Copy hạnh phúc

Trong tất cả các môn, các bà thích nhất là môn giữ chồng, đó cũng là môn khó nhất. Vậy là các bà âm thầm "đi học"...

Phụ nữ rất thích học hỏi những vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình. Bằng chứng, các buổi nói chuyện của các chuyên gia tâm lý luôn đông nghẹt phụ nữ; các sô truyền hình thực tế có hình ảnh vợ chồng, con cái chiếm cảm tình của các bà vợ ngay. Còn chương trình nấu ăn (dù không có thời gian nấu) các bà vẫn nhiệt tình xem. Sách, báo viết về các bí quyết giữ tìn tình yêu luôn được các bà đặt để dưới gối.
Trong tất cả các môn, các bà thích nhất là môn giữ chồng, đó cũng là môn khó nhất. Sao phải giữ, mất đi đâu, mà sợ. Các bà bảo, không phải lo ai lấy mất, mà sợ nhất là sống cứ nhàn nhạt, chán chán, chả còn cảm hứng gì hết! Sợ tình phai. Vậy là các bà âm thầm, âm ỉ nổ lực, chiến đấu với kẻ thù nhàm chán. Trở thành một người đàn bà luôn mới lạ, quyến rũ đối với chồng luôn là một gian nan.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong đêm, bà Lê Thị Thúy Ngần, một nhân viên kế toán, thường hay nén một tiếng thở dài, dài hơn một kẻ độc thân. Chồng bà chưa có dấu hiệu ngoại tình, nói thẳng ra cũng chẳng có điều kiện để cặp kè với em này, em kia, nhưng ông cũng chẳng còn nhìn vợ say sưa như hồi nào run rẩy đeo nhẫn vào ngón tay của bà. Mỗi lần nói chuyện với vợ, ông toàn nhìn vào điện thoại, máy tính, tivi, xe máy…thì vẫn là những thứ ông nhìn hàng ngày, sao không chán, mà lại chán nhìn vợ. Một hôm, bà dừng lại ở một trang Facebook của một người phụ nữ có ba đứa con, chồng vẫn mê như điên.
Cái hay cần học hỏi, vậy là bà nhắn tin cho chồng hẹn ông chiều nay gặp nhau ở khách sạn. Ông chồng vội vã gọi lại cho bà vợ: “Bà bị sao vậy, cháy nhà rồi à”. Bà chưng hửng, không giải thích gì thêm, khiến cho ông chồng nửa đùa, nửa thật nói với đứa con gái trong buổi cơm tối: “Má bây có bồ đó nghen, nhắn tin nhầm qua máy của ba…hehe”. Bà tức điên.
Đôi khi chuyện khó nói giữa vợ chồng chẳng liên quan gì đến gối chăn, mà bà vợ cũng không mở lời được. Là vầy, bà thấy bà vợ 3 con hạnh phúc tiết lộ trên FB một trong những bí kíp làm mới tình cảm vợ chồng là bất ngờ hẹn hò nhau ở khách sạn. Vợ chồng nhà đó, hơn 10 năm rồi mà cứ như tình nhân, nhờ lâu lâu trốn con cái đi hẹn hò gặp gỡ riêng tư với nhau. Thế là bà học theo, dè đâu, lão chồng bà nhìn bà như người bị tự kỷ. Đã thế, thì bà để cho tình nhạt luôn.
Bà Đào Thị Túy Quyên, quyết tâm đòi quà trong ngày 8/3 vừa qua. Điều đó, làm ông chồng suýt ngất. Lấy nhau đã hơn 7 năm, tự nhiên, năm nay bà nghiêm giọng nói một hơn với ông: “Em muốn có quà, vì em là phụ nữ, em đẹp hay em xấu, em ngoan hay em hư, em hiền hay em dữ không quan trọng, em muốn anh tặng quà vì em là của anh, là vợ anh”.
Trời! Ông chồng sờ trán bà vợ: “Cũng đâu có nóng lắm”. Đợi bà vợ bình thân, ông chồng mới phát biểu: “Tiền lương tui nộp cho bà hết rồi, bà thích gì thì cứ mua, tui biết gì, còn không thì bà đưa tui mấy trăm, tui đi mua..”. Bà vợ tẻn tò, thấy câu “thần chú” bà copy từ một bài báo trên mạng, không hiệu quả. Tác giả của bài báo cho biết, cô ấy luôn đòi hỏi quà vào các dịp sinh nhật, ngày cưới, 8/3…nhờ thế mà ông chồng rất tiến bộ trong việc thể hiện sự quan tâm đối với vợ. Bà tâm đắc với ý tưởng: Vợ không có quà không thể đổ lỗi hết cho chồng vô tư, mà bà vợ phải có nhiệm vụ tạo ra một ông chồng luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu vợ mình”. Thế nhưng, sao khi áp dụng lý thuyết đó vào thực tế, bà vợ thấy mình biến thành một người đàn bà coi trọng vật chất, đòi hỏi. Ông chồng thì bảo con gái: “Theo dõi má nghen con, hổm rày, má hơi lạ, chắc do làm việc căng thẳng”.
Bà Nguyễn Thái Chinh, sau một hồi nhỏ to tâm sự qua điện thoại với người bạn thân là Việt kiều, đã được bạn truyền cảm hứng để làm cuộc cách mạng trong hôn nhân. Theo lời chỉ dẫn của bạn, bà đã đầu tư mạnh vào phòng ngủ vợ chồng, thay ra, đổi nệm, ánh sáng thay vì tối thui, áo mỏng thay cho đồ bộ, nến thơm…Thấy bà vợ yểu điệu, lướt qua, lướt lại, ông chồng trợn mắt lên (chứ không hề say đắm như trong kịch bản), rồi ông phán: “Bà làm ơn tắt giùm cái nến, có ngày chết cháy như heo quay, tối thui tôi mới ngủ được, mà bà cũng ngủ đi chứ, đứng trong góc chi vậy…”. Bà vợ ê chề cảm thấy không thể cải tạo lão chồng vừa quê, vừa bảo thủ. Vợ chồng thì cứ ngày càng như bạn bè, chẳng còn một chút lãng mạn, hồi hộp, toàn bực bội.
Sao y bản chính trong việc làm tươi mới quan hệ vợ chồng, nhưng sao các bản photo lại không thành công rực rỡ? Có lẻ, vì mỗi người đều có cá tính, văn hóa, lối sống khác nhau…nên cách của người này khó thành cách của người kia. Vì thế, khi copy và thực hiện, cần xem xét đến yếu tố phù hợp với gia cảnh của mình.

