Cam phận tầm gửi

Nhiều phụ nữ có nhan sắc, có học thức nhưng cam chịu sống phụ thuộc vào người khác.

Quen Linh trên mạng xã hội đã lâu nhưng gần đây, chúng tôi mới có dịp gặp nhau khi cùng đưa mấy đứa trẻ đến khu vui chơi ở Công viên Tao Đàn, TP HCM.
Sau khi bọn trẻ chơi chán, tôi đề nghị: “Mình đưa bọn nhóc qua ăn gà rán đi em”, Linh thoáng bối rối rồi lí nhí: “Lần sau nhé chị, em không có tiền”. Nghe qua, tôi hơi bất ngờ vì nhìn Linh sang trọng, 2 đứa bé ăn mặc tươm tất, đẹp đẽ thế kia mà bảo không tiền cũng lạ.
Chồng phát 100.000 đồng mỗi tuần
Sau khi bọn trẻ yên vị ở quán ăn, Linh kể cô lấy chồng vì muốn giúp cha mẹ bởi khi đó, gia đình cô rất khó khăn. Chồng Linh là con trai một trong nhà. Tuy không giỏi giang nhưng anh ta rất giàu có vì của cải của cha mẹ để lại. Đặc biệt, chồng Linh rất yêu vợ, luôn sợ mất cô. Linh thích gì, chồng cũng chiều; muốn ăn uống, mua sắm gì, chồng cũng cho. Có điều là mỗi tuần, anh ta chỉ phát cho Linh 100.000 đồng. Số tiền 100.000 đồng không hơn không kém này duy trì từ ngày cưới cho đến nay.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
“Ban đầu em cũng bức bối, khó chịu lắm nhưng chồng bảo em cần tiền làm gì khi ăn uống, mua sắm, anh ấy trả hết rồi nên dần dần em cũng nguôi ngoai” - Linh giải thích. Một đứa rồi 2 đứa con ra đời, số tiền ấy vẫn không nhích lên vì “cần gì đã có chồng lo”.

“Sao anh ta kỳ vậy? Anh ta đối đãi với gia đình bên vợ thế nào?” - tôi thắc mắc. “Anh ấy tốt lắm. Năm ngoái, chồng em đã trả số nợ hơn 200 triệu đồng cho ba mẹ của em vì trót mê đề đóm” - Linh cho biết. Linh kể cô từng đi học trang điểm và có chứng chỉ quốc tế nhưng anh chồng không cho đi làm vì sợ ra đường nhiều người “nhìn ngó” vợ, sợ Linh thành công sẽ bỏ anh ta. “Bây giờ em đi làm vẫn còn kịp mà”- tôi gợi ý. Linh cười buồn: “Em lại có thai nữa rồi, việc đi làm còn xa lắm”.
“Không quen sống cực khổ”
Đề cập chuyện nhiều phụ nữ xinh đẹp, có học thức lại cam chịu “sống nhờ” vào người khác, bà Bùi Thanh Huyền, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM, lý giải: “Có nhiều lý do để chị em sống phụ thuộc vào người khác: bận chăm sóc con nhỏ, chăm sóc người thân bị bệnh, không tìm được công việc phù hợp, chồng có điều kiện kinh tế tốt... Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em sống phụ thuộc vào người khác vì không quen lao động, không thích cực khổ. Điều này thật đáng trách và đáng tiếc!”.
Bà Bùi Thanh Huyền kể mới đây, một cô gái trẻ, xinh đẹp đến tìm gặp bà để nhờ tư vấn có nên giữ lại cái thai hay không. M., tên cô gái, cho biết cô 22 tuổi, sinh viên năm cuối của một trường đại học tại TP HCM. Người yêu cô 55 tuổi, làm giám đốc một doanh nghiệp lớn ở TP. Ông ta đã có gia đình, con cái và không bao giờ muốn bỏ gia đình để lấy M. dù nói yêu cô mỗi ngày. M. khoe tuy không có danh phận nhưng cô được người yêu chu cấp đầy đủ, mỗi tháng đi du lịch trong nước một lần, mỗi năm thì có một chuyến du lịch nước ngoài.
“M. cho biết ông ấy nhất định bắt cô phải bỏ thai và đây là lần thứ 3 mang thai nên M. có chút băn khoăn. Tôi đã khuyên M. nên suy nghĩ kỹ vì thêm một lần phá thai có thể ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của cô. Sau một giờ trò chuyện, tưởng đâu M. đả thông tư tưởng, ai dè cô ấy nói: “Nhưng mà anh ấy hứa sẽ mua nhà nếu em bỏ thai. Em không quen sống cực khổ...” - bà Huyền ngao ngán.

