Hơn 10 năm vẫn là… bãi cỏ hoang
Nhằm đáp ứng như cầu tái định cư cho người dân khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất phục vụ KCN Amata, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà ở Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình, TP Biên Hòa. Dự án này nằm kế bên KCN Amata.
Tuy nhiên đến nay một phần dự án vẫn bỏ hoang gây lãng phí trong khi tại Đồng Nai vẫn đang thiếu rất nhiều nhưng dự án nhà ở tái định cư, phục vụ người dân cũng như công nhân đang làm việc và sinh sống tại Đồng Nai nói chung và TP Biên Hòa nói riêng.
|
Khu đất 2,43 ha xây dựng chung cư thuộc dự án đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. |
Theo đó tháng 1/2011, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản số 718/UBND-CNN chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Amata (Việt Nam) đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư phục vụ tái định cư tại khu đất 14,33 ha thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.
Hơn 1 năm sau, vào tháng 5/2012, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 3580/UBND-CNN chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình.
Mục tiêu của dự án là xây dựng khu ở mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, theo tiêu chuẩn độ thị loại II, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở tái định cư cho các đối tượng thuộc diện giải phóng mặt bằng khi thực hiện giai đoạn mở rộng Khu công nghiệp Amata và các dự án quy hoạch trên địa bàn TP Biên Hòa.
Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Amata (Việt Nam) nay là Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa (gọi tắt là công ty Amata Biên Hòa) với tham vọng mang đến môi trường ở tốt, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao về không gian ở, cây xanh môi trường, cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Khu tái định cư tại phường Long Bình sẽ góp phần tích cực vào chương trình phát triển nhà ở của TP Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.
Qua tìm hiểu của PV, khu đất 14,3 ha có phía Đông Bắc giáp đường sắt, phía Tây Bắc giáp suối Linh, đất quốc phòng, phía Đông Nam giáp vùng cây xanh cách ly tuyến đường điện Khu công nghiệp Amata, phía Tây Nam giáp suối Linh. Theo quyết định số 1393/QĐ-UBND, quy hoạch điều chỉnh gồm đất ở, đất công trình giáo dục, đất cây xanh, đất mặt nước, đất giao thông, đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật... trong đó 6,04 ha đất ở gồm nhà liên kế chiếm 3,61 ha, chung cư 2,43 ha.
Với quy mô dân số khoảng từ 4.000-4.400 người, tổng số 473 lô đất nền và khoảng 624 căn hộ chung cư. Trong đó, khu chung cư với quy mô diện tích khoảng 24.300 m2 bố trí trung tâm khu đất lập quy hoạch, tiếp cận 4 trục đường giao thông nội bộ, tạo điểm nhấn là cổng đón của khu dân cư.
Theo lộ trình, giai đoạn 1 (từ năm 2011-2012), công ty Amata sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như san nền, giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, nước bẩn, cây xanh, thông tin liên lạc theo quy hoạch được duyệt.
Ở giai đoạn 2 (từ năm 2013-2015) sau khi đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhà ở và chung cư.
Những tưởng sau 4 năm người dân sẽ được đến khu tái định cư an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Nhưng trái với kỳ vọng, cả thập kỷ trôi qua, hơn 2 ha đất để xây chung cư trong khu tái định cư 14,3 ha kế bên khu công nghiệp Amata vẫn chỉ là bãi cỏ hoang, nhếch nhác gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực tế PV ghi nhận 25/11/2022:
|
Căn cứ vào quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa số 1393/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai thì phân kỳ đầu tư dự án ở giai đoạn 2 (từ năm 2013-2015) là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án, trong đó có hạng mục công trình chung cư.
|
Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, hiện trạng thực tế tại Lô F, diện tích 2,43 ha thuộc Bản đồ quy hoạch sử dụng đất được ban hành kèm theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình đang bị bỏ hoang, chưa xây dựng chung cư.
|
Đâu chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, khu đất hơn 2 ha trong khu tái định cư 14,3 ha bỏ hoang còn ảnh hưởng mỹ quan, ô nhiễm môi trường…
|
Theo chia sẻ của người dân trong khu tái định cư, khu đất bỏ hoang cỏ mọc cao hơn 1m bò cả xuống đường. Nơi đây còn biến thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường sống, thậm chí ổ tệ nạn hút chích, cướp giật…
|
Ghi nhận thực tế, trục đường chính của khu tái định cư được lát gạch vỉa hè, lòng đường, hệ thống cấp nước, thoát nước, nước thải, điện, trạm biến áp, chiếu sáng, cột thu sóng…
|
|
Một số vị trí gạch lát nền bung vỡ, cỏ mọc um tùm. Theo người dân sống ở khu nhà liên kế, đi tập thể dục thường chọn cách đi dưới lòng đường vì vỉa hè cỏ mọc rậm rạp chắn hết lối đi.
