Xóa vết sẹo ngoại tình

Dẫu biết khi đã chấp nhận tha thứ thì nên quên hẳn lỗi lầm của người bạn đời, để đừng nhấn chìm mối quan hệ của cả hai, nhưng...

Chẳng phải là việc gật đầu tha thứ trên thực tế lại dễ hơn gấp trăm lần việc phải nhủ lòng quên đi chuyện cũ, nhủ lòng không được tưởng tượng ra những ngọt ngào giữa người mình yêu và nhân tình đó sao? Quá trình tự đấu tranh này được coi như một cuộc chiến gắt gao diễn ra trong lòng người từng bị phản bội, mà không phải ai cũng vượt qua được để tiếp tục hiên ngang trước cuộc đời.
Những vết sẹo không dễ mờ
Dẫu biết khi đã chấp nhận tha thứ thì nên quên hẳn lỗi lầm của người bạn đời, để đừng nhấn chìm mối quan hệ của cả hai, nhưng “lý thuyết thì xám xịt mà cây đời vẫn mãi xanh tươi”, nói thì dễ, làm được hay không mới là vấn đề. Bởi, chuyện xưa vốn đã thành một vết sẹo không thể xóa mờ. Chỉ cần nhìn thấy, cảm thấy hay thoáng nghe thấy những chuyện liên quan đến nó, là vết thương cũ lại nhói đau, là thủy triều lại dâng lên từng cơn, từng cơn trong lòng.
Một người chồng từng ngoại tình với đồng nghiệp ở cơ quan. Người vợ dù đã tha thứ, nhưng vẫn luôn ám ảnh khôn nguôi. Hễ trong ngày nghỉ, mỗi khi người chồng bảo cần đến cơ quan để hoàn thành nốt báo cáo còn dang dở là người vợ lại như muốn nổ tung. Hễ người chồng mua tặng người vợ một bó hoa vào dịp đặc biệt, quan tâm săn sóc người vợ hơn… là cô lại gợn buồn khi nghĩ rằng chồng mình đã rất nhiều lần như thế với người ta. Hễ thấy người chồng không nhấc máy sau hai cuộc gọi liên tục là người vợ lại cho rằng chồng mình đang ở bên nhân tình, và cô phát điên thật sự...
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cứ như thế, cuộc sống của vợ chồng họ luôn chao đảo vì những tưởng tượng, ghen tuông vô cớ của người vợ. Những điều khốn nạn xưa cũ luôn hằn rõ trong tâm trí của người vợ, khiến cô cứ đưa nó vào trong mọi cuộc cãi vã với chồng.
Người vợ ấy cũng giống như những người từng bị thương tổn khác, vẫn luôn vẫy vùng trong ký ức với những ghen tuông xa xôi nửa vời. Chính khi hành động như thế, họ đang đẩy mối quan hệ đi vào ngõ cụt hết lần này đến lần khác, khiến bản thân càng chìm sâu vào quá khứ, mải miết tìm về nỗi niềm cũ để tự cấu xé bản thân và cả người có tội đã thật tâm biết hối lỗi.
Từng chút một buông bỏ
Chúng ta cứ vô tình làm đau mình khi ngoan cố không chịu buông bỏ những chuyện đã hoàn toàn thuộc về quá khứ. Chỉ đến khi nhận ra sự bướng bỉnh của mình đã khiến hạnh phúc hiện tại bị phá hoại đến mức nghiêm trọng thì ta mới bắt đầu nỗ lực để tìm lại bình yên. Thật ra, chỉ cần cố gắng từng chút, từng chút một thôi, rồi mỗi người sẽ đều có thể tự tìm ra hướng đi cho mình.
Người vợ trong câu chuyện trên, chỉ đến khi bị chồng mình phản kháng lại sự ghen tuông bằng quyết định ra đi thì mới thực sự bừng tỉnh. Người chồng cho người vợ biết rằng mình không thể tiếp tục một cuộc sống mà ngày nào cũng bị dằn vặt, chất vấn, tra hỏi và kìm kẹp như thế. Rằng anh đã cố gắng rất nhiều, trong khi chị chỉ đưa chuyện quá khứ ra cắt cứa anh mà thôi.
Lúc này, người vợ mới giật mình, khi bao lâu qua đã luôn nghĩ chị là người duy nhất bị tổn thương nên cứ đấu tranh đòi quyền lợi, tìm liều thuốc chữa lành vết thương. Chị nào biết mình đã bỏ qua những nỗ lực hàn gắn của chồng. Chị quên rằng anh đã luôn tan sở rất đúng giờ, về nhà là sà vào chơi đùa cùng con cái, không ngại đêm hôm thức dậy chăm con, ngọt ngào yêu chiều vợ, luôn dịu dàng lắng nghe trong mỗi cuộc cãi vã, bằng lòng thực hiện tất cả những mong muốn lắm khi rất vô lý của chị...
Dường như bao lâu qua chỉ mình anh vất vả xây dựng lại tổ ấm trong khi chị mụ mị với quá khứ. Người vợ nhận ra bản thân đã thật sai lầm và quá ngu ngốc khi không góp công cùng chồng mà còn tự phá gia đình mình từng ngày, không bảo vệ nó trước âm mưu phá hoại của cô nhân tình mà còn tiếp tay thực hiện nó, không cố gắng tìm lại tình yêu nơi anh mà còn đẩy anh về phía người khác... Vết sẹo chẳng những không thể lên da non mà còn bị hoại tử!
Phải chi chị cố gắng đưa quá khứ về đúng vị trí dĩ vãng của nó, thì tình yêu vẫn còn đó hy vọng, huống chi hai người còn có một thiên thần nhỏ để cùng vun đắp yêu thương...