Anh không đủ bao dung

Tình cảm vợ chồng đâu phải như chiếc nhẫn tháo ra rồi đeo lại được. Có những thứ mất đi mãi mãi dù ta hối tiếc tìm lại...

Anh đón em về với anh trong sự chống đối quyết liệt của gia đình, bạn bè và nhất là mẹ anh. Trước sự cản trở của mọi người về mối quan hệ của chúng ta, có lúc anh tưởng như muốn buông tay chấm dứt, nhưng anh biết nếu làm thế anh sẽ đau khổ biết chừng nào vì anh yêu em.

Em, một người phụ nữ quá 30, hơn anh 4 tuổi, chín chắn và khôn khéo. Mọi người không bảo em xinh đẹp. Nhưng đối với anh, em lúc đó thật duyên dáng, mặn mòi và có sức thu hút thực sự. Đi bên cạnh em, anh thấy mình cao lớn vững vàng, có thể chở che cho người phụ nữ của đời mình, chẳng có gì là chênh lệch hay khoảng cách cả.

Giờ thì chúng mình đã có con, một bé gái 3 tuổi xinh xắn giống cả ba và mẹ. Em bây giờ đã là một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Còn anh, anh không quá tự hào về bản thân nhưng vẫn là người đàn ông làm ra tiền, vẫn phụ vợ chăm con, đôi lúc nhậu nhẹt chút đỉnh và bản lĩnh đàn ông không đến nỗi nào.

Dạo gần đây anh thấy em đổi khác, hay cau có vô cớ, nạt nộ con cái. Em hay nổi điên bất thường với anh khiến nhiều lúc anh không “đỡ” nổi. Bởi vậy cả tháng cứ chiến tranh lạnh hoài làm anh mệt mỏi. Làm một thằng đàn ông, anh cũng có lúc cần phải phát điên chứ làm sao chịu được. Chẳng hiểu có chuyện gì với em?

Tối qua anh bàn với em sẽ sinh thêm một đứa con nữa cho bé Su có anh có em. Nhưng em đùng đùng nổi giận, em lại gỡ chiếc nhẫn cưới vứt ra giường bảo anh hãy đi kiếm người phụ nữ khác làm việc đó, rằng anh và mẹ chỉ biết bóc lột sức lực của em, rằng bao nhiêu năm nay em cày bừa làm lụng lo cho cả nhà. Giờ em cần được nghỉ ngơi và hưởng thụ, chứ không sinh nở gì nữa hết, đời là mấy sao em cứ phải phí hoài tuổi xuân trong gánh nặng con cái.

À thì ra đối với em gia đình là gánh nặng. Anh cứ tưởng với người phụ nữ thì gia đình, chồng con là niềm vui, hạnh phúc là mục đích sống và phấn đấu! Em nói mà không cần nghĩ. Mẹ anh tuy nhiều tuổi nhưng bà có lương hưu, ở nhà phụ vợ chồng mình trông cháu chứ nào có ăn bám ai. Anh vẫn làm ra tiền, tuy không nhiều như em nhưng vẫn chu toàn vợ con chứ đâu kém cỏi. Con gái dễ thương bụ bẫm, lanh lẹ, ai cũng thích ẵm bồng.Thế chưa đủ ư? Gia đình nào mà chẳng có cãi vã, giận hờn, gây gỗ. Nhưng đâu phải cứ cãi nhau là tháo nhẫn, em đã tháo rồi đeo lại bao nhiêu lần liệu em có nhớ?? Tình cảm vợ chồng đâu phải như chiếc nhẫn tháo ra rồi đeo lại được. Có những thứ mất đi mãi mãi dù ta hối tiếc tìm lại, nó cũng không vừa vặn như lúc đầu.

