Người "giữ lửa" cho người thương binh "tàn nhưng không phế"

Bằng tình yêu và nghĩa tình son sắt, bà Đào Thị Thạc đã cùng chồng, một thương binh nặng, viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hơn 40 năm qua, bà Đào Thị Thạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đã sống một cuộc đời gắn chặt với người chồng thương binh nặng Lê Đức Thuận. mất 81% sức khỏe, trong đầu vẫn còn mảnh đạn, một phần xương sườn đã mất sau chiến tranh.

ba-thac.jpg
Bà Đào Thị Thạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Mai Loan.

Tình yêu của bà là minh chứng sống động nhất cho hai chữ “hậu phương” – nơi không chỉ đợi chờ, mà còn cùng chống chọi, cùng hy sinh, cùng sống tiếp phần đời của những người đã đi qua lửa đạn. Bà cùng bao người vợ như thế tựa những người lính thầm lặng trên một mặt trận khác, nơi vũ khí là tình yêu thương và lòng quả cảm.

"Tại sao không lấy người khỏe mạnh?"

Nhắc lại quyết định trọng đại của cuộc đời mình vào năm 1975, bà Thạc không giấu được nụ cười hiền hậu. Bà và ông đến với nhau không phải bằng sự mai mối hay những lời hẹn ước từ trước, mà bằng một sự "tình cờ" của số phận, để rồi đi đến một quyết định "trắc trở" trong mắt nhiều người.

“Khi chúng tôi quyết định đến với nhau, bạn bè, gia đình ai cũng ngăn cản. Họ bảo tôi: 'Tại sao lại đi lấy người thương binh mất 81% sức khỏe? Người ta còn mảnh đạn trong sọ não, về không sợ nó đánh hay nổi điên hay sao? Lúc đó, thực sự có rất nhiều thanh niên khỏe mạnh, nhưng tôi đã có quyết tâm của riêng mình”, bà Thạc nhớ lại.

Đối mặt với những lời can ngăn ấy, cô gái Đào Thị Thạc ngày đó đã có một suy nghĩ giản dị mà sâu sắc. Bà giải thích với gia đình: “Con nghĩ thế này, khi chiến tranh, bao nhiêu chị nữ thanh niên xung phong đã mất cả tuổi thanh xuân, bao nhiêu anh hùng đã hy sinh ngoài chiến trường. Các anh ấy ra đi vì đất nước, nay hòa bình lập lại, tại sao mình lại không thể làm một việc nhỏ bé như vậy?".

Lý lẽ của bà không phải là sự bồng bột của tuổi trẻ, mà là sự thấu cảm sâu sắc trước những mất mát của chiến tranh và lòng biết ơn những người đã ngã xuống. Bà coi việc đồng hành cùng một thương binh nặng không phải là gánh nặng, mà là một trách nhiệm, một vinh dự. Và rồi, đám cưới của họ đã diễn ra vào đúng năm 1975, mở ra một chặng đường mới, nơi tình yêu và nghĩa tình được thử thách và tôi luyện.

Giữ trọn lời hứa đến khi tóc bạc

Cuộc sống của một gia đình có người thương binh nặng chưa bao giờ là dễ dàng. Thế nhưng, trong ngôi nhà của bà Thạc và ông Thuận, người ta không thấy sự bi lụy, mà chỉ thấy sự nỗ lực không ngừng. Những ngày đầu, ông Thuận không khỏi mặc cảm về thương tật của mình, luôn nghĩ mình là gánh nặng cho vợ.

"Anh ấy bảo tôi: 'Thôi em lấy anh như thế này đúng là em là vất vả cả đời rồi đấy. Anh biết rằng là em cũng rất nhiều người tình đến với em, nhưng mà em lại chấp nhận anh, phải nói là anh cũng rất là cảm động”, bà xú động kể.

Trước những lời tự trách của chồng, bà đã đáp lại bằng một lời hứa son sắt, một lời hứa cho cả cuộc đời sau này của hai người. “Tôi nói với anh ấy rằng, chúng ta phải giữ trọn cái lời hứa với nhau, anh cứ yên tâm đi. Khi mà chúng ta đã xác định với nhau rồi thì chúng ta phải trọn vẹn cho đến lúc tuổi già xế chiều”, bà nghẹn ngào kể.

Lời hứa đó không phải là lời nói suông. Nó được minh chứng bằng một tổ ấm trọn vẹn với bốn người con, hai trai hai gái, lần lượt ra đời. Thấu hiểu nỗi lòng của chồng, bà lại càng thương ông hơn. Tình yêu của họ không chỉ là sự sẻ chia, mà còn là sự gánh vác những ước nguyện sâu thẳm nhất của nhau.