“Ly thân” vì… trái bóng

Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”.

Ai bảo tôi quê, tôi chịu, nhưng tôi vẫn khẳng định mình không thích bóng đá và thật sự bực bội với World Cup. Từ ngày thấy chồng tháo bức tranh yêu thích của tôi trên tường để dán lịch thi đấu World Cup lên, tôi bực và thấy... khó ở ghê gớm.

Tôi phải chịu đựng chồng ba mùa World Cup và tôi biết lần thứ tư này cũng chẳng có gì sáng sủa. Giải bóng đá này thường diễn ra vào giờ rất oái ăm là giữa đêm. Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”. Đã thế, sinh hoạt của hai mẹ con tôi còn bị đảo lộn nghiêm trọng.

Căn nhà cấp 4 của tôi không tách biệt được âm thanh giữa phòng khách và phòng ngủ. Đến mùa World Cup, chồng biết thân biết phận, ôm gối ra phòng khách xem bóng đá và ngủ luôn. Tôi vốn khó ngủ, nên dù chồng có để âm thanh rất nhỏ, tôi vẫn nghe thấy. Cuối cùng, chồng cũng nhượng bộ tắt âm thanh, nhưng “khuyến mãi” thêm câu lầm bầm: “Coi đá banh mà không được nghe tiếng, cứ như ăn thịt chó mà không có mắm tôm”. Dù để ti vi "câm" nhưng mỗi khi gặp tình huống gay cấn chồng tôi lại nhảy cẫng lên, hét to. Dù chỉ hét một tiếng rồi im bặt, nhưng đủ làm cho tôi tỉnh giấc. Có lần, nửa đêm, mệt mỏi lại mất ngủ, “bản tính đàn bà” trong tôi nổi lên. Tôi cằn nhằn, giận dỗi, nhưng chồng tôi cứ như “giả điếc”, vẫn cắm mắt vô màn hình ti vi. Tôi không kiềm chế được, tắt phụp ti vi, ném remote vỡ tan. Rõ ràng là tôi đã quá đáng, vượt qua sức chịu đựng của chồng, nên anh nổi giận, lời qua tiếng lại. Sau trận cãi vã lúc nửa đêm, chồng tôi chốt lại: “Từ mai không coi bóng đá nữa”. Vậy mà, hôm sau anh đi làm về, tay cầm remote mới, đon đả lấy lòng vợ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cái món bóng đá ấy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình trong lúc trận đấu diễn ra, mà còn khiến chồng tôi như người mất hồn, đờ đẫn suốt cả ngày. Buổi tối, cả nhà cùng ăn cơm, mặc cho vợ lụi hụi nấu nướng vất vả, anh cầm đũa hờ hững, mắt dán vào ti vi để xem tin tức World Cup. Con gái thấy vậy, nhắc: “Trong lúc ăn cơm, ba không được xem ti vi, ba dạy con vậy mà”, "quê độ" kèm bực bội (do đội nhà bị thua tan tác) nên anh cứ thế mà quát con. Có lúc nửa đêm, tôi đang ngủ, bị... khều dậy, tưởng gì, hóa ra “anh đói quá, cho anh cái gì ăn tạm”. Tôi phải bò dậy nấu nướng, nấu xong lại càng mất ngủ. Được vài hôm đầu chịu khó chăm sóc chồng, sau đó tôi bỏ mặc, không kham nổi.