Tự dưng tim anh đau nhói. Có thể người đàn ông khác thì sẽ thiếu bình tĩnh mà bạt tai vợ, nhưng lúc đó, chẳng hiểu sao trong anh trống rỗng. Anh bước vào nhà tắm, nhìn qua gương, hình ảnh chiếc nhẫn cưới lăn lóc, hình ảnh em của ngày xưa nhạt nhòa, méo mó không còn rõ rệt.

Giờ thì anh hiểu vật chất và đỉnh cao vinh quang rất dễ khiến con người thay đổi. Anh cũng chỉ là một thằng đàn ông bình thường, biết yêu, biết giận, biết tự ái khi ai đó xúc phạm. Nên anh không đủ bao dung để tha thứ cho em thêm một lần nữa đâu, em ạ!! Bởi vì có những vết thương sẽ không bao giờ lành lại dù cho ta tìm mọi cách để chữa.

Đàn ông nam tính đâu phải lạnh lùng

Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương.

Con đón sinh nhật lần thứ 18, ba muốn nói với con nhiều điều với tư cách là một người đàn ông đi trước chia sẻ với người đàn ông đi sau, chàng trai của ba!

Con đã phụng phịu khi nhận từ mẹ món quà không ưng ý. Ba biết là con thích món quà đắt tiền hơn, nhưng mẹ không đủ khả năng để đáp ứng. Mẹ đã cố gắng giải thích để con vui lòng, vậy mà con tỏ thái độ lạnh tanh. Một người đàn ông nhận quà từ phụ nữ, mà có thể lạnh tanh như vậy sao? Ba thật sự buồn, nhất là khi người đàn ông đó lại là con ba.

Trong nhà mình, chẳng phải ba đã thỏa thuận với con rằng, hai người đàn ông chúng ta phải học cách yêu thương và chiều chuộng người phụ nữ là mẹ con, con không nhớ sao? Có lần, con khen một nhân vật trong phim Hàn là “đầy nam tính” bởi anh ấy lúc nào cũng lạnh lùng, không bao giờ mở miệng nói xin lỗi bạn gái, để cuối cùng cô bạn gái phải hạ mình xin lỗi ngược hòng giữ tình yêu. Nhưng con ơi, cái lạnh lùng và bất cần chẳng làm nên nam tính đúng nghĩa đâu.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương. Thay vì cố tạo ra ánh mắt lạnh lùng, bất cần đời như nhân vật trong phim, con hãy tập quan tâm đến người khác, để ánh mắt con luôn trìu mến. Vài năm nữa thôi, con sẽ có bạn gái, và sau đó sẽ có vợ. Rồi con sẽ hiểu, người phụ nữ yêu người đàn ông của họ vì rung động trước những cử chỉ quan tâm, đỡ đần, bảo vệ…

Ba cũng không hài lòng khi con đã lớn mà chưa biết làm những việc cơ bản cho bản thân. Con luôn muốn có một đôi giày thời thượng, nhưng con lại lúng túng trong cách xỏ dây giày, phải nhờ đến ba. Con sung sướng khi có một chiếc áo hiệu đắt tiền, nhưng con không biết cách ủi nó, cũng không biết cách xếp nó. Ba cũng đồ rằng, con chưa biết cách thắt cà vạt. Đó là lỗi của ba. Ba sẽ dạy con cách xếp một chiếc áo sơ mi vào vali như thế nào để không bị nhăn, dạy con cách xỏ dây giày cơ bản, dạy con cách thắt cà vạt. Có thể, đó là những việc lặt vặt, nhưng một người đàn ông phải bắt đầu trở thành người “lớn” bằng cách làm thật tốt những việc nhỏ. 

