Chồng em là nhất!

Nhìn chồng hào hứng bảo, cũ người mới ta, có sao đâu, em biết mình có phước rất nhiều mới “sở hữu” được người chồng như thế. 

Con gái ùa ra đón, ngỡ ngàng nhìn xe của mẹ, buột miệng: “Ôi, mẹ có xe đẹp quá vậy! Mà ba mới cần mua xe mới chứ, xe mẹ còn đẹp quá trời. Xe ba cũ xì rồi!”.
Lời trẻ con vô tư, nhưng cũng đủ làm em giật mình, lúng túng. Như nhận ra vẻ... quê một cục của vợ, chồng nhẹ nhàng trả lời con: “Thì mẹ mua xe mới để chở con đi cho đẹp, đỡ mệt hơn ấy mà”.
Con gái chừng đã hiểu, không thắc mắc gì thêm, tíu tít săm soi “con ngựa” bóng loáng của mẹ. Em nhìn sang chồng, lòng thầm biết ơn.
Có khoản tiền được công ty thưởng sau một đợt vất vả, chồng khuyến khích vợ đổi xe, vì “chiếc xe em đang đi đã hơi xuống máy”, dù xe chồng thường xuyên phải sửa chữa. Anh nói: “Đàn ông đâu cần xe đẹp, nó có hỏng hóc dọc đường thì cũng dễ xử lý hơn phụ nữ chân yếu tay mềm”. Không chỉ xe, nhiều vật dụng của em đã được mua sắm tưng bừng. Đồ “phế thải” của em luôn được chồng vui vẻ sử dụng. Nhìn chồng hào hứng bảo, cũ người mới ta, có sao đâu, em biết mình có phước rất nhiều mới “sở hữu” được người chồng như thế. Tuy chồng rất ít khi mua sắm, thế nhưng lại rộng rãi “tài trợ” vợ, không mảy may tính toán.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Dù vợ đi làm cũng có thu nhập ổn định, nhưng phía nhà em còn nhiều khó khăn. Chồng chưa bao giờ hỏi vợ thu nhập bao nhiêu, đã giúp đỡ cho gia đình chồng những gì. Trái lại, chồng hay nhắc em nhớ mua sữa thường xuyên cho con thằng em kế, đừng quên đóng học phí cho bé Út, đơn thuốc của ba sắp tới hạn... Có khi, chồng âm thầm mua món này món nọ cho nhà vợ, mà cũng chẳng về kể công. Những quan tâm đó của chồng luôn làm em cảm động, xen lẫn không ít ngại ngần.
Nhớ ngày mới cưới nhau, vợ hay... bất hòa với nhà chồng. Cũng chẳng có gì, là do em nóng tính, hay nói thẳng mỗi khi không vừa lòng. Thêm cảm giác sống chung chật hẹp, ồn ào, chỉ sợ mình bị ăn hiếp, nên vợ thủ thân có phần... quá lố. Để đến một lần, em tình cờ nghe chồng đang chống chế lại những “kết tội” của người thân mình, rằng: “Vợ con chỉ vụng về ăn nói thế thôi, chứ thâm tâm là một phụ nữ rất có tâm, biết chuyện”. Chính sự bao dung đó đã giúp vợ soi lại mình, biết nhún nhường sống cho phù hợp hơn.
Bà ngoại của con gái mình có khi nói vô tư rằng, con trai hai ba đứa, nhưng có việc gì thì gọi con rể là yên tâm nhất. Bạn bè em bảo, có lẽ, chồng là người đàn ông “có một không hai” khi sẵn sàng giữ con cho vợ ra ngoài đi chơi đây đó. Thậm chí, chồng còn “xua” vợ ra khỏi nhà khi thấy vợ đi làm về căng thẳng, đêm trằn trọc khó ngủ. Cho vợ tự do đàn đúm như thế, không sợ vợ “hư”? Trả lời câu hỏi đó, có lần chồng thủng thẳng rằng: chồng luôn tin vợ, sống với nhau mà không có niềm tin, thì làm sao hạnh phúc!
Chẳng biết, bởi chồng em “lành” quá, hay bởi cái cách đối đãi thật lòng, hiếm khi nghĩ xấu cho người khác của chồng, mà em dù có đi đâu cũng muốn nhanh nhanh về nhà, chưa bao giờ manh nha ý định nhìn ngang ngó dọc. Có chồng bên đời, thật là may mắn không chỉ của riêng hai mẹ con em, mà có lẽ, là của cả gia đình bên vợ.

