![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
1. Sau một tháng ly hôn, anh trở thành vị khách thường xuyên nhất của văn phòng Tâm Giao. Mỗi lần đến tìm mã số mới, câu hỏi duy nhất của anh là: “Có mã số nào mới còn độc thân, hoặc ly hôn nhưng không vướng bận con cái không?”. Không ít lần xem xét và lựa chọn mã số thích hợp, anh lại thắc mắc: “Tại sao phụ nữ rảnh tay sau ly hôn hiếm thế”. Rồi anh tiếp tục phân bua như để thanh minh cho tiêu chí tìm bạn của mình: “Hôn nhân có con chung, con riêng phức tạp lắm…”.
Với tài ăn nói và hình thức khá điển trai, anh nhanh chóng kết nối thành công với một mã số nữ trẻ trung xinh đẹp, chưa kết hôn lần nào. Ai cũng bảo anh có tài tán vợ, có tuổi lại qua một lần đò mà vẫn cưới được gái tân xinh đẹp.
Mỗi lần ngồi với mấy ông bạn cũng một lần đổ vỡ, đang sống trong những cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại”, nghe họ kể chuyện đau đầu khi sống cảnh “con anh con em”, anh lên giọng: “Các ông chẳng biết tính toán cho mình gì cả, cứ như tôi đây “nhường” hết quyền nuôi con cho vợ cũ vừa được tiếng lại được miếng. Hai đứa trẻ không phải chia cách nhau, còn mình có điều kiện dễ dàng tái hôn hơn. Thỉnh thoảng về thăm chúng một lần, chu cấp thêm một ít, đỡ phức tạp cho cả đôi bên. Lựa chọn đối tượng phải tìm “gái tân” không thì cũng phải tìm người “rảnh tay” giống mình, có như vậy mới không đau đầu!…”. Nghe anh nói, mấy ông bạn gật gù trong hơi men khen anh “sáng suốt”.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cuộc sống sau ly hôn ban đầu có vẻ ổn nhưng sau đó thì những điều bất ổn xuất hiện. Việc nuôi dạy hai đứa con lớn lên khi hôn nhân đổ vỡ không hề dễ dàng đối với một người phụ nữ bận rộn như chị. Tìm anh đề cập đến vấn đề nuôi dạy con cái nhưng chỉ nhận được thái độ thờ ơ bất hợp tác. Giờ anh đã có hạnh phúc mới, chuyện đó chị phải chủ động vì đã “toàn quyền” với chúng.
Chị nghĩ đến việc tìm hạnh phúc mới để làm điểm tựa. Nhưng gánh nặng nuôi con sau ly hôn đã vô tình trở thành vật cản lớn. Đàn ông đều muốn một người phụ nữ rảnh rang, ít ai muốn san sẻ cái gánh nặng mà người đàn ông trước “cố tình” bỏ lại. Chị lại tìm đến chồng cũ đề nghị thay đổi quyền nuôi con để anh đảm nhận việc nuôi dạy một đứa. Anh viện đủ lý do để từ chối, thậm chí cảnh báo việc “mẹ ghẻ” ghê gớm có thể làm khổ thằng bé.
Nhân có quyết định nhận công tác một thời gian ở nước ngoài, chị cho con về sống bên bố. Được một thời gian ngắn, anh về điều đình với bố mẹ vợ cũ cho con về đó “sống tạm”. Chưa được bao lâu, anh được công an phường mời lên “xác nhận” là người thân của một đối tượng trong băng nhóm cướp giật trên đường phố. Nhìn đứa con trai chưa đến tuổi thành niên, học hành dang dở, nhìn bố với ánh mắt hận thù qua song sắt phòng tạm giam, anh mới thấm thía cái giá của việc muốn… rảnh tay.
Sau bao nhiêu năm gồng mình chịu đựng, chị quyết định ly hôn, chấm dứt năm tháng đau khổ bên người chồng gia trưởng, độc đoán... Ngày ra tòa, anh ta nói không có chỗ ở mới cũng chẳng có khả năng ra ngoài thuê trọ. Về phía chị cũng thế nên cuối cùng họ vẫn phải “chung nhà” dẫu chính thức ly hôn.
Ly hôn xong, anh gọi thợ vào làm một vách ngăn chia đôi căn hộ 40 mét vuông. Một cánh cửa khác được mở ra, bên này chị đổi khóa cửa cũ. Họ chính thức tách khỏi nhau, khẳng định chủ quyền riêng. Hàng ngày chị đưa đón con tới trường rồi đến cơ quan. Về nhà, mẹ con ăn uống ngủ nghỉ không bị gò bó, chạy theo sở thích độc đoán của anh như trước đây. Bên kia, anh ngày ba bữa cơm bụi, sáng đi làm với bộ đồ nhàu nhĩ, tối khuya mới về nhà. Cuộc sống của hai người thay đổi thấy rõ, duy chỉ có con bé vô tư với thói quen cũ. Nó cứ chạy từ “nhà mẹ” sang “nhà bố” líu lo, bắt bố vẽ tranh, kể chuyện, đưa đi chơi. Trong mắt chị cảnh ly hôn nhưng vẫn chung nhà ấy ít ra cũng giúp con cái không phải chịu cảnh bố mẹ mỗi người một nơi.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Lần thứ hai đón nhận tình cảm mới, chị nói hết hoàn cảnh. Người mới hứa sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, kể cả rào cản từ “gã hàng xóm” đặc biệt. Biết người mới của chị “vô sản” vì khi ly hôn đã để lại hết tài sản cho vợ cũ nuôi con, chồng cũ mỉa mai “tưởng cô tìm thằng nào hơn tôi chứ…”. Người mới cũng nhận rõ sự bất cập của cuộc sống “nhà chung nhưng tình riêng” bàn với chị chuyển ra ngoài sống nhưng chị chần chừ. Chi phí ra ngoài thuê trọ khá đắt đỏ, vả lại sợ chuyển đi rồi phần tài sản này biết đâu sẽ bị chồng cũ chiếm luôn. Mặt khác, tình cảm của đứa con đối với bố quá khăng khít nên chị không nỡ chia rẽ… Thế là họ đành chấp nhận sống như vậy vài năm để dành dụm tiền “mua lại” nốt “nhà anh”. Thống nhất là vậy nhưng khi chuyển về sống chung, chị cảm nhận rõ sự cam chịu của chồng khi sống cảnh “chung nhà” với bố con bé.
Đêm nằm nghe tiếng hàng xóm say rượu văng tục bên kia bức vách, anh thở dài rồi nói. “Anh quyết định xin đi làm dự án ở bên Lào. Sau vài năm, anh sẽ kiếm được một số tiền kha khá để mua một căn hộ trả góp giá rẻ. Anh muốn mẹ con em được sống thoải mái hơn”. Chị ngập ngừng: “Trong thời gian anh đi, em cho thuê lại nơi này rồi tìm thuê một chỗ khác bên ngoài nhé. Em sẽ sắp xếp cho nó về thăm bố thường xuyên là được”. Tìm được giải pháp, chị thấy mình nhẹ lòng. Ngày mai, chị sẽ đăng tin cho thuê nhà.