Bi kịch cưới... ép

Rơi vào tình cảnh khó nghĩ, mẹ lại đau bệnh, không muốn mẹ buồn, Thúy Vi đành nhắm mắt, gật đầu. Đám cưới diễn ra...

Không hiểu sao ở thời đại này, vẫn có những cô gái nhắm mắt đưa chân vào những cuộc hôn nhân do gia đình ép buộc. Chấp nhận cưới ép chẳng khác nào tự đưa mình xuống vực thẳm bất hạnh.

Cưới vì... bị ép

Đang là một cô nhân viên thực tập giỏi giang, năng động, có tiềm năng được giữ lại công ty để tiếp tục phấn đấu thì Ngô Thúy Vi (Vĩnh Long) phải khăn gói về quê lấy chồng. Nguyên nhân là mẹ cô bệnh khá nặng, Thúy Vi là con gái duy nhất, bà muốn trước lúc chết được nhìn thấy con gái mình lên xe hoa.

Trước kia, khi cô đi học trung cấp ở TP. Cần Thơ, trong những lần về nhà, mẹ và người nhà sốt ruột thấy con gái mình quá hai mươi mà vẫn chưa chồng, đã mai mối, giới thiệu Thúy Vi cho một thanh niên cùng xóm.

Anh này làm kinh doanh nước giải khát với gia đình, thu nhập ổn định, cũng sáng sủa và có tương lai. Hồi ấy, còn trẻ, chưa có người yêu, nên Thúy Vi cũng đồng ý hẹn hò. Khi cô đi học là những cuộc gọi, cánh thư qua lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Đến lúc lên Sài Gòn làm, hòa nhập vào môi trường mới, gặp gỡ nhiều người, Thúy Vi đã quên dần tình cảm hồi bồng bột ấy, và cô cũng tự thấy mình chưa có tình cảm gì với người thanh niên kia. Thế mà, khi mẹ Thúy Vi bị bệnh, hai gia đình đã nói chuyện và tự sắp xếp ngày để mang lễ vật qua hỏi.

Thúy Vi dù thấy lấn cấn và buồn, nhưng không biết làm sao, vì trong mắt mọi người cô và chàng thanh niên nọ đã là "một đôi đính ước", không sớm thì muộn sẽ đến được với nhau. Nay lúc khẩn thì cưới luôn là quá tốt rồi.

