Chồng chứ đâu phải người dưng

Trước sự bí ẩn của vợ, chồng rất khó chịu. Chồng biết, ôm việc một mình vợ cũng không vui. 

Chồng vừa đi làm về, thấy vợ đang nghe điện thoại. Nhìn cách trò chuyện của vợ, chồng biết mẹ vợ đang gọi. Đang nghe ngon trớn, bỗng vẻ mặt vợ đăm chiêu, nói: “Mẹ tắt máy đi, lát con gọi lại”. Vợ cầm máy đi lên lầu.
Suốt bữa cơm, vợ bần thần lo lắng. Chồng biết nhà vợ đã xảy ra chuyện nên quan tâm “có chuyện gì vậy em?”. Vợ đáp cụt ngủn “không có gì”. Biết tính vợ, chồng không hỏi thêm nhưng lòng lấn cấn không vui. Trước giờ vợ luôn mặc cảm vì nhà vợ ở quê, nghèo khó, trong khi nhà chồng khá giả, các em chồng ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng. Vợ cho rằng “tốt khoe xấu che”, nên khi gia đình gặp chuyện, vợ tự lo lấy một mình, không muốn để chồng biết. Chồng chưa từng tỏ ý xem thường gốc gác, gia cảnh nhà vợ, vậy mà không hiểu sao, vợ vẫn không muốn chồng chia sẻ chuyện nhà.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhớ năm ngoái, vợ đột ngột nói về đám giỗ bà dì rồi hối hả thu dọn về quê. Sau đó chồng mới hay cô em vợ mới học lớp 10, yêu một anh chàng cùng lớp, bị ba mẹ cấm đoán nên rủ nhau trốn đi mất biệt. Cả nhà vợ đổ đi tìm khắp nơi. Chuyện lớn vậy mà vợ nỡ giấu chồng, chỉ vì sợ chồng cười chê.
Mới đầu tháng trước, cậu em vợ nhậu xỉn gây tai nạn, phải bồi thường cho nạn nhân số tiền lớn. Vợ âm thầm rút sổ tiết kiệm, vay thêm bạn bè để giúp ba má giải quyết hậu quả. Tình cờ chồng biết được, vợ chỉ nói “chuyện nhà em, để em tự lo”… Mỗi lần tâm sự chuyện nhà, vợ toàn khoe thành tích: ba má mới mua thêm hai công ruộng, thằng em đã xin được việc làm, lúa mùa này được giá… Chồng hỏi, em gái dạo này đã chú tâm lo học chưa? Mấy tháng trước nghe mẹ bị giật hụi, đã đòi được chưa? Vợ chợt nổi quạu, bảo chồng tò mò chi chuyện vặt vãnh…
Mỗi lần mẹ vợ lên chơi, hay mang chuyện nhà ra kể. Tính mẹ phóng khoáng, ăn to nói lớn. Vì vậy chồng luôn nghe vợ suỵt khẽ: “Mẹ đừng lớn tiếng quá, chồng con nghe được, cười nhà mình”. Mẹ vợ chỉ thầm thì được một lúc, lại rổn rảng to tiếng. Vợ lại suỵt suỵt. Bình thường, chồng hay tìm cách lảng đi để mẹ và vợ tự do trò chuyện. Bữa đó chồng muốn trêu vợ, cố tình nhâm nhi ly cà phê thật lâu để ngồi lại. Dù nghe lõm bõm nhưng chồng cũng đoán ra câu chuyện: ba vợ năm xưa lập “phòng nhì”, có con rơi. Giờ người phụ nữ ấy quay về đòi chia mấy công ruộng cho con. Mẹ vợ đang vừa rầu vừa bực. Chồng thấy đồng cảm với mẹ vợ nên đến bên cạnh, định chia sẻ. Vợ xua tay, đuổi chồng lên lầu. Mẹ vợ bực mình: “Chồng bây chứ đâu phải người dưng, phải để nó biết, sao lại sợ nó cười”.
Mẹ nói đúng. Chồng không phải người dưng, càng không cười chê nhà vợ. Đã là vợ chồng thì phải cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vui buồn có nhau. Chuyện nhà vợ cũng là chuyện của chồng. Chồng rất muốn cùng vợ chung tay gánh vác, góp công góp của. Còn hiện giờ, chồng như người ngoài. Chuyện xảy ra lâu lắc lâu lơ chồng mới biết. Vô hình trung, chồng trở thành người vô trách nhiệm với nhà vợ. Mà quan trọng là vợ chồng không thật lòng, cứ giữ kẽ với nhau. Trước sự bí ẩn của vợ, chồng rất khó chịu. Chồng biết, ôm việc một mình vợ cũng không vui. Vậy tại sao không chia sẻ với chồng, để vợ chồng cùng bàn bạc, tìm cách giải quyết?

