Chỉ thích yêu trai có vợ

(Kiến Thức) - Tôi là một cô gái có hình thức khá, công việc cũng ổn nên được nhiều đàn ông theo đuổi. Nhưng không hiểu sao tôi lại chỉ thích những người đã có vợ. So với đám “trai trẻ”, tôi thấy họ thực sự khác biệt.

Tôi là một cô gái có hình thức khá, công việc cũng ổn nên được nhiều đàn ông theo đuổi. Nhưng không hiểu sao tôi lại chỉ thích những người đã có vợ. So với đám “trai trẻ”, tôi thấy họ thực sự khác biệt. Tôi đã từng trải qua ba mối tình với những người đàn ông như thế, tất cả đều kết thúc trong đau khổ, nhưng rồi, tôi vẫn lao vào mối tình thứ 4 và hiện giờ cũng đang bế tắc. 
Anh rất yêu thương tôi, hứa hẹn nhiều, nhưng rồi vẫn không dám bỏ vợ để đến với tôi. Anh nói, sẽ bù đắp, cho tôi một đứa con, cung cấp kinh tế, với điều kiện tôi không ghen, xía vô chuyện gia đình của anh ấy. Thực lòng, tôi cũng đã cân nhắc rất nhiều. Nhưng rồi, tôi lại thấy, thà tôi cam phận là người đàn bà thứ 2 mà được sống với tình yêu của mình, còn hơn là sống một cuộc đời nhạt nhẽo với người không có tình cảm. Liệu tôi có quá lụy tình không? - Bùi Phương Hoa (Nghệ An).
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Phương Hoa thân, người đàn ông có gia đình thường có sức lôi cuốn mạnh mẽ bởi vẻ từng trải, chững chạc, thành đạt. Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ rằng, để đạt tới phong độ hấp dẫn này, họ cũng đều từng trải qua một thời “trai trẻ” với những đặc điểm giống như những chàng trai mà bạn sẵn sàng gạt bỏ? 
Không phải bạn quá lụy tình, mà vấn đề nằm ở quan niệm, cách nhìn của bạn đối với đàn ông. Bạn thèm muốn những người đàn ông ở cương vị làm chồng, làm cha, trong khi bạn cũng có thể hoàn toàn có một người đàn ông giống như thế, nhưng là của bạn, không phải là sự “vay mượn”, “cướp giật” từ gia đình khác khi bạn kết hôn. 
Sự “bù đắp” mà người tình nói với bạn, thực chất chỉ là sự đắng cay, đau khổ kéo dài mà thôi bạn ạ, vì mãi mãi bạn vẫn chỉ ở vị thế bị động, nhận sự “ban phát” từ phía anh ấy. Một lúc nào đó, tình cảm của anh ấy thay đổi, thì liệu trong tay bạn còn lại gì? Vì thế, rất mong bạn tỉnh táo và có lựa chọn đúng đắn cho mình. 

Nhân tình chồng đến van lạy vợ

Đất dưới chân chị như sụp xuống. Chị còn không biết bám víu vào đâu, huống hồ cô gái ấy...

Cơn mưa bất ngờ kéo đến. Chị đi làm về hốt hoảng khi thấy một bóng người nằm thu lu ngay trước cổng nhà mình, một cô gái khá trẻ tầm đôi mươi, mặt mũi tím tái.

Chị dùng hết sức mình đưa cô gái vào nhà. Sau khi được chị thay bộ đồ khô ráo và nấu cho bát cháo, cô gái dần dần tỉnh lại. Chị ân cần hỏi han tên tuổi, gia cảnh. Chị bảo để chị gọi người thân, bạn bè đến đón. Cô gái không trả lời, chỉ có đôi dòng nước mắt. Chị đinh ninh cô bé này gặp chuyện gì đau buồn lắm. Chị thấy thương quá đỗi. Chị cứ để cô gái khóc xong mới toan hỏi. Nhưng khi chị chưa kịp nói điều gì, thì cô gái đã quỳ thụp dưới chân chị mà vái lấy vái để. Chị hoang mang không hiểu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lẫn trong những tiếng nói ngập ngừng, đứt quãng bởi tiếng nấc nghẹn, chị hiểu được câu chuyện. Cô bé tên Loan, năm nay 19 tuổi, đang là sinh viên một trường đại học trong thành phố này. Nhà nghèo, Loan sớm đi làm thêm, phụ việc cho một quán cà phê. Ở đây, Loan gặp gỡ và có tình cảm với một người hơn tuổi. Với những hứa hẹn trên mây, với tâm hồn đầy chất lãng tử của người đàn ông ấy, Loan nhanh chóng rơi vào cạm bẫy tình yêu. Tuy biết người ấy đã có vợ con, nhưng thương người ấy phải sống với người vợ bệnh tật, ốm yếu, Loan muốn bù đắp cho người đàn ông cô yêu. Đến khi Loan biết mình có bầu, thì người đàn ông đó đã cao chạy xa bay. Loan đã cố tìm gặp nhiều lần mà không được. Gọi điện cũng thấy thuê bao ngoài vùng phủ sóng.

Loan nói giờ ốm nghén không thể đi học sợ bạn bè biết. Tiền nong thì cạn kiệt dần. Trong cơn bấn loạn và tuyệt vọng, Loan đến nhà người đàn ông đó mong tìm được một lối thoát, một hướng giải quyết. Chị như đứng tim khi Loan nói người đàn ông đó là chồng của mình. Tai chị như ù đi. Chị choáng váng, tay bấu vào thành ghế.