Con cần phải phân biệt được các chất liệu vải để biết loại nào có thể giặt máy, loại nào phải giặt bằng tay, loại nào chỉ phơi trong mát chứ không phơi ngoài nắng. Con cũng cần tập quan sát những đôi giày của phụ nữ, để biết từng loại đế, từng loại da. Khi con có gia đình, người phụ nữ của con có thể hờ hững với số tiền lớn con mang về, nhưng sẽ rất xúc động và yêu con thật nhiều khi chồng biết giúp vợ giặt đồ, âm thầm sửa lại đôi giày cho vợ…

Ba cần nhấn mạnh với con rằng, người đàn ông nam tính không phải là người khệnh khạng bước vào nhà hàng, nói năng trịch thượng với người phục vụ, ngồi ăn ung dung, lạnh lùng. Đó phải là người nhã nhặn với mọi người, thuần thục trong động tác kéo ghế cho người phụ nữ đi cùng và quan tâm, chăm chút đối với người cùng bàn.

Có thể, khi đọc những dòng này, con sẽ nghĩ, nhà mình có người giúp việc rồi, sao con vẫn phải quan tâm đến những chuyện vặt vãnh như vậy? Con ạ, người giúp việc có thể giúp chúng ta đỡ đần việc nhà, nhưng bản lĩnh của một người đàn ông là có thể làm được cả việc lớn lẫn việc nhỏ, từ đó làm chủ mình. Nếu con đang rảnh, con tự tay ủi chiếc áo cho mình, trông con sẽ nam tính hơn là lạnh lùng “lệnh” cho người giúp việc ủi áo.

Và, ba cần nhắc lại rằng, trước một người phụ nữ, kể cả người đó là mẹ con, việc yêu chiều, quan tâm, nâng đỡ sẽ tô đậm nét nam tính hơn là lạnh tanh, lười động tay vào những việc nhỏ.

Ba mong, sau này, khi không còn ba bên cạnh nhắc nhở, con vẫn là người đàn ông ấm áp yêu thương trong ánh mắt, nhẹ nhàng và dịu dàng trong hành động, nhất là đối với phụ nữ; và luôn ở tâm thế quan tâm, chia sẻ với người khác trong từng việc nhỏ nhất, con nhé!

Có cần phải giữ gia đình cho con?

Thà là một con người hạnh phúc một mình, còn hơn là kẻ bất hạnh có đôi. Hãy để con trẻ học bài học đó từ thời thơ ấu...

Hầu như mọi ông bố bà mẹ khi đứng trước ngưỡng quyết định ly hôn thường được nghe lời khuyên sau đây: “Bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng xấu đến con cái”. Tất nhiên, không thể bàn cãi gì nữa, trong gia đình ly hôn, con trẻ chịu thiệt thòi và đau khổ.

Trẻ con sẽ hạnh phúc hơn khi được sống trong gia đình toàn vẹn, được nhận sự quan tâm, chăm sóc của cả mẹ lẫn cha, nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của cả hai người – chiếc chìa khóa cho hạnh phúc riêng của đứa trẻ trong tương lai khi nó hiểu được ý nghĩa của một gia đình bên nhau. Nhưng tất cả những sự phát triển hòan hảo đó, thật không may, chỉ diễn ra trong hình ảnh của các nhà tâm lý học.

Còn thực tế thường diễn ra như thế nào? Có một quan niệm hết sức thông thường và phổ biến rằng người phải bảo vệ gia đình, giữ gìn sự ấm áp của mái nhà là phụ nữ - và tệ hơn nữa là người ta cho rằng phụ nữ phải làm điều đó bằng mọi giá – bắt đầu từ sự hy sinh tự do riêng, cảm xúc riêng, vân vân – bất kể thực tế rằng thường sau khi ly hôn, cuối cùng là trẻ vẫn ở với mẹ. Hãy đừng xem xét các vấn đề vật chất và áp lực nuôi dạy con cái. Hãy xem xét điều gì diễn ra trong tâm lý của trẻ trong tình huống này?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hãy tưởng tượng sự việc: người phụ nữ quyết định ly hôn với chồng. Bỏ qua những nguyên nhân như sự phản bội trắng trợn, bạo lực gia đình và những vấn đề nặng nề khác, ta chỉ xét tới nguyên nhân thông thường nhất: chồng không quan tâm tới gia đình, con cái, không kiếm tiền đủ cho đời sống sinh hoạt, anh ta chẳng mấy khi có mặt ở nhà.

