Vợ dùng sim rác cưa cẩm chồng

Sau thời gian chơi trò “ú tìm” nhắn tin qua lại với chồng, Huyền càng chưng hửng nhận ra, hóa ra chồng cũng lãng mạn và nhiều chuyện gớm thật...

Công ty phát cho mỗi người bộ sim “rác”, sản phẩm còn thừa lại sau đợt khuyến mại, Huyền hăm hở gắn vào điện thoại, xài thử. Đến xế chiều, Huyền nhắn tin hỏi chồng muốn ăn món gì bữa tối nay để đi chợ. Một lúc sau, cô nhận tin nhắn trả lời lạ lùng: “Xin lỗi, em là ai, chắc em nhầm số rồi?”
Lúc bấy giờ Huyền mới sực nhớ là mình chưa đổi trở lại sim cũ. Một ý nghĩ bỗng xẹt ngang trong đầu Huyền lúc ấy. Chồng mình cũng lịch sự quá đi đấy chứ. Sao không nhân tiện kiểm tra xem “hắn ta” có thích nhắn tin à ơi này nọ hay không.
Sau một thời gian chơi trò “ú tìm” nhắn tin qua lại với chồng, Huyền càng chưng hửng nhận ra, hóa ra chồng cũng lãng mạn và nhiều chuyện gớm thật. Ban đầu chỉ là những câu hỏi xã giao, kiểu như em là ai, sao lại nhắn nhầm máy anh… rồi là “coi như mình có duyên nên mới như thế”, “chồng em chắc có phước lắm mới được vợ quan tâm hỏi han từng bữa cơm như thế”. Huyền chạnh lòng tự hỏi, bấy lâu nay, mình chăm chút cho hai bố con như thế, có khi nào anh biết mình “có phước” hay chưa? Sao anh có thể dễ dàng cảm động vì vài câu chữ của người xa lạ đến thế nhỉ!
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chồng Huyền bình thường thuộc dạng ít nói, khô khan. Lâu nay cô vẫn nghĩ anh không thích những trò ong bướm kiểu này. Ai ngờ, cũng có lúc anh dành thời gian để nhắn tin à ơi cho một “cô gái lạ” nào đấy. May mà mình vô tình xài cái sim rác nên mới phát hiện ra. Sáng sớm, Huyền vừa tới cơ quan đã thấy chiếc máy xài sim rác báo có tin nhắn mới. Hóa ra anh nhắc “cô gái kia” nhớ mặc áo khoác, kẻo lạnh, đừng ngồi dưới cánh quạt hút gió, dễ bệnh lắm đấy. Thi thoảng nhớ đứng dậy lấy nước uống, vận động cho khỏe người. Trời sắp mưa rồi, em về cẩn thận đấy nhé… Bên cạnh đó, điện thoại “chính thức” của Huyền vẫn im lìm, anh chẳng buồn hỏi han được một câu lấy lệ.

Cuộc sống gia đình Huyền bỗng dưng trở nên lặng lẽ hơn từ hôm ấy. Chồng cô có vẻ như háo hức với mối quan hệ “ảo” đầy đồng cảm, dịu dàng. Huyền cay cú cố tìm cách lôi kéo chồng dấn sâu vào cái trò chơi tự mình bày ra. Những chiêu trò ngày xưa cưa cẩm nhau được cô “ôn lại” qua tin nhắn với chồng. Về nhà, cả hai ngấm ngầm hiểu rằng sẽ “cắt đứt dây chuông”, không giữ liên lạc. Nên gần cả tháng sau anh vẫn không biết mình đang bị vợ cho “vô tròng” đầy ngoạn mục.
Những chia sẻ gần gũi qua sim rác với chồng trong “vai” một người khác làm Huyền nhận ra rằng lâu nay cứ ngỡ, cơm canh nóng sốt, nhà cửa gọn gàng thôi là đã đủ. Lấy nhau “thâm niên” rồi, cần gì phải hỏi han, chúc buổi sáng tốt lành, buổi trưa ngủ ngon, buổi tối ấm áp nữa… Cô cũng hiểu ra, đàn ông muôn đời vẫn thế nếu cô không làm mới mình, cứ đều đặn, tẻ nhạt như bấy lâu, thì đúng là nguy thật.
May “cô gái ảo” kia là mình nếu gặp “em” khác, thật chẳng biết hậu quả đã thế nào. Thôi thì phòng bệnh hơn chữa bệnh, Huyền nhắn cho anh cái tin cuối cùng: “Nếu vợ anh cũng “giải trí” với một người đàn ông khác bằng cách nhắn tin thường xuyên như em với anh thế này, anh sẽ cảm thấy sao?”
Bên kia, chồng cô lặng người. Điều này, có lẽ chưa bao giờ anh nghĩ tới. Bên này, Huyền tháo cái sim rác kia ra, vứt vào ngăn kéo bàn làm việc ở cơ quan. Rồi tần ngần một lát, cô quyết định tạo cho chồng một bất ngờ với một tin nhắn lãng mạn đầy yêu thương.

