|
Ông Nguyễn Trọng Thông, nhà sáng lập Tập đoàn Hà Đô. |
|
Nhà sáng lập Hà Đô có khối tài sản gần 3.000 tỷ đồng
Mới đây, ông Nguyễn Trọng Thông đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô (HDG). Ông Thông sinh năm 1953, đến nay đã 71 tuổi, là người sáng lập và lãnh đạo của Hà Đô từ thập kỷ 90 tới nay.
Vị chủ tịch cho biết vì tuổi tác, sức khỏe và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.
Theo báo cáo quản trị, đến 31/12/2023, ông Thông sở hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG, tương ứng tỷ lệ 31,83% vốn công ty. Tạm tính theo giá cổ phiếu HDG 26/7 là 28.800 đồng/cp, khối tài sản của vị sáng lập Hà Đô vào khoảng 2.800 tỷ đồng.
Hiện tại, người sẽ thay thế ngồi ghế nóng Chủ tịch HĐQT chưa được công bố. Cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Thông có ba người con là Nguyễn Trọng Minh, Nguyễn Trọng Thùy Vân và Nguyễn Trọng Vân Hà. Trong đó, ông Nguyễn Trọng Minh đang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc tại Tập đoàn Hà Đô.
Ông Nguyễn Trọng Minh (sinh năm 1987) đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn Hà Đô như Phó trưởng phòng Tài chính, trợ lý Chủ tịch HĐQT. Trong đó, ông Minh có trình độ cử nhân Tài chính và Quản trị kinh doanh tại Đại học Hamiline – Hoa Kỳ. Ông Minh đang nắm trên hơn 650.550 cổ phiếu HDG.
|
Diễn biến cổ phiếu HDG. |
Tập đoàn Hà Đô kinh doanh ra sao dưới thời Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông?
Tập đoàn Hà Đô được thành lập vào năm 1990, tiền thân là Xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng). Ông Nguyễn Trọng Thông, như đã nói ở trên, là người đặt nền móng đầu tiên xây dựng nên Tập đoàn Hà Đô, đóng góp lớn cho sự phát triển tập đoàn từ ý tưởng cho tới chiến lược đầu tư.
Khởi thủy với mảng xây lắp, đến năm 1994, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và năm 2006 lấn sân mảng năng lượng. Năm 2021, tập đoàn thoái vốn mảng xây lắp, tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính.
Ở lĩnh vực bất động sản, Hà Đô được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án như như Hado Charm Villas quy mô 30 ha tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Centrosa Garden gần 7 ha ở quận 10 (TP HCM).
Trong các năm gần đây, dự án Hado Charm Villas là điểm nhấn sau Hado Centrosa Garden. Dự án được mở bán đầu tiên vào tháng 12/2020 và gặt hái được thành công lớn. Công ty ước tính ghi nhận doanh thu khoảng 3.500 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2023 từ dự án.
Dự án biệt thự Hado Charm Villas.
|
Sau Hado Charm Villas, tập đoàn dự định triển khai gối đầu loạt dự án cho năm 2022 trở đi như Hado Green Lande tại quận 8, Hado Minh Long tại Thủ Đức, dự án 62 Phan Đình Giót tại quận Thanh Xuân, dự án khu hỗn hợp Dịch Vọng tại quận Cầu Giấy, Noongtha Central Park thủ đô Viêng Chăn – Lào… Đồng thời, công ty cũng tập trung mở rộng quỹ đất ở các vùng có định hướng phát triển khu đô thị, khu công nghiệp của Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh giáp liền kề của 2 thành phố.
Tuy nhiên, trước diễn biến đi xuống của ngành, trong năm 2022 và 2023, tập đoàn tập trung triển khai hoàn thiện dự án Hado Charm Villas, chưa phát triển thêm được quỹ đất, chưa triển khai đầu tư quỹ đất hiện hữu và chờ thời điểm mở bán hợp lý để tối ưu hiệu quả cho các sản phẩm sẵn có.
Tính đến cuối tháng 10/2023, dự án Hado charm Villas đã hoàn thiện toàn bộ mặt ngoài của 528 sản phẩm và hoàn thiện nốt các hạng mục tiện tích, hạ tầng để đưa vào sử dụng. Đồng thời, Hà Đô trì hoãn mở bán các sản phẩm còn lại của dự án do ban lãnh đạo đánh giá thị trường bất động sản còn khó khăn, chưa phải thời điểm có thể tối ưu hóa lợi nhuận. Do vậy, doanh thu mảng bất động sản trong năm 2022 và 2023 chủ yếu đến từ bàn giao các sản phẩm đã mở bán từ 2020 – 2021 của dự án Hado Charm Villas.
