Vực xoáy

Mẫn vui lòng chăm sóc những ngày cuối đời của chồng như không hề có chuyện từng bị anh phản bội.

Gia đình anh Bổng, chị Mẫn sống nghề buôn thúng bán bưng, nuôi 2 đứa con lít nhít chênh nhau một chút chỏm đầu trong cái chòi canh rẫy xiêu vẹo. Rồi bỗng dưng, anh Bổng trúng số độc đắc đến vài tỉ đồng khiến anh sốc đến.. phát sốt.
Biết tính chồng tốt bụng nhưng suy nghĩ nông cạn, thích huyênh hoang, chưa từng biết cách sử dụng đồng tiền cho hợp lý nên khi lấy tiền về, chị Mẫn lo tìm mối lái mua kỳ được căn nhà lầu ngoài mặt đường thị xã cho các con thoát cảnh lều tranh giột nát. Cũng nhân cơ hội này, chị cất giấu được mấy cây vàng phòng lúc gia đình gặp cơ đen vận túng.
Từ ngày trúng số, lúc nào Bổng cũng mở tiệc linh đình, đãi mấy gã vô công rồi nghề. Được ăn, được nói, được gói mang về sau mỗi lần nhậu, vài gã chở hon đa ôm còn khéo uốn lưỡi tôn vinh Bổng lên “Mạnh Thường Quân” của thế kỷ, được Bổng cho vay tiền sắm xe tay ga đời mới làm kỷ niệm. Có bữa, anh còn lên bệnh viện huyện tài trợ kinh phí cho những ca phẫu thuật mà không cho bất cứ ai biết tên mình. Anh không như nhiều kẻ bỏ chút tiền bố thí lại làm rùm beng dư luận chỉ để mua danh.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong số những bệnh nhân được Bổng tài trợ, có một bệnh nhân tên Vũ Lộc phải cấp cứu mổ ruột thừa đang lúc trên đường đi công tác, người nhà chưa kịp đến đóng viện phí. Vốn là người giàu có, do tính hiếu kỳ, sau khi xuất viện, đã điều tra được danh tính, nơi ở của nhà hảo tâm Trần Bổng. Từ ấy, người “thi ân bất cầu báo”, kẻ “thụ ân bất khả vong” trở thành đôi bạn tâm giao. Bổng được Lộc dẫn tới các nhà hàng cao cấp, đi du lịch những danh lam thắng cảnh. Những món ăn sơn hào hải vị, men kích thích từ những chai rượu ngoại hảo hạng, rồi cả các em chân dài lúc nào cũng nũng nịu chuốc rượu vây quanh khiến thân thể Bổng rạo rực một cảm giác lạ như thuở mới dậy thì. Bổng theo Lộc tận hưởng lạc thú nơi tiệm xoa bóp xông hơi, những cuộc vui tàn canh chốn quán bar, đèn mờ...
Thế rồi Bổng bị ánh mắt phong tình như chớp lửa địa ngục của Loan - cô gái chân dài trong một quán cà phê ôm thiêu cháy con tim. Những đêm say mùi men rượu ngoại, được người đẹp chăm sóc thân xác, Bổng như lạc vào chốn thiên thai ái tình. Rồi Loan cố tình có thai để trói buộc Bổng cùng đống tài sản kếch xù của nah. Trước áp lực, sự quyến rũ và mưu đồ của Loan, Bổng đã ly dị vợ, mơ vào miền cực lạc chốn trần gian với người đẹp.
Đời vốn không như là mơ, vào một buổi chiều định mệnh, Bổng bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, phải tiếp nhận thức ăn bằng dây dẫn vào dạ dày. Loan kiếm một người chăm sóc bổng, còn cô bỏ đi biền biệt với những người tình mới. Rồi một ngày, theo hợp đồng với Loan, người tài xế lạ mặt đã vực Bổng dậy đặt vào taxi chở về căn nhà nơi vợ con anh ở thị xã, nhằm vào lúc vợ cũ về thăm quê, hai đứa con anh đi học chưa về.
Bổng chưa làm hôn thú, cửa nhà lại đứng tên Loan, vì trước đây Bổng sợ những đứa con tranh chấp quyền thừa kế. Vô tình Loan có cơ may đẩy anh ra khỏi nhà rồi chiếm đoạt tài sản như hợp pháp. Mẫn hiểu điều này nhưng vì tình nghĩa bao năm gắn bó ngày xưa, vì những đứa con, Mẫn vui lòng chăm sóc những ngày cuối đời của chồng như không hề có chuyện từng bị anh phản bội.
Cặp mắt quầng sâu của Bổng bỗng sáng lên như tia nắng chiều chói chang khi trời sắp đổ mưa, lóng lánh 2 giọt nước bên khóe bờ mi. Linh cảm phút giờ vĩnh biệt, siết chặt bàn tay lạnh giá của chồng, như an ủi chính mình, Mẫn nức nở: “Cuộc đời là chặng đường đầy chông gai cạm bẫy, không ai có quyền chấp nhặt bước đi trượt ngã của con người. Anh hãy ra đi thanh thản như một linh hồn thánh thiện. Các con không về kịp gặp anh lần cuối. Anh hãy mừng cho chúng nó không phải có giây phút này quá sớm trong đời. Em sẽ nuôi chúng nó nên người bù cho sự vắng mặt của anh.”
Đôi tay bại liệt của Bổng như có phép thần, đủ sức nâng bàn tay nhỏ ấm áp của Mẫn lên, anh đặt vào đó nụ hôn trước khi về cõi vĩnh hằng. Ánh mắt nhìn vợ lần cuối như thay cho lời chân thật: “Cảm ơn em! Anh đã được sống như một người hạnh phúc!”