Cứ “lạc hậu”, chồng nhé!

Em vẫn luôn cảm thấy tự hào về anh. Mỗi buổi chiều anh vẫn vội về nhà vì sợ mẹ con em đợi. 

Anh thông báo: “Ông Thắng phòng anh mới mua ô tô”. Rồi giọng hơi chùng xuống: “Thế là thêm một người không đi xe máy nữa”. Vừa lúc đó, đứa cháu sang chơi dõng dạc tuyên bố: “Sếp cháu chính thức công khai có bồ. Cô này không đẹp lắm nhưng có vẻ sành điệu”. Rồi nó tỏ ra rất hiểu biết: “Mốt bây giờ là có vợ rồi nhưng vẫn công khai có bồ. Cháu cũng có bồ nhưng cháu chưa có vợ nên không bị gọi là theo mốt”. Chồng có vẻ ngẩn ngơ vì mình đang "không theo kịp thời cuộc".

Người ta đua nhau mua ô tô dù đường sá chật chội, giá xăng, giá gửi xe cứ tăng đều đều. Nhiều người vay mượn ngân hàng mua xe rồi thắt lưng buộc bụng trả. Người ta vẫn cứ kêu cuộc sống thật áp lực, phân bua không có thời gian cho gia đình, con cái nhưng vẫn la cà quán xá mỗi buổi chiều. Người ta có bồ mặc dù đã có vợ, thậm chí bồ họ cũng có chồng con ở nhà chờ đợi. Thời buổi này, không có xe hơi bị người ta coi là nghèo khó; không có bồ coi như mình không còn có giá “như ông này bà kia”. Tuy vậy, em vẫn luôn cảm thấy tự hào về anh. Mỗi buổi chiều anh vẫn vội về nhà vì sợ mẹ con em đợi. Anh bảo có bạn gọi đi nhậu nhưng anh thấy không đâu an tâm và đầm ấm bằng ăn ở nhà.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thu nhập của anh có thể trả góp để mua ô tô, nhưng anh bảo phải ưu tiên cho việc học của con. Bao nhiêu năm anh hài lòng với việc sáng sáng đeo ba lô lên xe buýt, ngồi nghe nhạc tới chỗ làm. Em cảm thấy yên tâm hơn về sự “ngây thơ” của anh. Đau đầu cũng chờ vợ xoa, đau bụng cũng chờ thuốc của vợ. Đã có lúc em khó chịu với cái tính “nhõng nhẽo”, nhưng em đã hiểu ra rằng, anh đang cần em. Có chuyện gì ở cơ quan anh cũng kể với em, dù có những người ở cơ quan anh, em chỉ biết tên mà không biết mặt. Anh thắc mắc: “Sao có những cặp vợ chồng không chịu nói chuyện với nhau? Không nói chuyện được với nhau đâu còn gọi là vợ chồng nữa em nhỉ?”. Những lúc như thế, em cảm thấy mình sao mà hạnh phúc thế. Em được chồng tin, chồng yêu và chồng cần.