Với mảng năng lượng, doanh nghiệp này có 2 dự án điện mặt trời, 1 dự án điện gió và 5 dự án thủy điệ với tổng công suất phát điện 462 MW.
Trước đây, mảng bất động sản mang lại nguồn thu chính nhưng thời gian gần đây, mảng năng lượng dần trở thành trụ cột của Hà Đô. Động lực đến từ việc liên tiếp các nhà máy điện đi vào vận hành như Hồng Phong 4, Za hưng, Nậm Pông…
Đặc biệt, năm 2021, đồng loạt 3 nhà máy năng lượng tái tạo gồm Điện gió 7A, Thủy điện Sông Tranh 4, Thủy điện Đăk Mi 2 của Hà Đô Group đưa vào vận hành. Cũng từ đây, doanh thu mảng năng lượng tăng vọt lên mức nghìn tỷ đồng năm 2021, và lần lượt đạt 2.115 tỷ và 1.939 tỷ đồng năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, sau đó, mảng năng lượng tái tạo dần bộc lộ nhiều khó khăn trong khâu đầu tư, cơ chế chính sách chưa rõ ràng nên doanh nghiệp gần như không thể triển khai thêm dự án nào từ 2022 đến nay.
Lãnh đạo Hà Đô từng đánh giá chi phí đầu tư dự án năng lượng tái tạo khá lớn, thời gian hoàn vốn dài trong khi khung giá phát điện còn thấp, chi phí sử đòn bẩy không còn rẻ khiến doanh nghiệp gặp khó khi ra quyết định đầu tư.
Mặt khác, vào cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Hà Đô có một dự án sai phạm.
Cụ thể, công ty con của Hà Đô là CTCP Hà Đô Bình Thuận, đã xây dựng nhà máy Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.
Dự án cũng vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao.
Trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm, tuy nhiên, các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019 được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).
|
Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4. |
Ách tắc ở dự án năng lượng tái tạo, tập đoàn vẫn đẩy mạnh M&A nhà máy thủy điện để thực hiện mục tiêu có 1 GW công suất phát điện đến 2030 và doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm.
Vào tháng 5/2023, tập đoàn thông qua đơn vị thành viên – CTCP Za Hưng nhận chuyển nhượng 99% vốn CTCP Đầu tư Xây dựng thủy điện Sơn Linh. Đây là chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Sơn Nham (6,8 MW) và Sơn Linh (7 MW) tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi chuyển nhượng, công suất 2 nhà máy dự kiến được nâng lên tổng 24 MW, trong đó Sơn Nham (9 MW) và Sơn Linh (15 MW).
Cho đến hết quý III/2023, doanh nghiệp cho biết 2 dự án đang được cấp tập hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hoàn thiện các nghiên cứu khả thi, thiết cơ cơ sở và các hạng mục khác. Chủ đầu tư triển khai san lấp mặt bằng, thi công đường vận hành dẫn vào đập và nhà máy.
Sau hai năm ngành bất động sản đóng băng, Hà Đô quyết định đẩy mạnh phát triển mảng nhà đất quay trở lại, đặc biệt là mở rộng sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp để tạo động lực tăng trưởng mới.
Cuối tháng 1/2024, tập đoàn đã đề xuất Sở Công Thương Ninh Thuận chấp thuận cho phép nghiên cứu, khảo sát và lập quy hoạch chi tiết cho các dự án Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, mỗi cụm có quy mô khoảng 50 ha.
Ban lãnh đạo Hà Đô cũng cho biết sẽ nghiên cứu và đầu tư vào các dự án khu công nghiệp tại miền Bắc (Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh) và tiếp tục triển khai M&A các dự án bất động sản khu đô thị.
Giữa tháng 3/2024, Hà Đô đã được UBND tỉnh Kiên Giang trao biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Khu đô thị tại TP. Hà Tiên, quy mô 99 ha với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự án này có vị trí gần trung tâm TP. Hà Tiên, mặt tiền tiếp giáp Quốc lộ 80 và bờ biển dài 2 km, thuận lợi cho kinh doanh và nghỉ dưỡng.
Đối với dự án trọng điểm Hado Charm Villas tại Hà Nội, ban lãnh đạo cho biết công ty đang chờ thời điểm tốt của thị trường để mở bán nhằm tối đa hóa giá trị, nhất là khi tập đoàn không gặp áp lực về dòng tiền.
Các tổ chức tài chính đánh giá dư địa tăng trưởng giá tại dự án này còn nhiều tiềm năng trong các năm tới, khi việc phát triển mới quỹ đất cho các dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội sẽ tốn nhiều chi phí hơn do các bộ luật mới đi vào hiệu lực, và thành phố chủ yếu định hướng phát triển các dự án nhà ở cao tầng.