Cuối cùng thì người vợ cũng nhận ra rằng đằng sau cái hàng rào hôn nhân đó là một thế giới tuyệt vời mà ở đó, cô ấy không phải chịu đựng những vấn đề căng thẳng do người chồng gây ra và cô ấy tuyên bố dự định ly hôn của mình. Chỉ cần nghe thấy thế là tất cả họ hàng, người thân sẽ đổ lên đầu cô ấy những lời mắng nhiếc: “Chị làm sao thế? Chị thật là ích kỷ. Chị chỉ nghĩ đến chị thôi sao? Phải nghĩ tới con cái chứ! Chị làm cho con chị mất cha! Nó sẽ phải chịu đựng những người xa lạ! Hãy nghĩ đến những điều tồi tệ mà con chị sẽ phải gánh chịu từ quyết định của chị! Chị làm sao nuôi dạy con cái một mình!” – vân vân và vân vân.

Cũng không hiếm trường hợp, chính người cha, người chẳng hề động đậy một ngón tay cho việc bảo vệ và gìn giữ gia đình lại là người dọa dẫm người mẹ. Và cũng có không ít trường hợp người mẹ khi không muốn buông tay thả người đàn ông đi khỏi gia đình đã từ lâu không còn tồn tại của mình thì lấy con trẻ ra đề đe dọa chồng: “Anh mà ly hôn thì đừng bao giờ mong được nhìn thấy con”.

Có một câu hỏi thú vị là con trẻ có thể có hạnh phúc hay không trong một gia đình luôn luôn xung đột, với một người mẹ suy nhược hay một người cha luôn chán nản hoặc bị kích động? Có hay không sự liên kết để giáo dục con cái trong một thỏa thuận ngầm: “Chúng ta hãy sống vì con” và im lặng chịu đựng lẫn nhau, cố gắng giấu đi sự thù hằn? Con trẻ sẽ học được gì trong mối quan hệ đầy bệnh hoạn trong gia đình, khi người ta sống một cách bất hạnh, hy sinh thời gian sống quý báu của mình vì một ai đó?

Hơn nữa với kiểu chọn lựa sống này, chẳng ai khác ngoài chính con trẻ sẽ là người phải trả giá. Chúng trở thành kẻ tội đồ khi người mẹ tuyên bố: “Mẹ sống với bố chỉ vì các con! Mẹ đã chịu đựng khổ sở bao nhiêu năm qua chỉ đề các con có một ông bố!” Và cảm giác có lỗi với cuộc sống khổ sở của mẹ sẽ đè nặng lên vai của con trẻ ngay cả khi chúng đã lớn lên. Điều tội tệ nhất chính là con người từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ tiếp tục lặp lại cảnh “Chúng tôi chịu đựng bất hạnh chỉ vì con cái” và không có khả năng thoát khỏi lời nguyền số phận về sự bất hạnh, sự hy sinh, cảm giác có lỗi đó.

Chẳng lẽ lại không tốt đẹp hơn khi trẻ được sống với một người mẹ vui vẻ, hạnh phúc, tự do và thanh thản – thậm chí dù là sau đó phải có một ông bố khác không phải bố ruột của mình hay có thể là hoàn toàn không có ông bố khác nữa? Thà là một con người hạnh phúc một mình, còn hơn là kẻ bất hạnh có đôi. Hãy để con trẻ học bài học đó từ thời thơ ấu, bắt đầu từ cha mẹ mình, chứ không phải từ kinh nghiệm sống buồn tủi của chúng ngay cả khi đã là người lớn.