Lãng mạn thời hôn nhân

Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Sinh nhật vợ, chồng vẫn không có biểu hiện gì khác lạ. Tối, chồng bảo vợ ngồi lên xe, chở đến một shop quần áo. Sau một lúc ngắm nghía, chồng nháy mắt với vợ rồi chỉ vào chiếc váy hoa điệu đà mà vợ đã ao ước bấy lâu. Quà sinh nhật của chồng bao nhiêu năm vẫn vậy: không bất ngờ, không cầu kỳ, không lời có cánh nào được “đính kèm”. Vậy mà, trong mắt vợ, chồng luôn là người lãng mạn.

Nhiều người ngần ngại hôn nhân vì mường tượng ra thời kỳ kinh khủng của hậu hôn nhân. Chồng luôn nhấn giọng: “Chẳng có lãng mạn cho vợ đằng sau tiếng con khóc, nợ đòi đâu!”. Đúng là không hoa hồng, không lời có cánh, không cà phê, xinê… Thời gian càng trôi, sự lãng mạn càng bị những gót chân bươn chải bỏ quên một cách vô tình. Nhưng bù lại, vẫn có những điều lãng mạn khác mà thời yêu nhau chưa bao giờ có được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Như chuyện hôm sinh nhật. Cái váy đó vợ đã ngắm nghía mấy tháng trời nhưng không dám mua vì quá đắt. Tiền học cho thằng cu lớn, tiền sữa cho thằng cu nhỏ, tiền ăn, tiền điện… rồi bao nhiêu thứ phải chi trả cứ bủa vây, ngăn không cho vợ phung phí. Thẻ lương của chồng, vợ giữ. Những khoản chi tiêu bên ngoài chồng tự xoay xở với tiền thưởng hàng quý của công ty. Eo hẹp là thế mà chồng vẫn dành dụm để mua váy tặng vợ (lại biết đúng cửa hàng và cái váy vợ “nhắm”), đó chẳng phải là lãng mạn sao?