Việc nhà, việc nước vẹn đôi đường

Lời hứa "sống trọn vẹn" đã trở thành động lực để cả hai ông bà cùng phấn đấu. Ông Thuận, dù mang trong mình thương tật, vẫn không cho phép mình ngơi nghỉ. Thực hiện lời Bác dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", ông đã tham gia công tác tại địa phương và có đến 9 năm làm Bí thư chi bộ. Chính ông là người động viên vợ mình mạnh dạn bước ra ngoài xã hội. "Bà cứ tham gia công tác đi, cứ việc nhà, việc nước song song như thế này là tôi vui rồi”, bà Thạc tự hào nhắc lại lời chồng.

Nghe lời chồng, bà Thạc hăng hái tham gia vào công tác xã hội . Bà như con thoi, vừa quán xuyến việc nhà, chăm sóc chồng con, vừa hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Gần 20 năm làm tổ trưởng, tổ phó dân phố, tham gia Hội đồng nhân dân, rồi công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng... công việc gì bà cũng không nề hà. Hiện nay, bà đang là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hạ Đình.

Bà nói, để làm được việc xã hội, trước hết phải thu xếp ổn thỏa việc gia đình, phải có thời gian chăm lo cho chồng. “Mình phải chuẩn bị việc nhà trước xong mới đến lo việc xã hội. Nhưng tôi đều hoàn thành, vì có anh ở bên cạnh động viên, các cháu lại ngoan ngoãn, có công ăn việc làm ổn định, đó là điều tôi hạnh phúc nhất", bà chia sẻ.

Nhìn lại hành trình đã qua, bà Thạc thấy mình đã làm được một việc ý nghĩa, phần nào học theo lời Bác dạy về người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Bà hạnh phúc vì mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình, cho người lính đã hy sinh một phần máu xương cho Tổ quốc.

Câu chuyện của bà Thạc là một nốt nhạc trong trẻo và xúc động trong bản hùng ca về những người lính Cụ Hồ. Đằng sau mỗi tấm huân chương lấp lánh, là sự hy sinh thầm lặng, là tình yêu bao la và nghĩa tình son sắt của những người vợ, người mẹ nơi hậu phương. Họ đã gìn giữ ngọn lửa yêu thương, để sự hy sinh không bao giờ bị lãng quên.

“Em là đôi mắt của anh”

Trở về từ chiến trường với đôi mắt vĩnh viễn không còn ánh sáng, người lính Cao Văn Thành đã có vợ làm đôi mắt, cùng ông đi qua giông bão cuộc đời.

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, câu chuyện của thương binh nặng Cao Văn Thành và người vợ tần tảo Phan Thị Kim Song, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, như một định mệnh (2/2/1951) vẫn là một bản tình ca bất tử.

Ông, người thương binh hạng 1/4, dù không còn nhìn thấy, vẫn toát lên vẻ rắn rỏi của một người lính. Bà, với mái tóc đã điểm bạc, ngồi cạnh ông, ánh mắt luôn chan chứa một tình yêu dịu dàng. Câu chuyện của họ, được kể lại sau gần nửa thế kỷ, vẫn vẹn nguyên những cảm xúc của một thời hoa lửa.

Hoa khôi nữ lái xe Trường Sơn: Chuyện tình vượt bão lửa

Giữa khói bom đạn, bà Bùi Thị Vân cùng đồng đội đã vững tay lái qua Trường Sơn huyền thoại, vận chuyển hàng hóa, đưa thương bệnh binh, và viết nên những câu chuyện tình yêu thấm đẫm hy sinh, đẹp như đóa hoa rừng.

Bùi Thị Vân, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, đội nữ lái xe Trường Sơn từng được đồng đội coi là "hoa khôi" của binh trạm 12, Bộ Tư lệnh 559. Giữa khói bom đạn, những cô gái như bà đã vững tay lái qua Trường Sơn huyền thoại, vận chuyển hàng hóa, đưa thương bệnh binh, và viết nên những câu chuyện tình yêu thấm đẫm hy sinh, đẹp như đóa hoa rừng.
Ngồi lọt thỏm trong cabin, vẫn quyết tâm lái xe

Không có số lùi, tuổi 20 của những nữ lái xe vượt lửa Trường Sơn

Giữa mưa bom, bão đạn, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn đã hoàn thành hàng nghìn chuyến xe với hàng vạn tấn hàng hóa, vận chuyển hàng trăm ngàn lượt bộ đội và thương binh... góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Giữa tuyến lửa Trường Sơn huyền thoại, nơi "mưa bom bão đạn" tưởng chừng chỉ dành cho những tay lái gang thép, có một đơn vị đặc biệt đã đi vào lịch sử - Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh (sau là Đại đội nữ lái xe Trường Sơn C13) - đại đội nữ lái xe duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.