Có thể quanh mình đang nhiều người đua theo mốt vì sợ không giống người khác. Có thể có nhiều gia đình có vợ có chồng đó mà mỗi người một nẻo. Có thể có người sẽ thấy những người không có ô tô là nghèo khổ. Có thể có người có bồ vì sợ mình không còn “ngon lành”. Muốn giống số đông, chắc cũng không khó. Nhưng, tìm sự bình yên như vợ chồng mình giữa thời nay mới khó. Em vẫn luôn tự hào vì mình là số ít. Em vẫn thích những câu chuyện “đủ thứ” của nhà mình. Có chọc ghẹo, có hài hước và có những phút giây nghiêm chỉnh. Em vẫn muốn mình sống như mình muốn, không cần màu mè, không cần bắt chước ai, chỉ cần sống cho mình. Cảm giác bình yên khiến lúc nào ta cũng muốn về nhà. Sự trung thực, chân thành và đơn giản khiến chúng mình thấy cần có nhau nhiều hơn.

Vậy nên nếu có người bảo “lạc hậu” thì anh cũng đừng bận tâm. Anh biết đấy, chúng mình vẫn hợp với sự bình yên hơn là sự ồn ào thấp thỏm của “mùa gió cuốn”. Nếu ai đó chê mình không giống họ, anh cứ yên tâm nhé. Vì họ muốn giống mình cũng không phải dễ. Em cảm ơn chồng và cứ mong chồng mãi vậy thôi!

Một người chồng tốt

Một người chồng yêu vợ bằng hành động chứ không qua lời nói đơn thuần...

Em nói với anh: "Hôm nay quét cầu thang, suýt chút nữa thì em ngã". Cứ ngỡ rằng anh sẽ an ủi em rằng: "Em yêu, phải cẩn thận một chút chứ!". Nhưng anh lại nói: "Em quét chậm thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra".

Em cảm thấy bị tổn thương. Anh không yêu em, không quan tâm tới em chút nào.

Sau này, em phát hiện ra cầu thang nhà mình luôn sạch sẽ, em không còn phải quét nữa. Và mỗi ngày quỹ thời gian bận rộn của anh lại mất thêm 5 phút...

Em nói với anh: "Xe của em bị hỏng, em phải đi ô tô bus nửa tiếng mới về được đến nhà". Em nghĩ, anh sẽ nói: "Sao không gọi anh đến đón? Em có mệt lắm không?". Nhưng anh lại nói: "Thế cũng hay, em có cơ hội giảm eo thêm một chút".

Em rất giận, thấy anh không yêu em, không quan tâm tới em.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hôm sau em phát hiện thấy anh để lại chìa khoá xe của anh trên bàn. Anh đã đến cơ quan bằng xe bus và để lại lời nhắn: "Anh sẽ mang xe của em đi sửa". Anh còn chuẩn bị cho em rất nhiều đồ ăn sáng.

Em nói với anh: "Em muốn đi du lịch, tới Hà Lan chẳng hạn… ngắm biển hoa rực rỡ". Em nghĩ, anh sẽ quan tâm tới em và bảo: "Chúng ta cùng lên kế hoạch nhé!". Cho dù phô trương vài câu tốt, song rốt cuộc anh bảo: "Rõ chán, sao lại tiêu khoản tiền lớn cho một việc vô vị như thế nhỉ?".

Em giận lắm. Rõ là anh không yêu em, không hiểu em.

Sau này, em phát hiện một tập tranh, ảnh, bài báo viết về các loài hoa ở trong nước cũng như trên thế giới được anh sưu tầm và để ở bàn làm việc của em. Mỗi bức ảnh, bài báo đều có bút tích của anh ghi lại tên loài hoa và xuất xứ của nó.

Em nói với anh: "Em đi với bạn, tối sẽ về muộn". Em cứ cho rằng anh sẽ quan tâm, hỏi xem em đi với ai, mấy giờ em về. Nhưng anh bảo: "Tuỳ em, miễn em thấy vui là được".

Em rất buồn. Thấy rằng anh không còn yêu em, không quan tâm tới em.