Chồng chị, người đàn ông chị hết mực yêu thương, người cha mẫu mực của các con chị. Chị hy vọng tất cả chỉ là hiểu lầm. Nhưng không, khi Loan chỉ đúng vào chồng chị trong ảnh. Bức ảnh anh chụp cùng nhiều người trong công ty. Anh đi công tác từ đầu tuần, đến tuần sau mới về. Chị cuống cuồng bấm số anh, mong một lời phủ nhận. Nhưng chỉ sau câu hỏi, đầu máy bên kia đã vang lên những tiếng tút tút dài vô tận.

Chị hoang mang không biết phải làm sao. Đánh cho kẻ cả gan cướp chồng chị đang van xin, khóc lóc kia một trận cho hả dạ, hay mua vé bay đến thẳng chỗ anh công tác mà làm loạn lên? Đất dưới chân chị như sụp xuống. Chị còn không biết bám víu vào đâu, huống hồ cô gái ấy...

Ngược đời chuyện chồng phải quản vợ

Lấy nhau đã hai năm mà nàng cứ như đang ở nhà với mẹ, còn tôi thì như có thêm đứa… con gái để chăm sóc. 

Nhà ba má vợ tôi thuộc loại khá giả. Ông bà có ba người con trai. Mãi đến khi ông bà lớn tuổi, vợ tôi mới chịu ra đời. Thế là ông bà dồn hết tình thương cho vợ tôi.

Mấy ông anh vợ chỉ có một cô em gái nên cũng cưng chiều, chăm chút cho em út. Là “cục cưng” của cả nhà, vợ tôi không bao giờ phải làm gì động đến móng tay. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, nên đến khi vợ tôi lập gia đình, thì thằng chồng là tôi... lãnh đủ.

Vợ tôi làm việc trong một công ty truyền thông, nhanh nhẹn, tháo vát, giao tiếp giỏi, thu nhập hàng tháng tuy không bằng tôi nhưng cũng thuộc loại khá. Việc công ty nàng giỏi nhưng việc nhà thì... Hồi mới lấy nhau, nàng thỏ thẻ: “Anh ơi, em không biết nấu ăn đâu nha!”. Theo lời ông bà “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”, tôi cố hết sức động viên nàng: “Em ráng tập đi, anh chỉ em từ từ”. Nàng nhăn nhó: “Thôi mất công lắm, mình ăn… cơm tiệm cho lẹ”. Tôi cương quyết không chịu, bảo là “phụ nữ có gia đình thì ít nhiều cũng phải biết nấu ăn!”. Cãi tôi không được, nàng đành ấm ức bái tôi làm “sư phụ”. 

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế là, tôi bắt đầu dạy nàng bài học vỡ lòng về việc bếp núc, nào là lặt rau, kho cá, ram thịt, nấu canh… Sau cả tuần vất vả “đào tạo”, tôi cho nàng “đề thi tốt nghiệp” là “nấu một bữa cơm ba món cho hai người”. Nàng cũng xuống bếp, đánh vật cả buổi chiều Chủ nhật mới dọn xong mâm cơm. Vừa dọn cơm, nàng vừa thỏ thẻ: “Anh coi ăn được thì ăn, không thì… đổ bỏ nha”. Mà bỏ thiệt, tôi nuốt không nổi, canh ngọt như chè, cá kho thì mặn chát, còn rau xào thì nát như cháo...

Khổ nỗi, không chỉ nấu dở mà nàng còn lười. Sau đó, nàng chẳng muốn làm gì nữa. Thế là, cứ đến bữa ăn là nàng lấy hết lý do này đến lý do kia để đi ăn tiệm. Bữa thì nàng đề nghị: “Anh ơi! Lâu quá hai vợ chồng không đi ăn nhà hàng, bữa nay đi nha”. Bữa khác lại thỏ thẻ: “Anh ơi! Em ngán cơm thèm… ốc”. Thậm chí, có bữa muốn trốn nấu cơm, nàng còn rủ: “Hai vợ chồng mình đi… nhậu nha anh!”…

Không chỉ trốn nấu ăn, nàng cũng trốn luôn mấy việc khác, quét nhà thì kêu mệt, rửa chén thì sợ hư da tay… Lâu lâu bị tôi cằn nhằn, nàng mới động tay vào làm, nhưng chẳng đâu vào đâu. Thậm chí, mấy chuyện thuộc về cá nhân, nàng cũng đợi tôi làm giúp. Tôi chăm nàng cứ như chăm em bé.

Nấu cơm, rửa chén, quét nhà… việc nào nàng cũng lười. Có mỗi đi chơi là nàng siêng. Gia đình người ta thì vợ quản chồng, còn gia đình tôi ngược lại: chồng phải quản vợ. Bởi lẽ, xét về mức độ “ham vui”, vợ tôi hơn tôi cả chục lần. Hết ngồi quán cà phê, đi mua sắm với bạn, đi karaoke với đồng nghiệp, rồi tiệc sinh nhật, họp lớp, họp nhóm…

Nhiều lần tôi cũng đâm bực, to tiếng với nàng. Thế là nàng sướt mướt, trách tôi đủ điều, nào là không thương nàng, nào là gia trưởng… Thậm chí, nàng còn buộc tội tôi là người đàn ông ích kỷ, không biết thế nào là bình đẳng giới, toàn là “tội tày trời”. Riết rồi tôi chán chẳng thèm nói, chỉ biết chờ nàng thay đổi. Nhưng chờ hoài, chờ mãi, lấy nhau đã hai năm mà nàng cứ như đang ở nhà với mẹ, còn tôi thì như có thêm đứa… con gái để chăm sóc. Chẳng biết tôi còn chịu đựng được bao lâu.