|
|
Công viên, cây xanh dọc trục đường giao thông chính nhìn đâu cũng thấy cỏ trông hoang tàn, nhếch nhác. |
|
Theo quan sát, tại khu đất nhà liên kế, nhiều hộ đang xây nhà để cát, đá trên vỉa hè, thậm chí tràn cả xuống lòng đường gây cản trở giao thông. |
|
Nhiều hộ dân còn chiếm luôn vỉa hè trước nhà, hàn khung sắt quây thành nơi chứa đồ, đậu ôtô… |
|
Hiện khu tái định cư, phường Long Bình đã đưa một trường mầm non công lập với 6 phòng học vào hoạt động. |
Nghịch lý nhà thiếu nhưng đất bỏ không
Là một trong những địa phương có số lượng công nhân cao nhất trong cả nước, Đồng Nai rất chú trọng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà cho người thu nhập thấp. Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu công nhân, người lao động. Trong số này, hơn 700.000 công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, tỉnh mới hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn dành cho công nhân. Ngoài ra, Đồng Nai có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150.000 phòng, đáp ứng cho 450.000 người lao động thuê... Tính chung, tỉnh còn thiếu hơn 200.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người lao động rất bức thiết.
Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022, Đồng Nai sẽ triển khai hơn 1,5 nghìn dự án, trong đó có hàng trăm dự án thu hồi đất và phải bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, thực tế tại Đồng Nai, tái định cư “đi sau” quá trình thu hồi đất. Trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu hụt thì rất nhiều dự án tái định cư trong tình trạng “nằm im chờ thời”.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đối với các dự án cần thu hồi đất, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng khu tái định cư để bố trí tái định cư cho những người dân có đất bị thu hồi.
|
Cả thập kỷ trôi qua, khu đất xây dựng chung cư thuộc dự án khu dân phục vụ tái định cư tại phường Long Bình vẫn nằm im bất động. |
Người dân phải rời bỏ "nơi chôn nhau cắt rốn", hy sinh nơi ở của mình để phục vụ cho việc xây dựng các công trình vì sự phát triển chung thì họ cần phải đảm bảo làm sao nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng cả thập kỷ trôi qua, khu đất xây dựng chung cư tái định cư thuộc dự án Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình, TP Biên Hòa vẫn nằm im bất động, cỏ mọc cao quá đầu người.
Theo khoản 1, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng quy định: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Đất đai quan trọng là thế, đất đai ở các đô thị lớn lại càng đặc biệt quan trọng, bởi dân số tăng theo tốc độ đô thị hóa, ngày càng gây áp lực lớn lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, trong khi quỹ đất hầu như đã cạn kiệt. Không phải chỉ là nhu cầu về chỗ ở, nơi làm việc, chỗ đỗ xe, đường giao thông… tăng, mà còn là nhu cầu về không gian và môi trường, về cây xanh và nơi vui chơi giải trí công cộng.
Được biết, trước đó nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… được quy hoạch nhiều năm vẫn chưa triển khai. Chủ đầu tư “ôm” đất suốt thời gian dài rồi xin hủy bỏ hoặc chuyển sang mục tiêu khác.
Dư luận đặt câu hỏi, tương lai số phận khu đất 2,43 ha tại dự án phát triển nhà ở Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình, TP Biên Hòa rộng 14,3 ha sẽ thế nào? Người dân thuộc diện tái định cư phải di cư tự phát, không thể ổn định cuộc sống ai sẽ đảm bảo quyền lợi?
Về vấn đề đất bị bỏ hoang, không sử dụng trong thời gian dài, Luật sư Nguyễn Văn Lập - Đoàn Luật sư TP HCM chia sẻ: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai 2013 thì việc bỏ hoang không sử dụng đất đai là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Luật sư Lập, căn cứ điểm I khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Đặc biệt, trước đó thông qua Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển cho thu nhập cao”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị Quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 tại tiểu mục 2.3 Mục 2 phần IV nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp hiện nay là phải “Kiên quyết thu hồi đất của tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí cho lợi thế cao, khả năng sinh lợi cao, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước”.
Như vậy, trường hợp công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa chủ dự án Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thời hạn sử dụng đất thì thuộc trường hợp bị thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp việc không sử dụng đất do sự kiện bất khả kháng theo quy định.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 6118/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.
Luật sư Nguyễn Văn Lập cũng cho biết thêm, hiện nay đất đai phục vụ nhu cầu nhà ở, xây dựng công trình nhà xưởng sản xuất ngày càng thu hẹp, đất đô thị lại càng khan hiếm mà có dự án bỏ đất hoang? Đây là một nghịch lý, rõ ràng đã có đất để thực hiện dự án tại sao chủ đầu tư không triển khai?
Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nên rà soát hồ sơ toàn bộ diện tích đất 2,43 ha để xây dựng chung cư trong dự án Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trường hợp nếu chủ đầu tư để quá lâu, xem xét thu hồi lại, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có uy tín, đủ năng lực thực hiện dự án nhằm đảm bảo nguồn cung nhà ở cho trường hợp bị thu hồi đất ở Biên Hòa.