Điều ước chung

Hôm đưa cô lên xe về quê xong, tự dưng chồng lặng lẽ ôm vợ: “Mình sinh con đi em. Trễ quá rồi”.

Hai vợ chồng hợp nhau nhiều mặt nên cưới đã sáu năm mà vẫn khăng khít mặn nồng. Một trong những điều “đồng nhất quan điểm” của cả hai là chuyện không thích sinh con.
Mặc gia đình hai bên nói tới nói lui, vợ chồng vẫn khăng khăng giữ vững lập trường. Đâu phải hễ cưới nhau là buộc phải có con. Vợ không thích bầu bì, không ưa chuyện lúc nào cũng có một đứa trẻ kề bên mè nheo khóc lóc. Chồng càng sợ việc chăm sóc trẻ con hơn. Vất vả khi chúng còn bé dại đã đành, con lớn, lại phập phồng lo chúng không thành danh, đua đòi, hư hỏng.
Buổi sáng, hai vợ chồng thư thả bật ti vi, uống cà phê, đọc báo. Hôm nào hứng thú, hai đứa lại chở nhau đi ăn điểm tâm ở nơi yêu thích, vi vu dạo qua những đoạn phố vắng rợp bóng cây xanh còn đẫm hơi sương. Trong khi đó, bạn bè trang lứa tất bật “chạy sô” đưa đứa lớn, đứa nhỏ đến trường rồi vội vã phóng xe đến công ty cho kịp giờ làm.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vợ còn tham gia hội gia đình trẻ không muốn sinh con trên mạng. Cuối tuần, các thành viên trong hội cùng tập hợp đi chơi, ăn uống, hát hò. Cuộc sống của hai đứa tràn đầy niềm vui. Nhóm có khoảng 10 cặp vợ chồng, đa số cưới nhau chưa lâu. Theo thời gian, vài cặp “bỏ cuộc chơi” vì bận… chăm sóc em bé. Không phải ai cũng “giữ vững lập trường” như vợ chồng mình. Cuối cùng, nhóm tan rã. Vợ bắt đầu lung lay: “Hay mình sinh con? Nhà mình khác gia đình người ta quá”. “Mình thấy thoải mái là được, đâu cần phải giống ai”. Sự kiên định của chồng khiến vợ phần nào yên tâm.
Nhưng rồi vợ không còn cảm thấy vui nữa. 34 tuổi, trong khi bè bạn bận túi bụi, vợ lại có những khoảng thời gian rỗi dài lê thê, nhất là vào hai ngày lúc tệ hơn nữa là những cuối tuần chồng vắng nhà. Để “giết thời gian”, vợ tập đan móc. Làm được vài cái áo thì chán. Chuyển sang thêu thùa. Tỉ mẩn với kim chỉ được một phần ba bức tranh, tự dưng hết hứng. Sang nhà bạn chơi, thấy bạn ôm con hôn hít cười giỡn, lòng vợ lại phân vân.
Chuyện trôi vào lãng quên cho đến khi ba mẹ gọi điện bảo hai vợ chồng vào bệnh viện chăm sóc cô Tư. Cô là em ruột của ba chồng. Vợ chồng cô Tư không có con cái. Năm ngoái, cơn đột quỵ khiến dượng ra đi mãi.
Mấy ngày ở viện, thấy vợ chồng đứa cháu lui tới, cô mừng lắm. Biết chuyện hai đứa không thích có con, cô trừng mắt nhìn rồi mắng: “Con ơi là con, cả đời cô cầu khẩn, chạy chữa khắp nơi mà không được, về già mới khổ như vầy. Tao cứ tưởng tụi bây hiếm muộn…”. Cô Tư nằm viện gần hai tháng. Vợ chồng mình vào thăm thì cũng chỉ được một chút rồi về, vì không thể bỏ bê nhà cửa, công việc. Hôm đưa cô lên xe về quê xong, tự dưng chồng lặng lẽ ôm vợ: “Mình sinh con đi em. Trễ quá rồi”.
Vợ ngưng uống thuốc đã gần một năm, vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì. Hai vợ chồng bắt đầu sốt ruột. Bác sĩ bảo sức khỏe của cả hai đều tốt, cứ lạc quan, đợi thêm thời gian nữa.
Đón sinh nhật tuổi 35, chồng hỏi vợ thích quà gì, hiếm cỡ nào chồng cũng tìm mua. Vợ lặng lẽ ngả đầu vào ngực chồng: “Giờ em chỉ mong ước tụi mình sớm sinh được một đứa con”. Chồng khẽ xoa xoa vợ dỗ dành: “Ừ, chồng cũng chỉ ước như vậy”.

Vợ đòi chia của mới chịu sinh con

Trót lấy vợ đẹp, vợ giỏi, nhiều ông chồng cứ phải nịnh nơi nịnh rớt vợ mới chịu sinh con, nhưng kèm theo những điều kiện "trên trời".

"Cho miếng đất thì em mới đẻ"

Phụ nữ phải biết giữ chồng?

