Yêu phải kẻ nghiện

Khi anh sa vào con đường nghiện ngập, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc chia tay cho đến cái ngày anh trở thành một kẻ hung bạo...

Anh và tôi chia tay đã hơn ba năm nhưng tôi vẫn luôn nghĩ đến anh mỗi ngày. Làm sao xoá được ký ức về anh khi chúng tôi đã có đến bốn năm yêu đương. Tôi từng nghĩ, mình có thể vì anh mà cho đi tất cả.
Chuyện bắt đầu tồi tệ khi anh sa vào con đường nghiện ngập. Khi đó, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc chia tay cho đến cái ngày anh trở thành một kẻ hung bạo. Hôm đó, anh bóp cổ tôi đến tím tái để cố giật chìa khoá chiếc xe khỏi tay tôi. Trước khi bỏ đi, anh còn lột đôi bông tai, nhẫn, thậm chí cả vài chục ngàn sót lại trong túi tôi. Anh còn vừa chửi, vừa đấm đá túi bụi cho đến khi tôi chẳng còn biết gì. Anh đang lên cơn nghiện mà không còn một xu trong túi để mua thứ bột trắng chết người ấy.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vài tháng sau anh gọi điện, hẹn gặp để trả lại tôi những thứ đã cướp. Tôi đồng ý nhưng chọn một nơi đông người để dễ... kêu cứu. Trong quán cà phê, vừa gặp nhau chưa kịp nói gì, anh đã quỳ sụp xuống xin tôi tha thứ, bất chấp những cặp mắt xung quanh. Anh trả lại chìa khoá xe, vàng và đưa thêm cho tôi một số tiền lớn. Anh khóc, giọng nghẹn ngào hối lỗi vì đã làm tôi đau và hoảng sợ. Anh nói, không bao giờ muốn làm như thế. Lúc đó, anh chẳng còn là anh. Anh hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Quay lại với anh, tôi sẽ sung sướng và hạnh phúc.
Thật sự tôi đã mềm lòng khi nghe anh nói. Nhưng, hỏi anh có chấp nhận từ bỏ ma tuý để cùng tôi làm lại từ đầu không thì anh quanh co, im lặng. Tôi dứt khoát chia tay dù anh quỳ gối cầu xin. Về đến nhà, tôi không ngừng băn khoăn, tìm lý lẽ biện hộ cho anh. Anh vẫn luôn yêu tôi. Anh đã trả lại cho tôi thậm chí còn nhiều hơn những gì đã lấy. Anh không nghĩ đến sỹ diện mà quỳ gối xin tôi tha thứ giữa chốn đông người. Nếu tôi đồng ý quay lại, biết đâu tình yêu sẽ cảm hoá được anh. Và, tôi bắt đầu hy vọng, chờ đợi. Nhưng, anh đã không gọi cho tôi thêm lần nào nữa, bặt tin suốt ba năm liền.
Cách đây hai tháng, tình cờ tôi gặp lại anh. Anh chỉ còn lại da bọc xương, ghẻ lở khắp người. Tôi nhận ra anh ngay nhưng không dám nhìn. Hình như anh cũng thấy tôi và lờ đi, quay mặt về hướng khác. Anh đang “làm ăn”. Anh dùng thân thể tàn tạ của mình để làm mọi người thương hại hoặc khiếp sợ mà cho vài đồng bạc lẻ. Tôi bước nhanh qua, bỏ vào nón anh một số tiền không nhiều nhưng cũng đủ anh xoay xở vài ngày.
Thà tôi đừng gặp lại anh, cứ mơ mộng về một tình yêu hão. Thà tôi đừng thấy con người anh bây giờ để vẫn còn chút hy vọng từ con người cũ của anh. Tình yêu tôi dành cho anh cứ ngỡ là rất nhiều, đủ để vì anh làm tất cả, nhưng hóa ra lại không đủ lớn để thay đổi con người anh; không đủ sâu sắc để tôi can đảm bên anh vượt qua thử thách.

Quả bóng lỗi lầm

Năm tôi 12 tuổi, vì cuộc sống khó khăn nên gia đình tôi phải dọn đến sống ở căn hộ chật hẹp trong một khu chung cư cũ và nghèo nàn...

