Chồng “yếu” hơn vợ có khác thường?

Bây giờ, khi vai trò phụ nữ được nâng cao, người vợ “mạnh” hơn chồng âu cũng điều dễ hiểu. 

Trong gia đình, theo quan niệm truyền thống, người vợ “yếu” hơn chồng là điều bình thường; ngược lại, chồng “yếu” hơn vợ thì khác thường. Bây giờ, khi vai trò phụ nữ được nâng cao, người vợ “mạnh” hơn chồng âu cũng điều dễ hiểu. Khi chấp nhận rằng người đàn ông có điểm yếu và yếu thế hơn vợ, thay vì cố tìm cách “mạnh” lên thì hoàn toàn có thể xem đó là một “lợi thế” và nên “tận dụng” lợi thế đó.
Anh bạn tôi làm thợ may, khách quen cũng khá. Vợ anh làm việc cho một công ty nước ngoài, có thu nhập cao. Về tài chính, anh tự nhận mình “lép” hơn vợ. Làm việc tại nhà, anh có thì giờ đưa đón con, nấu nướng, giặt giũ và nhiều việc nhà khác đều do anh đảm trách. Mọi người bảo, anh cứ để tình trạng như vậy thì vợ sẽ “cưỡi cổ” mất, nhưng anh cười: “Mình yếu mặt này thì mạnh việc kia. Bà xã mà chê bai chồng thì mình bảo “đổi vai”, bả chạy liền!”. Bởi vậy, vợ anh tuy có lúc hơi mặc cảm là chồng mình thua kém, nhưng nghĩ kỹ lại thì chính nhờ anh mà bản thân có sự nghiệp hơn nhiều bạn bè khác. Sự ngầm phân công đó diễn ra êm ấm suốt nhiều năm qua, vì cả hai đang thấy được mặt mạnh và cả mặt yếu của mình và bằng lòng với điều đó.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hồi trước, chị dâu tôi hay bị mang tiếng là “ăn hiếp” chồng. Bởi chị là người tháo vát, nhanh nhạy nên phần lớn các công việc mưu sinh đều do chị quyết định và tổ chức thực hiện. Hết buông cái này, chị bắt cái kia, nhiều khi anh tôi không muốn nhưng cũng phải chiều ý chị. Có lúc vợ chồng cãi nhau vì anh tôi nói chị lấn quyền chồng, chị khóc bảo: “Em lấn quyền nhưng em có làm gì cho riêng mình không?”. Nhiều lần như vậy, anh tôi cũng hiểu ra. Tự thấy mình không xốc vác được việc gia đình, vậy nên lúc rỗi việc, anh chăm chút từng bờ ao, mái chòi, nẹp vách… Nhà cửa dù nghèo nhưng vẫn ấm cúng. Các con anh đều học hành chăm ngoan, hơn khối gia đình bề thế, ông chồng hay “vỗ ngực” là trụ cột gia đình.
Vậy mới nói, người chồng “yếu thế” hơn vợ nên tận dụng “lợi thế” của mình là sự trung thực và bằng lòng với điều kiện vốn có một cách khéo léo. Bởi mỗi người sinh ra đều có điểm mạnh, điểm yếu đặc thù không dễ gì thay đổi được, vì vậy nên hiểu điều đó và dung hòa giữa các mối quan hệ gia đình. Đâu phải hễ đàn ông chăm lo việc nhà thì trở nên yếu thế, và dù có yếu thế cũng đâu có nghĩa là không hạnh phúc? Cũng không phải ở gia đình nào mà người phụ nữ “mạnh” hơn chồng thì đều phát sinh bi kịch. Vấn đề là phải hài hòa giữa điểm mạnh và yếu của mỗi người để đạt mục tiêu chung trong việc vun bồi hạnh phúc và nuôi dạy con cái.
Ông bà ta dạy “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, trong quan hệ gia đình, thật thà với điểm yếu của mình lắm khi là một “chước” hay, thay vì cố giấu diếm, chỉ khoe điểm mạnh, để rồi thất vọng về nhau. Sự thật thà này nên bắt đầu trước khi lấy nhau, thay vì cố che đậy, đến khi “lộ nguyên hình” thì ai nấy đều thấy bẽ bàng.

Kiếp chồng chung

Má chồng quy định, ba ngày chồng tôi ở nhà, bốn ngày còn lại thì ở với mẹ con cô ấy. Lúc chồng bên đó, tôi không dám làm phiền.

