Vợ tiếp tay cho chồng cũ

Chồng luôn có cảm giác vợ là người… tiếp tay, mở đường cho gã, không quan tâm đến sĩ diện và tổn thương của chồng.

9h tối, sau một tràng nẹt pô, rồ ga inh ỏi ngoài cổng như muốn “thông báo”: tao vừa đến; gã dựng chống xe, bộ dạng say mèm, xồng xộc lao vào nhà, gọi lớn: “Misa đâu, ba đến thăm con”, bất kể chồng... lù lù ngay trước mặt. Chồng ý nhị lên tiếng: “Misa đang học bài trên lầu, để tôi gọi con”. Gã trừng mắt nhìn chồng, gầm gừ: “Ông là ai? Misa là con ông à?”. Cũng như mọi lần, chồng chưa kịp phản ứng thì gã tiếp: “Liệu hồn ông. Không tốt với nó là ông không xong với tôi đâu”. Muốn làm cho ra ngô ra khoai với gã một trận, nhưng nhớ lời vợ dặn, chồng chọn cách bỏ đi, vì “chấp gì kẻ say” theo cách vợ nói. Thế nhưng, thay vì bỏ đi trong cơn tức giận như bao lần, hôm qua, chồng quay đi trong cảm giác buồn vợi.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Gã là “tập một” của vợ. Hai năm sau ngày bản án ly hôn giữa vợ và gã có hiệu lực, vợ đến với chồng, nay đã tròn một năm; gã vẫn cảnh sống một mình. Ngày quyết định kết hôn, vợ chồng mình đã có những thỏa thuận: chồng sẽ không cản trở mối quan hệ cha - con giữa gã và Misa; không ghen nếu vợ và gã có bàn bạc, trao đổi chuyện nuôi dạy, chăm sóc con gái chung. Ngờ đâu, thỏa thuận có những phát sinh rất… trời ơi mà chồng chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Thăm con, gã toàn đến vào giờ mình sắp đi ngủ, bộ dạng lất ngất say. Chạm mặt chồng, thể nào gã cũng có dăm ba lời “dằn mặt”, bóng gió xa xôi. Trên hết, chồng luôn có cảm giác vợ là người… tiếp tay, mở đường cho gã, không quan tâm đến sĩ diện và tổn thương của chồng. Nếu không bao biện: “Ảnh đang say, chấp gì”, “Em không muốn con gái thiếu tình cha” thì vợ cũng hờn trách, đổ lỗi lòng dạ chồng hẹp hòi, ghen tuông và đang vi phạm thỏa thuận.
Vợ có nhớ lần đầu tiên gã đến thăm Misa, cũng cái kiểu phăm phăm lao vào nhà, trống không: “Misa đâu? Ông là ai?”. Chồng ngỡ ngàng thì bị vợ kéo tay: “Anh ra ngoài một lát đi”. Gặp con gái xong, gã cố tình nói lớn cốt muốn chồng nghe thấy: “Con thích ăn gì? Mua quà gì?”. Con bé mới bảy tuổi, vô tư kể những món mình thích, rồi gã hằn học: “Sống với ba thì con không thiếu thốn vậy”. Nghe vợ kể chuyện học hành, ăn uống của con, gã lên mặt dạy đời: “Cô phải đổi sữa cho con gấp”, “Nếu được, cô chuyển trường cho con bé cho tôi”. Chồng nóng mặt, định mời gã nói chuyện đàng hoàng thì gặp ngay… cú lườm của vợ. Riết thành quen, gã ngày càng lấn tới, can thiệp sâu vào sinh hoạt của gia đình mình. Nhớ lời gã dặn: “Ở đây có điều gì khiến con buồn, cứ cho ba hay”, nên thỉnh thoảng bắt gặp vợ chồng mình gây nhau, con bé đều “học lại” cho gã biết. Lập tức, vợ nhận ngay điện thoại của gã: “Các người ăn ở sao thì tùy, nhưng để con bé tổn thương thì đừng trách tôi”. Và chắc vợ không quên, có không ít cuộc gọi vào số máy bàn nhà mình lúc giữa đêm của gã, giọng lè nhè “Tôi nhớ Misa” hay “Tôi điện thoại xem con gái đã ngủ chưa”…
Đã nhiều lần chồng đề nghị vợ để chồng được “làm việc” cùng gã, với tư cách người đàn ông hiện tại của vợ, có nghĩa vụ và trách nhiệm thương yêu, chăm sóc hai mẹ con, vợ đều lắc đầu. Trước sau vợ một lẽ: “Anh ấy có quyền hành xử như thế. Sau này, khi có mối bận tâm khác, ảnh sẽ “lơ” mối bận tâm này”. Quyền hành gì ở đây hả vợ, khi mà quyền ấy chẳng những rõ ràng đang quấy rối hạnh phúc, yên vui của gia đình mình mà còn khiến chồng như một thằng hèn ngốc. Tôn trọng vợ, chồng cũng mong không riêng vợ mà cả gã phải tôn trọng chồng, trong việc tìm tiếng nói chung để nuôi dạy Misa. Hay đó chỉ là cái cớ? Vợ từng kể, do không chịu được tính thô lỗ, gia trưởng, nói năng hàm hồ, cộc lốc của gã mà vợ ly hôn; trong khi gã còn rất yêu và nhiều lần níu kéo vợ. Có phải điều đó đã khiến vợ hoặc thương hại gã, thấy mình có lỗi, hoặc lòng còn “lăn tăn”, tơ vương; muốn giữ cho gã một chỗ đứng trong cuộc hôn nhân của chúng mình? Nếu quả thế thật, chồng tự hỏi, không biết, đang ở vị trí như một người thừa, chồng sẽ bị đánh bật ra hoặc tự mình phải rời đi trong bao lâu nữa?