Điều ước chung

Hôm đưa cô lên xe về quê xong, tự dưng chồng lặng lẽ ôm vợ: “Mình sinh con đi em. Trễ quá rồi”.

Hai vợ chồng hợp nhau nhiều mặt nên cưới đã sáu năm mà vẫn khăng khít mặn nồng. Một trong những điều “đồng nhất quan điểm” của cả hai là chuyện không thích sinh con.

Mặc gia đình hai bên nói tới nói lui, vợ chồng vẫn khăng khăng giữ vững lập trường. Đâu phải hễ cưới nhau là buộc phải có con. Vợ không thích bầu bì, không ưa chuyện lúc nào cũng có một đứa trẻ kề bên mè nheo khóc lóc. Chồng càng sợ việc chăm sóc trẻ con hơn. Vất vả khi chúng còn bé dại đã đành, con lớn, lại phập phồng lo chúng không thành danh, đua đòi, hư hỏng.

Buổi sáng, hai vợ chồng thư thả bật ti vi, uống cà phê, đọc báo. Hôm nào hứng thú, hai đứa lại chở nhau đi ăn điểm tâm ở nơi yêu thích, vi vu dạo qua những đoạn phố vắng rợp bóng cây xanh còn đẫm hơi sương. Trong khi đó, bạn bè trang lứa tất bật “chạy sô” đưa đứa lớn, đứa nhỏ đến trường rồi vội vã phóng xe đến công ty cho kịp giờ làm.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vợ còn tham gia hội gia đình trẻ không muốn sinh con trên mạng. Cuối tuần, các thành viên trong hội cùng tập hợp đi chơi, ăn uống, hát hò. Cuộc sống của hai đứa tràn đầy niềm vui. Nhóm có khoảng 10 cặp vợ chồng, đa số cưới nhau chưa lâu. Theo thời gian, vài cặp “bỏ cuộc chơi” vì bận… chăm sóc em bé. Không phải ai cũng “giữ vững lập trường” như vợ chồng mình. Cuối cùng, nhóm tan rã. Vợ bắt đầu lung lay: “Hay mình sinh con? Nhà mình khác gia đình người ta quá”. “Mình thấy thoải mái là được, đâu cần phải giống ai”. Sự kiên định của chồng khiến vợ phần nào yên tâm.

Nhưng rồi vợ không còn cảm thấy vui nữa. 34 tuổi, trong khi bè bạn bận túi bụi, vợ lại có những khoảng thời gian rỗi dài lê thê, nhất là vào hai ngày lúc tệ hơn nữa là những cuối tuần chồng vắng nhà. Để “giết thời gian”, vợ tập đan móc. Làm được vài cái áo thì chán. Chuyển sang thêu thùa. Tỉ mẩn với kim chỉ được một phần ba bức tranh, tự dưng hết hứng. Sang nhà bạn chơi, thấy bạn ôm con hôn hít cười giỡn, lòng vợ lại phân vân.

Chuyện trôi vào lãng quên cho đến khi ba mẹ gọi điện bảo hai vợ chồng vào bệnh viện chăm sóc cô Tư. Cô là em ruột của ba chồng. Vợ chồng cô Tư không có con cái. Năm ngoái, cơn đột quỵ khiến dượng ra đi mãi.

Mấy ngày ở viện, thấy vợ chồng đứa cháu lui tới, cô mừng lắm. Biết chuyện hai đứa không thích có con, cô trừng mắt nhìn rồi mắng: “Con ơi là con, cả đời cô cầu khẩn, chạy chữa khắp nơi mà không được, về già mới khổ như vầy. Tao cứ tưởng tụi bây hiếm muộn…”. Cô Tư nằm viện gần hai tháng. Vợ chồng mình vào thăm thì cũng chỉ được một chút rồi về, vì không thể bỏ bê nhà cửa, công việc. Hôm đưa cô lên xe về quê xong, tự dưng chồng lặng lẽ ôm vợ: “Mình sinh con đi em. Trễ quá rồi”.

Vợ ngưng uống thuốc đã gần một năm, vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì. Hai vợ chồng bắt đầu sốt ruột. Bác sĩ bảo sức khỏe của cả hai đều tốt, cứ lạc quan, đợi thêm thời gian nữa.