Điểm lại, sau mấy năm làm vợ chồng, những cái nắm tay của chúng mình thưa thớt hẳn. Những buổi hẹn hò, cà phê bị vợ đưa vào danh sách những “trò tiêu khiển” xa xỉ. Những tin nhắn nhớ thương lùi vào… thời xa vắng. Biết bao nhiêu thứ “có” bị biến thành “không” từ ngày mình trở thành vợ chồng. Nói vậy mà không phải vậy, vợ chồng vẫn có những giây phút lãng mạn tuyệt vời mà ngày xưa chưa bao giờ được hưởng. Như cái hồi biết vợ có thai, chồng nhảy lên sung sướng, ôm vợ xoay mấy vòng rồi hốt hoảng dừng lại vì sợ đứa con trong bụng… chóng mặt. Đêm nào chồng cũng nằm áp tai lên bụng vợ, thầm thì nói chuyện với con. Chồng còn xung phong làm việc nhà, thỉnh thoảng đi chợ và làm “đạo diễn” nhà bếp cho vợ được nghỉ ngơi. Hay đơn giản hơn, dù bận rộn đến mấy thì mỗi sáng chồng đều dắt xe ra khỏi cổng giúp vợ. Chồng bảo, làm thế để vợ có động lực thắt cà vạt mỗi sáng cho chồng.

Khi vợ bị cảm, chồng không cuống cuồng hỏi han như thời đang yêu nữa mà thay vào đó, chồng nhìn vợ một cách nghiêm khắc rồi “phán”: “Sao em chủ quan với sức khỏe của mình thế? Mưa mặc mưa, nắng mặc nắng, người chứ có phải sắt đá gì mà không đổ bệnh”. Rồi cứ để cho vợ khóc sụt sùi vì tủi thân, chồng xách xe ra khỏi nhà, trở về với mấy vỉ thuốc cảm trên tay. Có hôm, chồng một mình hì hụi xây lại góc nhỏ trước thềm nhà. Thấy chồng mồ hôi nhễ nhại, vợ chạy ra toan bưng gạch, dọn rác phụ thì bị la té tát. Vợ thoáng buồn, chẳng lẽ chia sẻ công việc với chồng là sai? Chồng không an ủi, không thừa nhận mình quá đáng mà chỉ buông một câu: “Việc này cứ để anh lo, lỡ anh ốm còn có người lo cho anh chứ. Không phải việc gì em giúp anh cũng thấy vui đâu”. Lãng mạn thời vợ chồng đúng là có khác.

Là vợ chồng, biết hết tật xấu của nhau rồi nên “cuốn cẩm nang” mang tên “tốt khoe, xấu che” gần như bị vứt vào sọt rác. Thế là, bao nhiêu cái xấu được phô ra một cách tự nhiên, đôi khi thái quá. Ấy vậy mà những tật xấu ấy lắm lúc mang lại tiếng cười rộn rã trong căn nhà nhỏ và được vợ thay cho cái tên mỹ miều là “lãng mạn kiểu… chồng”.

Không còn như thời son trẻ, vợ dễ dãi hơn với nhu cầu làm đẹp của bản thân. Có gì mặc đó, ra ngoài cũng khoác vội mấy thứ quần áo đơn giản cho thoải mái. Đôi lúc chồng nhăn mặt góp ý. Vốn biết tiếp thu, vợ lấy lại phong độ cái thời “điểm phấn thoa son”, dù dáng dấp đã không còn như thuở hoàng kim. Hôm vợ chồng rủ nhau đi ăn cưới đứa em họ, vợ xúng xính trong chiếc váy maxi màu kem mềm mại. Mới bước xuống nửa cầu thang đã thấy cả chồng lẫn con nhìn lên vẻ… phấn khởi. Không cần những lời khen ngợi ngọt như đường phèn thuở đang yêu, chỉ cần cái nhìn ấy thôi là đủ cho vợ ngất ngây hạnh phúc. Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Thời đang yêu, nào là “nếu có tiền anh sẽ đưa em lên mặt trăng”, nào là “mình sẽ sống trong một ngôi nhà hạnh phúc và có một đàn con nhỏ thật dễ thương”, hay sướt mướt hơn “sau này lấy nhau, mỗi sáng đi làm mình sẽ hôn nhau để chào tạm biệt và không quên nói lời yêu thương”… Đến khi thành đôi, mình cũng giống như nhiều cặp vợ chồng khác phải đối mặt với những vấn đề lớn như nuôi con, có nhà thành phố… Thực tế cuộc sống khiến vợ chồng mình lao vào làm việc cật lực. Lãng mạn của ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là ánh mắt sung sướng nhìn nhau khi dành dụm đủ tiền mua cái tủ lạnh, cái máy giặt hay đơn giản chỉ là sắm được chiếc nôi cho con. Nhớ nhất là khoảnh khắc mình ôm chặt lấy nhau, nước mắt ràn rụa khi cầm trong tay sổ đỏ của một miếng đất nhỏ vùng ven.

