![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Suốt những năm trẻ thơ, tôi đã phải chứng kiến mẹ đau đớn, khổ sở tột cùng trước sự phản bội của bố. Bao lần nhìn mẹ giận dữ, la mắng bố, bao lần nhìn mẹ khóc là từng ấy lần tôi lại tự nhủ sau này quyết không để cho bất cứ người đàn ông nào có thể làm đau tôi như mẹ đã để cho bố làm đau mẹ.
Vì có một ông bố như thế nên khi lớn lên, tôi đâm ra cẩn thận, thậm chí có phần còn sợ hãi với tình yêu. Suốt thời đi học cho đến khi đi làm, tôi không thể mở lòng với bất kì ai. Hễ có người nào tỏ vẻ có ý, tôi lại tìm cách lảng tránh. Người chồng của tôi bây giờ là người thực sự đã mở được cánh cửa khép kín trong tâm hồn tôi. Trước sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu của anh ấy, tôi đã cảm động và “chịu khuất phục”. Nhưng hạnh phúc chẳng bao giờ bền lâu, chỉ có nỗi đau là kéo dài mãi. Đến chồng tôi cũng phản bội tôi.
Tôi đã tự hỏi rất nhiều lần tại sao lại như vậy. Tôi đã cố gắng rất nhiều, cố gắng hết sức chăm lo cho cái gia đình bé nhỏ của mình vì không muốn lặp lại vết xe đổ của bố mẹ, không muốn con cái cũng phải chịu nỗi đau như mình đã từng chịu. Vậy mà tại sao? Tôi đã hỏi chồng, tôi có lỗi gì. Anh ấy chỉ bảo lỗi không phải của tôi. Tất cả đều là tội lỗi của anh ấy, là do anh ấy không kiềm lòng được. Sống ở đời thật lắm chuyện buồn cười! Đã biết là tội lỗi, là sai lầm, tại sao vẫn còn làm…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Thời gian trôi qua, con tôi cũng khôn lớn rồi lấy vợ lấy chồng. Những tưởng từ giờ tôi sẽ được hưởng cái phúc của con cháu. Ai mà ngờ, thằng con trai mà tôi hết mực yêu quý cũng “học tập” bố nó dính vào chuyện trai gái. Nhìn con dâu đau khổ, khóc lóc mà tôi nghĩ lại phận mình, phận mẹ mình. Tại sao làm đàn bà lại khổ như vậy?
Thương con, thương cháu, tôi hết lòng khuyên nhủ thằng con. Thế nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy. Đã rất nhiều lần tôi cùng con dâu tìm mọi cách để “sửa”cái tính trăng hoa của nó nhưng kết quả đạt được chẳng thấm gì, chỉ được một thời gian là lại đâu vào đấy. Chẳng nhẽ đàn ông nhà này đều có gen “ngoại tình”?
Đến giờ thì con dâu tôi không chịu nổi nữa, nó quyết định ly hôn mặc cho tôi có hết lòng khuyên can. Mà thực sự tôi cũng không có tư cách để ngăn nó bởi người sai là con trai của tôi, là đứa con trai tôi đã nuôi nấng dạy dỗ suốt hơn 30 năm trời. Nhìn sự đổ vỡ của chúng nó, nhìn sự ngây thơ, trong sáng của 2 đứa cháu nội mà tôi đau thấu trong lòng, còn đau hơn lúc chứng kiến bố phản bội mẹ hay lúc bị chồng cắm sừng. Cái vòng luẩn quẩn của sự ngoại tình dường như không bao giờ thôi đeo bám gia đình tôi.
Cả cuộc đời tôi sống với sự phản bội và giờ thì tôi đã già, đã kiệt sức rồi. Chỉ thương những đứa cháu, còn bé mà đã phải chịu sự tổn thương do bố mẹ mang lại. Những người đàn ông khi đi ngoại tình có biết rằng chỉ vì sự sung sướng, hạnh phúc ích kỷ của riêng bản thân họ mà họ đã vô tình “giết chết” những người phụ nữ yêu họ hết lòng, vì họ mà hy sinh tất cả. Rồi sẽ có ngày họ phải hối hận….
Khi có địa vị, tiền bạc rủng rỉnh, nhiều ông chồng chạy theo tình nhân trẻ đẹp, ruồng rẫy vợ con. Khi hết thời, sức khỏe xuống cấp, các ông chồng mới nhận ra đâu là người thật sự yêu thương mình.
Bên ngoài hành lang khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy-TP.HCM, một người đàn ông độ tuổi trung niên nhăn nhó khi y tá đến chích thuốc. Một tay quạt, một tay xoa bóp chân cho chồng, gương mặt người vợ cũng teo héo theo những cơn đau của ông chồng. Lân la bắt chuyện, tôi mới biết vợ chồng họ ở Q. Phú Nhuận. Bà Thu tỉ tê: “Từ trẻ tới giờ ổng đào hoa lắm, đi đâu là có bồ đó. Tôi bỏ qua hết lần này đến lần khác nhưng ổng vẫn chứng nào tật nấy. Hồi trước, tôi ghen riết mà ốm nhom ốm nhách luôn. Cách đây hơn năm, ổng gặp con nhỏ bán quán cà phê, quê ở Cà Mau. Biết ổng mua nhà cho tình nhân, tôi khổ tâm lắm. Lần đó tôi dứt khoát li hôn luôn”.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Mấy tháng nay, vết mổ gãy cột sống cứ liên tục hành hạ ông. Những ngày cuối tuần các con ông mới tề tựu bên giường bệnh của cha nhưng chỉ thăm cho có lệ, chẳng mấy đứa mặn mà. Phần vì giận cha “ham của lạ” khi tuổi xế chiều, phần vì có gia đình riêng, họ đều lơ lãng với bệnh tình của cha. Từ việc chăm sóc, thuốc thang, ông đều trông cậy vào vợ. Nâng đỡ ông dậy đi vệ sinh, đút cho ông từng muỗng cháo là công việc thường xuyên của bà Thu. Lần trước, ông chồng mới mổ xong, bà Thu đưa chồng về nhà chăm sóc được một thời gian thì vết mổ bị nhiễm trùng nên đưa qua Chợ Rẫy mổ lại. Hơn một tháng nằm viện, chi phí phẫu thuật, thuốc thang và ăn uống ngốn của bà Thu hơn 200 triệu đồng nhưng bà vẫn không một lời thở than.
Bà Thu bộc bạch: “Sau khi ổng mua nhà chung sống với cô vợ trẻ, tôi dặn lòng dù sau này ổng xảy ra chuyện gì cũng không ngó ngàng luôn. Nhưng khi nghe tin ổng bị tai nạn giao thông gãy cột sống, tôi và các con không cầm lòng được. Đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại, con người ai cũng có lúc lầm lỗi, dứt tình còn nghĩa sao tôi bỏ mặc ổng được. Nhất là khi cô bồ nhí lấy hết tiền của ổng rồi trốn về quê luôn, tôi không chăm ổng thì ai vào đây chăm. Vợ chồng không có tình thì cũng còn cái nghĩa”.
Ông bà xưa có câu “qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”, chỉ khi gặp cảnh khốn khó, đau yếu bệnh tật thì những người chồng quen thói trăng hoa, phụ rẫy vợ con mới nhận ra đâu là người thực sự yêu thương và gắn bó với họ. Không biết qua lần bệnh thập tử nhất sinh này, ông chồng này có thấm thía tình cảm của vợ chưa hay khi khỏe lại vẫn “ngựa quen đường cũ”?