Lỗi lầm đáng thương của người mẹ đẻ thuê

Càng gần ngày sinh, cảm giác bất an, đau khổ trong tôi càng lớn, nhất là mỗi khi nghĩ đến chuyện rồi phải xa con. 

Bây giờ, tôi đã đi thật xa, để sống một cuộc sống “single mum” đúng nghĩa, với niềm hạnh phúc có con bên cạnh. Nhưng bỏ lại đằng sau tôi là một cặp vợ chồng khốn khổ. Tôi chỉ biết bằng những lời này để cất lên tiếng xin lỗi họ, nhưng lỗi lầm của mình thì chẳng biết khi nào tôi chuộc được…

Nhà quá nghèo, ngay từ khi học cấp 3, tôi luôn tâm niệm, muốn đổi đời thì phải học lên đại học. Khổ luyện mấy năm trời, tôi cũng đậu vào đại học Nông lâm TP, nhưng sự đời chẳng may mắn, học đến giữa năm thứ 2 thì tôi phải nghỉ ngang vì mẹ ốm nặng. Về quê chăm mẹ một thời gian, đến khi mẹ mất thì nhà cửa cũng khánh kiệt, chẳng còn gì.

Tôi đành gác lại ước mơ học hành, xin đi làm công nhân cho một xí nghiệp may với đồng lương đủ sống. Rồi tôi yêu một anh kĩ sư xây dựng ở cùng khu nhà trọ, chúng tôi dọn đến sống với nhau như vợ chồng. Yêu bốn năm trời, anh ta luôn hứa hẹn, rồi lại hứa hẹn về một cái đám cưới khi nào ổn định công việc và nhà cửa. Tôi đã từng mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ ngoan ngoãn, con của chúng tôi biết bao nhiêu.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng rồi cái đám cưới ấy chẳng bao giờ đến. Đùng một cái, anh ta bỏ về quê biệt tích. Sau đó, qua bạn bè tôi biết, ở quê anh ta còn một cô người yêu, khi anh ta đi xa vẫn thường đến chăm nom mẹ anh ta, hai gia đình cũng hứa hẹn đã lâu. Đợt Tết về, khi anh ta vào thì cô ấy có thai, anh ta về quê cưới vợ rồi ở quê luôn.

Mối tình đầu đau đớn đã khiến tôi trở nên cảnh giác với đàn ông, để rồi mối tình thứ hai là một gã đểu cáng, phụ bạc, thì sau đó tôi chẳng con chút hy vọng gì về một mái ấm nữa. Một lần, tình cờ qua một mối quen biết, tôi gặp chị Hoa. Sau này tôi mới biết, đó là người phụ nữ chuyên môi giới cho những mối đẻ thuê. Tiếp cận tôi, tìm hiểu thấy tôi cũng khỏe mạnh, thật thà, chị dần dà thuyết phục tôi tham gia cái “nghề” này xem sao.

Tiền công rất lớn, mà thực tế chẳng mất gì. Ban đầu tôi từ chối quyết liệt, nhưng dần dà, tôi thấy mình cũng đang nghèo khó, chồng thì chẳng muốn lấy nữa, gia đình chẳng còn ai mà sợ xấu hổ, tuổi cũng gần 30, thôi thì liều một phen kiếm số vốn mà đi làm ăn. Thế là sau nhiều lần chị năn nỉ, tôi đồng ý. Sau khi cùng đi làm nhiều xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe, chị bảo tôi hoàn toàn có khả năng là người đẻ thuê tốt.