Tại đó, tôi làm quen với Don - thằng bé sống cạnh nhà tôi. Chúng tôi thân nhau vì cả hai cùng tuổi, cùng nghèo như nhau và cùng say mê bóng đá.
Bọn trẻ cùng xóm thường không cho chúng tôi chơi đá bóng vì hai đứa không có được một quả bóng tử tế. Chúng tôi chỉ biết đứng đằng xa nhìn bọn trẻ chơi đùa và chỉ được chơi khi bọn trẻ thiếu người, những lúc đó là khoảnh khắc vô cùng sung sướng của tôi và Don. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp vài quả bóng nằm lăn lóc bên lề đường, nhưng chúng đều đã rất cũ nát. Có lẽ ước mơ lớn nhất của tuổi thơ tôi là có được một quả bóng như ở cửa hiệu bán đồ thể thao.
"Quả bóng lỗi lầm".
"Quả bóng lỗi lầm".
Chúng tôi thường cuốc bộ đến khu trung tâm sang trọng để ngắm nhìn những quả bóng bày trong các tủ kính và tưởng tượng cảnh đến một lúc nào đó lũ bạn sẽ phải trầm trồ thán phục khi nhìn quả bóng hàng hiệu của chúng tôi. Với quả bóng đó, chắc chắn tôi sẽ ghi bàn nhanh như chớp.
 ***
Một lần, Don bàn với tôi ý định lấy cắp quả bóng. Tôi thật sự sợ hãi vì biết rằng điều này là hoàn toàn sai. Nhưng Don đã thuyết phục tôi rằng chính nó sẽ làm việc đó, còn tôi chỉ cần tìm cách đánh lạc hướng người bán hàng. Cuối cùng, tôi đành đồng ý.
Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi giả vờ quan tâm đến một chiếc áo thể thao treo ở cuối gian hàng. Khi ấy, Don mặc một chiếc áo khoác rộng, nhẹ nhàng giấu quả bóng vào dưới áo, kẹp bóng vào nách rồi bước ra khỏi cửa hiệu. Vài phút sau, tôi cũng bước ra theo. Vừa bước ra khỏi cửa, tôi nghe một giọng nói quen thuộc gọi tên mình. Tôi quay lại và thấy cô Norma, người thường cùng đến nhà thờ với gia đình tôi mỗi sáng Chủ nhật. Cô hỏi tôi đang làm gì ở cửa hiệu. Tôi vô cùng bối rối nên ấp úng không biết trả lời như thế nào. Cô nói cô đã thấy Don lấy cắp quả bóng và cô biết tôi là người tiếp tay cho Don.
Ban đầu, tôi cố biện minh cho sự vô can của mình nhưng sau đó tôi lo sợ gia đình và bạn bè biết được chuyện này. Cô Norma yêu cầu tôi gọi Don quay lại để trả quả bóng. Don đang đứng đợi tôi bên ngoài và khi nghe tôi kể lại mọi việc, Don kiên quyết không quay lại cùng tôi mà đưa tôi quả bóng. Trước khi chạy đi, Don nói, nếu muốn, tôi hãy tự mình quay lại cửa hàng đó.
Tôi bối rối cầm quả bóng quay lại chỗ cô Norma. Tôi không biết phải làm như thế nào. Tự thú một mình ư? Tôi không đủ cam đảm. Cô Norma bỗng nhiên im lặng không nói gì, chỉ nhìn thẳng vào mắt tôi, như muốn tìm kiếm biểu hiện của sự ăn năn, hối lỗi. Tôi quay đi để lảng tránh ánh mắt ấy. Cuối cùng, cô bước đến, nắm chặt tay tôi và kéo tôi vào cửa hàng. Cô trả quả bóng và xin lỗi ông chủ vì sự khờ dại của tôi. Tôi đứng bên cạnh cô mà không biết nói gì. Sau đó, cô rút ví ra và trả tiền quả bóng đó. Tôi sững người vì ngạc nhiên.
Cô trao quả bóng cho tôi rồi nghiêm khắc nói:
- Johnny, con hãy về nhà! Quả bóng này cô tặng con. Hy vọng đây lần cuối con phạm lỗi. Chuyện này chỉ
có cô và con biết thôi!
Quả thật như vậy, trong những lần đi lễ tiếp theo, tôi không thấy cô Norma nói gì với bố mẹ tôi. Cô vẫn hỏi thăm gia đình tôi và quan tâm đến việc học hành của tôi như bình thường. Tôi thầm cảm ơn cách cư xử tế nhị của cô.
Nhiều năm sau, công việc của bố mẹ tôi ngày càng ổn định, chúng tôi chuyển đến nơi ở mới. Đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ quả bóng ngày xưa. Nó luôn nhắc nhở tôi về sự bồng bột của tuổi trẻ. Nếu không có cô Norma, chắc hẳn cảm giác hối hận trong lương tâm luôn ám ảnh và dằn vặt tôi mãi.

Con... Tầm Gửi

" Nhớ ngày xưa ông bà cố gắng cho con đi học, mong con có cuộc sống ổn định, an nhàn, ai ngờ giờ nó lại đổ đốn ra, chả muốn đi làm...".

Cuối tuần vừa rồi, cả lớp đại học cũ của Thanh Tâm kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. Giữa những hồi ức thời sinh viên trong sáng, hồn nhiên là câu chuyện của những ông bà nội, ngoại với bao trăn trở về một lớp trẻ sung sướng, hưởng thụ và ít nghĩ đến người khác. Đúng lúc chuyện đến cao trào thì Thanh Tâm có điện thoại. Và thật lạ lùng, 2 cuộc liền trong buổi sáng đó cũng là 2 câu chuyện của những bà nội, ngoại đang loay hoay vì không biết làm sao giúp được các con.