Chủ tịch Tuyên Quang chấn chỉnh việc cán bộ mang tài sản công về nhà

UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại sau sáp nhập, trong đó có vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công còn lỏng lẻo, có dấu hiệu thất thoát.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phan Huy Ngọc đã ban hành văn bản 438, hỏa tốc gửi các Sở, ngành để chỉ đạo chấn chỉnh nhiều bất cập nảy sinh sau sáp nhập với tỉnh Hà Giang. Trong đó nổi cộm là tình trạng bố trí nơi làm việc chưa hợp lý gây khó khăn cho đời sống công chức; việc quản lý, sử dụng tài sản công còn lỏng lẻo, có dấu hiệu thất thoát.

tuyenquang.jpg
Trung tâm hành chính tỉnh Tuyên Quang.

Trong đó, mặc dù tỉnh đã có chủ trương bố trí cán bộ làm việc ở hai nơi, tăng cường làm việc trực tuyến để đảm bảo hiệu quả, thực tế triển khai tại một số cơ quan, đơn vị lại chưa nghiêm túc, gây ra nhiều hệ lụy.

Theo phản ánh gửi đến UBND tỉnh, một số lãnh đạo sở, ngành đã yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển về làm việc tại trụ sở chính ở Tuyên Quang mà không xét đến tính chất công việc hay hoàn cảnh cá nhân. Thậm chí, có nơi lãnh đạo phòng yêu cầu cấp dưới về làm việc theo hình thức "tự nguyện" và phải tự lo chỗ ở. Nhiều người chưa được bố trí chỗ ở, phải tự đi thuê nhà trọ, ở nhờ người thân hoặc ở tạm ngay tại nơi làm việc.

Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, tình trạng này ảnh hưởng lớn đến tâm lý, cuộc sống và hiệu quả công việc, khi lương không đủ trang trải chi phí, con nhỏ phải theo mẹ trong điều kiện thiếu thốn, hoặc phải để con nhỏ, cha mẹ già ở lại Hà Giang thiếu người chăm sóc.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác được chỉ ra là việc quản lý, sử dụng tài sản công còn lỏng lẻo. Theo văn bản 438, tỉnh đã tiếp nhận thông tin phản ánh về việc cán bộ, công chức, viên chức tự ý mang tài sản công như bàn ghế, điều hòa về nhà sử dụng nhưng lại báo cáo là di chuyển về trụ sở chính.

Về phương thức làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu tăng cường họp trực tuyến, phân công nhiệm vụ bằng văn bản cho cán bộ tại cơ sở 2. Chỉ triệu tập họp trực tiếp khi thực sự cần thiết và cấp bách như giao ban quý, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra hoặc các nội dung mật không thể họp trực tuyến...

Đặc biệt, về tài sản và tài chính cần chấn chỉnh ngay việc quản lý tài sản công, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lãng phí, thất thoát. Sở Tài chính được giao kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán công tác phí, sẽ không quyết toán cho các trường hợp triệu tập cán bộ về họp không đúng chỉ đạo kể từ tháng 8/2025.

UBND tỉnh Tuyên Quang sẽ thành lập tổ kiểm tra đột xuất và yêu cầu các đơn vị phải báo cáo trung thực, chính xác về tình hình bố trí cán bộ, chỗ ở và kết quả kiểm kê tài sản công trước ngày 1/8.

vietnamnet.vn

Cấp huyện phải hoàn thành bàn giao tài sản công vào 30/6

Chậm nhất ngày 30/6, các cơ quan hành chính cấp huyện phải hoàn thành việc bàn giao trụ sở, tài sản công và hồ sơ, tài liệu liên quan.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn bổ sung việc bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Tài chính cho hay, trường hợp phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có sự thay đổi về hình thức (phương án) sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản cho phù hợp với các quy định mới hoặc yêu cầu thực tế thì báo cáo cấp có thẩm quyền về quản lý, sử dụng tài sản công xem xét, quyết định xử lý mà không phải báo cáo để điều chỉnh phương án.

Diện tích, dân số của các tỉnh mới sau sáp nhập thế nào?

Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.

Theo kế hoạch chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, sáng 12/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Theo nội dung dự thảo Nghị quyết, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố; trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp là các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Sơn La và thành phố Hà Nội, thành phố Huế.

Hà Nội đề xuất chuyển một số trụ sở công dôi dư thành bệnh viện

Với gần 300 cơ sở nhà đất dôi dư, Bộ Tài chính yêu cầu UBND thành phố Hà Nội “tìm đầu ra”.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề xuất dành một số trụ sở công dôi dư chuyển thành bệnh viện (với cơ sở lớn), trạm y tế (với cơ sở nhỏ) để phục vụ người dân.

Hà Nội có 291 cơ sở dôi dư cần xử lý