Tối đó, em giận dỗi đi đến ba giờ sáng mới về nhà. Em thấy dáng anh ngồi ngủ gật ở trên ghế phòng khách đợi em.

Em nói với anh: "Ngày trong tháng của em đến rồi, em đau bụng quá!". Em nghĩ rằng anh sẽ an ủi em: "Em cố chịu đựng một chút, một ngày sẽ chóng qua thôi". Nhưng anh bảo: "Phụ nữ thật phiền phức".

Em đau lòng, thấy anh không yêu em, không thương em.

Sau này, trong tủ lạnh của chúng ta chứa rất nhiều sôcôla và đậu đỏ, đều là những thứ anh mua song anh mãi không ăn. Một tháng qua đi. Một tuần trước và sau "ngày ấy" của em, anh đều nấu canh đậu đỏ.

Em nói với anh: "Em rất vui mừng được lấy anh, một người chồng tốt". Em cũng nghĩ rằng anh sẽ vui mừng trả lời em: "Anh cũng cảm thấy như vậy. Em là người vợ tốt nhất". Song anh bảo: "Lấy thì cũng đã lấy rồi, cố mà cư xử tốt với nhau".

Em giận lắm. Anh không yêu em, anh không hiểu em.

Sau này vô tình em phát hiện, trước khi đi ngủ, anh dùng giấy ăn lau chùi bức ảnh cưới ở đầu giường ngủ, sau đó anh ngắm nhìn và mỉm cười rất lâu.

Đừng quá yêu chồng mà quên mất mình!

Phụ nữ càng hy sinh, càng nhường nhịn, đàn ông càng lấn tới. Bài học “xương máu” ấy, chị thuộc nằm lòng, quyết không để dính vết xe đổ.

15 tuổi, chị nghe ba có bồ. Mẹ không làm ầm ĩ nhưng dằn vặt, đau khổ. Mẹ, người phụ nữ một thời xuân sắc, giờ xơ xác, héo úa. Mẹ cả đời lo toan cho chồng con, nhưng lại bị phản bội. Trong đầu chị lờ mờ hình thành nên một ý nghĩ nào đó, khác với những gì người ta vẫn ca ngợi về sự hy sinh của người phụ nữ.

Đến khi chị Hai có chồng, rồi anh rể cũng có bồ lúc chị Hai xuống sắc, thì chị “sáng” ra một điều, đó là chị Hai cũng như mẹ, chẳng chịu lo cho mình nên mới ra nông nỗi. Vì thế, chị nghĩ mình phải tự thương lấy mình. Mình mà không thương mình thì chẳng ai thương mình cả. Chẳng riêng gì mẹ hay chị Hai, cứ nhìn mấy đứa bạn thân và chị em phụ nữ xung quanh, hay những câu chuyện trên phim, trên báo là thấy ngay. Đừng quá yêu chồng mà quên mất mình!

Mấy cô bạn thân bị chồng phản bội từng cay đắng truyền "kinh nghiệm": đàn ông họ bạc bẽo lắm. Phụ nữ càng hy sinh, càng nhường nhịn, đàn ông càng lấn tới. Bài học “xương máu” ấy, chị thuộc nằm lòng, quyết không để dính vết xe đổ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị chọn chồng bằng lý trí, vì sợ lấy người mình yêu dễ sinh mù quáng. Cân đong đo đếm mãi chị mới chấm được anh. Dù không học cao như chị nhưng anh có garage xe hơi, làm ăn khấm khá. Chị nghĩ đàn ông mà học cao thì sự lừa dối càng tinh vi. Chị có chồng, mẹ thở phào như trút được gánh nặng. Chị từng bảo: có chồng sớm như lũ bạn làm sao đủ chín chắn mà biết... thương mình.

Ý nghĩ phải thương lấy mình ăn sâu vào tâm thức như một “triết lý” sống của chị. Mình không thương mình thì làm sao có đủ sức mà thương người khác? Thương mình cũng chính là thương con, là vun đắp cho “tổ ấm” của mình được bền vững.

