Trong dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm về Điện Biên, về với Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 Điện Biên Phủ để thắp một nén tâm hương, tưởng nhớ những người con đã hóa thân vào lòng đất mẹ có một người cựu chiến binh trong bộ quân phục. Ông đứng lặng trước mộ phần Anh hùng Tô Vĩnh Diện, giọng run run đọc những vần thơ do chính mình chắp bút.

Ông là Đỗ Mạnh Hùng (quê Thạch Thất, Hà Nội), người lính năm xưa nay đã ngoài 70 tuổi. Cuộc gặp gỡ tình cờ đã mở ra một câu chuyện dài, một dòng ký ức không thể phai mờ về một thế hệ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Những vần thơ bật khóc
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết, ông cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc.
“Tôi tới Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 mà rơi nước mắt, vì nằm dưới đất là đồng đội của tôi. Thương các anh lắm, hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Họ cũng như tôi, đã ra đi chiến đấu vì quê hương không tiếc đời mình”, ông Hùng xúc động.

Bài thơ ông đọc trước mộ Anh hùng Tô Vĩnh Diện được ông ngẫu hứng sáng tác ngay trong một buổi sáng, khi chứng kiến các lực lượng luyện tập diễu binh dưới cái nắng 40 độ C của lòng chảo Điện Biên.
"Thương các anh luyện tập trời oi nắng,
Các chị, các em phụ nữ giỏi giang.
Vẫn lịch lãm tư thế vững vàng,
Chắc tay súng mừng ngày đại lễ”.
Những hình ảnh ấy gợi lại ký ức của ông về những ngày tháng đã cùng những đồng đội, những người lính trên những chặng đường hành quân gian khổ. Cũng như một sự tri ân đối với những người đã vĩnh viễn nằm xuống, hóa thân vào mảnh đất này.
Ký ức một thời hoa lửa
Ông Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ, ông lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc khi chưa tròn 18 tuổi, đang dở dang kỳ thi lên lớp 8. "Lúc bấy giờ chiến tranh chống đế quốc Mỹ khốc liệt lắm. Thầy và trò đều phải gác lại việc dạy và học, đánh giặc đã”, ông nhớ lại.

Ông thuộc đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử tại Hà Nội. Ký ức của ông về những ngày đó không chỉ có hào khí chiến thắng, mà còn là những đêm đông giá lạnh với những cơn đói cồn cào.
“Đói, rét lắm. Nhưng cũng trong gian khổ, tình đồng đội thiêng liêng hơn bao giờ hết. Một điếu thuốc cuốn chúng tôi cũng bẻ đôi chia cho nhau. Tình cảm người lính, tình đồng đội quý giá vô cùng, đến giờ vẫn in đậm trong ký ức của tôi", ông Hùng bồi hồi.
"vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng"
Khi được hỏi điều gì đã giúp những người lính trẻ như ông vượt qua gian khổ, thậm chí đối mặt với cái chết, ông Hùng đã chia sẻ, đó là nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn và sẵn sàng xả thân, hy sinh vì độc lập dân tộc.
Với ông, sự sẵn sàng hy sinh ấy đến từ một lý tưởng cao đẹp, một sự giác ngộ sâu sắc về trách nhiệm với quê hương, đất nước.

“Cũng như câu thơ của Tố Hữu: "Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng", chúng tôi sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, là người lính cầm súng bảo vệ quê hương, bảo vệ hạnh phúc cho nhân dân, cũng là cho chính bản thân và cho con cháu mình, không có gì trăn trở cả”, ông Hùng tâm sự.
Chiến tranh đã lùi xa, ông Hùng trở về, đi học và trở thành một người họa sĩ, một nhiếp ảnh gia. Nhưng những ký ức, những nỗi đau vẫn còn đó. Chính từ những mất mát không gì bù đắp nổi ấy, người cựu chiến binh Đỗ Mạnh Hùng luôn đau đáu một điều: làm sao để thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng lịch sử.
"Tôi mong các thế hệ sau luôn ghi nhớ, nhờ có sự hy sinh của biết bao người mới có nền độc lập như ngày hôm nay. Hãy sống, xây dựng đất nước làm sao để xứng với sự hy sinh đó”, ông Hùng bày tỏ.
Giữa nghĩa trang A1 chiều lặng gió, ông Hùng khẽ chắp tay trước mộ phần những người đồng đội đã không trở về. Một phút mặc niệm, không chỉ cho đồng đội ông, mà cho cả một thế hệ đã nằm xuống để "đất nước đứng lên". Nhân ngày 27/7, xin cúi đầu tri ân.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 Điện Biên Phủ được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam, đây là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong số các phần mộ trong nghĩa trang hầu hết là phần mộ của các liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi. Tại nghĩa trang A1 có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can.
Nơi đây trở thành minh chứng cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, một công trình văn hóa, lịch sử thu hút đông đảo du khách, nhân dân đến tri ân, tưởng niệm.
Vào những ngày nghỉ, ngày lễ tết trong năm thì nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các đơn vị chính quyền phương thường xuyên đến dâng hương, dâng hoa thành kính tri ân các anh hùng liệt sỹ yên nghỉ tại nơi đây. Các ngày trong tuần, Nghĩa trang mở cửa từ buổi sáng đến chiều để tiếp đón du khách trong nước và quốc tế đến viếng thăm.y tỏ lòng biết ơn thế hệ cha anh.