Rơi vào tình cảnh khó nghĩ, mẹ lại đau bệnh, không muốn mẹ buồn, Thúy Vi đành nhắm mắt, gật đầu. Đám cưới diễn ra...

Cũng Như Thúy Vi, Hạ Vân (TP.HCM) cũng còn rất trẻ. Cô mới là sinh viên năm 3 đại học. Hạ Vân học về sư phạm, tương lai sẽ là một cô giáo. Gia đình căn bản, lại xinh xắn, đáng yêu. Người yêu của cô là bạn trai cô từ thời lớp 12, tình yêu từ mối tình học trò mà phát triển lên, bền vững qua mấy năm trời đại học. Thế mà, còn một năm rưỡi nữa Hạ Vân ra trường thì bỗng dưng nhà trai đòi... cưới gấp.

Khi Hạ Vân đề nghị bạn trai và gia đình chờ thêm một thời gian nữa, đến khi ra trường hãy cưới, thì cả anh lẫn gia đình phản ứng quyết liệt. Bạn trai Hạ Vân còn đưa ra nhiều cớ khác nhau để thuyết phục cô: "Cưới xong, em vẫn tiếp tục đi học được mà, anh sẽ nuôi em ăn học. Mẹ anh đi coi mấy thầy bói, nói nếu năm nay không cưới thì phải 5, 6 năm nữa mới được tuổi, còn liều cưới thì tan nhà nát cửa. Trước hay sau gì thì tụi mình cũng cưới...".

Cha mẹ Hạ Vân nghe chuyện nhà trai muốn cưới gấp không ưng ý lắm, nhưng tôn trọng con, họ để Hạ Vân quyết định. Thế là, sau năm lần bẩy lượt gia đình bạn trai đến thuyết phục, Hạ Vân đồng ý cưới sớm hơn kế hoạch hai năm, vì nghĩ thôi, yêu nhau, cưới sớm ổn định sớm cũng yên tâm...

Và những kết cục buồn

Hai năm sau khi "cưới chạy", Thúy Vi đơn phương đâm đơn ra tòa ly hôn. Từ lúc lấy nhau về, cô đã thấy đầy rẫy những bất ổn: Cô và chồng chưa tìm hiểu nhau kĩ, chưa có thời gian chính thức yêu nhau, chưa hiểu gì về nhau. Cưới chồng rồi, Thúy Vi phải chấp nhận bỏ công việc ở thành phố phồn hoa, nhà chồng xin cho một công việc an nhàn ở xã để có thời gian chăm sóc gia đình.

Chồng cô, lớp 12 đã nghỉ học, buôn bán nên tính cách có phần bỗ bã. Về văn hóa, nhận thức của cả hai cũng nhiều khác biệt. Thúy Vi mơ mộng, lãng mạn, yêu văn chương, nghệ thuật, còn chồng cô tương đối thực dụng, tất cả đều quy ra giá trị đồng tiền.

Cứ thế, những rạn nứt ngày càng lớn dần lên. Thúy Vi giữ không để mình có thai. Chờ đến sau ngày giỗ đầu của mẹ, cô xin ly hôn, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Với Hạ Vân, kết cục cũng buồn bã không kém. Cưới xong chưa được ít lâu, cô phát hiện ra lý do thật sự của việc ép cưới: Do chồng Hạ Vân chỉ làm nhân viên bán hàng quèn cho một cửa hàng, gia cảnh thì cũng chẳng khá giả gì. Trong khi Hạ Vân vừa xinh, gia đình khá giả, lại đang học một trường danh giá, hứa hẹn ra trường nghề nghiệp ổn định. Nhiều người nói đến tai bà mẹ chồng (khi ấy là mẹ chồng tương lai), là nếu vuột mất đứa con dâu như vậy thì chẳng có cơ hội tìm ai ngang bằng, vì con trai bà chả có gì nổi trội, chẳng qua do chúng nó yêu nhau từ cấp 3 nên con bé mới chịu đến bây giờ. Sau này, con bé ra trường rồi, nhiều mối theo đuổi, thì chắc chắn con bà sẽ ra rìa.

Chính vì lý do đó mà bà mẹ chồng phân tích, hối thúc con trai và tìm mọi cách để "ép" Hạ Vân về làm con dâu mình. Biết chuyện, Hạ Vân bị sốc, buồn và tổn thương vô cùng.

