30/4 trong ký ức những người trẻ sinh sau năm 1975
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ. Với những người trẻ sinh sau năm 1975, 30/4 vẫn là một dấu mốc thiêng liêng, như một nhịp đập âm thầm trong lòng dân tộc.
Những ký ức không tự nhiên mà có
Sinh ra trong hòa bình, thế hệ sau năm 1975 đón nhận ký ức về 30/4 không phải bằng đôi mắt chứng kiến, mà bằng trái tim thấu cảm.
Đó là những câu chuyện cha kể bên chén trà, những dòng nhật ký mẹ giữ trong ngăn kéo cũ, là ánh mắt xa xăm của ông khi nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay mỗi dịp lễ.
Tuyến phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội rực rỡ trong sắc đỏ của cờ và băng rôn mừng ngày 30/04. Ảnh Báo Điện tử Chính phủ
Bạn Trần Kiều Trang (sinh năm 1993) tâm sự: “Mỗi lần nghe ông kể về ngày đất nước thống nhất, tôi cảm nhận được niềm vui trong giọng nói của ông. Không cần những từ ngữ hoa mỹ, chỉ cần nhìn nụ cười lặng lẽ đó, tôi hiểu thế nào là hạnh phúc đánh đổi bằng máu và nước mắt.”
Bạn Trần Kiều Trang, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Bạn Phương Anh (sinh năm 2001) cũng chia sẻ câu chuyện của mình: “Ông nội tôi từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Những ngày tháng Tư, ông hay ngồi trầm ngâm, kể cho tôi nghe về những đêm bom rơi đỏ rực bầu trời, cả tiểu đội phải nằm im dưới hầm, hơi thở cũng nén lại. Ông bảo, có những lần tưởng như sẽ không còn thấy bình minh.
Có trận bom ác liệt, đất đá vùi lấp miệng hầm, cả tiểu đội 20 người mà sau trận chỉ còn lại 7 người sống sót. Những khuôn mặt quen thuộc vừa hôm qua còn cười nói, phút chốc hóa thành nỗi đau không lời. Có người hy sinh mà không thể tìm thấy thi thể, chỉ còn lại chiếc mũ vải bết máu nằm chơ vơ bên hố bom.
Nghe ông kể, tôi hiểu rằng, chiến tranh không chỉ là những dòng chữ khô cứng trong sách giáo khoa, mà là máu, nước mắt, và những ký ức đau đớn đã hằn sâu trong tâm khảm mỗi người từng đi qua. Tôi hiểu, nền hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng biết bao mất mát không thể nào bù đắp.”
Ngày 30/4, với thế hệ trẻ, không phải là để kể lại nỗi đau, mà để nhắc nhớ rằng chính nhờ những đau thương, mất mát, Việt Nam hôm nay mới có thể vững bước trên con đường hòa bình và phát triển.
30/4 – Khúc tráng ca không chỉ của quá khứ
Chiến tranh kết thúc, nhưng hành trình giữ gìn độc lập, bảo vệ chủ quyền, xây dựng đất nước chưa bao giờ dừng lại. Những người trẻ sinh ra sau năm 1975 hiểu rằng, họ mang trách nhiệm tiếp nối giấc mơ dang dở của cha ông.
Đối với họ, 30/4 không chỉ nhắc về một chiến thắng, mà còn nhắc về một sứ mệnh: Tiếp tục làm cho đất nước giàu mạnh hơn, đẹp đẽ hơn.
Bạn Đinh Thế Anh (sinh năm 1994) chia sẻ:
“Tôi không phải cầm súng như thế hệ trước, nhưng tôi có thể chiến đấu bằng tri thức, sáng tạo, bằng cách bảo vệ lẽ phải, gìn giữ danh dự quốc gia trong từng công việc nhỏ bé mình làm.”
Bạn Đinh Thế Anh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Bạn Trần Văn Long (sinh năm 1990) bày tỏ:“Tôi biết ơn những người đã ngã xuống để chúng ta hôm nay có thể sống trong hòa bình. Biết ơn không chỉ bằng lời nói, mà bằng cách sống tử tế, trung thực, cống hiến hết mình cho cộng đồng.”
