"Vua xúc xích" Nga, chính trị gia địa phương Pavel Antov được tìm thấy đã tử vong tại Ấn Độ hồi cuối tuần trước sau cú ngã từ tầng 3 của khách sạn.
Ảnh: AP
Hãng CNN dẫn lời ông Vivekanand Sharma - một quan chức cảnh sát cấp cao của bang Odisha, phía đông bắc Ấn Độ cho biết, ông Antov, 65 tuổi, ngã khỏi cửa sổ khách sạn Sai International tại thành phố Rayagada ngày 24/12, sau khi đón mừng sinh nhật vài ngày trước đó.
Một trong những người đồng hành với triệu phú này là Vladimir Budanov, 61 tuổi, cũng qua đời tại khách sạn trên vào ngày 22/12. Ông Budanov, 61 tuổi, có bệnh tim.
Cảnh sát Ấn Độ cho rằng ông Antov tự vẫn dù các báo cáo pháp y vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, ông Sharma nói, cảnh sát Ấn Độ đã liên lạc với đại sứ quán Nga và các thủ tục đã được tiến hành sau đó. Họ đã được phép hỏa táng thi thể của cả hai người đàn ông trên.
Nhà ngoại giao Alexey Idamkin tại lãnh sự quán Nga ở Calcutta nói, cảnh sát bang Odisha và lãnh sự quán tại Calcutta không thấy điều gì khả nghi trong cái chết của hai công dân trên.
Theo Itar-Tass, ông Antov là một doanh nghiệp và là thành viên của hội đồng lập pháp vùng Vladimir, phía tây nước Nga. Ông Antov vừa mừng sinh nhật lần thứ 65 vào ngày 22/12.
Ông Pavel Antov thành lập nhà máy chế biến thịt Vladimir Standard và vào năm 2019. Tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông vào khoảng 140 triệu USD, đứng đầu danh sách các nhà lập pháp và công chức giàu có của Nga.
Hồi tháng 6, triệu phú này đã cam kết ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin sau khi bác bỏ việc đã đăng một thông điệp phản đối chiến dịch của Nga ở Ukraine lên WhatsApp. Ông cho rằng đó là một sự hiểu lầm đáng tiếc, là lỗi kỹ thuật và bản tin đó đã được xóa.
Kherson bị oanh tạc dữ dội, Crưm kích hoạt hệ thống phòng không
Nhiều người thiệt mạng khi Kherson hứng chịu đợt oanh tạc dữ dội nhất kể từ khi Ukraine tái kiểm soát thành phố này. Trong khi đó, hệ thống phòng không ở Crưm được kích hoạt.
Nga tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khiến nhiều nơi mất điện. Ảnh Sky News.
Theo hãng tin AP, ngày 24/11, Kherson hứng chịu đợt oanh tạc dữ dội nhất kể từ khi các lực lượng Ukraine tái kiểm soát thành phố phía nam này cách đây hai tuần. Cuộc tấn công tên lửa làm bốn người thiệt mạng bên ngoài một cửa hiệu cà phê và một phụ nữ chết ở gần nhà. Theo nhà chức trách địa phương, có tổng cộng 7 người chết, 21 người bị thương do vụ tấn công.
Olena Zhura mô tả, khi cô mang bánh mỳ tới cho hàng xóm thì một vụ tấn công xảy ra, khiến một nửa căn nhà cô bị phá hủy và chồng cô là Victor bị thương. "Tôi bị sốc, rồi nghe thấy chồng hét lên: Cứu tôi, cứu tôi".
Các cuộc tấn công tiếp theo của quân Nga đã nhắm trúng vào các tòa nhà dân cư và thương mại trong thành phố, khiến chúng bốc cháy, kính vỡ vụn. Các bệnh viện tại Kherson vẫn không có điện.
Kherson chịu sự kiểm soát của quân Nga suốt nhiều tháng, nó cũng là thành phố lớn đầu tiên mà Moscow kiểm soát khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Cách đây 2 tuần, quân Nga rút đi và thành phố này hiện do Ukraine kiểm soát. Tuy nhiên, các lực lượng Nga vẫn hiện diện trong vùng và oanh tác thành phố bằng vũ khí tầm xa từ phía bên kia của sông Dnipro.