Vợ gọi đó là lãng mạn của thời hôn nhân.

Chuyện lạ, mai mối cho tình cũ

Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. 

“Thằng đó cái gì cũng được, chỉ tội rượu chè bê tha quá, lấy nó về sau này con sẽ khổ”. Khi nghe em thuật lại lời nói của cha, anh rất tự ái.

Lúc đó anh nghĩ, đó chẳng qua chỉ là một sự từ chối khéo chứ cái chuyện rượu chè thì thằng đàn ông nào chẳng mắc phải? Hơn nữa, anh chỉ xỉn có 2 lần khi đến nhà em chứ có nhiều lắm đâu mà bảo bê tha?

Nhớ hồi đó khi anh nói chia tay, em đã khóc rất nhiều. Em bảo rằng anh không thương em, cha nói vậy chớ đâu có cấm cản hai đứa tiếp tục yêu thương, tìm hiểu. Nếu thật lòng với em, anh có thể sửa đổi, thậm chí chỉ cần anh không xỉn khi đến nhà em, còn những lúc khác thì sao cũng được. Thế nhưng, anh không nghe vì lòng anh đã quyết.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Xa em, anh mới thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa. Chẳng còn ai mong ngóng, nhắn tin, gọi điện, chúc anh ngủ ngon... Chẳng còn ai tươi cười xuất hiện đúng lúc anh đang đói khát, mệt lả vì công việc đến nỗi không dứt ra được để kiếm cái gì bỏ bụng. Không có em, cuộc sống với anh như ngừng lại. Và anh lại chìm trong rượu khi biết tin em đã lấy một người khác.

Cho đến ngày có một cô gái khác đột ngột xuất hiện trước anh. Người đó đã mang lại cho anh sinh khí mới, đã vực anh dậy từ vũng lầy bê tha rượu chè, đã thật lòng yêu anh và cảm hóa con người anh. Người ấy đã mang hạnh phúc đến cho anh như em đã từng.

Tưởng như vậy thì cuộc sống cũng đã có hậu lắm rồi. Vậy mà giờ đây, anh tình cờ biết được một điều diệu kỳ khác của tình yêu, tình người. Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. Cảm ơn em, người đã “mai mối” cho nhân duyên, hạnh phúc của anh bây giờ. Thế mới biết có những tình yêu vẫn sống mãi ngay cả khi người ta không còn đi chung một con đường. Một lần nữa, cảm ơn em...

Cơn gió mát lành

Chị cười mà nước mắt như mưa. Dễ gì chị nhận được phần của cha chồng, nhưng câu nói ghi nhận ân tình lại như một cơn gió mát lành. 

Nhà chồng chị rất nghèo, gọi là nhà nhưng chỉ là một túp lều, diện tích đủ kê một cái giường đơn cho người cha phải nằm một chỗ sau tai biến, và một cái giường đôi cho hai anh em ngủ chung. Trường học cách nhà chục cây số, hai anh em sáng sớm nhịn đói chở nhau trên chiếc xe đạp đi học, trưa về vội cất sách vở chạy từ đầu làng đến cuối xóm tìm việc xin làm thuê.