Trịnh Lê Phương Trinh, cũng đang là sinh viên đại học, đã gửi lời tâm sự của mình lên diễn đàn dành cho phụ nữ: "Em đang học năm cuối đại học. Từ năm ngoái, em đã lỡ lầm dọn đến sống chung nhà với người yêu, anh ấy đã ra trường đi làm.

Hồi đó, em cứ nghĩ ra trường sẽ lấy nhau nhưng sau khi sống chung, em đã phát hiện nhiều điều bất ổn từ phía bạn trai, và dần dà tình cảm của em cũng hết. Em muốn chia tay, dọn ra khỏi nhà trọ và bắt đầu lại một cuộc sống mới. Nhưng bạn trai của em không để em yên, anh ấy nói nếu em dọn đi và chia tay thì anh ấy sẽ báo cho cha mẹ em biết là em đã sống chung như vợ chồng với anh ấy hơn một năm qua và xin ba mẹ em cho cưới gấp.

Bây giờ em không biết phải làm sao, lấy anh ấy thì em hầu như không còn tình cảm lấy về sẽ khổ sở lắm, còn nếu không theo ý thì anh ấy sẽ báo cho ba mẹ em, mà ba mẹ em nghiêm, khó tính lắm, chắc em không sống nổi... Biết làm thế nào bây giờ".

Chia sẻ của Phương Trinh đã nhận được rất nhiều đồng cảm và lời khuyên. Hầu hết những người có kinh nghiệm đều khuyên Phương Trinh nên dũng cảm đối mặt, kể cả sự giận dữ của gia đình, vì gia đình sẽ không bao giờ bỏ mình.

Chuyện tình cảm, cưới hỏi là chuyện hệ trọng của cả đời người, nếu chỉ vì bị dọa, bị ép mà phải nhắm mắt đưa chân, tức là tự đưa mình vào vực thẳm bất hạnh, sau này càng không có lối thoát. Dũng cảm đối mặt và dừng lại trước khi quá muộn, chính là cách tốt nhất để cứu cuộc đời mình…

Đàn ông liêu xiêu

Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.

Lần đầu tiên cô tới là để sửa cái quạt. Chỉ ngồi phía sau có người chở thì nội việc cầm cái quạt cồng kềnh trên đường đông đúc cũng dễ bị va quẹt, huống chi vừa cầm lái vừa cầm quạt. Cô ngừng xe trước quán của anh vừa lúc một chiếc xe khác trờ tới, cô phải vội xìa cái quạt qua chỗ khác, tay lái chao nghiêng… suýt nữa thì cả người, xe lẫn quạt đổ nhào.

Ông chồng đâu mà để vợ phải như vậy? Anh tự hỏi.

Lần sau cô đem tới cây đèn bàn cũ kỹ với nụ cười áy náy: “Cây đèn này mua cái mới cũng chẳng tốn bao nhiêu, nhưng nó là kỷ niệm nên thằng bé nhà tôi muốn giữ cho bằng được, anh thông cảm sửa giùm”.

Một người mẹ chiều ý muốn giữ lại vật kỷ niệm cho con, thật đáng cho anh nhớ. Quá khác với vợ của anh, cái đồng hồ đeo tay anh tặng kỷ niệm ngày cưới chỉ ngày hôm sau là đã bị thay sợi dây kiểu khác.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lần tiếp, cô đem tới cái bàn ủi. Cậu thợ ngạc nhiên, cái bếp từ là ca khó thì ông chủ phải tự tay làm, sửa cái bàn ủi là chuyện vặt sao ông chủ cũng phải ra tay?

Lần nữa, cô đem tới cái lò nướng, loại lò mua cách đây cả chục năm. Thoáng đỏ mặt, cô phân bua: “Còn xài được mà bỏ thì phí”. Thường thì gặp những món quá cũ này anh từ chối ngay, vì mua đồ thay thế rất khó, sửa xong cũng chóng bị hư hỏng lại, đã vậy còn khó tính tiền công. Nhưng với cái lò của cô, anh bỏ ra cả buổi ở chợ bán đồ cũ tìm mua những thứ cần thiết để thay thế. Người bán hàng quen nể mặt anh lục tung cả kho phế liệu để tìm, vừa lục vừa càu nhàu: “Bữa nay chơi đồ cổ à?”.