Hệ thống phòng không của Crưm được kích hoạt
Hãng Itar-tass hôm nay (25/11) dẫn lời một quan chức địa phương cho biết, hệ thống phòng không tại thị trấn Armiansk ở Bán đảo Crưm đã được kích hoạt.
Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014. Ukraine, được vũ trang bằng vũ khí tầm xa, dường như đã nhiều lần tấn công vào các mục tiêu quân sự ở bán đảo này trong nhiều tháng qua.
Hồi tháng 10, một tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại cảng Sevastopol thuộc Crưm.
Nga chi 28 tỷ USD cho chiến dịch quân sự ở Ukraine
Tạp chí Forbes Ukraine ước tính, Nga đã chi 28 tỷ USD, cho chiến dịch quân sự đã kéo dài 9 tháng ở Ukraine. Ước tính này bao gồm các chi phí trực tiếp cần thiết để hỗ trợ các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, nó không bao gồm chi tiêu quốc phòng ổn định hay tổn thất liên quan tới nền kinh tế.
Tờ Forbes cho biết, nếu vào mùa xuân, chi phí này có thể chấp nhận được vì khi đó Nga thu được khoảng 1 tỷ USD một ngày tiền bán dầu và khí. Tuy nhiên, tình hình hiện giờ đã khác. Doanh thu từ việc xuất khẩu dầu và khí của Nga đang sụt giảm do mất hầu hết thị trường châu Âu sau khi nguồn cung qua đường ống Dòng chảy phương Bắc bị cắt.
Ukraine chật vật khôi phục điện nước
Theo hãng tin Reuters, hầu hết các khu vực ở Ukraine vẫn không có điện hay nhiệt, sau khi Nga mở các cuộc không kích nhằm vào hạ tầng cơ sở năng lượng của Ukraine. Người dân Kiev được cảnh báo chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo và nên dự trữ nước, thực phẩm, quần áo ấm.
Moscow thừa nhận tấn công cơ sở hạ tầng cơ bản của Ukraine nhằm làm giảm sức chiến đấu của nước này và thúc đẩy Kiev đàm phán.
Dựa trên những ảnh chụp vệ tinh do NASA cung cấp, nhìn từ ngoài không gian, Ukraine đã trở thành một mảng tối trên trái đất vào ban đêm. Tổng thống Ukraine cho hay, điện, nhiệt, nước và thông tin liên lạc đang dần được khôi phục, song việc cung cấp nước ở 15 vùng vẫn đang gặp nhiều vấn đề. Tại Kiev, nơi có 3 triệu dân sinh sống, có tới 60% người dân không có điện giữa lúc nhiệt độ hạ dưới mức đóng băng.
Xem bác sĩ Ukraine phẫu thuật tim khi bệnh viện mất điện vì tập kích tên lửaCác bác sĩ Ukraine đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật tim trong thời điểm bệnh viện bị mất điện vì các cuộc tập kích tên lửa tại Kiev.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, xung quanh các thị trấn Pavlivka và Vuhledar thuộc tỉnh Donetsk đã chứng kiến “các cuộc giao tranh ác liệt” trong 2 tuần qua.
Xe tăng Nga ở Dokuchaievsk, Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Trong bản cập nhật thông tin tình báo mới nhất trên Twitter về tình hình chiến sự Nga – Ukraine hôm 27/11, tình báo quân đội Anh viết: “Cả Nga và Ukraine đều triển khai lực lượng đáng kể ở khu vực này. Khu vực này vẫn còn nhiều tranh chấp, có thể một phần vì Moscow nhận định nơi đây có tiềm năng trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc tiến công lớn về phía bắc trong tương lai, nhằm thâu tóm quyền kiểm soát phần còn lại của tỉnh Donetsk do Ukraine nắm giữ”.
Tuy nhiên, nhà chức trách Anh tin, Nga khó có thể tập trung đủ lực lượng để đạt bước đột phá trong chiến dịch tại Donetsk.
Moscow chưa lên tiếng phản hồi trước các nhận định trên.