Chồng chị không được thông minh như em trai nên học xong chương trình phổ thông ở mức trung bình thì anh đi làm thuê, tự nguyện gánh vác việc kiếm tiền và chăm sóc cha cho em trai học hành. Chị quen anh trong một mùa thu hoạch cà phê, khi hai người cùng hái thuê cho một chủ rẫy. Nghe anh tâm sự chuyện nhà và ước mong kiếm tiền thay túp lều 20m2 bằng tường gạch để trời mưa bão không sợ bị gió thổi bay, chị thương.

20m2 tường gạch mọc lên trước ngày cưới gần như hoàn toàn là công sức của chị, vì tiền anh làm ra phải chi tiêu cho bệnh tật của cha.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hai đứa con lần lượt ra đời, làm thuê theo ngày chẳng dành dụm được gì, anh theo bạn bè đi làm thợ công trình, cơm chủ nuôi, lương cuối tháng lãnh một cục. Anh tính toán, cuối năm dư được chừng này, chịu khó vài ba năm thì được chừng này... Cũng đáng với cái giá phải xa vợ con. Chỉ tội cho chị phải gồng gánh mọi chi tiêu hàng ngày và cũng vì vậy mà em trai dở dang giấc mộng giảng đường, phải ở nhà chăm sóc cha.

Nhưng, cuộc sống xa nhà còn có những cái giá khác mà chỉ người trong cuộc mới thấm. Tiền lương của anh tan biến dần theo những cuộc vui quán xá mà những lúc tỉnh ra, sự nuối tiếc đã khiến anh lao vào cờ bạc để gỡ gạc. Càng gỡ càng thua, càng thua càng sinh đủ chuyện…

Vợ chồng đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng thì tin đứa em trai sau ba năm nghỉ học vì cảnh nhà nay đã thi đậu trường y như một cơn gió mát lành. Cần có người chăm sóc cha cho em đi học, một lý do quá chính đáng để chị kéo anh về.

Anh từ bỏ cuộc sống công trình nay đây mai đó, bắt đầu lại như xưa là đi làm thuê theo thời vụ, chị thì vẫn tận dụng đất trống quanh túp lều để trồng rau, nuôi gà, mua bán lặt vặt quanh xóm. Chị tằn tiện, chắt bóp… Rồi, chị khóc ngất khi cái lon đựng tiền chỉ hai vợ chồng biết chỗ cất giấu không cánh mà bay. Anh lại lao vào cờ bạc để mau có tiền, hậu quả là thua sạch.

Giữa lúc thấy đời mình thật mịt mù thì thư em chồng gửi về một lần nữa lại như làn gió mát lành. Em chồng được cấp học bổng, sau đó còn có thêm tài trợ của một doanh nghiệp, em tính toán: tiết kiệm mỗi tháng được 500.000đ gửi về phụ chị chăm sóc cha. Em chồng biết anh mình hư nên cẩn thận dặn dò số tiền đó chị đừng nói cho anh biết.

Sự tin cậy của em chồng giúp chị vượt qua nỗi buồn tủi. Chị lau nước mắt, nhất định không phụ lòng tin của chú nó. Đến bữa, chị nấu riêng đĩa thức ăn ngon cho cha chồng, nhìn cháu thèm thuồng, ông nội chỉ khều khều vài miếng rồi bảo con dâu gắp hết vào chén của mấy đứa cháu. Thấy ông nhường cho cháu nội mà chị vui đến chảy nước mắt. Lại thấy cuộc đời không đến nỗi nào, lại thấy như được phục hồi sức lực để tiếp tục bươn chải. Tối, chồng nhậu say về lè nhè gây sự với vợ, hỗn láo với cha, chị thầm thì dạy con “mai mốt lớn lên đừng bắt chước cha, hãy noi gương chú”. Cha chồng bất lực chỉ biết ngồi lặng nghe con trai nhiếc móc mà chẳng thể làm được gì. Chị an ủi ông bằng cách biết tờ báo nào có bài viết khen ngợi em chồng hiếu học vượt khó là tìm mua đem về cho cha chồng đọc, rồi xếp lại thẳng thớm đặt dưới gối của ông. Những khi thấy chị cực quá, ông lại an ủi chị là trời có mắt, bây đừng buồn nhiều, khi nào em học thành tài, thế nào cũng bù đắp cho bây và mấy đứa nhỏ.