Cả nhà đi chung một chiếc xe nhưng vào mùa World Cup, con gái trễ giờ học, vợ trễ giờ làm vì chồng tôi dậy không nổi, ngáp lên ngáp xuống. Có hôm anh ấy còn đòi nghỉ làm để ở nhà… ngủ! Tôi chưa từng có ý nghĩ, một người vốn chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc như chồng tôi lại có thể xin nghỉ phép để ngủ! Tôi nhất quyết không đồng ý, bắt chồng phải đi làm. Có hôm, anh ấy kể, vì quá buồn ngủ nên đã ngủ gục một giấc dài trong nhà vệ sinh cơ quan. Không thể tưởng được!

Tôi không hiểu về bóng đá, nên không biết bóng đá hấp dẫn đến mức nào, nhưng theo cách nghĩ kiểu “đàn bà bé mọn” như tôi, đó cũng chỉ là một môn giải trí, như tôi ghiền phim Hàn là cùng chứ gì! Tôi ghiền phim Hàn nhưng nếu phim chiếu quá trễ, tôi có thể bỏ phim để bảo đảm giấc ngủ; cớ sao chồng tôi bỏ một trận bóng đá mà vật vã như thế?

Tôi biết World Cup bốn năm mới có một lần, nhiều người mong chờ để được thưởng thức. Nhưng, tại sao chỉ vì môn giải trí, mà một người đàn ông vốn sống tình cảm, có trách nhiệm với vợ con lại trở thành một người hoàn toàn khác như vậy? Những giận hờn, khúc mắc thường ngày của hai vợ chồng, những căng thẳng trong công việc của vợ cứ chất chồng ngày nọ qua ngày kia, chẳng có dịp chia sẻ, tháo gỡ. Mỗi khi tôi tỏ ý khó chịu và muốn chồng dành thời gian để trò chuyện, anh ấy vẫn không rời mắt khỏi màn hình ti vi, còn tỏ vẻ khó chịu. Tôi phát hiện, World Cup còn khiến chồng tôi bẳn tính ra.

Chán nản, tôi chẳng buồn trò chuyện, hỏi han, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng nữa. Chồng tôi cũng vậy, chỉ quan tâm đến thông tin cầu thủ, kết quả trận đấu hơn là việc hôm nay vợ buồn hay vui. Hai vợ chồng chẳng khác nào đang ly thân.

Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ hiểu được vì sao đàn ông mê xem bóng đá đến vậy. Tôi chịu đựng hết mùa World Cup này đến mùa World Cup khác, chỉ còn biết ngồi đếm cho một tháng World Cup trôi qua thật nhanh. Giờ thì nó chỉ mới bắt đầu. Có cách nào để giúp chồng tôi vừa xem bóng đá vừa để mắt đến vợ con không nhỉ?

Ông chồng “ngoa” miệng

Ngày thường không ăn nhậu, chồng Giang đã mắng vợ con không tiếc lời, khi rượu vào, thói điêu ngoa của anh càng phát huy.

Vừa nghe chồng thông báo chiều nay đám bạn kéo đến, Giang vội vàng dắt xe ra khỏi nhà. Tức thì, anh chồng chỉ tay vào mặt Giang, quát: “Thái độ gì vậy? Bạn tôi đến mà cô bỏ đi đâu?”. Không nói lời nào, Giang cúi mặt lầm lũi đi, sau lưng là tiếng chửi sa sả của chồng.