Cơn gió mát lành

Chị cười mà nước mắt như mưa. Dễ gì chị nhận được phần của cha chồng, nhưng câu nói ghi nhận ân tình lại như một cơn gió mát lành. 

Nhà chồng chị rất nghèo, gọi là nhà nhưng chỉ là một túp lều, diện tích đủ kê một cái giường đơn cho người cha phải nằm một chỗ sau tai biến, và một cái giường đôi cho hai anh em ngủ chung. Trường học cách nhà chục cây số, hai anh em sáng sớm nhịn đói chở nhau trên chiếc xe đạp đi học, trưa về vội cất sách vở chạy từ đầu làng đến cuối xóm tìm việc xin làm thuê.

Chồng chị không được thông minh như em trai nên học xong chương trình phổ thông ở mức trung bình thì anh đi làm thuê, tự nguyện gánh vác việc kiếm tiền và chăm sóc cha cho em trai học hành. Chị quen anh trong một mùa thu hoạch cà phê, khi hai người cùng hái thuê cho một chủ rẫy. Nghe anh tâm sự chuyện nhà và ước mong kiếm tiền thay túp lều 20m2 bằng tường gạch để trời mưa bão không sợ bị gió thổi bay, chị thương.

20m2 tường gạch mọc lên trước ngày cưới gần như hoàn toàn là công sức của chị, vì tiền anh làm ra phải chi tiêu cho bệnh tật của cha.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hai đứa con lần lượt ra đời, làm thuê theo ngày chẳng dành dụm được gì, anh theo bạn bè đi làm thợ công trình, cơm chủ nuôi, lương cuối tháng lãnh một cục. Anh tính toán, cuối năm dư được chừng này, chịu khó vài ba năm thì được chừng này... Cũng đáng với cái giá phải xa vợ con. Chỉ tội cho chị phải gồng gánh mọi chi tiêu hàng ngày và cũng vì vậy mà em trai dở dang giấc mộng giảng đường, phải ở nhà chăm sóc cha.

Nhưng, cuộc sống xa nhà còn có những cái giá khác mà chỉ người trong cuộc mới thấm. Tiền lương của anh tan biến dần theo những cuộc vui quán xá mà những lúc tỉnh ra, sự nuối tiếc đã khiến anh lao vào cờ bạc để gỡ gạc. Càng gỡ càng thua, càng thua càng sinh đủ chuyện…

Vợ chồng đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng thì tin đứa em trai sau ba năm nghỉ học vì cảnh nhà nay đã thi đậu trường y như một cơn gió mát lành. Cần có người chăm sóc cha cho em đi học, một lý do quá chính đáng để chị kéo anh về.

Anh từ bỏ cuộc sống công trình nay đây mai đó, bắt đầu lại như xưa là đi làm thuê theo thời vụ, chị thì vẫn tận dụng đất trống quanh túp lều để trồng rau, nuôi gà, mua bán lặt vặt quanh xóm. Chị tằn tiện, chắt bóp… Rồi, chị khóc ngất khi cái lon đựng tiền chỉ hai vợ chồng biết chỗ cất giấu không cánh mà bay. Anh lại lao vào cờ bạc để mau có tiền, hậu quả là thua sạch.

