Chưa 30 tuổi đã mắc căn bệnh ung thư phổ biến nhất Việt Nam

Bác sĩ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23-24 tuổi đã mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng.

Không chỉ đột quỵ, đái tháo đường mà căn bệnh ung thư dạ dày phổ biến nhất tại Việt Nam vốn trước kia chỉ gặp ở người trên 60 tuổi giờ cũng ngày càng trẻ hoá.

Được đánh giá là 1 trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng  hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư dạ dày. 

Đáng ngại là nếu như trước kia bệnh thường ghi nhận ở bệnh nhân trên 60 tuổi thì nay nhiều bệnh nhân chưa đến 30 đã phải mổ do mắc căn bệnh này.

Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân 30 tuổi nhưng điều đáng mừng là tỉ lệ phát hiện bệnh sớm ở người trẻ khá cao.

"Không ít người trẻ tình cờ phát hiện ung thư dạ dày dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ”, PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức nói.

Điển hình cho đặc trưng này là trường hợp ca bệnh của anh V.M.C (38 tuổi ở Hà Nội). Theo BS Hà, bệnh nhân C. tình cờ phát hiện mắc ung thư dạ dày trong lần khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ đã chỉ định cắt một phần dạ dày để loại bỏ tế bào ung thư cho bệnh nhân C.

"Theo khai thác bệnh sử, anh C. cho biết trước khi phát bệnh, biểu hiệu bệnh của anh rất mơ hồ, đôi khi chỉ là cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu và gần đây thường xuyên bị ợ hơi, sút cân", BS Hà kể lại.

Chưa 30 tuổi đã mắc căn bệnh ung thư phổ biến nhất Việt Nam ảnh 1
Người trẻ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố như uống rượu bia sớm, hút thuốc lá, ăn những đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, đồ rán…) sớm hơn. Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào ung thư phát triển sớm hơn so với tuổi.

Tương tự một bệnh nhân khác, tên là Đ.T.L. (25 tuổi, ở Hà Nội) uống rượu bia nhiều trong thời gian dài và chế độ ăn uống không hợp lí. Khi đi khám bệnh ở những tuyến dưới, anh L. không phát hiện ra bệnh.

Chỉ đến khi thấy tình trạng đau bụng thượng vị, đầy bụng, chán ăn, gầy sút cân tăng lên anh L. mới đi khám nội soi thì phát hiện ra viêm loét dạ dày nặng có chuyển biến xấu.

Bác sĩ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân L. nhấn mạnh, độ tuổi mắc các bệnh về đường tiêu hóa ngày càng trẻ hóa.

“Chuyên khoa Tiêu hóa của BV MEDLATEC đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23-24 tuổi, mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng”, BS Phí Thị Quang cảnh báo.

Lý giải tình trạng ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư dạ dày, các bác sĩ cho biết do người trẻ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố như uống rượu bia sớm, hút thuốc lá, ăn những đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, đồ rán…) sớm hơn.

Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào ung thư phát triển sớm hơn so với tuổi.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I Bệnh viện K, nhận định, nhiều người làm việc ở văn phòng ngồi nhiều, ít vận động. Buổi tối, họ cũng dành thời gian thức khuya xem điện thoại, ti vi...

“Việc đi ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, thay đổi nội tiết. Điều này khiến cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng, hoàn chỉnh dẫn tới biến đổi ADN, từ đó sinh ra ung thư”, BS Hải Nam nhận định.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác được bác sĩ Nam đề cập tới khiến cho ung thư tới gần hơn với người trẻ là lối sống ít vận động.

Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này, theo BS Nam, các bạn trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích; tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lí, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lí, điều độ.

Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh người bệnh cũng cần nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh để có phương án điều trị kịp thời. Bởi trên thực tế, ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường kể dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ.

Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, cảm giác luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Lúc này có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Để phát hiện sớm ung thư dạ dày cũng như các bệnh ung thư đường tiêu hóa, người bệnh cần được nội soi đường tiêu hóa ngay từ khi chưa có triệu chứng lâm sàng: Chưa đau, chưa gầy sút…

Với người mắc các lý về bệnh dạ dày/có tiền sử gia đình hoặc người trên 55 tuổi nên thực hiện nội soi dạ dày mỗi năm một lần. Với các trường hợp khác nên nội soi 3 năm/lần.

Xuất hiện 7 dấu hiệu này có thể bạn đã mắc ung thư gan

Vàng da, sụt cân đột ngột, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn, mệt mỏi… là một số dấu hiệu cho thấy có thể bạn đã mắc ung thư gan.

Trong tổng số hơn 182.563 ca mắc ung thư mới ở Việt Nam, năm 2020, có đến 26.418 ca ung thư gan (chiếm 14,5% tổng số ca mắc mới). Đây cũng là ung thư có tỷ lệ mắc mới hàng năm ở cả hai giới cao nhất. Riêng với nam giới, có trên 20.000 ca mắc mới hàng năm và đang có xu hướng tăng lên.

