có lúc vợ chồng cãi nhau vì anh tôi nói chị lấn quyền chồng, chị khóc bảo: “Em lấn quyền nhưng em có làm gì cho riêng mình không?”. Nhiều lần như vậy, anh tôi cũng hiểu ra. Tự thấy mình không xốc vác được việc gia đình, vậy nên lúc rỗi việc, anh chăm chút từng bờ ao, mái chòi, nẹp vách… Nhà cửa dù nghèo nhưng vẫn ấm cúng. Các con anh đều học hành chăm ngoan, hơn khối gia đình bề thế, ông chồng hay “vỗ ngực” là trụ cột gia đình.

Vậy mới nói, người chồng “yếu thế” hơn vợ nên tận dụng “lợi thế” của mình là sự trung thực và bằng lòng với điều kiện vốn có một cách khéo léo. Bởi mỗi người sinh ra đều có điểm mạnh, điểm yếu đặc thù không dễ gì thay đổi được, vì vậy nên hiểu điều đó và dung hòa giữa các mối quan hệ gia đình. Đâu phải hễ đàn ông chăm lo việc nhà thì trở nên yếu thế, và dù có yếu thế cũng đâu có nghĩa là không hạnh phúc? Cũng không phải ở gia đình nào mà người phụ nữ “mạnh” hơn chồng thì đều phát sinh bi kịch. Vấn đề là phải hài hòa giữa điểm mạnh và yếu của mỗi người để đạt mục tiêu chung trong việc vun bồi hạnh phúc và nuôi dạy con cái.

Ông bà ta dạy “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, trong quan hệ gia đình, thật thà với điểm yếu của mình lắm khi là một “chước” hay, thay vì cố giấu diếm, chỉ khoe điểm mạnh, để rồi thất vọng về nhau. Sự thật thà này nên bắt đầu trước khi lấy nhau, thay vì cố che đậy, đến khi “lộ nguyên hình” thì ai nấy đều thấy bẽ bàng.