Cả tuần làm việc quần quật ở công ty, ngày cuối tuần Giang cũng chẳng được yên thân vì chồng thường rủ rê bạn bè về nhà ăn nhậu. Trước đây, sợ chồng, Giang còn lao vào bếp phục vụ bạn chồng, nhưng làm chậm cũng bị chồng chửi, nấu dở cũng chửi, không làm càng bị chửi thậm tệ hơn. Ngày thường không ăn nhậu, chồng Giang đã mắng vợ con không tiếc lời, khi rượu vào, thói điêu ngoa của anh càng phát huy.

Những buổi tối tăng ca về trễ, vừa về đến cửa, cô đã nghe chồng nhẻ nhói: “Cô đi theo trai hay sao mà giờ này mới về?”. Giang chưa kịp phân bua thì một tràng từ ngữ tục tĩu văng ra. Từ ông bà, cha mẹ, anh em của cô đều bị chồng lôi ra xỉ vả. Không bao giờ đánh vợ nhưng những câu chửi rủa, sỉ nhục của chồng như dao cứa vào lòng cô. Ngay cả với con gái, chồng Giang cũng không tha. Mỗi lần con đi học thêm về trễ là anh ta nanh nọc: “Học hành gì giờ này mới về? Đi theo trai hả? Đúng là giỏ nhà ai quai nhà nấy…”. Con bé không ít lần ôm mẹ, khóc tức tưởi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhà ở chung cư, cửa đóng then cài tách biệt, Giang ít khi phải nhìn thấy những con mắt tọc mạch, tò mò của hàng xóm, nhưng cô sợ nhất những ngày giỗ chạp, bị chồng mắng nhiếc trước mặt anh em, họ hàng, khiến cô không biết giấu mặt vào đâu. Lần đi đám giỗ bố chồng, Giang có việc đột xuất ở công ty nên nhắn tin báo cho chồng biết cô đến trễ nửa tiếng. Không ngờ dọc đường xui xẻo, cô lại bị bể bánh xe. 

Nhắn tin thông báo cho chồng biết sự cố ngoài ý muốn, Giang đinh ninh chồng sẽ thông cảm. Nhưng vừa đến nơi, chưa kịp chào ai, Giang đã nghe tiếng chồng lanh lảnh: “Mày là người hay súc vật vậy? Đến ngày giỗ bố tao mày cũng không nhớ đường mà về à? Mày định bôi tro trét trấu vào mặt tao hay sao mà giờ này mới thò mặt đến?”. Sợ vợ chồng to tiếng, các chú phải lôi chồng vào bàn nhậu. Các dì, các mợ kéo Giang vào bếp để tránh xấu hổ. Thấy Giang khóc rưng rức, nhiều bà thím thương hại, an ủi, nhưng họ cũng chẳng biết cách nào giúp cô thoát khỏi ông chồng hay dùng “võ miệng”. Xét cho cùng, chồng Giang cũng là người biết làm ăn, không bồ bịch, cờ bạc, cũng chẳng bao giờ đánh đập vợ con, chỉ thi thoảng hay tụ tập ăn nhậu.

Cuối tuần, Giang chạy sang nhà tôi, hai mắt sưng húp. Cô bảo, chắc không sống nổi với ông chồng “ngoa” miệng này. Ngày còn yêu nhau, chồng Giang nói năng cũng nhẹ nhàng, lịch sự, đâu có chợ búa như bây giờ. Giang vừa khóc, vừa kể một thôi một hồi những lời lẽ nặng nề mà chồng thường xuyên sử dụng với mình. Giang khẳng định sẽ làm đơn ly hôn. Vừa kể xong chuyện, điện thoại trong túi Giang đổ chuông. Cô lấm lét bắt máy. Chẳng biết chồng Giang nói chuyện gì, cô vội tắt máy, đứng lên: “Thôi tớ về đây. Chồng tớ gọi báo bà nội và mấy cô lên chơi. Không về sớm ông ấy lại chửi nữa”. Tôi hỏi đùa: “Vậy còn chuyện ly hôn thì sao?”. Giang ậm ờ: “Để nói thẳng thêm vài lần nữa xem hắn có thay đổi không. Nếu không được thì cũng phải lôi nhau ra tòa”.

Tội nghiệp cô bạn thân hiền lành, nhẫn nhịn của tôi, chẳng biết còn chịu đựng được cái tính thô lỗ ấy của chồng bao lâu nữa?