Với hơn 25.000 ca tử vong hàng năm, tại Việt Nam, ung thư gan là nguyên nhân tử vong nhiều nhất trong số các ca tử vong do bệnh lý ác tính mỗi năm.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính (nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc… Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... Ung thư gan có tiên lượng không tốt, bệnh lại thường không có triệu chứng đặc hiệu. Thông thường, khi bệnh được phát hiện đã ở giai đoạn muộn.

Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư gan có thể gặp như sau:

Vàng da: Vàng da là biểu hiện của tình trạng chức năng gan suy giảm, dẫn tới hiện tượng bilirubin (sắc tố mật) tăng đột ngột trong máu khiến cho sắc tố da thay đổi sang màu vàng. Vàng da có thể là triệu chứng đầu tiên và thường thấy của nhiều căn bệnh về gan như xơ gan, viêm gan, rối loạn chức năng gan. Tuy nhiên, đây có thể xem là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh ung thư gan, không thể xem thường.

Sụt cân nhanh, đột ngột: Gan có 4 chức năng chính là chuyển hoá, dự trữ, thải độc và tạo mật. Khi gan bị tế bào ung thư tấn công sẽ bị suy yếu, không hoàn thành tốt các chức năng. Từ đó gây cảm giác ăn uống không ngon miệng, bụng chướng, mỏi mệt, ngấy đồ dầu mỡ, không hấp thụ chất dinh dưỡng cho người bệnh. Vì thế người bệnh thường bị giảm cân rất nhanh. Đây chính là biểu hiện rất quan trọng cảnh báo bệnh ung thư gan giai đoạn đầu. Khi có biểu hiện này, bạn cần tới khám tầm soát bệnh sớm.

Khó chịu dưới sườn phải: Khi bắt đầu bị ung thư gan, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu nhẹ ở vùng gan (nằm ở dưới sườn bên phải), thỉnh thoảng có thể xuất hiện những cơn đau, thậm chí có thể tự sờ thấy gan to hơn bình thường.

Nước tiểu sẫm màu: Chức năng gan kém hoặc ứ mật, một lượng lớn Bilirubin bị phá vỡ, theo máu thải qua nước tiểu, gây ra hiện tượng nước tiểu trở nên vàng sẫm, thậm chí là màu nâu. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cảnh báo rất đáng lưu ý về gan, bạn đừng bỏ qua.

Buồn nôn, nôn: Ung thư gan sẽ dễ gây ảnh hưởng đến các chức năng tiêu hoá của dạ dày, ruột, khiến người bệnh có các biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn hoặc chán ăn.

Ngứa: Do chức năng gan suy giảm, bilirubin trong cơ thể tăng cao sẽ kích thích gây cảm giác ngứa da. Vì vậy, thấy cơ thể bị ngứa ngáy khó chịu ở mức độ nhiều cũng nên chớ chủ quan.

Mệt mỏi triền miên: Nếu cảm giác mệt mỏi kéo dài dai dẳng dù không hoạt động gì nặng nhọc, kèm với bất kỳ triệu chứng khác liên quan đến suy giảm chức năng gan kể trên, không thể bỏ qua nguy cơ bị ung thư gan.

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên sẽ trở nên rõ ràng hơn. Thậm chí có thể xuất hiện thêm các biến chứng:

1. Rối loạn tiêu hóa: Bụng chướng rất to chèn ép gây khó thở. Sau ăn người bệnh thấy tức bụng, đầy hơi, buồn nôn và nôn mức độ nặng.

2. Người bệnh thấy mệt mỏi tăng nhiều, không thể lao động, gầy sút cân nhanh (5 - 6kg/tháng).

3. Đau tức vùng hạ sườn phải, có khi đau dữ dội, diễn ra thường xuyên liên tục.

4. Vàng da, vàng cả mắt, người bệnh còn đi đại tiện phân trắng/bạc màu (do mất sắc tố mật).

Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện sớm ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan 6 tháng/lần, nhất là khi khi có các dấu hiệu cảnh báo kể trên. Đặc biệt, ở những người có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C… việc sàng lọc cần tiến hành thường xuyên liên tục 3 tháng/lần, ngay cả khi không có triệu chứng.

BS Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K)

 

7 nhóm người dễ mắc căn bệnh ung thư số 1 Việt Nam

Tại Việt Nam, ung thư gan có số người mắc nhiều nhất, vượt qua cả ung thư phổi. Ung thư gan đứng thứ nhất ở nam giới và thứ 5 ở nữ giới, với số mắc 25.335 ca/năm.

Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với với trên 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Bệnh viện Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân

Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, vừa thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ 11h30 ngày 7/5.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay cơ sở y tế này đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 2 trường hợp dương tính tại huyện Thường Tín (Hà Nội). Do đó, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình (Hà Nội) sẽ tạm dừng hoạt động và không tiếp nhận bệnh nhân để thực hiện công tác khử khuẩn toàn bộ khuôn viên.

Hai cơ sở ở Tây Hồ và Thanh Xuân vẫn hoạt động bình thường.