Trong lòng những người trẻ sinh sau năm 1975, 30/4 không phải chỉ là sự hoài niệm về quá khứ, mà còn là tiếng gọi của tương lai. Tiếng gọi ấy nhắc họ phải sống sao cho xứng đáng với những gì đã được đánh đổi bằng máu, nước mắt và hy sinh.
Có thể họ chưa từng nghe tiếng đạn pháo, chưa từng đi qua những đêm dài ác liệt, nhưng trong sâu thẳm trái tim, mỗi người trẻ Việt Nam đều đang viết tiếp khúc tráng ca của dân tộc – bằng niềm tin, bằng khát vọng, và bằng sự tử tế mỗi ngày.
Ngày hôm nay, khi nhìn lại ngày 30/4/1975, thế hệ trẻ không chỉ cúi đầu tri ân mà còn ngẩng cao đầu bước tiếp. Bởi 30/4 không khép lại trong lịch sử mà đang tiếp tục viết dài trong những công trình vươn cao, những đứa trẻ lớn lên trong yên bình, và trong mỗi nhịp đập yêu nước lặng thầm của một thế hệ mới: Thế hệ sống cho ngày mai, nhưng không bao giờ quên ngày hôm qua.
Mời quý độc giả đón xem video về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thời khắc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. (Nguồn VTV24)
Kín tour 30/4, công ty du lịch phải từ chối nhận khách
Công ty du lịch buộc phải từ chối khách khi lượng người đặt tour cho kỳ nghỉ lễ 30/4 đã kín lịch. Đây là động thái nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.
“Chúng tôi đã kín lịch phục vụ lễ 30/4. Nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin hẹn chị đặt tour sau kỳ nghỉ” - ông Nguyễn Trung Hậu - Giám đốc Haha Travel - trả lời điện thoại một khách quen của DN.
Việc từ chối khách được lý giải bởi đơn vị đã kín lịch đặt trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4-3/5). Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đại diện DN buộc phải từ chối hoặc tư vấn người dân lùi lịch đi chơi.
Cũng theo ông Hậu, các tour du lịch đang có dấu hiệu khởi sắc ở cả hai miền Bắc, Nam. Cung đường miền Bắc có Lai Châu, Sơn La, Hà Giang thu hút nhiều khách đặt. Còn điểm đến “hot” nhất khu vực phía Nam vẫn là Phú Quốc (Kiên Giang). Khoảng 25% lượng khách sử dụng tour của Haha Travel trong dịp lễ 30/4 là đi Phú Quốc.
Phó Giám đốc Khu du lịch Sunworld núi Bà Đen (Tây Ninh) - ông Nguyễn Huy Cường cho biết, đơn vị dự kiến đón tới 150.000 lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây. Đây là con số ấn tượng bởi cùng kỳ năm ngoái, khu du lịch này chỉ đón khoảng 35.000 khách. Còn trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ 10/3 âm lịch mới đây, Sunworld núi Bà Đen đã đón 80.000 khách tham quan.
Nhiều công ty du lịch đã kín lịch đặt tour cho kỳ nghì lễ 30/4-1/5 tới đây
Lữ hành Saigontourist thông tin, kỳ nghỉ tới, công ty đã có hơn 100 sản phẩm tour du lịch trong và ngoài nước, dự kiến phục vụ 30.000-35.000 lượt khách. Công ty nhận thấy, khách du lịch đặc biệt quan tâm đến các tour trọn gói nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú tại các resort cao cấp... Nhu cầu đi trong nước tăng trưởng mạnh với top 5 điểm du lịch được lựa chọn nhiều nhất là Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh).
Đại diện DN đánh giá, đây được xem là thời điểm vàng để ngành du lịch “sống lại”, cú hích nghỉ lễ đang giúp phục hồi ngành du lịch trong nước, cũng là bước chuẩn bị quan trọng đón mùa du lịch quốc tế sắp tới.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Trưởng nhóm Kinh doanh phía Nam của FLC Group Hotels & Resorts, cho rằng, Hạ Long (Quảng Ninh) đang hút khách mạnh do khả năng liên kết giữa các tuyến, tour với nhau. Chẳng hạn, khách có thể đi từ Hà Nội đến Hạ Long, sau đó đi hành hương tại Yên Tử. Đây là một trong những cung đường đẹp mà các đơn vị lữ hành khai thác.