Tôi về làm dâu nhà chồng, vừa siêng năng lại biết an phận nên ba má chồng rất vừa ý. Điều làm cả nhà không vui là tôi sinh liền một lúc hai con gái.

Thấy ba má chồng sớm tối ước ao có cháu trai, tôi liều mạng sinh thêm đứa nữa. Sau khi siêu âm biết đứa bé lại là gái, cả nhà vô cùng thất vọng. Kể từ đó chồng tôi hay đi sớm về khuya. Bằng linh cảm của người vợ, tôi biết chồng đã có người phụ nữ khác nhưng không dám hỏi. Mỗi ngày tôi lo việc nhà chu đáo, luôn dịu dàng chiều chuộng mỗi khi chồng về, hy vọng chồng thương tôi mà thức tỉnh.

Thời gian sau, nghe đồn anh đã có đứa con trai với người tình, tôi vừa đau khổ vừa lo sợ cho tương lai mấy mẹ con. Ba má chồng tôi dường như cũng biết chuyện. Năm đó ba chồng tôi đau nặng. Lúc tỉnh táo, ông gọi chồng tôi đến, hỏi: “Ba nghe nói con đã có con trai, nếu có, đưa về cho ba gặp mặt”. Mọi ánh mắt đều quay sang tôi, chờ đợi. Không thể làm khác hơn, tôi bình tĩnh nói với chồng: “Nếu đó là sự thật, anh hãy là theo ý nguyện của ba”. 

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vài giờ sau, một phụ nữ xuất hiện cùng thằng bé khoảng ba tuổi, giống chồng tôi như tạc. Ba chồng tôi rưng rưng ôm lấy thằng bé. Trước lúc tắt hơi, ông còn dặn: “Đây là cháu đích tôn của nhà mình, nhớ chăm nó cho tốt, đừng để bị thiệt thòi gì”. Trong đám tang ba chồng, mẹ con cô ấy trở thành nhân vật chính. Em chồng tôi còn nói: “Đưa thằng cháu này về sớm hơn, biết đâu ba mừng quá, sống thêm được mấy năm”.

Dựa vào lời trăn trối của ba, má chồng tôi bàn nên rước mẹ con cô ấy về. Nghĩ đến cảnh mỗi ngày vô ra phải đụng mặt mẹ con họ, tôi rất phẫn uất. Khi biết tin, cô ta liền phản đối, đòi chồng tôi mua nhà riêng và cả vốn liếng để mở cửa hàng bán điện thoại. Tôi cay đắng nhìn của cải đội nón ra đi mà không dám có ý kiến. Má chồng tôi quy định, ba ngày chồng tôi ở nhà, bốn ngày còn lại thì ở với mẹ con cô ấy. Lúc chồng tôi ở bên đó, tôi không dám làm phiền. Còn lúc chồng tôi ở nhà, cô ta liên tục gọi sang, bảo con đòi cha, đòi đưa đi chơi…Mỗi lần thằng nhỏ hắt hơi sổ mũi, má chồng bắt tôi mua quà cáp sang thăm để chứng tỏ tôi rộng lượng, hiểu chuyện. Con tôi bị sốt xuất huyết phải nằm viện, cô ta chẳng đi thăm còn gọi chồng tôi về đưa con đi công viên. Cô ta còn kề điện thoại thu tiếng thằng bé đang khóc thét để hối chồng tôi về liền. Má chồng tôi an ủi: ‘Ráng nhịn đi con, để nó giận, ôm thằng nhỏ đi mất thì nhà mình tuyệt giống”.

Có lần cãi nhau với chồng, tôi đòi ly hôn. Chồng nói: “Em nghĩ kỹ chưa? Em không có nghề nghiệp nên ba đứa nhỏ phải theo anh. Xa con em đành lòng sao? Nếu em dắt con đi, chỉ tội ba đứa nhỏ phải sống khổ. Anh không bạc đãi mẹ con em, luôn chu cấp thừa mứa, còn đòi gì nữa”. Không muốn các con phải sống khổ, tôi đành cắn răng chịu đựng. Nhưng nghĩ đến cảnh suốt đời phải chịu cảnh chồng chung, tôi lại giận mình sao quá yếu hèn.

Bình yên đã quay về

Mẹ con chị từng có những năm tháng sống trong nơm nớp lo sợ những trận đòn tàn ác của người chồng, người cha vũ phu ấy. 