Đón sinh nhật tuổi 35, chồng hỏi vợ thích quà gì, hiếm cỡ nào chồng cũng tìm mua. Vợ lặng lẽ ngả đầu vào ngực chồng: “Giờ em chỉ mong ước tụi mình sớm sinh được một đứa con”. Chồng khẽ xoa xoa vợ dỗ dành: “Ừ, chồng cũng chỉ ước như vậy”.

Bụng mang dạ chửa đi đánh ghen chồng

Tôi bụng mang dạ chửa, một mình trong đêm tối chạy xe theo chồng để bắt quả tang anh ấy vào nhà nghỉ với một người phụ nữ...

Vợ chồng tôi chung sống với nhau hạnh phúc được hơn mười năm, chúng tôi có một cháu trai 7 tuổi. Nhưng do chồng tôi có tính lăng nhăng. Ba lần tôi phải đem quân đi đánh ghen. Có lần bụng mang dạ chửa, tôi một mình trong đêm tối chạy xe theo chồng để bắt quả tang anh ấy vào nhà nghỉ với một người phụ nữ già hơn anh ấy cả chục tuổi. Nhiều lần tôi góp ý, nặng có, nhẹ có, nhưng anh ấy chỉ hứa hẹn, rồi lại đâu vào đấy. Tôi không thể chấp nhận sống trong hoàn cảnh có chồng suốt ngày đi hoang như vậy, nên đã ly dị.

Chia tay xong, tôi rơi vào tình cảnh cô đơn, tuyệt vọng hơn. Thế là 2 năm sau ngày chia tay, chồng tôi đã có vợ, còn tôi vẫn chịu cảnh đơn chiếc. Thấy tôi chưa lấy ai, chồng tôi thường xuyên đưa con về thăm tôi vào những ngày nghỉ. Có lần anh ấy đề nghị tôi nối lại tình cảm, anh ấy hứa sẽ có trách nhiệm với tôi đến cuối đời. Tôi đã cảm động và nghĩ nhiều đến lời đề nghị ấy, tuy nhiên vì lòng tự ái, tôi chưa chấp nhận.

Tôi chỉ sợ những khi cô đơn, tôi sẽ mềm lòng. Tôi muốn biết có nhiều đôi chia tay nhau rồi lại nối lại tình xưa không và những đôi như vậy có hạnh phúc được hay không? Tôi có nên chấp nhận lời đề nghị của chồng tôi không? Làm như vậy có ảnh hưởng gì đến cuộc sống gia đình anh ấy không? Rất mong các chuyên gia chia sẻ với tôi tình cảnh này.

(Vũ Thị N. A, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bạn thân mến!

Có thể chồng cũ của chị thấy hoàn cảnh cô đơn của chị, mà muốn có sự đi lại theo kiểu cặp bồ không? Có thể anh ấy nghĩ rằng như vậy tốt cho đứa con chung, còn anh ấy cũng không mất gì, chỉ được thêm? Có thể vì quá cô đơn, mà có lúc chị đã nghĩ rằng thế cũng được, còn hơn không có gì. Nhưng chị hãy thử suy nghĩ kĩ hơn một chút, sẽ thấy sự việc không đơn giản như vậy.

Anh ấy hiện nay không còn là chồng chị nữa. Trước đây chị đã rất ghét anh ấy ở cái tính lăng nhăng, lẽ nào giờ đây chị lại chấp nhận chia sẻ chồng với người phụ nữ khác? Chuyện đi lại ấy liệu có giữ được bí mật không, hay khi vợ anh ấy phát hiện ra, sẽ ghen tuông, sẽ làm ầm ĩ chuyện lên? Khi ấy người bẽ bàng sẽ là chị. Chị hy vọng anh ấy sẽ chia sẻ với chị được những gì, hay những lúc chị cần thì anh ấy không thể đến cùng chị, anh ấy chỉ đến khi anh ấy cần cái gì đó? Hơn nữa, khi cháu bé con anh chị lớn lên, nó hiểu rõ hơn mối quan hệ của anh chị, nó sẽ nghĩ thế nào? Chấp nhận sự đi lại của anh ấy chị có thật sự hết cô đơn, hay đó chỉ là sự khoả lấp tạm thời. Biết đâu sau những giây phút ở cùng nhau vui vẻ, khi anh ấy về với vợ anh ấy, chị sẽ càng thấy khổ tâm hơn? Nếu cân nhắc kĩ, có khi chị thấy chuyện này tưởng vui mà lại không vui đâu.

Không phải sự đơn lẻ nào cũng là bất hạnh. Hạnh phúc hay bất hạnh phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận của chúng ta.