“Khách hàng” của tôi là hai vợ chồng ngoài 30, vợ làm ở bưu điện, chồng làm công ty nhà nước, đời sống kinh tế rất khá giả, nhưng vợ bị lạnh tử cung, đã thụ thai rất nhiều lần mà không được. Theo thỏa thuận, nếu thụ thai, trong thời gian mang thai tôi sẽ được chăm nom, bồi bổ tử tế và cho tiền tiêu vặt hàng tháng. Sau khi sinh mẹ tròn con vuông và làm cam kết giao con, không bao giờ được tìm gặp hay tranh chấp đứa trẻ, tôi sẽ nhận được 350 triệu tiền công, thế là mọi chuyện kết thúc.

Sau đó, quả thật, tôi nhanh chóng đậu thai. Lúc mới nhận “công việc”, tôi có chút e dè lo lắng vì tính chất lạ lùng của nó. Không hiểu sao, khi đứa trẻ lớn dần trong bụng, cảm giác về tình mẫu tử lại phát sinh mãnh liệt trong tôi. Tôi nhận ra là mình cũng khao khát có một đứa trẻ như bất kì người phụ nữ nào. Tôi thấy mình đã lớn tuổi rồi, nếu có một đứa con, không cần chồng gì cả, thì cũng đã là một niềm vui lớn.

Thời gian đứa trẻ trong bụng, tôi nhận sự chu cấp từ hai vợ chồng nọ, và một người giúp việc được thuê để thường xuyên thăm nom tôi. Tiền hàng tháng cũng đủ để tiêu vặt và dành dụm chút ít. Vuột ra ngoài mối quan hệ làm thuê thường tình, tôi vẫn thường thủ thỉ, trò chuyện cùng đứa trẻ, tôi coi nó như con ruột của mình và dành cho nó tình yêu thương vô bờ.

Càng gần ngày sinh, cảm giác bất an, đau khổ trong tôi càng lớn, nhất là mỗi khi nghĩ đến chuyện rồi phải xa con. Chẳng biết từ lúc nào, trong tôi nảy sinh suy nghĩ: Hay là mình bỏ trốn? Ý định được nung nấu lớn dần trong tôi. Tôi vạch ra cả một kế hoạch: Bỏ trốn thế nào, làm sao qua mắt họ, trốn đi đâu, lấy gì nuôi con? Vậy mà kế hoạch bùng phát không định trước.

Vào một ngày hai vợ chồng anh chị rủ nhau về thăm bà con bị ốm, cô người làm đi chơi, tôi một mình ra bến xe, bắt xe đò đến một nơi xa lạ. Rồi từ đó, tôi lại bắt vòng vòng mấy chặng xe, lộ trình rối loạn để không ai tìm ra được mình, rồi dừng chân ở một tỉnh miền cao nguyên xa xôi. Trong lá thư để lại cho hai vợ chồng anh chị , tôi nói muôn ngàn lời xin lỗi và mong một ngày nào đó sẽ chuộc lỗi, dù chẳng biết chuộc làm sao cho hết lỗi lầm của mình.

Tôi như nhìn thấy trước mắt khuôn mặt thảng thốt, nỗi đau vỡ vụn sau bao ngày háo hức mong chờ của họ. Nhưng tôi sẽ không sống nổi khi phải dứt con, bán con. Từ khi đến với tôi, đứa trẻ là điều linh thiêng, cao cả cứu vớt cuộc đời khốn khó, buồn bã của tôi.

Giờ đây, con tôi đã lên 4. Tôi trở thành bà mẹ nông dân một mình nuôi con. Mỗi chiều về, tiếng con thơ làm căn nhà vui rộn rã, và tôi chìm ngập trong niềm hạnh phúc. Nhưng nỗi ân hận luôn ở đó, vẫn làm lòng tôi chùng xuống. Nhưng dù ra sao, dù đối mặt với tòa án lương tâm hay sự áy náy, nợ nần những con người ấy suốt đời, tôi vẫn quyết không thể buông bỏ con mình. Đó là hạnh phúc, cũng là nỗi bất hạnh của một “người mẹ đẻ thuê” dám phá hủy hợp đồng như tôi…

Cam phận tầm gửi

Nhiều phụ nữ có nhan sắc, có học thức nhưng cam chịu sống phụ thuộc vào người khác.

Quen Linh trên mạng xã hội đã lâu nhưng gần đây, chúng tôi mới có dịp gặp nhau khi cùng đưa mấy đứa trẻ đến khu vui chơi ở Công viên Tao Đàn, TP HCM.