Giữa lúc thấy đời mình thật mịt mù thì thư em chồng gửi về một lần nữa lại như làn gió mát lành. Em chồng được cấp học bổng, sau đó còn có thêm tài trợ của một doanh nghiệp, em tính toán: tiết kiệm mỗi tháng được 500.000đ gửi về phụ chị chăm sóc cha. Em chồng biết anh mình hư nên cẩn thận dặn dò số tiền đó chị đừng nói cho anh biết.

Sự tin cậy của em chồng giúp chị vượt qua nỗi buồn tủi. Chị lau nước mắt, nhất định không phụ lòng tin của chú nó. Đến bữa, chị nấu riêng đĩa thức ăn ngon cho cha chồng, nhìn cháu thèm thuồng, ông nội chỉ khều khều vài miếng rồi bảo con dâu gắp hết vào chén của mấy đứa cháu. Thấy ông nhường cho cháu nội mà chị vui đến chảy nước mắt. Lại thấy cuộc đời không đến nỗi nào, lại thấy như được phục hồi sức lực để tiếp tục bươn chải. Tối, chồng nhậu say về lè nhè gây sự với vợ, hỗn láo với cha, chị thầm thì dạy con “mai mốt lớn lên đừng bắt chước cha, hãy noi gương chú”. Cha chồng bất lực chỉ biết ngồi lặng nghe con trai nhiếc móc mà chẳng thể làm được gì. Chị an ủi ông bằng cách biết tờ báo nào có bài viết khen ngợi em chồng hiếu học vượt khó là tìm mua đem về cho cha chồng đọc, rồi xếp lại thẳng thớm đặt dưới gối của ông. Những khi thấy chị cực quá, ông lại an ủi chị là trời có mắt, bây đừng buồn nhiều, khi nào em học thành tài, thế nào cũng bù đắp cho bây và mấy đứa nhỏ.

Chị kể cho các con nghe về chú như chuyện cổ tích về chàng trai nghèo ham học và hiếu thảo. Chị truyền cho hai đứa con niềm nể phục của mình đối với em chồng và cả niềm hy vọng thầm kín về tương lai con mình sẽ được người chú thành đạt dìu dắt.

Bảy năm trôi qua, em chồng tốt nghiệp loại giỏi, được một bệnh viện tư ở thành phố mời làm việc. Chàng trai nhà quê ngày nào đã trở thành người đàn ông chững chạc khác xa lời kể chuyện hàng đêm của mẹ, khiến hai đứa con của chị hít hà ngạc nhiên trước người chú thần tượng. Hàng xóm trầm trồ khen ngợi, chị thì rất tự hào được là chị dâu của một bác sĩ.

Em chồng nói sẽ cưới vợ ở thành phố, mua căn hộ chung cư trả góp để đón cha về. Làng xóm khen người cha có phước, bệnh tật mà được có con là bác sĩ chăm sóc thì còn gì bằng. Chị thì phập phồng chờ đợi em chồng bàn chuyện chia thừa kế sau khi đưa cha đi. Mảnh đất bèo bọt đã trở nên có giá nhờ con đường mới mở phóng ngang qua. Bảy năm làm dâu, ngày thì cơm bưng nước rót, lau rửa mọi điều; nửa đêm thức dậy bưng bô… Em chồng hiểu biết chắc sẽ ghi nhận công lao đó, phần chia cho vợ chồng chị nhỉnh hơn. Lần này chị sẽ quyết giữ, không để chồng nướng vào cờ bạc. Sẽ mua một cái rẫy để vợ chồng làm ăn căn cơ, còn lại thì gửi mấy đứa con ra phố trọ học…

Cuộc phân chia khác xa chị tưởng. Em chồng vừa xếp áo quần của cha vào va ly vừa nhỏ nhẹ đề nghị chia bốn - một cho anh, một cho em và hai phần cho cha vì tuổi càng cao thì càng tốn kém thuốc men.

Chị hụt hẫng nhận ra em chồng đã rất khác. Mà, chồng chị thì vẫn như xưa, chỉ biết nổi nóng mỗi khi không vừa lòng chứ không biết lý lẽ. Mà lý lẽ sao được, em nói vậy mà mình phản đối thì hóa ra mình tranh giành phần của cha sao? Chồng chị không nói thành lời được nên đá thúng đụng nia rồi bỏ đi uống rượu.

Chị buồn, rồi lại thấy thương cha chồng. Cái cách ông sai mấy đứa cháu lấy xấp báo cũ dưới gối vứt đi là cay đắng ghê lắm. Bệnh tật khiến ông không những chẳng có quyền lực của một người cha mà còn trở nên nhỏ bé trước con của mình. Đứa con thành đạt mà ông đặt biết bao kỳ vọng hóa ra chỉ là một kẻ tham lam khôn khéo, sự chăm sóc cha là một cái cớ đẹp đẽ.