Ảnh sốc về cây cầu bị phá hủy ở Kherson
Phóng viên ảnh Bernat Armangué của hãng thông tấn AP vừa cho đăng tải một số bức ảnh gây sốc về cây cầu Antonivsky bị phá hủy ở Kherson, miền nam Ukraine.
Ảnh: AP
Cây cầu bắc ngang qua sông Dnipro đã bị đánh sập hồi đầu tháng 11, sau khi các lực lượng Moscow rút khỏi thành phố chiến lược Kherson.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc quân đội Nga cố tình phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các nguồn cung cấp điện và nước trong quá trình rút khỏi thành phố.
Lãnh đạo các nước châu Âu đến Kiev bày tỏ ủng hộ Ukraine
Một số lãnh đạo châu Âu đã tới Ukraine để khẳng định sự ủng hộ và cam kết hỗ trợ cho Kiev sau nhiều tuần quốc gia Đông Âu hứng chịu tình trạng mất điện và nước trên diện rộng vào đầu mùa đông, vì bị Nga tập kích hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (trái) cùng vợ chồng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến đài tưởng niệm nạn nhân nạn đói Holodomor ở Kiev ngày 26/11. Ảnh: Reuters
Theo báo Guardian, các nhà lãnh đạo từ Bỉ, Lithuania và Ba Lan đã có mặt tại thủ đô Kiev hôm 26/11 để tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói Holodomor 1932 - 1933 ở Ukraine.
Truyền thông địa phương đưa tin, các thủ tướng của Ba Lan và Lithuania có thể tập trung hội đàm với lãnh đạo Kiev về khả năng xảy ra làn sóng di cư mới từ Ukraine. Trong khi Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo Belgium công bố tài trợ thêm 37,4 triệu Euro cho Ukraine.
New York, Singapore đứng đầu các thành phố đắt đỏ nhất thế giới
New York là đô thị đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2022, chia sẻ danh hiệu không mong muốn này với Singapore, khảo sát hàng năm của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc The Economist Group cho biết.
Singapore. Ảnh: CNN
Tờ The Guardian đưa tin, Tel Aviv - thành phố đứng đầu danh sách vào năm ngoái đã tụt xuống thứ ba. Tiếp theo đó lần lượt là các thành phố Hong Kong - Trung Quốc và Los Angeles, Mỹ đồng hạng 4, Zurich và Geneva - Thụy Sĩ, San Francisco - Mỹ, Paris - Pháp và Copenhagen - Đan Mạch.
EIU theo dõi chi phí hàng ngày ở 172 thành phố trên toàn thế giới. Trong bảng xếp hạng năm nay, thủ đô London của Anh đã giảm vị trí đáng kể, xuống thứ 27 trong danh sách.
Yếu tố quan trọng nhất dẫn tới giá cả ở Tây Âu tăng mạnh là do giá khí đốt tăng, vốn bị cho là kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Tại Tây Âu, giá một lít xăng đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu của EIU cho thấy, hai thành phố của Nga là Moscow và St Petersburg đã tăng tới 88 bậc do các lệnh trừng phạt và giá dầu tăng cao đã đẩy chi phí ở hai đô thị lớn này tăng lên.
Thủ đô Kiev của Ukraine không được đưa vào phân tích trong năm nay. Một số thành phố lớn của châu Âu như Stockholm, Lyon và Luxembourg cũng tụt bậc trong danh sách.
Để lập ra danh sách xếp hạng trên, EIU đã so sánh hơn 400 giá bán lẻ với hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 172 thành phố. Họ khảo sát một loạt doanh nghiệp, cả cao cấp và bình dân, để biết giá cả đã dao động thế nào trong năm qua.
Báo cáo của EIU cho biết, chi phí sinh hoạt trung bình trong năm 2022 tăng 8,1% trong năm nay, do cuộc xung đột Nga và Ukraine cũng như những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.
Upasana Dutt, lãnh đạo bộ phận Chi phí sinh hoạt toàn cầu EIU nói: "Cuộc xung đột ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga... đã gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng, kết hợp với việc tăng lãi suất và thay đổi tỷ giá hối đoái, dẫn đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn thế giới".