Phụ nữ chẳng biết từ khi nào, từ lúc mặc trên người chiếc váy cưới, đã phải hình thành tâm lý “phải biết giữ chồng”.

Phụ nữ đi học nấu ăn, cắm hoa, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… những mong tổ ấm là nơi chốn lý tưởng cho đàn ông muốn về nhà mỗi tối. Con cái sáng sủa, phổng phao chồng nhìn mới vui, mới ghi nhận đó là công lao, là cái tài của vợ. Cơm ngon canh ngọt là “đòn” truyền thống “đánh thẳng vào cái dạ dày chồng”.

Hoa lá cũng không ngoài mục đích vui cửa vui nhà, thể hiện chủ nhân là người phụ nữ có tâm hồn đẹp, tinh tế, thế mới cuốn hút được đàn ông. Đã thế, phụ nữ còn cố gắng đển chu toàn với cả họ hàng bên chồng để không để ai trách cứ. Trước mặt các cụ thì lăm lăm ý tứ, ngó trước nhìn sau, và tối kỵ việc trái ý bố mẹ chồng. Phải hôm các cụ trái nắng trở trời, bổn phận phải chăm sóc thăm nom.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong bài giữ chồng của phụ nữ còn có cả nghề “điệp viên”, lâu lâu phải thăm hỏi điện thoại, facebook, hộp thư điện tử hoặc nick chat yahoo của chồng một lần. Bắt gặp đối tượng nào khả nghi sẽ hoặc tra hỏi, vặn vẹo “trừ họa” ngay, hoặc ngấm ngầm “điều tra” cho rõ. Rồi phụ nữ thở phào khi thấy mình quá đa nghi, khi nhận được từ chồng một lời giải thích được xem là hợp lý.

Phụ nữ sẽ tiếp tục âm ỉ “giữ chồng” như thế, nếu không có một ngày...

Phụ nữ chợt nhận ra lâu nay mải dồn tâm ý vào phục vụ nhà chồng, chăm sóc con cái, quán xuyến việc nhà mà bản thân đã trở nên nhàu nhĩ, xác xơ. Phụ nữ lại lo cái nết thời nay đánh không chết nổi cái đẹp, nên tức tốc đến spa “tút” tổng thể. Phụ nữ đi tắm trắng bất chấp nguy cơ ung thư da, chịu đựng đau đớn vì hút mỡ, kéo căng vòng một, cắt mí, sửa mũi... hòng níu kéo tuổi xuân.

Phụ nữ trở về nhà, ngỡ mình đã đạt đến đỉnh cao của công phu giữ chồng. Thế nhưng rồi, họ chợt nhận ra, không biết từ bao giờ thời gian mong ngóng chồng bên bàn ăn tối đã kéo dài thêm từ 2 đến 4 tiếng. Có những hôm rất khuya mới nghe tiếng xe nổ máy xình xịch rồi tắt ngấm trước cửa nhà. Họ vội vã chạy ra ôm về cái cơ thể đàn ông mềm nhũn nồng nặc mùi bia rượu, chân nam đá chân chiêu bước qua ngưỡng cửa.

Nửa đêm, thấy điện thoại chồng nhấp nháy, chồng thì đã say, ngủ vùi từ lúc nào, phụ nữ với tay tắt máy thì đập vào mắt mình dòng tin nhắn: “Anh ơi, đêm dài quá, em nhớ anh” từ một số máy được đặt tên là Mèo mun…

Phụ nữ tự hỏi, mình đang sống ở thời đại nào? Mọi điều mình đã làm vì chồng, vì con còn chưa đủ hay sao?

Phụ nữ không hiểu rằng, những gì tự chạy đến để được là của mình và thực sự thuộc về mình thì không cần phải khư khư mà giữ. Đàn ông tốt khắc biết ghi nhận công lao của vợ, biết chung vai gánh vác, cùng vợ vận hành tốt một gia đình. Đàn ông đã sẵn máu trăng hoa thì có cố giữ cũng vậy thôi. Chi bằng vợ cứ sống vui, sống tự tin, biết chăm sóc bản thân để luôn tươi mới cho chồng... phải thèm, cớ gì phải cố giữ chồng bằng những chiêu trò thực chất là tự làm mất giá một cách không cần thiết?

Khó ly hôn vì chồng “thoắt ẩn thoắt hiện“

Chồng chị tuy bỏ quê, bỏ vợ con sống với người phụ nữ khác ở tít tận đâu, nhưng cứ một năm đôi lần anh ta lại đảo qua nhà...

“Đối với tôi, ông ấy mất tích thật rồi, nhưng đối với chính quyền, tòa án, ông ấy vẫn hiện diện. Thử hỏi thế thì bao giờ tôi mới ly hôn được?”. Lời giãi bày trong nước mắt của người phụ nữ nông thôn đã có hơn 5 năm trời đệ đơn xin ly hôn mà không được giải quyết, nghe thật đắng lòng.

“Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?”