Sau thời gian dịch Covid-19, khách sạn đã khôi phục lại tất cả các dịch vụ. Nguồn nhân lực phục vụ bằng 80% so với trước dịch và các kỳ vọng công suất phòng đạt 100% trong dịp nghỉ lễ 30/4 và nghỉ hè tới đây.
Bà Lại Thị Yên, Giám đốc Bán hàng khu vực miền Bắc Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm (đơn vị khai thác điểm đến Yên Tử), nhận xét, sau dịch Covid-19, hành vi đi du lịch và nhu cầu được nghỉ dưỡng cũng đã thay đổi nhiều. Trước kia, trong một hành trình, người dân sẽ muốn đi nhiều điểm và kết hợp hoạt động mua sắm. Hiện nay, đối với điểm đến Yên Tử, khách chú trọng những trải nghiệm thiên về việc chăm sóc, phát triển về cảm xúc chuyên sâu thông qua các hoạt động như thiền, yoga.
Dịp lễ 30/4 tới đây, cả 2 khu nghỉ dưỡng gồm 225 phòng lưu trú qua đêm của đơn vị đã 100% kín lịch đặt. Đối với lượng khách đi cáp treo, hoạt động tại điểm đến, DN ước tính đón khoảng 5.000-6.000 lượt khách đi về trong ngày.
Liên kết giữa các địa phương được đánh giá là cần thiết để làm mới các sản phẩm du lịch
Liên kết không phải anh đưa tôi 100 khách thì tôi phải trả lại 100 khách
Quảng Ninh đang được coi là một trong những điểm đến được quan tâm của người dân khu vực phía Nam, đặc biệt người dân TP.HCM. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh - ông Phạm Ngọc Thủy khẳng định, hạ tầng giao thông gần 200km đường cao tốc chạy dọc chiều dài của tỉnh, sân bay quốc tế, cảng biển hành khách quốc tế chuyên dụng đang là đòn bẩy để du lịch Quảng Ninh bứt phá thời gian qua, kéo lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương. Tỉnh mong muốn thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022, trong đó, có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhận định, ngành du lịch thời điểm này chỉ có liên kết giữa các địa phương mới có thể cung cấp những sản phẩm mới, có lợi cho người dân và công ty du lịch.
Để thúc đẩy, phục hồi hoạt động du lịch, TP.HCM đang trao đổi khách hai chiều với tỉnh Quảng Ninh. Xét về hạ tầng, điểm đến, Quảng Ninh đáp ứng hết mọi yêu cầu về các loại hình du lịch của du khách TP.HCM. Vừa có tham quan thắng cảnh, vừa có du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, khi liên kết du lịch giữa các địa phương, không nên hiểu hay đòi hỏi phải cân bằng 1-1 vì nhu cầu còn phụ thuộc vào dân số và điều kiện ở mỗi địa phương. Liên kết là để đáp ứng chính nhu đi du lịch của người dân TP.HCM, đó là điều kiện trước tiên. Ở chiều ngược lại, các địa phương cũng có mong muốn đưa người dân của họ đến với TP.HCM.
“Không nhất thiết đòi hỏi anh đưa tôi 100 khách thì chúng tôi phải đưa trả anh 100 khách. Có thể địa phương liên kết không trực tiếp đưa khách tới TP.HCM nhưng vùng đó hoặc các tỉnh lân cận sẽ có sự kết nối thông tin, giao thông từ đó người dân các địa phương khác sẽ đến với thành phố”, bà Khánh nói.
30/4 con rủ về quê, mẹ nghẹn ngào "bán hết rồi, nhà đâu mà về"
Nghĩ đến cảnh người ta có quê, có nhà để về, mình thì không, mẹ lại giấu tôi khóc.
Mấy năm nay, tôi luôn đau đáu, nhìn mẹ mà chảy nước mắt. Đêm nào ngủ tôi cũng mơ về những ngày còn bé ở quê, được nghe tiếng gà gáy sáng, tiếng ếch kêu khuya. Ở thành phố nhiều năm, cuộc sống bộn bề, tôi từng quên mất những ký ức yêu thương ấy.