Nhưng giờ đây, bầu trời u ám và đẫm nước mắt chị không còn nữa. Trong căn nhà cấp 4 còn sơ sài nhưng khá ấm cúng của 3 mẹ con chị Đinh Thị Thùy, nhà ở Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chị đang chuẩn bị bữa cơm chiều, cậu con trai lớn vừa đi học về đã giúp mẹ tắm cho em, dọn dẹp nhà giúp mẹ. Không ai nghĩ, cuộc sống của 3 mẹ con chị chỉ thực sự bình yên khi về căn nhà này được gần 1 năm nay.

Thời gian này năm ngoái, đúng ngày chị nộp đơn ly hôn ra tòa rồi cùng cậu con trai lớn (16 tuổi) bỏ về nhà mẹ đẻ ở, đứa con trai nhỏ (5 tuổi) vẫn ở lại với bố, để đợi tòa giải quyết. Tức giận vì gọi chị không về, anh chồng đã đánh đứa con nhỏ, thằng bé gào khóc rồi chạy sang nhà hàng xóm kêu cứu và đòi mẹ. Bác hàng xóm vội gọi điện cho chị Thùy về. Thương con, chị vừa bế con vào lòng, anh chồng đến lôi sềnh sệch chị về nhà đóng chặt cửa như mọi lần rồi cứ thế thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con. Chị bị chảy máu mồm, cổ, gáy, mặt nhiều vết thâm tím, bụng bị anh ta đạp nhiều lần, quằn quại dưới nền nhà. Thằng bé khóc thét lên sợ hãi. Trong lúc xây xẩm, tối tăm mặt mũi, chị vẫn cố ôm con mở cửa chạy thoát ra ngoài, lên xe ôm bỏ chạy về nhà ngoại. Ngày nào chị cũng lo lắng, hoang mang không biết có nên báo công an phường? Có cho con đi mẫu giáo không? Vì chị sợ lại bị chồng đánh, chồng lại cướp con đi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lấy chồng cách đây 18 năm, khi đó, chị đã tốt nghiệp Cao đẳng, hiện là nhân viên ngành Bưu điện, còn anh chỉ hết cấp 3, ở nhà làm nghề sửa chữa xe máy. Hạnh phúc chỉ trọn vẹn 5 năm đầu. Từ khi con đầu lòng được 4 tuổi, chồng chị bắt đầu đổ đốn, ham mê cờ bạc, sau đó bỏ nhà đi với gái nhiều ngày. Chị đau khổ khóc lóc tìm chồng về, nhưng anh ta cứ về là đòi tiền để đi đánh bạc và cho gái. Lúc chị có bầu và sinh con thứ 2, anh ta bỏ nhà đi gần 2 tháng, không đoái hoài đến mẹ con chị, khi về đến nhà lại đòi tiền, chị không đưa, anh ta đánh. Một số đồng nghiệp biết chuyện đã khuyên chị làm đơn báo công an phường, báo cho Hội phụ nữ phường biết, nhưng thương con, chị lại cố chịu đựng những trận đòn roi của chồng, chỉ để các con có đầy đủ bố mẹ.

Sau trận đòn thừa sống thiếu chết hôm ấy, được cậu con trai lớn động viên, chị mạnh dạn nộp đơn ra tòa. Nhận thêm trận đòn của người chồng vũ phu, anh ta bắt chị phải rút đơn và dắt con quay về nhà.

Thật may mắn, được người bạn mách bảo, chị tìm đến trung tâm tư vấn, hỗ trợ phụ nữ để nhờ giúp đỡ. Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình, hiểu rõ pháp luật và rất nhiều đoàn thể địa phương giúp đỡ, bảo vệ, chị đã được tòa đồng ý cho nuôi 2 con.

Chị Thùy cho biết, cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con vẫn còn muôn vàn khó khăn. Hàng tháng, chị phải trả tiền thuê nhà, cậu con lớn chuẩn bị vào Đại học, cậu út đi học tiểu học. Đồng lương công chức ít ỏi. Ngoài giờ đi làm, chị mở cửa hàng điện thoại để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Dù không nhận được đồng nào tiền chu cấp nuôi con của chồng cũ, nhưng mẹ con chị tằn tiện cũng đủ nuôi nhau qua ngày. Chị bảo “Những khó khăn hiện nay chẳng nhằm nhò gì so với những năm tháng tối tăm trước đây khi còn ở chung với bố nó”. Tài sản lớn nhất chị có là 2 con trai ngoan ngoãn, học giỏi, thương mẹ. Bình yên đã trở về với căn nhà bé nhỏ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của 3 mẹ con chị.