Sau khi bọn trẻ chơi chán, tôi đề nghị: “Mình đưa bọn nhóc qua ăn gà rán đi em”, Linh thoáng bối rối rồi lí nhí: “Lần sau nhé chị, em không có tiền”. Nghe qua, tôi hơi bất ngờ vì nhìn Linh sang trọng, 2 đứa bé ăn mặc tươm tất, đẹp đẽ thế kia mà bảo không tiền cũng lạ.

Chồng phát 100.000 đồng mỗi tuần

Sau khi bọn trẻ yên vị ở quán ăn, Linh kể cô lấy chồng vì muốn giúp cha mẹ bởi khi đó, gia đình cô rất khó khăn. Chồng Linh là con trai một trong nhà. Tuy không giỏi giang nhưng anh ta rất giàu có vì của cải của cha mẹ để lại. Đặc biệt, chồng Linh rất yêu vợ, luôn sợ mất cô. Linh thích gì, chồng cũng chiều; muốn ăn uống, mua sắm gì, chồng cũng cho. Có điều là mỗi tuần, anh ta chỉ phát cho Linh 100.000 đồng. Số tiền 100.000 đồng không hơn không kém này duy trì từ ngày cưới cho đến nay.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
“Ban đầu em cũng bức bối, khó chịu lắm nhưng chồng bảo em cần tiền làm gì khi ăn uống, mua sắm, anh ấy trả hết rồi nên dần dần em cũng nguôi ngoai” - Linh giải thích. Một đứa rồi 2 đứa con ra đời, số tiền ấy vẫn không nhích lên vì “cần gì đã có chồng lo”.

“Sao anh ta kỳ vậy? Anh ta đối đãi với gia đình bên vợ thế nào?” - tôi thắc mắc. “Anh ấy tốt lắm. Năm ngoái, chồng em đã trả số nợ hơn 200 triệu đồng cho ba mẹ của em vì trót mê đề đóm” - Linh cho biết. Linh kể cô từng đi học trang điểm và có chứng chỉ quốc tế nhưng anh chồng không cho đi làm vì sợ ra đường nhiều người “nhìn ngó” vợ, sợ Linh thành công sẽ bỏ anh ta. “Bây giờ em đi làm vẫn còn kịp mà”- tôi gợi ý. Linh cười buồn: “Em lại có thai nữa rồi, việc đi làm còn xa lắm”.

“Không quen sống cực khổ”

Đề cập chuyện nhiều phụ nữ xinh đẹp, có học thức lại cam chịu “sống nhờ” vào người khác, bà Bùi Thanh Huyền, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM, lý giải: “Có nhiều lý do để chị em sống phụ thuộc vào người khác: bận chăm sóc con nhỏ, chăm sóc người thân bị bệnh, không tìm được công việc phù hợp, chồng có điều kiện kinh tế tốt... Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em sống phụ thuộc vào người khác vì không quen lao động, không thích cực khổ. Điều này thật đáng trách và đáng tiếc!”.

Bà Bùi Thanh Huyền kể mới đây, một cô gái trẻ, xinh đẹp đến tìm gặp bà để nhờ tư vấn có nên giữ lại cái thai hay không. M., tên cô gái, cho biết cô 22 tuổi, sinh viên năm cuối của một trường đại học tại TP HCM. Người yêu cô 55 tuổi, làm giám đốc một doanh nghiệp lớn ở TP. Ông ta đã có gia đình, con cái và không bao giờ muốn bỏ gia đình để lấy M. dù nói yêu cô mỗi ngày. M. khoe tuy không có danh phận nhưng cô được người yêu chu cấp đầy đủ, mỗi tháng đi du lịch trong nước một lần, mỗi năm thì có một chuyến du lịch nước ngoài.

“M. cho biết ông ấy nhất định bắt cô phải bỏ thai và đây là lần thứ 3 mang thai nên M. có chút băn khoăn. Tôi đã khuyên M. nên suy nghĩ kỹ vì thêm một lần phá thai có thể ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của cô. Sau một giờ trò chuyện, tưởng đâu M. đả thông tư tưởng, ai dè cô ấy nói: “Nhưng mà anh ấy hứa sẽ mua nhà nếu em bỏ thai. Em không quen sống cực khổ...” - bà Huyền ngao ngán.