Cậu thợ bưng cái lò nướng đặt lên xe giùm cô, loay hoay nhích tới nhích lui cho nó được thăng bằng, anh thì dắt cái xe máy của mình ra đường. Đợi cô chạy một đoạn, anh chạy theo sau. Anh từng thắc mắc gã đàn ông nào lại để vợ một mình kiểu này, nhưng sau thì anh mơ hồ đoán ra... Mà sao con cô không bưng bê giúp mẹ? Hay do cô chiều con quá? Những bà mẹ một mình thường bù đắp cho con bằng cách cưng chiều quá mức.

Đúng như anh đoán, chỉ hai mẹ con cô với nhau thôi. Bà chủ quán cà phê vỉa hè miệng mồm nhanh nhảu, anh ra vẻ bâng quơ hỏi một câu là bà tuôn ra một tràng. Phòng trọ đó không thấy đàn ông, đứa con bị liệt phải ngồi xe lăn. Mẹ thương con ghê lắm, làm nghề bán hàng cho người ta mà chiều nào cũng xin về sớm một tiếng đồng hồ để đẩy xe cho con ra hoa viên ngắm cảnh và chơi với mấy con chim sâu. Đàn ông có người sao quá tệ, con mình sinh ra tật nguyền mà bỏ đi được? Mà cô vợ thì đẹp người, đẹp nết cỡ đó...

Đẹp người đẹp nết, giọng người kể lộ vẻ tiếc nuối một thì lòng anh tiếc nuối gấp vạn lần. Để rồi, khi quay về nhà, anh khó mà cười xòa khi vợ lại bày ra một mớ váy áo mới mua, phân bua là nhân đợt giảm giá. Anh khó chịu khi đi làm về thấy hình ảnh quen thuộc là nhà cửa lôi thôi, đứa con vừa đi mẫu giáo về ba lô còn đeo sau lưng mà vợ thì lo trang điểm cho một cuộc hẹn với bạn bè. Anh bực bội khi mâm cơm vẫn thường là những món kho, món xào nấu sẵn mua ở siêu thị…

Anh hay theo sau, đến hoa viên lặng lẽ nhìn cô đẩy cái xe lăn dạo quanh. Tóc cô cột cao, lộ cái cổ hằn những đường gân xanh. Cô gầy quá. Nhưng tay cô đẩy cái xe lăn thật vững. Anh thấy mình trào lên ước muốn được cầm lấy bàn tay rất gầy đó. Thằng bé trong xe thích thú được đi ra đường, nó cười tươi và chỉ trỏ lung tung. Anh thấy mình trào lên nỗi thương cảm muốn bồng bế, nhấc bổng nó lên.

Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.

Anh sẽ là một gã quá tệ nữa trong mắt bà chủ quán nếu chiều nào cũng đến đây. Vợ anh không đẹp người đẹp nết nhưng đứa con nhỏ của anh thì đang mong ba đi làm về.

“Mèo mả, gà đồng” là cái chi chi…

Chồng em ngày trước chưa bao giờ cho em cảm giác ấy. Chính vì vậy, dù bị mắng là “mèo mả, gà đồng” em vẫn không muốn chia tay.

Anh ấy và em đều đã một lần đổ vỡ. Chúng em quen nhau 4 năm nhưng chưa tính chuyện cưới xin vì ai cũng như chim sợ làn cây cong. Tuy vậy, chúng em đã sống với nhau như vợ chồng, anh ấy thường xuyên lui tới và qua đêm tại nhà trọ của em.

Khi biết chúng em quen nhau, mẹ anh phản đối quyết liệt và gọi tụi em là phường “mèo mả, gà đồng”. Nhiều lần bà ấy đến nhà trọ của em để bắt con trai về và mắng mỏ em dụ dỗ con bà. Đôi lúc em cũng thấy nản và muốn trả anh ấy về cho gia đình, tuy nhiên, mỗi lần dự định như vậy thì chúng em lại quấn quýt nhau hơn.

Anh nói rằng, anh từng có bạn gái, sau đó cưới vợ nhưng không ai làm cho anh hạnh phúc như em. Ngược lại, em cũng thấy anh ấy là người đàn ông rất tuyệt vời khi hai đứa gần gũi. Chồng em ngày trước chưa bao giờ cho em cảm giác ấy. Chính vì vậy, dù bị mắng là “mèo mả, gà đồng” em vẫn không muốn chia tay.

Tuy nhiên, mới đây, em gặp lại người bạn trai cũ ngày còn đi học, bạn nói chuyện với em rất nhiều và khuyên em nên xem lại mối quan hệ này. Nói như bà mẹ của anh ấy thì có hơi quá đáng nhưng người ta yêu nhau thì phải hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh con đẻ cái chứ không đơn thuần là làm cho nhau sung sướng trên giường.