Chị kể cho các con nghe về chú như chuyện cổ tích về chàng trai nghèo ham học và hiếu thảo. Chị truyền cho hai đứa con niềm nể phục của mình đối với em chồng và cả niềm hy vọng thầm kín về tương lai con mình sẽ được người chú thành đạt dìu dắt.

Bảy năm trôi qua, em chồng tốt nghiệp loại giỏi, được một bệnh viện tư ở thành phố mời làm việc. Chàng trai nhà quê ngày nào đã trở thành người đàn ông chững chạc khác xa lời kể chuyện hàng đêm của mẹ, khiến hai đứa con của chị hít hà ngạc nhiên trước người chú thần tượng. Hàng xóm trầm trồ khen ngợi, chị thì rất tự hào được là chị dâu của một bác sĩ.

Em chồng nói sẽ cưới vợ ở thành phố, mua căn hộ chung cư trả góp để đón cha về. Làng xóm khen người cha có phước, bệnh tật mà được có con là bác sĩ chăm sóc thì còn gì bằng. Chị thì phập phồng chờ đợi em chồng bàn chuyện chia thừa kế sau khi đưa cha đi. Mảnh đất bèo bọt đã trở nên có giá nhờ con đường mới mở phóng ngang qua. Bảy năm làm dâu, ngày thì cơm bưng nước rót, lau rửa mọi điều; nửa đêm thức dậy bưng bô… Em chồng hiểu biết chắc sẽ ghi nhận công lao đó, phần chia cho vợ chồng chị nhỉnh hơn. Lần này chị sẽ quyết giữ, không để chồng nướng vào cờ bạc. Sẽ mua một cái rẫy để vợ chồng làm ăn căn cơ, còn lại thì gửi mấy đứa con ra phố trọ học…

Cuộc phân chia khác xa chị tưởng. Em chồng vừa xếp áo quần của cha vào va ly vừa nhỏ nhẹ đề nghị chia bốn - một cho anh, một cho em và hai phần cho cha vì tuổi càng cao thì càng tốn kém thuốc men.

Chị hụt hẫng nhận ra em chồng đã rất khác. Mà, chồng chị thì vẫn như xưa, chỉ biết nổi nóng mỗi khi không vừa lòng chứ không biết lý lẽ. Mà lý lẽ sao được, em nói vậy mà mình phản đối thì hóa ra mình tranh giành phần của cha sao? Chồng chị không nói thành lời được nên đá thúng đụng nia rồi bỏ đi uống rượu.

Chị buồn, rồi lại thấy thương cha chồng. Cái cách ông sai mấy đứa cháu lấy xấp báo cũ dưới gối vứt đi là cay đắng ghê lắm. Bệnh tật khiến ông không những chẳng có quyền lực của một người cha mà còn trở nên nhỏ bé trước con của mình. Đứa con thành đạt mà ông đặt biết bao kỳ vọng hóa ra chỉ là một kẻ tham lam khôn khéo, sự chăm sóc cha là một cái cớ đẹp đẽ.

- Cha coi như chẳng có đứa con trai nào - cha chồng chị nói, trong nước mắt - Nếu con không sợ khổ thì cha ở lại đây, con như là con gái của cha. Chia cho cha mấy phần thì cha cũng cho con hết.

Chị cười mà nước mắt như mưa. Dễ gì chị nhận được phần của cha chồng, nhưng câu nói ghi nhận ân tình đó lại như một cơn gió mát lành. Chị lại thấy đời cũng không đến nỗi...