Chị Thung là giáo viên của một trường cấp 2 thuộc huyện ngoại thành Hà Nội. Dạy văn nên tính chị nhẹ nhàng, nhẫn nhịn, trái ngược hẳn với ông chồng thợ mộc thô lỗ và hung bạo.

Lấy nhau được vài năm, khi đứa con gái đầu lòng 2 tuổi, chị Thung bắt đầu bị chồng chửi rủa, chê bai là “nhạt nhẽo như nước ốc”. Hóa ra trong một chuyến đi đóng đồ mộc xa quê, chồng chị Thung đã phải lòng một người phụ nữ buôn chuyến.

Khi con gái chị Thung lên 3, chồng chị đã bỏ nhà đi biệt tích. Được 5 năm như vậy thì chị Thung quyết định đệ đơn xin ly hôn. Cán bộ Tòa án hướng dẫn chị phải làm thủ tục tuyên bố mất tích cho ông chồng mới giải quyết ly hôn được. Nhưng chính quyền địa phương nơi chị Thung sống thì vẫn khăng khăng khẳng định chồng chị Thung còn sống.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đến lúc này, chị Thung mới biết, chồng chị tuy bỏ quê, bỏ vợ con đi sống với người phụ nữ khác ở tít tận đâu, nhưng cứ một năm đôi lần anh ta lại đảo qua nhà mấy ông chính quyền trò chuyện dăm lời, rồi lại đi biệt tích mà không nói cho ai biết là anh ta đang ở đâu.

Làm như vậy, trong mắt chính quyền anh ta không mất tích, nên người vợ cũng khó có thể ly hôn để lấy người khác được. “Tôi không ngờ lão ta lại có mưu kế hèn hạ đến thế” - chị Thung ngao ngán nói.

Nghe chuyện của chị Thung, PV chợt nhớ đến chương trình tư vấn pháp luật “Lối thoát ly hôn” do một tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức vào giữa năm ngoái để “mở điểm nghẽn” cho bạn đọc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý trong quá trình ly hôn.

Trong chương trình tư vấn đó, “làm sao để ly hôn với người vắng mặt” là vấn đề nóng nhất. Có những câu chuyện thoạt nghe tưởng khó tin nhưng lại là sự thật. Ví dụ như chuyện của chị P.T.B.P. (ngụ tại P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chồng chị có địa chỉ thường trú ở Q.3 nhưng đã bỏ đi từ năm 1995.

Sau nhiều năm đơn thân nuôi con, năm 2012 chị đến TAND Q.3 xin ly hôn nhưng Tòa án ra quyết định đình chỉ thụ lý vụ án vì chồng chị không còn ở nơi đăng ký hộ khẩu. “Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?” - chị P.T.B.P khắc khoải hỏi.

Như chị P.T.B.P, chị B.T.T.K. đã phải chịu cảnh có chồng mà như không 4 năm nay. Chồng chị đã bỏ mẹ con chị về Quảng Nam sống. Chị gọi điện về quê đề nghị ly hôn, anh ta dứt khoát không đồng ý. Chị nộp đơn, Tòa án Bình Dương không nhận, đề nghị chị ra Quảng Nam. Chị ra tận Quảng Nam, Tòa ở đây cũng không cho chị đơn phương ly hôn vì anh chồng còn có mặt ở địa phương này.

Tỉnh táo để tự cứu mình

Có thể thấy, về vấn đề thủ tục ly hôn nói chung và ly hôn với người vắng mặt nói riêng, Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định rất rõ ràng, đơn giản.

Nhưng trong thực tế, những vấn đề mà những người phụ nữ, đàn ông đang vướng mắc khi ly hôn với người vắng mặt lại vô cùng đa dạng. Được biết, Nghị quyết số 03 (ban hành ngày 3/12/2012) của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn phần “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực thi hành trong năm 2013 đã và đang là “lối thoát” cho những người vướng thủ tục ly hôn với người vắng mặt, mất tích. Căn cứ vào đó, rất nhiều trường hợp sẽ được tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo các luật sư, luật có quy định nhưng trong nhiều trường hợp, chính người trong cuộc do nôn nóng, thiếu hiểu biết các thủ tục đã vô tình làm cho việc ly hôn lẽ ra đơn giản của mình ở tòa bị kéo dài, để rồi bản thân họ phải gánh chịu.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: khi chuẩn bị ly hôn, tuyệt đối không được suy đoán thủ tục, bởi đây là một vấn đề phức tạp, không thể tự suy đoán. Mỗi người phải tự tìm hiểu trình tự những quy định pháp luật có liên quan đến hoàn cảnh của mình.

Bên cạnh đó, khi đến tòa phải hỏi thật kỹ trường hợp của mình có những vướng mắc, khó khăn gì. Khi đã hỏi Tòa mà vẫn chưa hiểu, nên xin tư vấn từ người có chuyên môn như luật gia, luật sư. “Sở dĩ nói vậy vì khi có vướng mắc về thủ tục pháp lý, nếu không có người hướng dẫn, các đương sự sẽ rất khó dứt khoát được với cuộc hôn nhân” – Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh.