Tái sinh nhờ quả thận của anh trai
Thái Ca kể, anh bắt đầu có những dấu hiệu bất thường về thận từ năm 9-10 tuổi. Những cơn sốt kéo dài, nước tiểu màu hồng, nổi bọt, phù nhẹ quanh mắt. Nhưng trong ký ức tuổi thơ của một đứa trẻ từng chứng kiến cha mất vì bệnh gan, chị gái qua đời vì suy tim, bệnh viện là một điều gì đó lạnh lẽo và đau đớn. Cậu bé ngày ấy chọn cách im lặng, giấu mẹ những bất thường của cơ thể, chỉ uống thuốc qua loa mỗi khi mệt, không dám đi khám, không dám kể.

Anh không ngờ sự che giấu của bản thân lại từng bước đưa mình đến giai đoạn cuối của suy thận. (Ảnh: NVCC)
Mãi đến khi 25 tuổi, các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn: mệt mỏi triền miên, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước ít, phù nặng, chán ăn, buồn nôn. Ngày đến bệnh viện thăm khám cũng là ngày mọi điều tưởng như bình thường vỡ ra thành cú sốc lớn.
“Bác sĩ kết luận tôi bị suy thận do không điều trị viêm cầu thận từ trước. Chỉ số creatinine khi đó đã lên tới 1000, chạm ngưỡng báo động đỏ, cảnh báo thận đã suy đến giai đoạn cuối”, anh kể lại.
Khoảng thời gian sau đó là chuỗi ngày làm bạn với máy chạy thận. Cứ 3 buổi một tuần, anh ngồi lặng bên chiếc ghế quen, tay nối vào ống dẫn, cảm nhận dòng máu của mình được đưa qua một cỗ máy vô tri rồi trở về, sạch hơn, nhưng cũng hao mòn hơn. Căn phòng lạnh, tiếng máy đều đặn như tiếng kim đồng hồ nhích từng nhịp chậm, kéo dài sự sống.

Máy lọc máu từng là hy vọng níu kéo sự sống của anh. (Ảnh: NVCC)
Cho đến ngày chiếc máy lọc máu cũng không thể níu giữ Ca lại với cuộc đời thêm nữa. Trong lúc cơ thể dần chìm vào trong mê, Ca dường như nghe thấy có tiếng máy kêu liên hồi, có tiếng hô vội vàng của ai đó phía xa. Mọi thứ mờ dần rồi tắt hẳn.
“Tỉnh dậy sau cơn mê, tôi mới biết mình đã bị tụt huyết áp ngay trong lúc chạy thận. Với một bệnh nhân thận giai đoạn cuối, điều đó giống như đi ngang qua ranh giới giữa sự sống và chết đi. Tôi nghe bác sĩ nói mà tim như rơi xuống. Hóa ra cái chết gần đến vậy, chưa bao giờ tôi thấy sợ đến thế”, anh nhớ lại.
Bác sĩ cho biết, có phương pháp điều trị khác là ghép thận. Không đợi bàn bạc, anh trai Ca lên tiếng: “Để anh thử máu. Nếu hợp, anh sẽ hiến thận cho em”.
Ban đầu, mẹ và Ca đều phản đối. Nhưng rồi bác sĩ trưởng khoa giải thích rằng có những người từ khi sinh ra chỉ có một quả thận, vẫn sống khỏe mạnh đến cuối đời. Nếu người hiến sống điều độ, khám sức khỏe định kỳ và chăm sóc bản thân thì vẫn có thể sống tốt. Nghe đến đó, mẹ anh im lặng thật lâu. Khi đó, mẹ và anh mới đồng ý, trong đôi mắt lấp lánh cả nỗi sợ lẫn hy vọng.
“Tôi vừa chấp nhận cơ hội sống, vừa là day dứt và sợ hãi. Tôi sợ lỡ như sau này anh mình có chuyện gì, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân”, anh tỏ bày.
Gia đình bán căn nhà, cộng thêm phần đất đai ít ỏi để gom đủ hơn 300 triệu đồng cho ca ghép. Một sự đánh đổi đầy hy sinh. Nhưng đổi lại, là một cơ hội sống đúng nghĩa.

