CTCP Chứng khoán OCBS vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với lợi nhuận sau thuế đạt 2,1 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này gây chú ý trong bối cảnh doanh thu hoạt động tăng gần 60% so với quý 2/2024, đạt 28,5 tỷ đồng, nhờ sự cải thiện đáng kể ở mảng tự doanh và cho vay ký quỹ.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 13,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động cho vay và phải thu cũng tăng 44%, lên gần 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực chi phí đã bào mòn phần lớn lợi nhuận. Riêng khoản lỗ từ tài sản FVTPL lên đến gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không đáng kể. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 167%, lên gần 12 tỷ đồng, trở thành nguyên nhân chính kéo giảm lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng khiến hoạt động tài chính ghi nhận khoản lỗ hơn 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi hơn 1,2 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 2 của OCBS chỉ còn 2,1 tỷ đồng, giảm mạnh 70% so với cùng kỳ 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, OCBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 45,6 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6,6 tỷ đồng, giảm 26% so với nửa đầu năm 2024.
So với kế hoạch lợi nhuận năm nay là 70 tỷ đồng, OCBS mới hoàn thành chưa đến 10%. Đây là một tỷ lệ rất thấp, đặc biệt khi công ty đặt mục tiêu kinh doanh tham vọng nhất trong 16 năm trở lại đây, với kế hoạch doanh thu 194 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,3 lần và hơn 5 lần thực hiện năm 2024.

Ban lãnh đạo OCBS cho biết nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm chủ yếu đến từ quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc bộ máy vận hành. Trong quý 2, công ty đã đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự, đầu tư trang thiết bị, phần mềm, mở rộng văn phòng và phát triển hạ tầng công nghệ, dẫn đến chi phí hoạt động tăng đột biến.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của OCBS đạt 1.387 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với đầu năm. Chủ yếu nhờ vốn điều lệ tăng từ 300 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng sau đợt phát hành 90 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giúp công ty thu về khoảng 900 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 2, OCBS nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền lên đến 891 tỷ đồng, cao gấp 14 lần so với đầu năm. Quy mô cho vay cũng tăng mạnh, đạt gần 311 tỷ đồng, tăng 28% so với cuối quý 1, trong đó cho vay ký quỹ chiếm 292 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản đầu tư tài chính FVTPL và tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng đều giảm mạnh, lần lượt còn 77 tỷ đồng (giảm 38%) và 20 tỷ đồng (giảm 67%).
Đáng chú ý, danh mục tài sản FVTPL tại thời điểm cuối quý 2 chủ yếu gồm các khoản đầu tư vào cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai gần 65 tỷ đồng, trái phiếu của CTCP Toàn Hải Vân khoảng 7,4 tỷ đồng và cổ phiếu chưa niêm yết của CTCP Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Cotec) khoảng 4,5 tỷ đồng.
Theo nghị quyết HĐQT ban hành đầu tháng 7/2025, OCBS dự kiến phân bổ thêm 220 tỷ đồng vào cổ phiếu HAG, tương đương gần 16% tổng tài sản tính đến cuối quý 2 và chiếm hơn một nửa quy mô vốn tự doanh (400 tỷ đồng) dự kiến huy động từ đợt tăng vốn vừa qua. Động thái này cho thấy công ty đang đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu HAG trong giai đoạn tới.