Cụ thể, từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh trong 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, thì khiếu nại về đất chiếm trên 60% số này.
|
Bán đảo Sơn Trà là một điểm nóng đất đai của Đà Nẵng |
Từ ngày 1.7.2014 đến 31.12.2018, trụ sở Tiếp công dân T.Ư đã tiếp 17.934 lượt công dân có khiếu nại về đất đai, chiếm 62,2% tổng số công dân; xử lý 15.015 đơn khiếu nại đủ điều kiện, trong đó có 10.834 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 72%.
Theo kết quả tổng hợp của ngành tài nguyên và môi trường, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà ngành nhận được đã có xu hướng giảm (năm 2014 là 14.260 đơn, năm 2015 là 13.510 đơn, năm 2016 là 12.673 đơn, năm 2017 là 13.918 đơn và năm 2018 là 13.022 đơn).
Tại Bộ Tài nguyên - Môi trường, trước năm 2014, mỗi năm Bộ nhận được 6.000 - 10.000 đơn. Từ năm 2014 đến nay đã giảm dần (năm 2014 nhận 4.021 lượt đơn, năm 2015 nhận 3.373 lượt đơn, năm 2016 nhận 3.579 lượt đơn, năm 2017 nhận 3.235 lượt đơn và năm 2018 nhận 3.059 lượt đơn). Các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu phát sinh trước khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.
Kết quả xử lý đơn thư gửi tới Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy: đơn khiếu nại về đất đai chiếm 70% (đa số do áp dụng chính sách, pháp luật đất đai trước năm 2013); trong đó khiếu nại liên quan đến quyết định thu hồi đất khoảng 26%; khiếu nại liên quan đến giá bồi thường khoảng 21%; khiếu nại liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khoảng 22%; khiếu nại liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, cho thuê đất... khoảng 1%.
Tuy vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại (trên 60%), nhưng từ sau khi luật Đất đai 2013 ra đời, số đơn khiếu nại đã giảm 38% so với giai đoạn trước; số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước giảm 58%.
Ngoài khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn… gần đây phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ...
Đã chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng
Trong giai đoạn từ khi luật Đất đai 2013 có hiệu đến hết năm 2018, ngành Thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, phát hiện sai phạm hơn 1.373 tỉ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 368 tỉ đồng, 9.022 ha đất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 1.004 tỉ đồng, 31.163 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, trong đó: đã ban hành 14 kết luận thanh tra; 7 cuộc thanh tra đang xây dựng báo cáo và hoàn thiện kết luận. Qua 14 kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị với số tiền gần 3.685 tỉ đồng, 19.297 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 3.151 tỉ đồng, 13.231 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 534 tỉ đồng, 6.067 ha đất. Ngoài xử lý về mặt tài sản, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân có liên quan, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ (liên quan đến chuyển nhượng 10 cơ sở đất tại Đà Nẵng, đều có liên quan đến Vũ "nhôm").
Ngoài ra, các cơ quan hành chính nhà nước cũng đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 1.398 tỉ đồng, 772 ha đất; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 1.538 người (đã xử lý 1.180 người), chuyển cơ quan điều tra 40 vụ, 36 đối tượng