Sinh con được hai tháng, chị kiên quyết dứt sữa sớm. Dù ai cũng bảo sữa mẹ là tốt nhất nhưng chị vẫn khăng khăng cho uống sữa ngoại nhập để bé khỏe mạnh, thông minh hơn. Thực ra, chẳng phải chị không biết sữa mẹ tốt, hay quá bảo thủ mà còn vì một nguyên nhân khác, đó là bởi chị lo “vòng 1” xuống cấp, chồng ra ngoài nhìn mấy cô gái trẻ mà mắt cứ hau háu thì sao chị chịu được.

Chăm sóc con cái, thức đêm thức hôm, quán xuyến nhà cửa... anh “tự giác” chia sẻ với vợ. Nhờ chồng giỏi giang lại biết lo xa nên chị khá thảnh thơi. Ở cơ quan, mấy cậu trai trẻ cứ tấm tắc khen chị vẻ đầy ngưỡng mộ. Có cậu còn bảo: “Phải chi vợ em cũng được như chị! Hôm nào chị tư vấn giúp vợ em”. Chị liếc đôi mắt lá răm bén ngọt: “Nói cho cố, vợ nghe được lại ăn đòn!”. Cậu ấy đẩy xa hơn, nửa đùa nửa thật: “Vợ em mà được như chị, em cưng hết biết!”. Câu nói của cậu làm chị đỏ mặt nhưng trong lòng thấy vui. Chị càng tâm đắc về bài học “thương mình”.

Niềm vui của chị là khi tung tăng mua sắm, cùng bạn bè đổ mồ hôi trong phòng tập yoga, được thư giãn trong spa… và nhất là khi được ngắm mình trong gương, để thấy mình như ngày càng trẻ đẹp hơn. Và đặc biệt là khi được nghe những lời trầm trồ, có cánh.

Chị cứ yêu đời một cách vô tư lự như thế mà đâu để ý, chồng mình đang lặng lẽ, miệt mài với trách nhiệm “trụ cột”, ổn định kinh tế gia đình trong thời buổi đầy rẫy khó khăn, còn kiêm thêm việc chia sẻ mọi chuyện lớn nhỏ khác với vợ. Chị không nhận ra anh ngày càng mệt mỏi và trở nên ít nói. Cũng không nhận ra, đã từ lâu mình quá thờ ơ với gia đình nhỏ của mình. Con gái đi học về là rút vào thế giới của riêng nó. Những bữa cơm qua quýt, đơn giản dần vì ít được “đầu tư”. Giải thích điều này, chị bảo: “Thời buổi này ăn uống nhiều chỉ tổ bệnh. Cứ đơn giản cho nó lành”.

Một hôm, anh bảo cần bàn bạc chuyện quan trọng gì đó với chị. Đúng lúc chị đang vội, liếc nhìn vẻ mặt khắc khổ đầy lo âu của anh, chị cười dí dỏm: “Có gì mà nghiêm trọng vậy anh? Ngoài “sự chết” thì đâu có gì đáng phải lo sợ. Cứ làm quan trọng hóa mọi chuyện chỉ già người đi thôi anh à!”. Anh sững nhìn chị rồi lẩm bẩm như chỉ nói với mình: “Ừ… Chẳng có gì là... quan trọng hết!”.

Chưa đầy hai tháng sau, vào một ngày chị đang cất tiếng hát oanh vàng trong phòng karaoke cùng mấy cô bạn thì nhận được tin chồng đang phải cấp cứu. Chị hoảng hốt thật sự khi bác sĩ bảo anh bị ung thư giai đoạn cuối. Đất trời chao đảo, lâu nay anh như cây tùng, cây bách vững chãi cho chị yên tâm, thoải mái tựa vào. Nhưng bây giờ, chị biết sẽ ra sao?