- Cha coi như chẳng có đứa con trai nào - cha chồng chị nói, trong nước mắt - Nếu con không sợ khổ thì cha ở lại đây, con như là con gái của cha. Chia cho cha mấy phần thì cha cũng cho con hết.

Chị cười mà nước mắt như mưa. Dễ gì chị nhận được phần của cha chồng, nhưng câu nói ghi nhận ân tình đó lại như một cơn gió mát lành. Chị lại thấy đời cũng không đến nỗi...

Uất hận khi vợ đến nhà chồng cũ làm osin

(Kiến Thức) - Thấy chồng cũ không có con với vợ mới, vợ tôi bỏ việc, đến nhà hắn làm osin, hòng đòi lại những gì đã mất.

Tôi cưới cô ấy khi cô ấy ly dị với chồng cũ chưa được bao lâu. Lúc đầu tôi cũng rất lo sợ, nhưng đồng thời tôi cũng rất tự tin vào chính mình. Tôi tin rằng khi chúng tôi sống cùng nhau, theo thời gian, tất cả đều sẽ thay đổi. Tôi sẽ khiến cho cô ấy toàn tâm toàn ý dành hết tình cảm cho riêng mình tôi. Thế nhưng 3 tháng rồi nửa năm trôi qua, cô ấy thi thoảng vẫn gọi nhầm tên tôi với chồng cũ của cô ấy. Tôi đều bỏ qua hết dù cảm giác trong tim đau nhói như bị kim châm vậy.

Thấm thoắt chúng tôi cưới nhau đã gần được hai năm. Cách đây mấy hôm, đột nhiên cô ấy nói muốn nghỉ việc ở nhà nghỉ ngơi một thời gian. Tôi không vặn hỏi cô ấy nhiều và nghĩ rằng chỉ cần hai chúng tôi luôn vui vẻ, thế là tốt rồi. Thế nhưng, một tuần sau, cô ấy nói đã xin được một công việc mới đó là làm tạp vụ. Tôi cũng không hỏi nhiều vì nghĩ rằng chắc cô ấy đã tìm được công việc phù hợp với cô ấy. Thật không ngờ, cô ấy lại đi làm ô-sin cho nhà chồng cũ của cô ấy.

Chuyện lạ, mai mối cho tình cũ

Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. 

“Thằng đó cái gì cũng được, chỉ tội rượu chè bê tha quá, lấy nó về sau này con sẽ khổ”. Khi nghe em thuật lại lời nói của cha, anh rất tự ái.

Lúc đó anh nghĩ, đó chẳng qua chỉ là một sự từ chối khéo chứ cái chuyện rượu chè thì thằng đàn ông nào chẳng mắc phải? Hơn nữa, anh chỉ xỉn có 2 lần khi đến nhà em chứ có nhiều lắm đâu mà bảo bê tha?

Nhớ hồi đó khi anh nói chia tay, em đã khóc rất nhiều. Em bảo rằng anh không thương em, cha nói vậy chớ đâu có cấm cản hai đứa tiếp tục yêu thương, tìm hiểu. Nếu thật lòng với em, anh có thể sửa đổi, thậm chí chỉ cần anh không xỉn khi đến nhà em, còn những lúc khác thì sao cũng được. Thế nhưng, anh không nghe vì lòng anh đã quyết.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Xa em, anh mới thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa. Chẳng còn ai mong ngóng, nhắn tin, gọi điện, chúc anh ngủ ngon... Chẳng còn ai tươi cười xuất hiện đúng lúc anh đang đói khát, mệt lả vì công việc đến nỗi không dứt ra được để kiếm cái gì bỏ bụng. Không có em, cuộc sống với anh như ngừng lại. Và anh lại chìm trong rượu khi biết tin em đã lấy một người khác.

Cho đến ngày có một cô gái khác đột ngột xuất hiện trước anh. Người đó đã mang lại cho anh sinh khí mới, đã vực anh dậy từ vũng lầy bê tha rượu chè, đã thật lòng yêu anh và cảm hóa con người anh. Người ấy đã mang hạnh phúc đến cho anh như em đã từng.

Tưởng như vậy thì cuộc sống cũng đã có hậu lắm rồi. Vậy mà giờ đây, anh tình cờ biết được một điều diệu kỳ khác của tình yêu, tình người. Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. Cảm ơn em, người đã “mai mối” cho nhân duyên, hạnh phúc của anh bây giờ. Thế mới biết có những tình yêu vẫn sống mãi ngay cả khi người ta không còn đi chung một con đường. Một lần nữa, cảm ơn em...