Ca ghép thận gần 10 năm trước, nhưng đến giờ, mọi ký ức về ca mổ anh vẫn nhớ nguyên vẹn. (Ảnh: NVCC).
Ca phẫu thuật hiến - ghép thận của hai anh em thành công. Sau ca mổ là 10 ngày nằm trong phòng hồi sức tích cực, rồi ba tháng tiếp theo là khoảng thời gian tự cách ly tuyệt đối để tránh nhiễm trùng, sống thầm lặng như một cái cây đang học cách mọc rễ trong mảnh đất mới.
Việc hồi phục không hề đơn giản: ăn uống kiêng khem, uống 5-7 lít nước mỗi ngày để thử khả năng lọc của thận mới, dùng thuốc chống thải ghép suốt đời. Những viên thuốc nhỏ nhưng mang theo sinh mệnh. Những giấc ngủ đầy chập chờn vì cơ thể còn lạ lẫm với một phần máu thịt không sinh ra từ mình.
Nhưng trong tất cả gian nan đó, có một điều nhỏ bé trở thành hạnh phúc lớn: quả thận ấy hoạt động bình thường. “Mình đã từng nghĩ mình sẽ chết, đời mình thế là hết rồi. Cho đến khi mình cơ thể dần khoẻ mạnh, không còn những cơn mệt mỏi nữa, cảm nhận quả thận ngày càng hòa làm một với cơ thể. Tự nhiên tôi thấy tim mình đập rõ hơn, mắt mình sáng hơn. Lần nữa tôi lại dám mơ về những ngày mai”, anh xúc động nói.
Một cuộc đời mới
Năm tháng rồi sang sáu tháng, quả thận mới lặng lẽ thích nghi, như một người khách lạ bắt đầu học cách ở lại, âm thầm hòa nhịp với cơ thể mới. Mọi chỉ số dần ổn định, căn bệnh cũng lùi lại phía sau.

Trở về sau những ngày dài bênh tật, Ca càng chú trọng đến sức khoẻ nhiều hơn. (Ảnh: NVCC).
Thái Ca trở về với những ngày sống giản dị mà trước đó, anh từng nghĩ mình sẽ không bao giờ chạm lại được nữa. Nhưng lần này không còn là con người cũ. Từ ăn uống, giấc ngủ đến từng nhịp sinh hoạt đều được sắp xếp cẩn trọng. Không rượu bia, không thức khuya, hạn chế đồ mặn, tránh nhiễm lạnh,… mọi thói quen đều được điều chỉnh chỉ để bảo vệ cuộc đời mà bản thân vừa được sinh ra thêm một lần nữa.
Song, những vết xước của quá khứ dù đã lành, ít nhiều vẫn đọng lại như lớp sương mỏng trên một buổi sớm chưa kịp tan. Có một thời gian dài, Thái Ca tin rằng người từng mắc bện suy thận không thể có con. Suy nghĩ ấy như một chiếc bóng lớn phủ lên những ước mơ bình thường nhất: được yêu, được kết hôn, được làm cha.
Nhưng rồi, tình yêu đến theo cách nhẹ nhàng nhất. Một năm sau đó, anh lấy vợ rồi cũng có con. Ngày chào đón thiên thần nhỏ chào đời, mọi tổn thương, lo lắng trong quá khứ đều tan biến đi mất. “Hạnh phúc như vỡ oà ngay khoảnh khắc đó. Cảm giác như có một luồng ánh sáng chạy ngang qua cuộc đời xoá tan đi tất cả bóng tối từng đè nặng lên trái tim tôi. Hóa ra, điều kỳ diệu nhất không chỉ là được sống sót, mà là sau tất cả, tôi vẫn còn cơ hội để yêu, để làm cha, để gọi một mái nhà là của mình”, Ca bộc bạch.

Hiện tại, Thái Ca đang sống hạnh phúc với gia đình nhỏ. (Ảnh: NVCC).
Con anh nay đã 6 tuổi, khỏe mạnh, lanh lợi, là món quà quý giá nhất mà cuộc sống gửi lại sau hành trình dài đi qua bệnh tật. Căn nhà nhỏ của anh hiện tại, có tiếng trẻ con cười đùa, có mùi cơm chiều thoảng nhẹ, có ánh mắt lo lắng của vợ và cái nhìn thầm lặng biết ơn của Ca, như một khẳng định dịu dàng rằng cuộc sống vẫn có thể tròn đầy sau bệnh tật. Rằng ngay cả khi từng bước qua vực sâu, từng ngỡ không thể trở lại, thì vẫn có thể bắt đầu lại.
Một lần trở về từ quỷ môn quan, anh mới hiểu sâu sắc sức khỏe đáng giá đến nhường nào. Không phải tiền bạc, không phải công việc, càng không phải những lo toan thường nhật, chính sự lành lặn của thân thể mới là nền tảng âm thầm nâng đỡ tất cả.
“Có sức khoẻ mới có tất cả. Ai cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ, ngay cả khi không có triệu chứng gì. Vì đôi khi, cơ thể vẫn đang gãy vỡ, chỉ là ta chưa lắng nghe đủ sâu”, anh nói.
Hiện tại, Thái Ca làm việc tại Đà Nẵng, đúng ngành du lịch anh từng theo học. Ngoài công việc, anh thường xuyên chia sẻ hành trình sống sót và hồi phục trên trang cá nhân để ai đó đang mơ hồ trong hoang mang bệnh tật có thể tìm được một lối đi khác.