Em thấy hoang mang. Thời nay người ta chưa cưới mà sống chung với nhau đầy ra đó, chẳng lẽ họ cũng là phường “mèo mả, gà đồng” hay sao? Nhưng nếu cứ duy trì tình trạng này thì em cũng không thấy tương lai gì. Năm nay em đã 36 tuổi…

Nguyễn Thị Hồng Chi (Vũng Tàu)

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Bạn thân mến,

“Mèo mả, gà đồng” là câu người ta dùng để chỉ những mối quan hệ trai gái không đàng hoàng; thường là “quan hệ ngoài luồng” hoặc kiểu như “ông ăn chả, bà ăn nem”…

So sánh với tình trạng của các bạn hiện nay thì đúng là bà mẹ của anh ấy có hơi quá đáng khi dùng khái niệm này để chỉ mối quan hệ của các bạn. Đối với xã hội và pháp luật, các bạn không có gì sai bởi cả hai đều chưa vợ, chưa chồng; không giành vợ, giật chồng của ai. Các bạn đều đã trưởng thành, mỗi người tự chịu tách nhiệm trước hành vi và hậu quả việc mình làm.

Tuy nhiên, điều anh bạn cũ nói cũng đáng suy nghĩ. Đành rằng hiện nay, xã hội phát triển, lối sống tân thời du nhập vào xã hội chúng ta và ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ; xu thế “yêu là cho” hay “sống thử” đang trở nên phổ phiến trong các bạn trẻ; nhưng điều này cũng gây ra những hậu quả khó lường. Trước tiên là về mặt tâm lý. Nếu ai cũng không muốn ràng buộc bằng quan hệ hợp pháp thì con cái (nếu có) của những người ấy sẽ rất thiệt thòi. Còn nếu như các bạn cứ sống mà không biết ngày mai thì đó cũng là một cách sống không được khuyến khích.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Nếu không có gia đình thì xã hội sẽ dần tàn lụi vì lấy ai sinh con đẻ cái, lấy ai duy trì những giá trị truyền thống để xã hội phát triển? May mắn là hiện nay, số đông vẫn nghĩ xây dựng gia đình là cần thiết chứ không chỉ là chơi cho vui, thích thì chiều…

Trở lại câu chuyện của các bạn. Xem kỹ thì hình như các bạn đến với nhau chẳng có mục đích, định hướng gì rõ ràng; cũng không phải là tình yêu mà chỉ là do hai người… làm cho nhau sung sướng trên giường. Không phải võ đoán nhưng chính suy nghĩ và hành vi của các bạn đã nói lên điều này: Trước đây, chưa có ai làm cho nhau sung sướng như vậy!

Bạn nên nhớ rằng, “cái sự sung sướng” ấy rồi cũng sẽ mất đi khi người ta lớn tuổi, sức khỏe suy giảm hoặc nếu như một trong hai người mắc phải chứng bệnh gì đó khiến khả năng tình dục suy giảm. Nếu mối quan hệ của các bạn chỉ dựa trên sức hút mãnh liệt đối với nhau trên giường thì khi điều đó không còn, cũng có nghĩa là không còn chất keo kết dính nào khác. Tất nhiên, mối quan hệ ấy sẽ “keo rã, hồ tan”.

Năm nay bạn đã 36 tuổi, cái tuổi chín chắn trong nhận thức nhưng lại là tuổi sắp vào giai đoạn cuối của thời kỳ sinh sản tốt nhất của người phụ nữ. Nếu bạn muốn lập gia đình, sinh con đẻ cái bình thường, xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, bền chặt như những người phụ nữ khác thì có lẽ nên nghiêm túc nhìn nhận lại mối quan hệ hiện nay của mình.

Bạn đã hoang mang có nghĩa bạn bắt đầu lo lắng, nghi ngờ và muốn xem xét lại tình trạng của mình. Đành rằng thời nay người ta chưa cưới mà sống chung với nhau đầy ra đó và xã hội cũng không quá khắt khe để xem đó là phường “mèo mả, gà đồng” nhưng bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu mãi sống trong tình trạng sống mà không thấy tương lai!

Bạn nên bàn với anh ấy để sớm có “kết luận cuối cùng” cho tình cảnh của mình bởi thời gian không chờ đợi ai cả…